Về "bữa cơm ngày đói" trong "Vợ nhặt" của Kim Lân

“Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”...

Đỗ Thu Nga
15:00 20/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Cảm nhận của anh chị về bữa cơm ngày đói trong đoạn trích: “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại…Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.” Từ đó nhận xét về giá trị hiện thực và nhân đạo của nhà văn.

BÀI VIẾT:

Kim Lân là một trong những nhà văn hướng ngòi bút của mình về với cội nguồn cuộc sống nông thôn thuần hậu nguyên thủy. Đến với “Vợ nhặt”, ta bắt gặp tình cảm nhân đạo xót xa trên từng trang viết của văn nhân. Đó là khung cảnh của nạn đói bao trùm, là tình huống nhặt vợ éo le, thương cảm. Đó còn là hình ảnh nồi cháo cám hiện hữu ngay giữa tác phẩm – nơi những con người khốn khổ ấy vẫn mong mỏi một cái gì tươi sáng “lóe” lên ngay trong cuộc sống tăm tối của họ. “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại… Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.” Đoạn trích vừa là áng văn xúc cảm về tình người đầm ấm, vừa là điểm sáng trong cách khai thác chiều sâu hiện thực và giá trị nhân đạo của nhà văn Kim Lân.

“Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Kim Lân, trích trong tập “Xóm ngụ cư”. Bối cảnh toàn bộ thi phẩm diễn tả hiện thực đời sống người nông dân Việt Nam những năm 1945. Tuy nhiên, chỉ đến khi hòa bình lập lại, năm 1954, “Vợ nhặt” mới chính thức được ra mắt bạn đọc, trở thành “đứa con đẻ” tinh thần của Kim Lân. Khi đọc “Vợ nhặt”, người đọc sẽ chẳng thể nào quên không khí vương vẩn của cái đói, cái nghèo trong bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới. Đoạn trích thuộc phần giữa tác phẩm cũng như là một trong những đoạn văn viết về người nông dân thành công nhất của Kim Lân.

Ve-bua-com-ngay-doi-trong-Vo-nhat-cua-Kim-Lan-0

M.Gorki đã từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Nếu chi tiết chiếc lá cuối cùng trong tác phẩm của O.Henri được coi là yếu tố “kiến tạo” nên thương hiệu của nhà văn, nếu Nam Cao để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc với chi tiết bát cháo hành thì nhà văn Kim Lân lại khéo léo xây dựng, thể hiện chân thực chi tiết nồi cháo cám – hình ảnh “gieo” vào lòng người đọc biết bao thương nhớ, ám ảnh tột cùng của cái nghèo, cái đói bủa vây. Lời văn của Kim Lân dẫn ta vào bữa ăn đón nàng dâu mới với bao chân thực: “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”. Hai chữ “thảm hại” như đã nói lên tất cả: sự nghèo đói, thiếu thốn, sự cơ cực và bần cùng hóa! Trong bữa cơm ấy, ấn tượng day dứt trong tôi về hình ảnh “cái mẹt rách” hiện lên thật đau đớn, xót xa. Ấy là hình ảnh nồi cháo cám được đặt ở giữa cái mẹt rách, ăn kèm là món rau chuối thái rối cùng một đĩa muối. Niêu cháo “lõng bõng”, khi ấy mỗi người “được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn”. Miêu tả chân thực cảnh bữa cơm ngày đói, dường như Kim Lân đã thổi vào trong trang văn luồng gió nặng trĩu xúc cảm xót thương thật mạnh mẽ. Theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, bữa cơm đầu tiên gia đình đón nàng dâu mới thường có sự xuất hiện của những món ăn dân tộc truyền thống, thêm vào đó là sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Thế nhưng, điều mà nhà văn muốn nói ở đây không phải mâm cao cỗ đầy hay giá trị vật chất thịnh soạn, nhân văn muốn nhấn mạnh vẻ đẹp quý giá của tình người dẫu trong cơ cực, thiếu thốn. Niêu cháo tuy ít ỏi và không đủ no nhưng đó là thức quà, là bữa cơm duy trì sự sống cho mỗi thành viên trong gia đình. Và vào miệng những miếng cháo “lõng bõng” ấy, điều còn lại chính là giá trị của tình thương, của hạnh phúc gia đình đầm ấm. Để không khí gia đình thêm phần vui vẻ, bà cụ Tứ đã đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười: “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Bát chè khoán tuy bình dị, dân giã và thiếu thốn với những miếng cháo nghẹn ứ cả cổ họng, thế nhưng mọi thành viên trong gia đình vẫn đón nhận món ăn ấy bằng sự vui vẻ, phấn khởi. Khi miêu tả hình ảnh bát chè khoán, Kim Lân còn khai thác bên cạnh đó chi tiết “đám mây đen” và “đàn quạ bay vù lên”. Điều đó thể hiện một hiện thực còn khốn cùng hơn cả hiện thực. Ánh đen của bóng tối, của màn đêm đang chìm vào không khí nơi đây, màu đen của cái đói, màu đen của sự ngột ngạt chìm trong chết chóc. Như vậy, Kim Lân đã thành công khi miêu tả cảnh bữa cơm ngày đói đón nàng dâu mới, đoạn văn còn bao trùm cả hiện thực nghèo đói, xác xơ trên từng nét chữ.

Người nghệ sĩ chân chính trên hành trình tìm kiếm cái đẹp không tách rời với hiện thực phong phú. Văn phong của Kim Lân ánh lên trong đó cái đẹp của tình người, tình đời sâu sắc. Trước một hiện thực khốn cùng – “cái đói đã tràn đến xóm này từ lúc nào”, những con người trong câu chuyện của nhà văn dường như thấu hiểu được điều đó, họ không tủi phận mà họ thương cho chính phận đời rẻ rúng của mình. Trong bữa cơm, bà cụ Tứ luôn nhắc đến chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn những chuyện vui, “toàn chuyện sung sướng về sau này”. Với tư cách là một bà mẹ đã gần đất xa trời, bà lão mong muốn lan tỏa niềm vui, năng lượng tích cực đến các con, mong một tương lai tươi sáng sau này. “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng chỗ bếp kia làm chuồng gà thì tiện quá”. Sâu thẳm trong lời nói của bà, người đọc dường như thấm thía bao suy tư, nỗi lòng của người mẹ: thương và lo lắng cho các con. Cả cuộc đời mẹ tần tảo, hi sinh vì những đứa con yêu dấu, tâm nguyện lớn nhất của người làm cha, làm mẹ suy cho cùng là mong các con khôn lớn, trưởng thành, biết lo nghĩ cho cuộc sống sau này. Câu chuyện đàn gà cũng chính là sự kì vọng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của bà cụ. Không chỉ vậy, người mẹ ấy còn dành tình cảm mến yêu, thương xót cho Tràng và con dâu. Bà lão mang ra giữa nhà bát chè khoán dành cho các con. Chi tiết nhỏ bé ấy lại là sự thể hiện lớn lao của bà cụ. “Người mẹ vẫn tươi cười, đon đả”, lấy từng bát chè khoán đưa cho Tràng và thị. Thế nhưng, đằng sau nụ cười hồn hậu ấy là gì? Phải chăng phía sau vẻ bề ngoài luôn tỏ ra mạnh mẽ, vui vẻ của bà cụ Tứ lại là một nỗi lòng thầm kín? Bà lão đã khóc khi Thị hỏi về tiếng trống thúc thuế. “Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc”. Bởi tiếng trống thúc thuế ấy ẩn chứa biết bao nỗi đau trong tâm can bà cụ. “Đằng thì nó bắt trồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ”. Như vậy, nhân vật bà cụ Tứ vừa là hiện thân của hình ảnh người mẹ tần tảo, hi sinh vì con, vừa là con người nhạy bén, sâu sắc, giàu lòng yêu thương và chan chứa nỗi đau đất nước bị xâm lược.

Nếu bà cụ Tứ hiện lên với dáng vẻ của người mẹ hiền thì nhân vật thị lại bước vào trang văn của Kim Lân với tư cách một người con dâu hiếu thảo, nết na. Chứng kiến bữa cơm ngày đói thiếu thốn, thị không tỏ thái độ không bằng lòng, thay vào đó, ở nhân vật này, ta thấy sự cam chịu, chấp nhận cảnh sống nghèo khó. Bởi lẽ, thị đã theo Tràng về làm dâu để giải thoát cái đói cho chính mình, tức là người đàn bà ấy đã học cách chấp nhận hiện thực. Chi tiết “Hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng” để lại trong lòng ta nhiều day dứt. Sự éo le của cuộc sống đã khiến người đàn bà tối lại trong hai con mắt. Thế nhưng, từ “điềm nhiên” đã cho thấy thái độ bình thản và sự lạc quan trong thị. Có lẽ nàng dâu mới là một người rất hiểu chuyện, chi tiết thị hỏi bà cụ Tứ về tiếng trống thúc thuế càng gợi mở nét đẹp hồn nhiên, muốn được tìm ra lời giải đáp thích đáng trong thị. Có thể thấy, từ một người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, thị đã trở về đúng bản tính của người phụ nữ hồn hậu, biết điều. Ở người đàn bà ấy, ta thấy được niềm khát khao được sống mãnh liệt và tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

Trong khi đó, nhân vật Tràng được đặt trong bữa cơm ngày đói với ít hành động, diễn biến được nhà văn tập trung miêu tả. “Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn”. Câu văn duy nhất mà Kim Lân dành để miêu tả Tràng trong đoạn văn diễn tả bữa cơm ngày đói. Phải chăng điểm nhìn của tác giả đang hướng về người con dâu và mẹ chồng? Vốn là người con trai duy nhất duy nhất còn sống cùng với bà cụ Tứ, Tràng thương và hiểu cho mẹ. Ở nhân vật này, ta thấy có sự chuyển dòng rõ rệt: từ anh con khù khờ, nông nổi, giờ đây Tràng chính thức trở thành trụ cột của gia đình. Trước nền hiện thực tăm tối ấy, Tràng không gục ngã trước cuộc sống, người đọc thấy được khát vọng và niềm tin vào tương lai bất diệt của nhân vật.

Nghệ thuật là câu trả lời độc đáo của cái đẹp, chỉ riêng mình nó không thừa nhận cái chết. Trang văn viết về hiện thực éo le của Kim Lân vẫn sống mãi trong lòng người đọc trước hết bởi tài năng xây dựng tình huống truyện bất ngờ, lối viết đi sâu vào miêu tả tâm lý, nội tâm nhân vật sâu sắc. Đặc biệt, chi tiết nồi cháo cám là một sáng tạo đầy tài tình của Kim Lân. Bên cạnh đó, ta còn xúc động, ám ảnh trước phong cách viết truyện, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, gần gũi với đời sống nông thôn. Bởi vậy mà có nghệ sĩ đã từng nói: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với trời, với đất, với thuần hậu nguyên thủy nông thôn”

Vợ nhặt” là tác phẩm mà Kim Lân đã dụng công sáng tạo giá trị hiện thực và nhân đạo thấm đẫm trong trang văn bình dị ấy. Grandi từng cho rằng: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Ngòi bút xúc cảm của nhà văn vẫn tuôn trào những “giọt máu” của cuộc sống hiện thực éo le, bi kịch. Kim Lân đã trực tiếp thể hiện sự cùng cực của cái đói, cái nghèo đeo bám con người tới hơi thở cuối cùng. Đó là bức tranh hiện thực của nạn đói khủng khiếp đã cướp đi sinh mệnh hơn hai triệu đồng bào ta. Đó là chi tiết nồi cháo cám ám ảnh, xúc động mà chân thực đến da diết. Điểm mới trong giá trị hiện thực được thể hiện ở cách khai thác đề tài, nhà văn hướng con người đến tương lai tươi sáng, từ hiện thực đói khổ ấy mà con người tự giải thoát mình. Sê-khốp khi nói về văn học nghệ thuật từng cho rằng: “Nhà văn chân chính là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Giá trị nhân đạo thấm đẫm nơi trang viết của Kim Lân không chỉ thể hiện ở cái nhìn thương cảm, xót xa đối với mảnh đời bất hạnh, lên án sự tàn bạo, dã man của bọn thực dân mà qua đó, Kim Lân còn thể hiện tiếng nói của sự ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của họ. Nhà văn đề cao giá trị của tình thương và khát vọng sống, mở ra cuộc sống tươi đẹp cho nhân vật của mình.

Đọc “Vợ nhặt”, ta thêm yêu, thêm trân trọng cuộc sống hiện tại. Hơi thở hiện thực trong ngòi bút của Kim Lân đã hướng con người đến với lẽ sống tình thương, tình người đầm ấm. Bởi “Văn học là nhân học” (M.Gorki).

(Bài viết của Lệ Linh đăng trên Viết văn học trò)

Xem thêm: Mách 2k5 cách đặt nhận định văn học vào phân tích tác phẩm Vợ nhặt

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận