Truyền cảm hứng: Chuyện tình ngàn cây số của cặp đôi không lành lặn

Chị Y Khot vượt hơn 1.500km từ Kon Tum ra Hà Giang thăm người bạn trên mạng xã hội. Và hành trình này cũng giúp chị tìm được "một nửa" của đời mình.

Đỗ Thu Nga
09:00 03/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đi tìm tình yêu

Căn nhà nhỏ trông rất bình yên của vợ chồng anh Hoàng Đức Linh (24 tuổi) và chị Y Khot nằm ở đầu thôn Kà Bầy, xã Sa Bình, H.Sa Thầy (Kon Tum). Sáng đầu thu, tiết trời lành lạnh, anh Linh ngồi trên xe lăn phụ vợ bán tạp hóa.

Nói là nhà nhưng thực ra nơi gia đình anh Linh đang tá túc chỉ rộng chừng 10 m2. Bên trong kê một chiếc giường nhỏ, mấy sợi dây vắt ngang nhà treo đủ các loại bánh kẹo bình dân và lỉnh kỉnh những thứ đồ dùng hằng ngày. Lúi húi trong nhà, chị Y Khot đang thay quần áo cho đứa con gái gần 2 tuổi. Thấy người lạ hỏi thăm, chị bế con ra chào. Dù đã 27 tuổi nhưng chị Y Khot (người Jrai) chỉ cao bằng đứa trẻ lên 5.

Từ khi lọt lòng mẹ, chị đã mắc hội chứng thấp lùn bẩm sinh. Bạn bè cùng trang lứa cứ thế lớn lên theo năm tháng thì Y Khot chỉ cao đến hơn 1 m rồi dừng. Dù chị có ăn qua bao nhiêu mùa lúa rẫy thì chiều cao vẫn chẳng tăng lên chút nào. Bạn bè dần nhận ra khiếm khuyết trên cơ thể Y Khot nên những lời chọc ghẹo cứ ngày càng nhiều. Y Khot cũng vì thế mà buồn tủi. Chị đi học được vài năm rồi nghỉ. Lúc đó, Y Khot nghĩ rằng thế giới này không phải của mình.

Lớn lên một chút, Y Khot xin vào trung tâm bảo trợ xã hội, nơi có những người đồng cảnh ngộ. Ở đấy, được bạn bè động viên, Y Khot dần tìm lại niềm vui cho cuộc sống. Hằng ngày, ngoài học văn hóa, chị còn được học nghề đan lưới.

Năm 2019, Y Khot tham gia một nhóm dành cho người khuyết tật trên mạng xã hội. Cũng tại hội nhóm này, chị gặp và làm quen với anh Hoàng Đức Linh. Anh Linh là người Giáy, quê ở tận Hà Giang. Anh mắc chứng bại liệt khi vừa lọt lòng mẹ và phải làm bạn với chiếc xe lăn hơn 20 năm qua.

truyen-cam-hung-chuyen-tinh-ngan-cay-so-cua-cap-doi-khong-lanh-lan-0
Bươn chải làm ăn vất vả nhưng anh Linh vẫn luôn cười thật tươi khi gửi ảnh về động viên vợ con

Anh Linh có gương mặt điển trai, nụ cười tỏa nắng và cách nói chuyện chân chất, thật thà. Cũng chính nụ cười hiền lành ấy đã cuốn hút Y Khot ngay từ những ngày đầu quen biết. Sau nhiều lần trò chuyện, cả hai từ cảm thông, chia sẻ rồi thấu hiểu và phải lòng nhau lúc nào chẳng hay.

Cuối năm 2019, sau khi bán 5 chiếc lưới được hơn 1,3 triệu đồng, Y Khot quyết định đi tìm tình yêu đích thực của đời mình. Chị sắp xếp quần áo, không thông báo cho gia đình mà một mình đón xe đi Hà Nội. Dọc đường, chị cứ tưởng tượng ra những cảnh gặp mặt ngượng ngùng của đôi lứa. Từ trước đến nay cả hai chỉ nhìn nhau qua màn hình điện thoại nên kể từ lúc lên xe, Y Khot cứ mong ngóng được gặp người yêu đến mất ngủ.

"Ra đến Hà Nội, mình lại tìm xe đi Hà Giang. Trên đường đi, một số hành khách nghe mình nói đi tìm người yêu thì khuyên nhủ phải cẩn thận kẻo bị lừa. Lúc ấy cũng lo lắng lắm, nhưng vì tin vào tình yêu nên mình quyết tâm đến tận nơi", chị Y Khot nhớ lại.

Thế rồi sau 3 chuyến xe với hơn 1.500 km, Y Khot cũng đến nơi và được gặp người yêu bằng xương bằng thịt. Lúc này, chị mới thở phào nhẹ nhõm khi mình không bị lừa.

"Bắt chồng" xuyên Việt

Họ gặp nhau như đôi chim vừa xây tổ, kể cho nhau nghe bao chuyện buồn tủi đời thường. Hai con người khiếm khuyết, tự ti… bỗng trở nên vui vẻ, yêu đời với những nụ cười rạng rỡ. Và 2 mảnh đời đã chắp lại với nhau thành một.

Tết Nguyên đán 2020, chị Y Khot xin gia đình đón năm mới cùng người yêu ở mảnh đất Hà Giang xa xôi. Thấu hiểu, cảm thông với hoàn cảnh của nhau, anh Linh và chị Y Khot quyết định tiến đến hôn nhân. Theo tục lệ của người Jrai, anh Linh phải theo vợ về Kon Tum.

Khi hay tin người con khiếm khuyết muốn đến nơi xa xôi để sinh sống, gia đình anh Linh hết lời ngăn cản. Từ trước đến nay, nơi xa nhất anh từng đặt chân tới là chợ huyện. Bỗng dưng có người con gái đến đưa con mình đi xa, gia đình anh chẳng thể yên lòng. Rồi chuyện sinh hoạt, mưu sinh của anh khi không có gia đình bên cạnh biết làm thế nào? Thế nhưng vì tình yêu, anh Linh vẫn quả quyết vào Kon Tum theo vợ. Cuối cùng, cha mẹ cũng đành gật đầu chiều ý con trai.

Gia cảnh khó khăn nên hai bên gia đình chẳng tổ chức đám cưới. Sau bữa cơm liên hoan, cặp đôi đưa nhau đi đăng ký kết hôn, vậy là nên duyên chồng vợ. Đầu năm 2020, sau khi làm dâu vài tháng, chị Y Khot xin phép gia đình đưa chồng về Kon Tum.

Về đến nơi, 2 vợ chồng mượn đất của anh trai chị Y Khot rồi dựng tạm căn nhà lấy chỗ chui ra chui vào. Lấy nhau ít lâu, cặp đôi cũng ao ước có mụn con cho vui cửa vui nhà. Thế nhưng khi biết tin Y Khot mang thai, hai vợ chồng vừa mừng vừa lo. Mừng vì có một tổ ấm đúng nghĩa, lo vì đứa trẻ có thể sẽ giống như cha mẹ.

"Bọn mình đều khuyết tật, sợ rằng con chào đời cũng sẽ khiếm khuyết như cha mẹ thì tội lắm. Ngay cả đi khám thai, bác sĩ vẫn đưa ra chẩn đoán khả năng cao là con cũng bị khuyết tật. Nghe vậy, vợ chồng mình càng lo hơn nữa", anh Linh kể.

Suốt thời gian chị Y Khot mang thai, chẳng đêm nào hai vợ chồng ngủ ngon. Vì tình yêu quá lớn và thương con nên hai vợ chồng quyết tâm sinh đứa trẻ. Ngày được bế con trên tay, hai vợ chồng vỡ òa trong nước mắt bởi con khỏe mạnh, cơ thể lành lặn. Cô con gái đầu lòng được đặt cho cái tên Hoàng Y An Nhiên, gồm cả họ cha lẫn họ mẹ.

Gánh nặng mưu sinh

Từ ngày có con, anh Linh gánh thêm trọng trách trên vai. Mong vợ con có cuộc sống tốt hơn, anh lên mạng tìm kiếm công việc dành cho người khuyết tật. Đầu năm 2022, thông qua mạng xã hội, anh tìm được công việc bán hàng thuê ở Bình Thuận với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Sau khi gom góp được chút ít tiền phòng thân, anh Linh một mình đón xe vào Bình Thuận đi làm.

Thế nhưng ròng rã 3 tháng, anh Linh chẳng hề nhận được tiền lương như người chủ đã hứa. Dù đã nhiều lần đòi tiền nhưng không được, quá chán nản, anh Linh lủi thủi trở về với vợ con. Nhìn vợ con đói khổ, anh không đành lòng nên tiếp tục lên mạng xã hội tìm việc.

Sau đó, anh Linh được giới thiệu đến Đồng Nai bán tăm bông dạo. Anh dự định đi làm xa vài năm kiếm một số vốn rồi về mảnh đất Kon Tum lập nghiệp. "Sức khỏe yếu, sợ mình chẳng thể đi làm xa mãi được. Một mình vợ ở nhà chăm con càng khó hơn. Mình tính vài năm nữa, khi có chút vốn thì sẽ về lại Kon Tum. Nếu không ai thuê thì ráng mở rộng hàng quán để buôn bán, chứ đi xa nhớ vợ và con lắm", anh Linh nói.

Ông A Thuy, Chủ tịch UBND xã Sa Bình, chia sẻ: "Câu chuyện tình yêu của vợ chồng anh Hoàng Đức Linh và chị Y Khot rất đáng khâm phục. Họ đã vượt qua mọi nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống và truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật khác". Ông A Thuy cũng cho biết thêm UBND xã đã hỗ trợ gia đình mở cửa hàng tạp hóa nhỏ và xe bán nước mía để kiếm thêm thu nhập, duy trì cuộc sống và nuôi con. Địa phương cũng rất mong các nhà hảo tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho vợ chồng anh Linh và những trường hợp khiếm khuyết khác vượt qua nghịch cảnh, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Hành trình truyền cảm hứng của "người làm vườn trong bóng đêm"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận