"Suất đặc cách" Olympic và kỳ tích đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam của Quách Thị Lan
Quách Thị Lan đã đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi trở thành vận động viên đầu tiên góp mặt trong bán kết một kỳ Thế vận hội.
Quách Thị Lan là ai?
Quách Thị Lan sinh ngày 18/10/1995 (quê ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa), là nữ vận động viên điền kinh chạy nước rút và vượt rào của điền kinh Việt Nam. Trong gia đình, ngoài Quách Thị Lan thì anh trai là Quách Công Lịch cũng là 1 vận động viên điền kinh.
Được biết, Quách Thị Lan bắt đầu tập điền kinh từ năm 16 tuổi. Khi đó, sau một kỳ thi ở giảng đường, cô gái cao 1m70 đã được các giáo viên trong trường tạo điều kiện để hướng theo con đường thể thao chuyên nghiệp.
Tập được 5 tháng ở Thanh Hóa, Quách Thị Lan khăn gói lên đường ra Từ Sơn (Bắc Ninh) để tập luyện và thi đấu. Cũng từ đó, cô gái trẻ chính thức bước chân vào con đường thể thao chuyên nghiệp.
Theo báo Công an nhân dân, Quách Thị Lan không mất quá nhiều thời gian để ghi tên trong đội hình của Đội tuyển quốc gia. Bởi chỉ 1 năm sau đó, Lan đã được chấm vào diện có thể ganh đua huy chương ở nội dung 400 mét và 400m rào.
Do xuất phát điểm quá muộn lại đan xen với việc rút ngắn quá trình tuyển chọn lên thi đấu đỉnh cao khiến Quách Thị Lan phải trải qua nhiều áp lực về chấn thương. Nữ vận động viên điền kinh xứ Thanh từng thừa nhận, chân của mình hơi yếu so với mọi người, vì không có thời gian rèn giũa ở một độ tuổi sớm hơn.
Chấn thương gối trở thành mãn tính với Quách Thị Lan. Và từ đó, cô phải sống cùng cái đầu gối mong manh, tập luyện nhiều hơn để cải thiện yếu điểm của mình.
Trong quá trình đứng ở đội tuyển quốc gia, Quách Thị Lan không làm thầy cô và người hâm mộ thất vọng. Quách Thị Lan giành được khá nhiều thành công. Cụ thể:
Tại Đại hội Thể thao châu Á 2018
Ở chung kết 400m rào nữ, Quách Thị Lan về nhì với thời gian 55 giây 30, dù phá kỷ lục quốc gia nhưng chỉ đủ để đạt tấm huy chương bạc. Người về nhất là vận động viên người Bahrain Kemi Adekoya về nhất với thành tích 54 giây 48, phá kỷ lục đại hội.
Tuy nhiên, vào ngày 19/7/2019, Cơ quan Liêm chính Điền kinh đã ra quyết định xử phạt Adekoya về việc sử dụng chất cấm (Stanozolol) khi thi đấu ở Asiad 2018. Chất cấm nữ VĐV này sử dụng nằm trong danh sách chất cấm của Ủy ban Phòng chống Doping Thế giới.
Liên đoàn điền kinh thế giới đã thông báo Kemi Adekoya bị tước huy chương vàng tại Asiad 2018, đồng nghĩa với việc Quách Thị Lan chính thức đạt ngôi vị cao nhất nội dung chạy vượt rào 400m nữ Đại hội Thể thao châu Á 2018.
Tại Giải vô địch điền kinh châu Á
Ở Giải vô địch điền kinh châu Á 2017, Quách Thị Lan đạt huy chương bạc 400m nữ với thành tích 52 giây 78, thua Nirmala Sheoran 0,77 giây (52 giây 01). Còn ở nội dung tiếp sức 4x400m. Lan cùng đồng đội là là Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Oanh giành huy chương bạc với thành tích 3 phút 33 giây 22, thua thành tích 3 phút 31 giây 34 của đội Ấn Độ có Nirmala Sheoran thi đấu.
Đến ngày 29/6/2018, Nirmala Sheoran được lấy mẫu thử doping. Mẫu thử này sau đó bị phát hiện là có drostanolone và metenolone, hai chất thuộc danh mục cấm của Ủy ban Phòng chống Doping Thế giới. Đến ngày 10/10/2019, Liên đoàn Điền kinh thế giới thông báo Sheoran bị cấm thi đấu 4 năm vì sử dụng chất kích thích. Tổ chức này đồng thời hủy mọi kết quả thi đấu và thành tích của cô trong giai đoạn tháng 8/2016 đến tháng 8/2018. Như vậy, Quách Thị Lan được trao lại 1 huy chương vàng cá nhân và 1 huy chương vàng đồng đội.
Ngoài ra, Quách Thị Lan còn giành được tấm huy chương vàng SEA Games vào năm 2015 và 2017.
"Suất đặc cách" tại Olympic Tokyo 2020
Trong một bài phỏng vấn, Quách Thị Lan cho biết, 1 - 2 năm gần đây khi sắp bước vào tuổi 30, cô nghiêm túc nghĩ đến chuyện lập gia đình, sinh con. Với một VĐV điền kinh, điều đó đồng nghĩa với việc theo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao không còn như trước nữa.
Ở gần vạch đích của sự nghiệp, Quách Thị Lan bất ngờ nhận được món quà từ Olympic Tokyo 2020. Theo đó, Lan được Liên đoàn Điền kinh Thế giới và Ủy ban Olympic Quốc tế chấp nhận suất đặc cách tham dự Olympic Tokyo 2020 do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề cử.
Đây là suất đặc cách dành cho quốc gia không có VĐV giành vé trực tiếp và cô cũng là đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020.
Được biết, đây cũng là kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp của Quách Thị Lan. Cô được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam lựa chọn thi đấu ở cự ky 400m rào. Đây là nội dung rất khó, yêu cầu cao nhất của điền kinh tại Olympic.
Nhưng đây cũng là niềm vinh dự to lớn với Quách Thị Lan. Bởi cô là VĐV gốc Á duy nhất và cũng là 1 trong 2 VĐV điền kinh châu Á (người còn lại là Aminat là VĐV người Bahrain gốc Nigeria) được thi đấu ở nội dung này.
400m rào là nội dung thuộc diện đẳng cấp thế giới tại bộ môn điền kinh. Cơ hội dành cho những vận động viên châu Á ở nội dung thường là rất nhỏ bé. Mở rộng ở toàn bộ môn điền kinh, lịch sử điền kinh Việt Nam cũng chỉ xuất hiện một VĐV vượt qua vòng loại đầu tiên (vòng heat) ở Olympic. Đó là Vũ Thị Hương ở nội dung chạy 100m nữ tại Bắc Kinh 2008. Hương đạt thành tích 11,65 giây và vào tứ kết, trước khi bị loại.
Khi Quách Thị Lan tham gia tranh tài ở nội dung này có không ít người nhận định, đây là thử thách rất khó. Nhưng cũng chính vì nó khó nên Lan sang Tokyo thi đấu với một tâm lý hết sức khỏe mái.
“Nói không có áp lực thì cũng không phải bởi có một chút hồi hộp khi lần đầu tiên mình được tham dự một giải đấu lớn như vậy. Tuy nhiên việc được cọ xát với những VĐV có thành tích rất tốt trên thế giới cũng là động lực để mình cố gắng nhiều hơn, học hỏi được nhiều”, Quách Thị Lan lạc quan chia sẻ.
Quách Thị Lan đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam
Quách Thị Lan mang đến Olympic Tokyo 2020 sự lạc quan vốn có của người Việt Nam và tinh thần thượng tôn thể thao rất cao. Quách Thị Lan thi đấu hết sức với những gì đã tập luyện và nỗ lực trong suốt hành trình làm vận động viên chuyên nghiệp.
Để khích lệ tinh thần của Quách Thị Lan trước khi thi đấu, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã thưởng cho cô 10 triệu đồng. Nếu vào được bán kết, cô sẽ được thưởng thêm 20 triệu đồng và vào đến chung kết được thưởng thêm 30 triệu đồng. Tổng số tiền mà Quách Thị Lan được thưởng nóng nếu vào được vòng đấu chung kết là 60 triệu đồng.
Theo đúng kế hoạch, sáng 31/7, Quách Thị Lan tham dự nội dung vòng loại 400m rào tại Olympic. Có 41 VĐV tham gia tranh tài ở nội dung 400m rào nữ tại Olympic Tokyo 2020. Sau vòng loại, có 24 VĐV vào thi đấu bán kết để chọn ra 8 VĐV xuất sắc nhất vào đấu chung kết.
Sau thời gian thi đấu, Quách Thị Lan về đích thứ 5 của lượt chạy thứ 3 với thời gian 55 giây 71, nhưng được đôn lên hạng 4 do VĐV Leah Nugent phạm quy. Theo quy định, 4 VĐV dẫn đầu mỗi lượt chạy sẽ giành vé vào bán kết.
Ngay sau khi về đích, Quách Thị Lan cho biết rất vui vì ngày hôm nay nhập cuộc với tâm trạng không bị áp lực: "Chuyên gia dặn tôi phải thật thoải mái khi bước vào thi đấu và tôi đã thực hiện được điều này. Việc được thi đấu với các vận động viên hàng đầu thế giới trong đó có số một thế giới Sydney McLaughlin đã cho tôi trải nghiệm đầy thú vị”.
Thông số 55 giây 71 là thành tích tốt thứ 2 trong sự nghiệp của Lan ở nội dung này, chỉ sau kỷ lục cá nhân 55 giây 30 lập tại Asian Games 2018. Quách Thị Lan cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cô không thể tập luyện và thi đấu bình thường suốt gần 2 năm qua, nhưng luôn nỗ lực vượt khó."Trong phần thi ngày hôm nay, một điều đáng tiếc là tôi bị lỗi kỹ thuật ở 2 rào cuối. Tôi sẽ quyết tâm hơn ở lượt chạy bán kết. Được chạy với 24 VĐV hàng đầu thế giới là vinh dự lớn với tôi. Việc được có mặt và thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 đã giúp tôi có cơ hội học hỏi, hoàn thiện hơn và đặc biệt là rèn luyện bản lĩnh thi đấu", Lan cho biết.
Theo lịch thi đấu bán kết, Lan sẽ chạy ở làn 3 lượt đầu tiên lúc 18h35 ngày 2/8. Lan trở thành VĐV đầu tiên của Đoàn Thể thao Việt Nam góp mặt ở vòng bán kết tại Olympic Tokyo. Lan cũng đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam bởi trước cô chưa có VĐV điền kinh nào của Việt Nam vào tới bán kết một kỳ Thế vận hội, không tính các nội dung thi luôn chung kết.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận