Kiến thức văn học [P2]: Vì sao tác phẩm văn học cần không gian nghệ thuật?
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học là một bình diện biểu hiện hình thức bên trong của tác phẩm, góp phần thể hiện tính xác định và tính chỉnh thể của tác phẩm.
Không gian nghệ thuật là gì?
Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính chủ quan.
Ngoài không gian vật thể, có không gian tâm tưởng (Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu. Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng – Tố Hữu). Do vậy không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy được vào không gian địa lý. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hoá các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự.
Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới – dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng. Không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở, để mô hình hóa các kiểu tính cách con người. Không gian nghệ thuật có thể là không có tính cản trở, như trong cổ tích, làm cho ước mơ, công lí được thực hiện dễ dàng. Ngôn ngữ của không gian nghệ thuật rất đa dạng và phong phú.
Các cặp phạm trù cao – thấp, xa – gần, rộng – hẹp, cong – thẳng, bên này – bên kia, vững chắc – bập bênh, ngay – lệch,… đều được dùng để biểu hiện các phạm vi giá trị phẩm chất của đời sống xã hội. Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật.
Như vậy, có thể hiểu không gian nghệ thuật là một bình diện quan trọng của thi pháp, chỉ hình thức tồn tại chủ quan của thế giới nghệ thuật với vài đặc điểm:
Không gian nghệ thuật thuộc về phương diện hình thức bên trong của tác phẩm.
Không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại của thế giới hình tượng.
Không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối và mang tính quan niệm.
Với tư cách là một phương diện thi pháp trong kết cấu nghệ thuật của một tác phẩm, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại chủ quan của hình tượng nghệ thuật. Tính chủ quan của không gian thể hiện ở chỗ nó là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ, được biểu hiện dưới hệ quy chiếu của điểm nhìn chủ thể. Và đến lượt mình, không gian cũng mở ra một trường nhìn khác về thế giới. Tùy theo cá tính sáng tạo, mỗi nghệ sĩ sẽ cho ra đời những mô hình thế giới riêng để chuyển tải những quan niệm riêng của chủ thể về cuộc đời.
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm là sự mô hình hóa các mối liên hệ về thời gian, đạo đức, xã hội của bức tranh thế giới. Với vai trò này, không gian thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ với thời gian nghệ thuật. Có nhiều khi, thời gian được không gian hóa, trở thành một chiều của không gian. Trong không – thời gian ấy, hình tượng nhân vật đã vận động qua nhiều mối quan hệ với chính cái tôi nội cảm dưới những quan điểm đạo đức nhất định của xã hội. Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật còn tạo thành các ngôn ngữ, biểu tượng nghệ thuật để biểu hiện thế giới quan niệm của tác phẩm. Vai trò ấy đã khẳng định tính biểu trưng của không gian trong văn học. Người nghệ sĩ khi sáng tác không đơn thuần là việc vẽ lại những không gian vật lí mang tính vật chất đơn thuần mà cái chính là muốn gửi gắm một góc nhìn về con người và cuộc đời. Chính vì vậy, trong quá trình khám phá tác phẩm cần phải xem xét không gian nghệ thuật như một quan niệm về thế giới, một phương diện thể hiện cảm xúc và tư tưởng thẩm mĩ của tác giả. Bởi lẽ, cũng như thời gian thì không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống.
Lưu ý rằng, mô hình không gian nghệ thuật trong văn học rất đa dạng. Lốtman đã đưa ra ba mô hình không gian:
Không gian điểm.
Không gian tuyến.
Không gian mặt phẳng.
Nếu như không gian tuyến có hướng vươn đến chiều dài, không gian mặt phẳng có hướng vươn ra chiều rộng thì không gian điểm lại được xác định bằng các giới hạn và tính chất chức năng của nó, tính đối lập của nó. Giáo sư Trần Đình Sử thì chia không gian nghệ thuật theo những ranh giới giá trị để có không gian bên trong và không gian bên ngoài, không gian bất biến và không gian khả biến, không gian trên cao và không gian dưới thấp…
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học
Không gian nghệ thuật trong văn học là một dạng thái hình tượng nghệ thuật, là một bình diện biểu hiện hình thức bên trong của tác phẩm, góp phần thể hiện tính xác định và tính chỉnh thể của tác phẩm. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống, thể hiện nhà văn nhìn nhận và phản ánh con người, sự vật trong những khoảng cách, góc nhìn và kênh thẩm mỹ nào đó. Vì vậy, không có hình tượng nghệ thuật nào, nhân vật nào không có một không gian nghệ thuật.
Một số đặc trưng của không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học:
Tính chất rộng, hẹp; bề mặt, chiều sâu; lịch sử, văn hóa; hành vi, tâm lý…, của hình tượng không gian phụ thuộc vào đối tượng, phạm vi phản ánh và mục đích, cách thức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Không gian nghệ thuật có thể là một góc sân, khoảng trời, giếng nước, sân đình hay một dòng sông hò hẹn; một vùng đất rộng lớn nơi chiến trường diễn ra, một vùng quê giàu giá trị văn hóa; một địa chỉ địa lý hay một miền hồi ức, một miền tâm trạng mà con người vẫn thường chìm nổi trong đó. Chẳng hạn: Không gian trong bài thơ “Qua đèo Ngang” (Bà Huyện Thanh Quan) là kiểu không gian lữ thứ. Trong đó, tính tương trùng của không gian vật lý, địa lý với không gian tâm trạng được bao hàm nhau trong hình tượng thơ: không gian có nắng xế tà nơi đèo vắng, có cảnh hiu hắt, thưa vắng của những kiếp người mưu sinh nhọc nhằn…, và không gian tâm trạng cô lẻ, buồn thương của nhân vật trữ tình.
Không gian nghệ thuật là hình tượng không gian có tính chủ quan và tượng trưng của tác giả. Do vậy người phân tích tác phẩm cần phải tìm và chỉ ra được tính sáng tạo nghệ thuật trong cách miêu tả, đánh giá, triết luận. Chẳng hạn:
“Chu môn tửu nhục xú,
Lộ hữu đống tử cốt”
(Cửa son rượu thịt để ôi
Xương người chết đói nằm phơi ngoài đường)
(Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự – Đỗ Phủ).
“Đại địa xứ xứ giai Mịch La”
(Mặt đất nơi nơi đều là sông Mịch La)
(Phản chiêu hồn – Nguyễn Du)
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng”.
(Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận).
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm nghệ thuật ngoài ba chiều còn có chiều không gian tâm tưởng – không gian cảm xúc của hồi tưởng, của ước vọng, vì nó luôn gắn liền với cảm xúc và mang ý nghĩa nhân sinh. Không gian nghệ thuật không đơn giản chỉ là không gian vật chất mà chủ yếu là tái hiện lại không gian tinh thần, nghĩa là không gian vật chất chỉ là điều kiện, cơ sở, chất liệu để tạo nên không gian tinh thần, và không gian tinh thần chính là hình tượng không gian. Ví dụ trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, bên cạnh không gian sóng nước tự nhiên là không gian tâm tưởng về sóng tình cảm, và không gian tồn tại ngắn ngủi, vô thường của đời người trong cái vĩnh hằng của không gian tự nhiên.
Không gian nghệ thuật có nhiều lớp: không gian vũ trụ (bao gồm không gian thiên nhiên và vũ trụ); không gian xã hội; không gian địa lý; không gian tâm lý. Không gian vũ trụ là kiểu không gian được tác giả dùng thiên nhiên, vũ trụ làm nền để miêu tả cuộc sống và con người, nhưng chứa đựng xúc cảm con người. Ví dụ, trong hình tượng vũ trụ và thiên nhiên: mây, núi, cánh chim, bóng chiều, chứa đựng xúc cảm cô đơn, buồn thương của con người:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Tràng Giang – Huy Cận).
Không gian xã hội là khoảng không gian gắn với biến cố, sự kiện xã hội và con người trong tác phẩm. Ví dụ như không gian cư dân sinh sống và chiến đấu vùng hang Hòn trong “Hòn Đất” của Anh Đức, làng Đông Xá trong “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố, với mối quan hệ giữa giai cấp nông dân với địa chủ trong khung cảnh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Không gian địa lý là không gian tự nhiên gắn với các yếu tố địa danh:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.
(Đò xuôi Thạch Hãn – Lê Bá Dương)
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.
(Tây Tiến – Quang Dũng)
“Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài”
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm).
Không gian tâm lý là kiểu không gian trong đời sống tinh thần của nhân vật, có các chiều kích và đặc điểm phụ thuộc vào tâm cảm của nhân vật. Ví dụ:
“Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu”.
(Ca dao)
“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao”.
(Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh).
Không gian nghệ thuật phải là không gian mang tính tinh thần, tư tưởng, thẩm mỹ của tác giả. Nó là sản phẩm sáng tạo của tác giả thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Có thể không gian tinh thần dựa trên không gian vật lý, địa lý, vật chất nhưng ý nghĩa của nó thì khác hẳn. Không gian trong tác phẩm có thể là nhà tù, con đường, làng quê, cánh đồng…, nhưng nó có ý nghĩa là không gian nghệ thuật chỉ khi nó mang ý nghĩa tinh thần và những quan niệm sống của tác giả. Ví dụ trong “Thơ duyên” của Xuân Diệu, Tràng giang của Huy Cận; “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân; “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm; “Sông lấp” của Tú Xương. Trong “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm), toàn bộ bức tranh về không gian ở bên kia sông Đuống được tác giả sáng tạo trên cơ sở những kí ức, và được nâng lên thành không gian của những nét đẹp văn hóa của vùng Kinh Bắc – một phần tinh hoa văn hóa Việt Nam:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”
Trong Sông Lấp (Tú Xương), cái vỏ không gian địa lý của Sông Lấp chứa đựng tính nội dung của không gian nghệ thuật, đó là hồn quê Việt trong hình ảnh con sông xưa. Dòng sông, con đò xưa được gọi về qua sự liên tưởng của nhân vật trữ tình từ tiếng ếch:
“Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.
Không gian nghệ thuật không chỉ là không gian hiện hữu, hiển lộ bằng các dấu hiệu của đặc điểm địa lý mà còn là không gian chìm, không gian tâm tưởng mà nhân vật sống, trăn trở, trải nghiệm trong đó. Ví dụ hai miền không gian nơi hai con người trong một con người Chí Phèo tồn tại (trong “Chí Phèo” của Nam Cao); không gian tâm tưởng trong Mới ra tù, tập leo núi của Hồ Chí Minh; không gian bề sâu tâm hồn và nhân cách văn hóa, lịch thiệp, nghệ sỹ của ông lão San-ti-a-gô trong “Ông già và biển cả” của Hê-minh-uê.
Không gian nghệ thuật trong văn học luôn mang tính qui định của thể loại và các giai đoạn sáng tác khác nhau trong lịch sử văn học. Văn học dân gian là những sáng tác của tập thể mang tính nguyên hợp, là những suy nghĩ hồn nhiên, những tình cảm chất phác được thể hiện một cách đa dạng và phong phú trong quá trình lao động, chiến đấu và sinh tồn của nhân dân. Do vậy, không gian nghệ thuật là những dạng thái, chiều kích của không gian chứa đựng và phản ánh những tín ngưỡng, những quan niệm và triết lý về vũ trụ và nhân sinh, những cảnh ngộ sinh tồn, những trạng thái cảm xúc. Đó có thể là không gian liên thông giữa thượng giới, trần gian và địa ngục; không gian của một câu chuyện mang tính lịch sử; không gian của một mảnh xúc cảm tương tư gắn với ngõ sau, cổng chùa, bến sông…, tùy theo từng thể loại.
Không gian trong thần thoại là không gian mà các thần tồn tại và luôn gắn liền với các phép lạ. Đó là không gian định tính, không chiều kích, không ranh giới. Chẳng hạn: Ban đầu vũ trụ là một cõi hỗn độn, mờ mịt, tối tăm, lạnh lẽo. Từ cõi hỗn độn ấy, Thần Trụ Trời xuất hiện, ông lấy đầu đội trời lên cao và dùng chân đạp đất thấp xuống (Thần Trụ Trời).
Không gian trong sử thi là không gian có tính chất địa vực, lịch sử và huyền thoại. Tính huyền thoại trong sử thi thể hiện ở chất hư ảo, kì diệu. Chẳng hạn, Đăm – Săn có thể lên trời, nói chuyện với trời. Tính sử của không gian sử thi là khoảng không gian diễn ra những cuộc chiến của các tù trưởng, các bộ lạc; hoặc không gian phiêu lưu trên con đường chinh phục lãnh địa của các nhân vật anh hùng sử thi, chẳng hạn không gian của cuộc chiến thành Troy trong Iliat. Đi liền với không gian có tính lịch sử là không gian có tính địa vực, ví dụ không gian vùng biển với các hòn đảo, không gian của chiến trường rộng lớn, trời đất bao la trong Iliat và Ôđixê; không gian nước Nga cổ xưa với từng đoàn kị binh, xe ngựa với những cỗ xe tam mã, tứ mã trong Câu chuyện về cuộc hành binh Igor; không gian chiến trận gắn với núi rừng hùng vĩ, bạt ngàn trong Đăm Săn.
Không gian trong cổ tích thần kỳ là không gian không có giới hạn. Do đó, hành động của con người không bị hoàn cảnh cản trở, con người có thể làm được bao điều kỳ diệu. Tính chất thần kì của truyện cổ tích một phần là do không gian không giới hạn này tạo nên. Trong không gian đó, nhân vật tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình, không thể đổ lỗi cho không gian. Tuy nhiên, lô gic đã được định trước: Nếu là thiện thì sẽ chiến thắng, chẳng hạn Thạch Sanh trong truyện Thạch Sanh, Tấm trong Tấm Cám. Nếu có lòng ác thì sẽ bị trừng trị, ví dụ phú ông trong Khắc xuất khắc nhập, mẹ con Cám trong Tấm Cám, người anh trong Cây khế. Việc giảm nhẹ, thậm chí triệt tiêu sự cản trở của môi trường là để tăng cường tính tích cực trong hoạt động của nhân vật. Những phương tiện đi lại kì diệu như chiếc thảm bay, đôi hài bảy dặm, viên ngọc quý giúp nghe được tiếng nói của muôn loài và có thể rẽ nước đi xuống biển…, chính là các điều kiện triệt tiêu tính cản trở và giới hạn của không gian, tạo nên những thế giới rất đa dạng, phong phú và diệu kỳ trong truyện cổ tích.
Không gian trong ca dao cổ là không gian sinh hoạt, không gian lao động, không gian của những tâm tư, tình cảm, ước vọng của con người. Do vậy, nó gắn liền những địa điểm sinh hoạt, lao động với cảnh vật, với những gì rất gần gũi thân quen như bờ ao, bến nước, đầu đình, rào thưa, đồng cạn, đồng sâu…, đồng thời cũng là không gian tâm trạng hay những miền tâm tư của nhân vật.
Có thể là không gian đầu đình:
“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”
Có thể là không gian cánh đồng:
“Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”
Có thẻ là không gian bờ ao tâm tư:
“Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ”
Có thể là không gian ngõ sau:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó lên mả mẹ ruột đau chín chiều”
Có thể là không gian nỗi niềm:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.”
Nhân vật nếu phải đi xa thì tâm trạng luôn nhung nhớ, tương tư, đau khổ: Ai đi muôn dặm non sông,/ Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy… Điều đó là thực tế một nét tâm lý con người thời xưa, vì đường sá, phương tiện đi lại khó khăn nên con người không muốn đi xa, ngại và sợ đi xa. Hơn nữa, con người Việt Nam truyền thống vốn chỉ quen với cuộc sống lao động và sinh hoạt trong làng và đồng ruộng giáp làng nên không có nhu cầu hay thói quen đi xa. Nhìn chung,
không gian trong ca dao mang tính mô-típ, mỗi kiểu mô-típ gắn với một kiểu tâm trạng, xúc cảm nhất định nào đó.
Không gian nghệ thuật trong văn học viết bao gồm không gian văn học trung đại và văn học hiện đại. Không gian trong văn học trung đại chịu ảnh hưởng, tham chiếu, chi phối của văn hóa trung đại, đồng thời của hiện thực xã hội và con người trong mang tính lịch sử. Các kiểu không gian cơ bản của nó là không gian vũ trụ, không gian thế sự, không gian lịch sử – chiến trận, không gian cung vua phủ chúa; không gian liên thông giữa thiên đường – trần thế – địa ngục. Trong mỗi thể loại văn học trung đại lại có những đặc trưng riêng. Trong truyện, truyện thơ có tính huyền thoại, không gian có nhiều vùng miền, tầng bậc như trần thế, thiên đường, địa ngục. Từ “Thần khúc” của Đăng-tơ đến Dương Từ Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu, từ “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh đến “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ đều có những kiểu không gian như thế. Không gian trong loại truyện anh hùng thường gắn với các chiến trường, chẳng hạn như “Thủy hử” của Thi Nại Am, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung.
Đối với các nhân vật anh hùng, kiểu không gian nổi bật và phổ biến là không gian bề nổi, không gian hành động chứ không phải không gian bề chìm, không gian tâm lý. Trong loại truyện mang tính chất đạo sĩ thì không gian có tính chất hư ảo, thần kỳ. Trong loại truyện kiếm hiệp thì pha trộn nhiều loại không gian: có không gian không cản trở của cổ tích, không gian không giới hạn của phiêu lưu, không gian diễm tình, không gian hư ảo. Không gian trong thơ trung đại bao gồm không gian vũ trụ, không gian xã hội và không gian tâm sự riêng tư. Trong đó chủ yếu là không gian vũ trụ, nhất là ở những bức tranh trữ tình: “Xanh kia thăm thẳm từng trên/ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?/ Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt,/ Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây” (Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn); “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Trong thơ trung đại, ở những loại cổ thể có tính tự do, không bị ràng buộc bởi niêm luật, không gian xã hội và tâm trạng cũng xuất hiện. Chẳng hạn, không gian chiến trận, loạn ly trong “Binh xa hành” (Bài hành xe ra trận) của Đỗ Phủ; không gian binh đao, mất mùa, đói khát trong “Trở binh hành” (Bài hành việc binh đao làm nghẽn đường) của Nguyễn Du. Không gian tâm tư riêng trong thơ trung đại cũng có nhưng chiếm tỉ lệ không lớn. Chẳng hạn không gian vợ chồng xa cách, ly biệt, nhớ nhung và buồn thương trong “Nguyệt dạ” (Đêm thu) của Đỗ Phủ:
“Bao giờ chung bóng song the
Cho đôi dòng lệ đầm đìa ngừng tuôn?”
Không gian trong “Kí mộng” (Ghi lại giấc chiêm bao) của Nguyễn Du là không gian tâm sự của nhà thơ với vợ mình trong giấc mộng buồn thương, đó vừa là không gian gặp gỡ trong tình cảnh hiện tại xót xa, khổ đau, vừa là không gian địa lý rợn ngợp, hãi hùng vì xa cách, biệt ly:
“Trước nói chuyện đau yếu
Sau kể sầu chia ly
Nghẹn lệ không thành tiếng
Phảng phất bức màn che
Bình sinh không thuộc lối
Biết hồn ai hiện về?
Lam thủy thuồng luồng nấp
Tam Điệp hùm beo kề.
Vóc liễu ai che chở
Trên đường đầy hiểm nguy”.
Nhìn chung, trong lộ trình phát triển của thơ trung đại, càng về sau thì không gian tâm tình riêng càng xuất hiện nhiều. Thơ Hồ Xuân Hương và thơ Tú Xương là những ví dụ tiêu biểu. Không gian chiều cao cũng thường được sử dụng trong việc nói chí và bộc lộ cảm xúc vì càng lên cao càng bao quát, càng chiếm lĩnh được không gian rộng lớn, chan hòa với vũ trụ, hoặc thể hiện sự cô đơn tột cùng. Trần Tử Ngang trong Đăng U Châu đài ca (Bài hát lên đài U Châu) bộc lộ nỗi buồn thương cho sự sinh tồn ngắn ngủi, đứt đoạn của con người giữa mênh mông và vô tận của đất trời:
“Người trước chẳng thấy ai
Người sau thì chưa tới
Ngẫm trời đất vô cùng
Riêng lòng đau lệ chảy”.
Đỗ Phủ có bài Đăng cao nổi tiếng, thể hiện cái nhìn khoáng đạt về không gian và tâm trạng buồn thương của mình:
“Mênh mang lá rụng rào rào đổ
Hun hút sông dài cuồn cuộn trôi.
Muôn dặm buồn thu thường lẻ khách
Một thân già bệnh bước lên đài”.
Không Lộ thiền sư đăng cao thể hiện tâm chí của mình giữa vũ trụ:
“Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”
(Ngôn hoài).
Trong thơ cổ, không gian lữ thứ cũng rất nổi bật. Do thời xưa, con người có tâm lý e ngại không gian xa lạ nên rất sợ đi xa vì đi xa được coi là rơi vào lữ thứ, tha hương, khi nào nói đến đi xa là đau lòng:
“Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”
(Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan)
“Xung quanh những nước non người
Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu
Đoạn trường thay lúc phân kỳ”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Không gian lữ thứ có ý nghĩa như một phương tiện để con người bộc lộ mình. Đỗ Phủ mượn không gian lữ thứ để thể hiện lòng thủy chung:
“Bao giờ chung bóng song the
Cho đôi dòng lệ đầm đìa tấm thương”
(Đêm trăng).
Nguyễn Du khẳng định khí phách Từ Hải trong không gian lữ thứ:
“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Không gian cá nhân trong thơ trung đại Việt Nam chỉ đến giai đoạn cuối thời trung đại thì cái tôi mới xuất hiện rõ và khá đậm ở sáng tác của một số tác giả, chẳng hạn trong một số tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Ở phương Đông, người ta lấy dòng họ để gọi tên cho triều đại, con người tồn tại không phải với tư cách một cá nhân mà với tư cách là một thành viên của cộng đồng, một bộ phận của thế giới. Ngay cả ước mong cũng là cho cả mọi người:
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ đều hân hoan
Gió mưa chẳng núng, vững như thạch bàn!
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được”
(Bài hát nhà tranh bị gió thu phá nát – Đỗ Phủ)
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
(Bảo kính cảnh giới – Nguyễn Trãi).
Ngay cả với thơ trữ tình là thể loại thường thể hiện tâm sự riêng, thế nhưng cá nhân lại hòa đồng với thế giới, cá nhân hòa tan vào trong vũ trụ:
“Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm”
hoặc:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
(Truyện Kiều – Truyện Kiều).
Như vậy, khi dùng hình thức vũ trụ để thể hiện tâm tình, các nhà thơ cổ không quan niệm về cá nhân như một cái riêng.
Thơ trữ tình trung đại của Việt Nam trữ tình bằng cách tự sự, nghĩa là nó nêu ra, trình ra một trạng thái trữ tình được thể hiện bằng cảnh vật. Ví dụ chùm thơ thu (Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm) của Nguyễn Khuyến không trực tiếp bộc lộ thái độ, cảm xúc mà thái độ, cảm xúc buồn lặng, cô độc nằm trong bức tranh qua các chi tiết của vũ trụ, thiên nhiên theo một quan niệm và cái nhìn nghệ thuật thống nhất.
Không gian trong thơ trung đại vẫn tiếp diễn tồn tại một phần nào đó trong thơ Việt Nam hiện đại ở chỗ còn phảng phất không gian vũ trụ và trữ tình một cách gián tiếp. Chẳng hạn:
“Mây vẩn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly”
(Xuân Diệu)
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”
(Huy Cận).
Không gian nghệ thuật trong văn học hiện đại có những đặc trưng khác biệt với văn học trung đại. Văn học hiện đại ra đời trong những điều kiện mới có những đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội và con người khác biệt so với thời trung đại. Mặt khác, những nhu cầu mới và mỹ cảm của con người đối với văn học thời hiện đại cũng khác trước, đặc biệt là sự vận động tự thân của văn học hiện đại đã tạo nên những cái mới so với văn học dân gian và văn học trung đại. Do vậy, không gian nghệ thuật trong văn học cũng đã thay đổi. Một mặt, không gian nghệ thuật trong văn học hiện đại có những kế thừa, tiếp nối một số đặc điểm, tính chất nhất định của văn học trung đại, nhưng mặt khác – và cơ bản là sự đổi mới ở việc thể hiện đa dạng, phong phú, nhiều chiều kích và cấp độ hơn không gian nghệ thuật trong văn học trung đại.
Không gian trong văn học hiện đại có những đặc điểm cơ bản sau:
Một là, nhìn ở cấp vĩ mô, không gian trong văn học hiện đại có biên độ rất rộng, nhiều khi chiếm lĩnh cả một vùng rộng lớn của hiện thực, bao gồm nhiều kiểu loại nhân vật, phản ánh bức tranh lịch sử xã hội rộng lớn. Chẳng hạn như không gian trong các tác phẩm Tấn trò đời của Ban-zăc, Chiến tranh và hòa bình của Lép-tôn-xtôi, Sông Đông êm đềm của Sô-lô-khốp.
Hai là, nhìn chung không gian trong văn học hiện đại thoát khỏi tính ước lệ, tượng trưng khi miêu tả con người; bám sát hiện thực cuộc sống và con người, miêu tả chi tiết, chân thực. Nam Cao miêu tả gương mặt thị Nở chi tiết, cụ thể, cá biệt; Nguyễn Du tả dung mạo và gương mặt Thúy Kiều và Thúy Vân với các nét tượng trưng, ước lệ.
Ba là, không gian trong văn học hiện đại chú trọng đến mảng không gian chìm, không gian nội tâm với một biên độ nhiều khi không giới hạn. Trong khi cả văn học dân gian và văn học trung đại, nhân vật về cơ bản đều không được thể hiện trong không gian tâm lý, nội tâm. Văn học hiện đại coi việc miêu tả nội tâm là một đặc điểm quan trọng của hình tượng, một phương diện thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn.
Bốn là, trong văn học hiện đại, tính sáng tạo của cá nhân nhà văn rất cao với ý nghĩa như là điều kiện tất yếu tạo nên vị thế, giá trị của nhà văn và tác phẩm. Do vậy, tính cá thể hóa trong không gian nghệ thuật rất lớn, và luôn mang dấu ấn sáng tạo không lặp lại của người nghệ sĩ và cũng là một yếu tố góp phần tạo nên cái Tôi. Nó không phải là cái khung, cái mô hình, mô típ như trong văn học trung đại mà trở thành những hình tượng riêng biệt, như một sinh thể sống thực sự với những nội dung mới mẻ lần đầu tiên được tìm thấy trong những hình tượng không gian đó.Văn học hiện đại đã đi sâu phản ánh cuộc sống, số phận của từng cá nhân, trong mối quan hệ hữu cơ với cuộc sống nhân dân. Vì vậy không gian văn học mang đậm dấu ấn cá nhân. Mỗi tác giả thơ Mới đều có không gian cá nhân riêng và đặc thù, góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú trong bức tranh chung của thơ Mới. Không gian thơ Xuân Diệu luôn gắn với tình yêu và nỗi buồn, không gian biến chuyển hình thái và sắc màu mau lẹ. Thơ Chế Lan Viên nổi bật không gian nghệ thuật đầy hư ảo mộng mị, ma quái. Thơ Nguyễn Bính tạo ấn tượng bởi không gian chân quê, tình quê, hương quê. Văn học hiện thực phê phán cũng đa dạng về không gian. Sáng tác của Ngô Tất Tố thể hiện không gian của làng, với mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ cùng nỗi khổ đau của người nông dân; những hủ tục, lề thói trong khung cảnh của đình làng, lũy tre và cả không gian thi cử ngày xưa của sĩ tử. Nam Cao hướng đến cả hai phạm vi không gian bề mặt là nông thôn và thành thị, nhưng tạo dấu ấn sáng tạo sâu đậm và đặc biệt là không gian bề chìm, tâm lý của con người với những xung lực tương tác mạnh mẽ, quyết liệt. Vũ Trọng Phụng chú ý đến cả không gian khổ đau, bất hạnh của người nông dân ở nông thôn và cả không gian băng hoại đạo đức của con người nơi phố thị.
Năm là, không gian nghệ thuật trong văn học hiện đại trở về gần hơn với cuộc sống thực của con người, bám sát hiện thực để phản ánh mâu thuẫn xã hội, cuộc sống khổ cực, vất vả và bất hạnh của con người lao động cũng như những trăn trở, khát vọng, mong ước của con người trần thế. Không gian nghệ thuật trong văn học hiện đại Việt Nam thể hiện chân dung xã hội cũ trước Cách mạng tháng Tám 1945, hoặc cuộc sống mới xây đựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều khi không gian và con người thực ngoài đời bước vào trang sách còn tươi nguyên tính thời sự (Bà má Hậu Giang, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Mẹ Suốt của Tố Hữu; Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi; Hòn đất của Anh Đức; Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành…). Trong các bức tranh cuộc sống xã hội, không gian con người bao giờ cũng mang tính chất trung tâm. Tính chuyển của không gian trong văn học hiện đại tùy thuộc vào không gian hoạt động, quan tâm, trăn trở…, của con người theo những biến đổi của hiện thực đời sống xã hội, lịch sử, văn hóa và tâm linh.
Tóm lại, không gian nghệ thuật là một kiểu hình tượng nghệ thuật, là hình thức tồn tại của tác phẩm. Do vậy, khi phân tích tác phẩm thì không gian nghệ thuật cũng là một đối tượng tiếp cận rất có ý nghĩa, một nội dung cần tìm hiểu để đi đến đúng bản chất tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm.
Xem thêm: Kiến thức văn học [P1]: Vì sao tác phẩm văn học phải có nhân vật điển hình?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận