Câu hỏi phụ: Tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm qua bài thơ "Đất Nước"
Đây là câu hỏi thường thấy trong câu hỏi phụ ở mỗi bài viết liên quan đến tác phẩm "Đất Nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
CÂU HỎI:
Anh/chị hãy trình bày tư tưởng mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua bài “ Đất Nước “?
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
Trong trích đoạn “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến tư tưởng mới mẻ về đất nước, đó là tư tưởng đất nước của nhân dân. Tư tưởng đất nước của nhân dân được hiểu là coi nhân dân - chủ thể sáng tạo ra đất nước là trung tâm. Nhân dân khai sinh, sáng tạo, thành lập, bảo vệ và phát triển đất nước này. Lật giở từng trang trong lịch sử dân tộc có thể nhận thấy tư tưởng Đất Nước của nhân dân có nhiều biến chuyển trong mỗi thời kỳ. Trong văn học trung đại, khái niệm đất nước gắn liền với các bậc quân vương như trong“Nam quốc sơn hà”, gắn liền với các triều đại như trong “Bình Ngô đại cáo” – Nguyễn Trãi. Nhưng một số tướng lĩnh, quan lại như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã nhận thấy vai trò to lớn của nhân dân đối với Đất Nước. Trần Hưng Đạo đã từng dâng kế sách cho vua: “muốn đánh thắng giặc phải biết khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc”. Nguyễn Trãi đã từng khẳng định: “Lật thuyền mới biết dân như nước”, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng nói: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bảo”. Thời cận đại một số chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng đã nhìn ra sức mạnh và vai trò to lớn của nhân dân.
Phan Châu Trinh đã có lần nhấn mạnh: “Dân là nước, nước là dân”, đến thời đại của Hồ Chí Minh, Bác cũng luôn nhắc nhở “Đảng ta phải biết lấy dân làm gốc”. Dù ở thời đại nào, các nhà tư tưởng lớn vẫn nhìn thấy vai trò và sức mạnh của nhân dân đối với Đất Nước. Nhân dân gánh trên đôi vai của mình Đất Nước đi suốt cuộc trường chinh cũng như những cuộc khai khẩn đất đai, miền rộng, bờ cõi. Điều này, các nhà thơ nhà văn hiện đại đã có ý thức một cách rõ rệt, sâu sắc, tuy nhiên chỉ đếnchương “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm, tư tưởng Đất Nước của nhân dân mới được lý giải một cách thấu đáo, toàn diện trên các bình diện lịch sử, địa lý và văn hóa. Điều mà chúng ta dễ nhận ra trước tiên là tác giả đã sử dụng rộng rãi các chất liệu văn hóa dân gian. Nghĩa là văn hóa của nhân dân từ ca dao tục ngữ đến truyền thuyết, cổ tích, từ phong tục tập quán đến cuộc sống dân dã hàng ngày. Các chất liệu ấy đã tạo ra được một thế giới nghệ thuật hết sức quen thuộc gần gũi mà sâu xa, bay bổng của văn hóa dân gian Việt Nam bền vững và độc đáo. Thêm vào đó tư tưởng Đất Nước của nhân dân hiện lên trong chiều dài thời gian lịch sử nhân dân - lực lượng của những con người vô danh nhưng đông đảo tạo nên và bảo vệ đất nước. Trải dài ở khắp mọi miền của non sông gấm vóc là những địadanh gắn với nhân dân, gắn với đời sống sinh hoạt của con người. Tư tưởng Đất Nước của nhân dân cũng hiện lên trong không gian cụ thể, nơi sinh tồn của cộng đồng. Quả thật trong “Đất Nước”, “Nguyễn Khoa Điềm đã sáng tạo một hình tượng Đất Nước thân quen mà mới lạ trong thi ca Việt Nam. Nhà thơ đã khắc họa nên một Đất Nước toàn vẹn, là sự thống nhất của lãnh thổ và văn hóa, của lịch sử và sự sống, một Đất Nước trong không gian tinh thần của người Việt Nam.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận