Toàn cảnh vụ mì Hảo Hảo bị Ireland thu hồi vì chứa chất cấm
Mì Hảo Hảo chỉ có giá 3.500 đồng nhưng lại đem về lợi nhuận hàng tỷ đồng cho Acecook Việt Nam. Doanh thu vượt mặt cả Vifon và mảng mì của Masan cộng lại. Song mới đây lô mì 'quốc dân' này đã bị thu hồi tại Ireland vì chứa chất gây ung thư.
- Lịch sử hình thành Acecook Việt Nam
- Vốn điều lệ chưa đầy 300 tỷ nhưng doanh thu vạn tỷ, lãi mỗi năm hơn nghìn tỷ
- Cổ đông Việt Nam duy nhất - Hoàng Cao Trí là ai?
- Mì Hảo Hảo bị Ireland thu hồi, Acecook Việt Nam nói gì?
- Bộ Công thương lên tiếng
- Chất Ethylene Oxide được phát hiện trong mì Hảo Hảo nguy hiểm thế nào?
Lịch sử hình thành Acecook Việt Nam
Acecook Việt Nam được thành lập vào ngày 15/12/1993 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995. Sau nhiều năm hoạt động, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh trở thành 1 trong 4 ông lớn về mảng mì gói ở thị trường Việt Nam. Đơn vị này chuyên cung cấp các sản phẩm vì ăn liền cho thị trường trong nước và hiện tại đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đến 1996, Acecook Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu Mỹ, thành lập chi nhánh ở Cần Thơ, mở rộng thị trường trong nước. Đến năm 1999, Acecook Việt Nam đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thương hiệu "mì gói quốc dân" - mì Hảo Hảo được ra đời vào năm 2000. Đây được xem là bước đột phá của công ty trên thị trường mì ăn liền. Vào năm 2003, Acecook Việt Nam hoàn thiện hệ thống nhà máy từ Bắc vào Nam.
Đến năm 2004 thì chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam và di dời nhà máy về KCN Tân Bình. Đến năm 2006 thì tham gia thị trường gạo ăn liền bằng việc xây dựng nhà máy tại Vĩnh Long và cho ra đời sản phẩm Phở Xưa&Nay.
Năm 2008 đổi tên thành Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam và trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội MAL thế giới. Vào năm 2010, Acecook Việt Nam đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất.
Từ giai đoạn 2012 cho đến nay, Acecook Việt Nam không ngừng mở rộng thị trường quốc tế, phát triển nhiều sản phẩm mì gói khác nhau. Cũng nhờ có chiến lược kinh doanh hiệu quả Acecook Việt Nam thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Vốn điều lệ chưa đầy 300 tỷ nhưng doanh thu vạn tỷ, lãi mỗi năm hơn nghìn tỷ
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới năm 2020, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ mì gói nhiều thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc/Hong Kong Indonesia. Cụ thể, người Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 7 tỷ gói mì trong năm 2020, tăng xấp xỉ 30% so với năm 2019.
Nhiều ý kiến nhận định, sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 là 1 trong số những nguyên nhân chính dẫn đến con số này. Bởi ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng chống dịch. Ngoài ra việc giãn cách xã hội và thói quen trữ thực phẩm của người dân cũng là yếu tố giúp việc tiêu thụ mì gói ở Việt Nam tăng mạnh.
Acecook Việt Nam chính là đơn vị sở hữu thương hiệu "mì quốc dân" - mỳ tôm Hảo Hảo. Công ty này được thành lập ở TP Hồ Chí Minh, về bản chất là một doanh nghiệp FDI. Ban đầu công ty này liên doanh với Vifon - một doanh nghiệp Việt và Acecook - một doanh nghiệp Nhật Bản với tỷ lệ góp vốn 40% - 60%. Vifon khi đó là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp.
Thế nhưng cũng giống như kết cục của nhiều doanh nghiệp liên doanh góp vốn khác giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt, mối lương duyên này không bền chặt. Hai năm sau khi mì tôm Hảo Hảo ra mắt thị trường, Vifon thoái vốn. Vifon Acecook trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Vào năm 2008, Acecook Việt Nam chuyển thành dạng công ty cổ phần.
Đến cuối năm 2008, vốn điều lệ của Vina Acecook đạt gần 300 tỷ đồng. Trong đó, Acecook Nhật Bản sở hữu 56, 64%. Hai cổ đông còn lại trong công ty là Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie F U.A và ông Hoàng Cao Trí (Phó tổng giám đốc Acecook Việt Nam) sở hữu hơn 25%.
Còn theo VietnamFinance, tính tới năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ là 298 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, bằng 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Cổ đông Hà Lan là Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie FU.A nắm 5,459 triệu cổ phần, bằng 54,59 tỷ đồng, tương đương 18,296%.
Cổ đông Việt Nam duy nhất là ông Hoàng Cao Trí, nắm khoảng 25% cổ phần còn lại. Ông Trí sinh năm 1962 là cựu sinh viên khoa CK82 Đại học Bách khoa, là nhà điều hành có thâm niên hàng chục năm tại Acecook và cũng là một doanh nhân có tiếng trong ngành bất động sản.
Nói về việc kinh doanh, có thể thấy Acecook Việt Nam là doanh nghiệp gặt hái được rất nhiều thành tựu so với các đối thủ khác trên thị trường mì ăn liền Việt Nam, kể cả ở thời điểm thị trường ổn định cũng như bất ổn định do tình hình hình dịch COVID-19.
Có thể thấy, giai đoạn từ 2016 - 2019, doanh thu thuần của công ty liên tục tăng, từ : 8.413 tỷ đồng (2016) lên 8.878 tỷ đồng (2017) rồi 9.828 tỷ đồng (2018) và cán mốc 10.647 tỷ đồng (2019). Doanh thu này đều cao gấp nhiều lần các thương hiệu có danh khác như: Thực phẩm Á Châu (mì Gấu đỏ), Uniben (mì Ba miền), Colusa-Miliket (mì Miliket) hay Vifon (đối tác cũ)…
Biên lãi gộp của công ty cũng rất cao và liên tục được cải thiện, lần lượt các năm trong cùng giai đoạn là: 29,7%, 30,9%, 32% và 34%.
Tương ứng, mức lãi gộp các năm cũng tăng trưởng liên tục: 2.507 tỷ đồng (2016), 2.717 tỷ đồng (2017), 3.151 tỷ đồng (2018) và 3.628 tỷ đồng (2019).
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng không ngừng gia tăng với tốc độ rất nhanh, từ 920 tỷ đồng (2016) lên 1.115 tỷ đồng (2017), lên tiếp 1.382 tỷ đồng (2018) rồi đạt 1.660 tỷ đồng (2019). Tính chung 4 năm, lợi nhuận sau thuế đã tăng tới 80%!
Với lợi nhuận khổng lồ đó, quy mô vốn chủ sở hữu của Acecook nhanh chóng tăng lên, từ 4.141 tỷ đồng (2016) lên 5.156 tỷ đồng (2017) rồi 6.032 tỷ đồng (2018) trước khi đạt tới 7.096 tỷ đồng (2019). Cần nhắc lại, vốn điều lệ của công ty tính tới năm 2020 chỉ là 298 tỷ đồng.
Và đương nhiên, không có gì ngạc nhiên khi quy mô tài sản của Acecook tiếp tục tăng lên theo thời gian: Năm 2016, tổng tài sản mới là 5.366 tỷ đồng thì tới năm 2019 đã đạt tới 8.402 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 47%. Và với riêng cổ đông Việt Nam duy nhất là ông Hoàng Cao Trí, tỷ lệ sở hữu 25% tại một công ty có doanh thu vạn tỷ và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vài chục % mỗi năm đủ để đưa ông vào hàng những người có giá trị tài sản lớn tại Việt Nam hiện nay.
Cổ đông Việt Nam duy nhất - Hoàng Cao Trí là ai?
Sở hữu lượng cổ phần đủ để lọt top người giàu Việt Nam, song tên tuổi của ông Hoàng Cao Trí có lẽ được biết đến nhiều hơn khi khi xuất hiện tại Acecook Việt Nam, dù xuất phát điểm của ông là ở 1 doanh nghiệp khác. Trong cơ cấu sở hữu Vina Acecook ngoài hai cổ đông Nhật Bản còn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí (SN: 1962) – người nắm giữ 25,16% cổ phần còn lại.
Ông Hoàng Cao Trí từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa vào năm 1987. Ông Trí khởi nghiệp với công việc tại Vifon, nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật rồi được đề bạt làm quản đốc phân xưởng cơ điện. Khi Vifon liên kết với Acecook Nhật Bản để thành lập Công ty, ông được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc. Năm đó, Hoàng Cao Trí mới 35 tuổi.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2018 (10 năm ông Trí được bổ nhiệm vào vị trí quản lý tại Acecook) có đoạn viết: "Năm 1997, một doanh nhân người Nhật đã đặt cược tên tuổi thương hiệu Acecook vào một kỹ sư cơ điện người Việt Nam vốn chưa từng học về nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp. Quyết định ấy gây bất ngờ cho nhiều người và cho cả anh kỹ sư điện khi đó. Bẵng đi hơn 10 năm, Hoàng Cao Trí đã trở thành một doanh nhân thành đạt, người đưa Vina Acecook lên vị trí thương hiệu hàng đầu trong ngành thực phẩm chế biến ăn liền".
Trong bài phỏng vấn vào cuối năm 2012, khi đó ông Trí đang giữ chức Phó tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản của Acecook Việt Nam cho biết vai trò của ông là "người lãnh đạo Vina Acecook". Điều đó cho thấy ông rất tự hào là đã đóng góp vào sự phát triển của ẩm thực Việt Nam, xây dựng nên thương hiệu Vina Acecook trở thành niềm tự hào của người Việt.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng ở Acecook Việt Nam, ông Hoàng Cao Trí còn đang tham gia vào cuộc chơi bất động sản tại Blue Sea Group với loạt dự án lớn.
Theo tìm hiểu, Blue Sea Group được thành lập từ tháng 9/2002, do ông Hoàng Cao Trí đảm nhiệm vị trí Giám đốc, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (SN 1966, vợ của ông Trí) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Blue Sea Group đặt mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực Bất động sản tiên phong định hình những giá trị sống hạnh phúc thật sự và bền vững tại Việt Nam.
Ở lĩnh vực logistic, Blue Sea Group đã có 4 hệ thống kho - nhà máy đã và đang được đưa vào khai thác gồm: Kho Đình Vũ - cảng Hải Phòng 12.000m2, Kho tại KCN Tân Phú Trung - Củ Chi 30.000m2, Nhà máy Tân Tấn Lộc – KCN Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh 7.000m2, Kho Thiết Lập – KCN Hòa Phú, Vĩnh Long.
Hiện Blue Sea Group đang đầu tư phát triển các dự án bất động sản tại 4 khu vực trọng điểm: Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP. Hồ Chí Minh.
Nổi bật nhất là khu du lịch sinh thái Biển Xanh với tên thương mại Khu nghỉ dưỡng Edenia Resort Hồ Tràm quy mô hơn 40ha tại ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài Edenia Resort, Blue Sea Group còn đang theo đuổi dự án bất động sản khác là Lavender Village nằm trong dự án Violet Valley thuộc Khu phức hợp Bãi Trường, Xã Dương Tơ, Phú Quốc (Violet Valley).
Mì Hảo Hảo bị Ireland thu hồi, Acecook Việt Nam nói gì?
Mới đây, 2 sản phẩm của công ty Acecook Việt Nam sản xuất là mì tôm chua cay Hảo Hảo, miến Good vị sườn heo bị thu hồi tại Ireland do có chứa chất độc hại bị cấm khiến người dân không khỏi hoang mang.
Thông tin này được đăng tải trên trang web Fsai.ie của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland cho biết ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.
Có 3 dòng sản phẩm nằm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mì Yato vị hải sản (loại 120g, hạn sử dụng đến 30/11/2022). Do đó, FSAI đã quyết định thu hồi lô sản phẩm trên tại các điểm bán chịu trách nhiệm phân phối.
Sau khi sự việc xảy ra, phía Công ty Acecook Việt Nam đã phản hồi trên Báo Thanh Niên và Zing rằng sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web Fsai.ie là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào.
Hiện tại phía công ty Acecook đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Đại diện công ty này cũng cho biết, họ đã làm việc với nhà cung cấp nguyên liệu và nhà cung cấp khẳn định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất của mình. Phía công ty đã yêu cầu họ kiểm soát và tuyệt đối không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất, tuyệt đối thực hiện đúng theo các cam kết này với Acecook Việt Nam.
Bộ Công thương lên tiếng
Ngày 28/8, Vụ Khoa học và công nghệ (thuộc Bộ Công thương) đã yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook. Vụ này cho biết, ngay khi nắm bắt được thông tin, Bộ đã yêu cầu Công ty Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất. Đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do công ty Acecook Việt Nam đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ còn cho rằng, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm Việt Nam: Các tổ chức, Acecook Việt Nam đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chất Ethylene Oxide được phát hiện trong mì Hảo Hảo nguy hiểm thế nào?
Theo Wikipedia, Ethylene Oxide, còn được gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ có công thức C2H4O. Khả năng phá hủy DNA của Ethylen Oxide giúp nó trở thành 1 chất khử trùng hiệu quả nhưng là nguyên nhân gây ưng thư nếu tiếp xúc nhiều.
Ethylen Oxide chủ yếu được sử dụng làm ethylene glycol, chất chống đông và polyester. Một lượng nhỏ của ethylene oxide được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng. Ethylene oxide cũng là một thành phần trong dệt may, chất tẩy rửa, dung môi và chất kết dính.
Ethylene Oxide cũng được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng đem lại hiệu quả cao. Một số quốc gia cho phép sử dụng chất này trong mục đích kiểm soát côn trùng ở một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm. Nhưng do ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng lâu dài nên Ethylene Oxide bị cấm ở châu Âu.
Còn đường tiếp xúc của con người với Ethylene Oxide chính là hút vào và nuốt vào, có thể xảy ra khi tiếp xúc nghề nghiệp, là người tiêu dùng mua phải sản phẩm có chứa chất này hoặc có trong môi trường sống, làm việc.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao tiếp xúc với ethylene oxide bao gồm:
- Công nhân trong các nhà máy sử dụng Ethylen Oxide để sản xuất dung môi, chất chống đông, hàng dệt, chất tẩy rửa, keo bọt nở polyurethane.
- Công nhân nhà máy làm việc trong các nhà máy sản xuất Ethylene Oxide.
- Nông dân dùng Ethylene Oxide trong nông nghiệp để kiểm soát côn trùng, sâu bọ, hạn chế tối đa thiệt hại mùa màng.
- Nhân viên bệnh viện sử dụng để khử trùng thiết bị và vật tư y tế.
Theo FSAI, Ethylene Oxide được Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) phân loại là chất gây đột biến, chất gây ung thư và chất độc hại gây vô sinh. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa chất này không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng sẽ làm tăng nguy cơ gây hai cho sức khỏe nếu sử dụng thực phẩm bị nhiễm Ethylene Oxide trong thời gian dài.
Những bệnh nhân ung thư nào có liên quan đến việc tiếp xúc nhiều với Ethylene Oxide? Ung thư bạch huyết và bạch cầu là những bệnh ung thư được báo cáo nhiều nhất có liên quan đến Ethylen Oxide thông qua tiếp xúc nghề nghiệp. Ung thư dạ dày và ung thư vú cũng có thể liên quan đến việc tiếp xúc với Ethylen Oxide.
Xem thêm: Mẹ ca sĩ Thủy Tiên chạy xe máy chở gạo, mì tôm đến từng nhà tặng quà người khó khăn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận