Từng có một vụ mưu sát nhằm vào Hồ Quý Ly mà chính sử không nhắc đến

Khi đã đăng cơ hoàng đế, Hồ Quý Ly tiếp tục trở thành mục tiêu mưu sát. Tuy nhiên, câu chuyện này chính sử không nhắc đến.

Từng có một vụ mưu sát nhằm vào Hồ Quý Ly mà chính sử không nhắc đến

Khi đã đăng cơ hoàng đế, Hồ Quý Ly tiếp tục trở thành mục tiêu mưu sát. Tuy nhiên, câu chuyện này chính sử không nhắc đến.

Chính sử chép Hồ Quý Ly bị mưu sát mấy lần?

Hồ Quý Ly tên tự là Lý Nguyên. Tổ tiên vốn họ Hồ, nguyên quán ở vùng Đào Đột đất Diễn Châu (nay thuộc Nghệ An), đến đời thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, đất Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa), làm con nuôi quan Tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình gọi là Lê Liêm. Quý Ly là cháu bốn đời của Lê Liêm (Hồ Liêm) nên trước khi làm vua có tên là Lê Qúy Ly.

Nhờ có hai người cô ruột là cung phi của vua Trần Minh Tông mà từ dòng ngoại thích, Hồ Quý Ly được vua Trần chú ý, tin dùng. Cũng nhờ tài năng và sự khôn khéo của mình mà Hồ Quý Ly nhanh chóng thăng tiến ở chốn quan trường. Từ Chi hậu tứ cục chánh chưởng lên Khu mật viện đại sứ rồi phong thêm chức Trung tuyên quốc thượng hầu.

Đến năm Kỷ Mùi (1379), thêm chức Tiểu tư không và Nguyên nhung hành Hải tây đô thống chế, tới năm Đinh Mão (1387) được phong Đồng bình chương sự, được ban cho một thanh gươm và một lá cờ đề chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”...

Vào năm Ất Hợi (1395), Quý Ly giữ chức Nhập nội phụ chính Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù bằng vàng...

Vua Hồ Qúy Ly (Hình minh họa)

Thế lực của Hồ Quý Ly càng lớn, quyền thế khuynh đảo triều cương khiến một số văn võ đại thần phẫn nộ, dũng cảm công khai phản ứng. Bảng nhãn Lê Hiến Giản thẳng thắn chê trách Hồ Quý Ly. Ly giận lắm nhưng để bụng, không nói gì. 

Sách Nam Định tỉnh địa dư chí khi viết về Lê Hiến Giản có đoạn chép như sau: “Hồ Quý Ly chuyên quyền làm ngang, ông cùng Giản Hoàng lo mưu giết Quý Ly. Gặp khi Qúy Ly đi vào phủ công, ông sai môn khách cầm dao đâm Quý Ly, bị Quý Ly bắt được rồi giết. Giản Hoàng ban cho áo quan bằng đồng, quách bằng đá và lễ vật rất hậu để chôn cất".

Dã sử thì cho hay, em Lê Hiến Giản là Lê Hiến Tứ cùng dự mưu giết Hồ Quý Ly nên cũng bị sát hại, cùng bị hành hình ngày 12/12 năm Kỷ Mão – 1399 (thần tích thì ghi là năm Canh Ngọ 1390), thi hài hai người được đưa về chôn cất tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Việc mưu sát Quý Ly do Lê Hiến Giản chủ trương theo lệnh của vua Trần.

8 năm sau sự việc này, vua Trần Xương Phù lại tiếp tục tìm cách diệt trừ Hồ Quý Ly. Tuy nhiên, lần này lại tiếp tục thất bại. Thất bại của vua tôi Trần Xương Phù cũng được chính sử bình phẩm như sau: “Vua là người ngu hèn, chẳng biết làm gì, uy quyền ngày một về tay người dưới, xã tắc nghiêng đổ, đến thân mình cũng chẳng giữ được. Thương thay!... Giản Hoàng nhút nhát phải tự lập quyền bính có chủ, mệnh lệnh từ trên ban ra, thì lòng tham của họ Hồ tự phải dẹp đi. Trang Định không tính đến việc ấy; Á Phu cũng không hiểu là vua không có tài cương đoán, lại khuyên vua giết Qúy Ly mà cơ mưu không cẩn thận, để cho nó biết trước. Trang Định lại không quyết đoán sớm, làm lỡ cơ hội, đến nỗi việc hỏng mình chết” (Đại Việt sử ký toàn thư)…

Còn 1 vụ mưu sát Hồ Quý Ly mà chính sử không nhắc đến

Ngoài những vụ mưu sát được nhắc đến trong chính sử, có một vụ mưu sát nhằm vào Hồ Quý Ly không được chính sử nhắc đến. Song theo quyền tụng dân gian, sau này được ghi chéo trong sách Cổ nhân đàm luận thì vụ việc xảy ra khi Ly đã lên ngôi hoàng đế.

Dã sử kể, khi mới cướp ngôi, Hồ Quý Ly thường mượn cớ đi tuần thú để truy tìm, dò xét con cháu nhà Trần để bắt giết. Bấy giờ, nhiều hoàng thân quốc thích họ Trần phải đổi họ để tránh họa sát thân, trong đó có Trần Kiểu là cháu vua Trần Anh Tông. 

Trần Kiểu khi ấy đang lẩn trốn tại nhà một người quen là Phan Thế Thúc ở trại An Giang, huyện Đại An, phủ Thiên Trường (nay là Nam Định). Nghe tin Hồ Quý Ly đang tầm nã con cháu nhà Trần, Trần Kiểu sai người đi mời Vũ Duy Dương, một người bạn gần đó về bàn việc.

Khi Vũ Duy Khương Đến, Trần Kiểu kể lại thảm cảnh của con cháu họ Trần rồi than khóc, nhờ bạn báo thù. Cảm thông trước hoàng cảnh của Trần Kiểu, Vũ Duy Dương nói: "Ngựa gặp Bá Nhạc mới gầm hét khoe tài, người gặp tri kỷ mới liều thân báo đáp, nay ngài ngỏ lời, tôi xin tận trung, dẫu chết cũng cam lòng". 

Nói xong, Vũ Duy Dương ra về. Ngày đêm miệt mài tập luyện võ nghệ nhưng cũng không quên để ý mọi thông tin về Hồ Quý Ly. Mộ hôm dò biết được vua Hồ tuần thú ở phủ Thiên Trường và sắp lên núi Thôi Ngôi để vãn cảnh chùa. Duy Dương nhận thấy đây chính là cơ hội nên đã mang theo ngọn giáo dài, lên núi trước nấp trong bụi rậm chờ, tìm cơ hội mưu sát "nghịch tặc cướp ngôi".

Khi Hồ Quý Ly xuống kiệu đi lên núi cùng đoàn tùy tùng, đợi vua gần đến bụi cây, Vũ Duy Dương bất ngờ nhảy ra đâm một nhát vào mặt. Tuy bị giật mình nhưng Hồ Quý Ly cũng nhanh chóng né được. Mũi giáo đâm trượt qua mũ. Vua Hồ mất đà ngã xuống đất nhưng đám võ sĩ, ngự lâm theo hầu nhanh chóng vực dậy, số khác lao vào bắt được Vũ Duy Dương. 

Thích khách ẩn núp chờ cơ hội ra tay ám toán (Hình minh họa)

Hồ Quý Ly sai người trói nghiến lại tra khảo, bắt Dương khai ra kẻ chủ mưu. Nhưng lúc này Dương lại nói: "Ta cốt báo thù cho con cháu nhà Trần, tiếc là trời không giúp giết được ngươi, thật đáng tức biết bao!”.

Hồ Quý Ly vẫn cố hỏi: "Ngươi nói trả thù, vậy kẻ xưng là con cháu nhà Trần là ai?". Vũ Duy Dương đáp: "Trăm họ nước Nam đều là con cháu nhà Trần cả, sao phải hỏi".

Vua Hồ tức đỏ con mắt, sai người đánh tơi da, nát thịt Vũ Duy Dương. Thế nhưng, Dương nhất định không khai, còn dùng hết sức bình sinh nói rằng: "Trời sai ta giết đứa vô đạo như ngươi, chứ không có ai sai khiến việc này. Muốn chém, muốn giết thì cứ làm, đừng hỏi nhiều nữa!”.

Lúc này, Hồ Quý Ly liền sai người lấy kìm sắt bẻ hết răng để tra khảo nhưng cũng không moi được tin tức gì. Hồ Quý Ly lại sai người chặt hết chân tay, Dương ngất đi, khi tỉnh lại liền nói: "Trời sai ta giết đứa vô đạo như ngươi, chứ không có ai sai khiến việc này. Muốn chém, muốn giết thì cứ làm, đừng hỏi nhiều nữa!”

Hồ Quý Ly đồng ý, ra lệnh cho quân lính tháo gông cùm. Vũ Duy Dương dù bàn chân, bàn tay đã bị chặt mất nhưng vẫn dùng chút sức lực cuối cùng ngoảnh mặt về hướng làng Tức Mặc, đất hương ấp của họ Trần mà lạy hai lạy rồi nói khấn rằng: "Thần thề sống không giết được giặc Hồ thì chết đi cũng xin làm quỷ dữ mà ăn thịt tên nghịch thần tặc tử!”.

Khấn xong liền đập đầu vào đá mà chết. Dù giận Vũ Duy Dương nhưng lại khâm phục ý chí, nghĩa trung nên vua Hồ đã ra lệnh cho người an  táng tử tế.

Còn Trần Kiểu, khi nghe tin mưu sát không thành, bạn thì chết vì nghĩa liền lăn ra khóc thảm thương. Sau đó trốn sang nước Lão Qua (Lào ngày nay). 

Theo chính sử ghi chép, có một người tên Trần Cảo, tự xưng là con cháu vua Trần, vì tránh sự truy sát của nhà Hồ mà trốn vào châu Ngọc Ma, giáp với nước Lão Qua, được thổ quan che giấu. Về sau lấy danh nghĩa tìm lập con cháu họ Trần để thực hiện chính sách giao bang với nhà MInh nên Trần Cảo được bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đón về lập làm vua một thời gian. Phải chăng Trần Kiểu trong dã sử chính là Trần Cảo được nhắc đến trong chính sử?

Những vụ mưu sát nhằm vào Hồ Quý Ly được thuật lại dài ngắn khác nhau nhưng qua đó cũng có thể thấy được tâm lý và thái độ của các tầng lớp nhân dân với nhà Hồ và cá nhân Hồ Quý Ly. Nhìn về tổng quá, thời gian tồn tại ngắn ngủi và sự thất bại của nhà Hồ chứa đựng nhiều vấn đề mà hậu thế cần soi xét, phân tích để từ đó rút ra những bài học có giá trị sâu sắc, muôn đời.

Xem thêm: Hồ Quý Ly, kẻ "đại nghịch bất đạo" hay bậc anh tài bị buộc dùng biện pháp mạnh để cải cách?