Tổng hợp 7 mở bài tác phẩm "Vợ nhặt" 9+

Mở bài chính là cánh cửa giúp đưa người đọc vào thế giới văn chương của bạn. Nếu muốn bài văn về "Vợ nhặt" của mình được 9+, các bạn đừng bỏ qua các gợi ý dưới đây nhé.

Đỗ Thu Nga
10:00 09/06/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

MỞ BÀI 1

Kim Lân, nhà văn chuyên viết truyện ngắn, với biệt tài viết về người nông dân. Người nông dân trong trang viết của Kim Lân dù nghèo khổ nhưng luôn sáng ngời những phẩm chất yêu đời, thật thà, chất phác, hóm hỉnh, tài hòa. "Vợ nhặt" là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất khi viết về người nông dân. Tác phẩm vừa cho thấy hiện thực cuộc sống nghèo khổ của nhân dân, đồng thời ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự trân trọng, nâng niu những ước mơ đổi đời của con người. Không chỉ vậy, tác phẩm cũng cho thấy nghệ thuật phân tích tâm lý và miêu tả bậc thầy của nhà văn Kim Lân.

MỞ BÀI 2

Với những gì Kim Lân mang lại cho nền văn học Việt Nam, ông xứng đáng để mọi thế hệ biết đến với các tác phẩm để đời, mà cho tới nay giá trị của nó vẫn còn được nhiều độc giả khai thác. Nét đặc trưng trong bút pháp của ông chính là viết về những hình ảnh những câu chuyện đời thường giản dị nhưng ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh. Tình huống truyện trong các tác phẩm của Kim Lân đem đến cho độc giả những cái nhìn chân thực về cuộc sống đặc biệt là thời kỳ nhân dân ta rơi vào bế tắc cùng cực...

MỞ BÀI 3

Kim Lân được ví như một loại đồ cổ quý hiếm được cất trong đó là những hạt bụi vàng văn hóa thẳm sâu của nền văn minh sông Hồng. Ông trở thành nhà văn của những số phận thiệt thòi, những kiếp người khổ cùng của làng quê Việt nam giữa thế kỷ XX. Các nhân vật của ông đều mang hình bóng của tác giả, là con người hiền hậu, chất phác và giàu yêu thương, tình nghĩa. Vợ nhặt là tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được in trong tập Con Chó Xấu Xí 1962. Nhà văn đã dùng Vợ nhặt để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng.

tong-hop-7-mo-bai-tac-pham-vo-nhat-9-0

MỞ BÀI 4

Nhà văn Nguyễn Khải từng nhận xét: "Là học trò của cụ Nguyễn Tuân, tôi vẫn không tin Nguyễn Tuân viết Chữ người tử tù cũng như Kim Lân viết Làng và Vợ nhặt. Đó không phải là người viết mà là thần viết. Thần mượn tay người để viết nên những trang bất hủ". Xét riêng truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân quả xứng với lời khen đó. Thiên truyện về cái đói, cái chết mà làm lộ ra sự sống, lộ ra chất người kỳ diệu. Tư tưởng nhân văn sâu sắc đó không phải là truyện ngắn ồn ào mà được diễn đạt thấm thía qua nghệ thuật văn xuôi đặc sắc đã đưa Kim Lân vào hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học hiện đại. Đọc "Vợ nhặt", không ai không bị hấp dẫn bởi một tình huống hết sức độc đáo và bi hài mà cũng đậm chất nhân văn, thấm đẫm tình người. 

MỞ BÀI 5

Kim Lân là nhà văn của đồng ruộng "một lòng đi với đất, với người thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn ngày trước" - Nguyên Hồng. Nếu như mỗi trang viết của nhà văn Nam Cao là sự trả ơn với người nông dân thì KIm Lân lại luôn tôn thờ hiện thực về cuộc sống của người dân với tư cách là một người "con đẻ của đồng ruộng". Truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân được viết sau 1954, là truyện ngắn xuất sắc của ông trong nạn đói 1945. Bằng tấm lòng nhân đạo và tài năng nghệ thuật của mình, Kim Lân đã ca một bài ca về tình người về sự lạc quan và niềm khao khát sống mãnh liệt của con người trong cái tận cùng của cái đói và cái chết.

MỞ BÀI 6

Một tác phẩm thành công và đi vào lòng độc giả là một tác phẩm chứa đựng những giá trị sâu đậm. Viết về vùng quê Việt Nam hay viết về những người nông dân chân phác, thật thà không phải là một đề tài mới mẻ. Nhưng để mỗi tác phẩm đều có cái đi riêng thì đòi hỏi ở người tác giả phải có sức sáng tạo cùng tài năng xuất chúng. Và nhắc đến đề tài người nông dân thì không thể không nhắc đến nhà văn Kim Lân với tác phẩm "Vợ nhặt". Kim Lân đã đặt nhân vật của mình trong tận cùng nỗi lo sinh tồn và phát hiện ra tính cách vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật: Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống.

MỞ BÀI 7

"Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa đối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa đối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than" - Nam Cao. Thật vậy, phàm đã là nghệ thuật thì phải phản ánh những hiện thực ngoài kia một cách chân thực nhất. Một tác phẩm nghệ thuật văn học giàu giá trị như vậy chính là truyện ngắn "Vợ nhặt" Kim Lân. Đây là tác phẩm hay nhất của nhà văn viết về nạn đói 1945. Với những cảm quan về tình thương yêu con người, bằng tài năng xuất chúng, tác giả đã vẽ hiện thực đói khổ cùng niềm khao khát về cuộc sống tươi sáng mai sau. Như chính tác giả đã chia sẻ "Những người đói họ không nghĩ về cái chết mà nghĩ đến cái sống".

Xem thêm: 7 cấp độ kết bài "Vợ Nhặt" bằng lý luận văn học đốn tim giám khảo khó tính nhất

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận