Tiến sĩ 8x thành danh trên đất Mỹ trở về quê hương sau gần 20 năm: Ra nước ngoài học cái hay, cái tốt rồi về Việt Nam cống hiến

Sau gần 20 năm học tập và giảng dạy tại xứ cờ hoa, TS Vũ Gia Phong quyết định trở về quê hương với khát khao "người Việt được vinh danh ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học thế giới". Hiện tại, TS đang là Trưởng bộ môn Hóa – Hóa sinh – Vi Ký sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU).

Đỗ Thu Nga
07:00 09/01/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ra nước ngoài học cái hay, cái tốt

Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, năm 16 tuổi, Vũ Gia Phong quyết định lên đường sang Mỹ du học ngành khoa học vi sinh. Thời điểm đó (hơn 15 năm về trước), con đường đi du học không hề suôn sẻ và dễ dàng như bây giờ. Càng khó khó khăn hơn khi ngôi trường Phong chọn là ĐH California tại Berkeley (UC Berkeley) - Trường Đại học Công lập số 1 thế giới.

Ngôi trường này là nơi đào tạo ra nhiều thiên tài trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, như Steve Wozniak (đồng sáng lập công ty Apple); Steven Chu (cựu Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ)...

Dù khi ấy, việc tuyển chọn du học sinh ở ngôi trường này cực gắt gao nhưng với hồ sơ "cực khủng" từ những môn văn hóa lúc học tại Việt Nam cho số điểm 1410/1600 ở kỳ thi SAT, Phong dễ dàng trúng tuyển vào trường.

Sau những năm tháng miệt mài rèn luyện, nghiên cứu, Phong tốt nghiệp Đại học và nhận học bổng sau đại học, tiếp tục học lên tiến sĩ ngành hóa sinh. Anh là 1 trong 4 sinh viên nhận được giải thưởng Luận án tiến sĩ xuất sắc của Văn phòng Chủ tịch Viện Đại học California. Đây là thành tích đáng tự hào sau bao năm đèn sách của chàng du học sinh Việt ở xứ người. 

Tien-si-8x-thanh-danh-o-dat-My-ve-Viet-Nam-sau-gan-20-nam-de-cong-hien-0
TS Vũ Gia Phong cùng mẹ trong ngày nhận bằng Tiến sĩ tại trường UC Berkeley

Và cũng nhờ thành tích xuất sắc của mình mà chàng trai trẻ được giữ lại trường đảm nhận vai trò giảng viên và là người dẫn đầu trong một nhóm phát triển và thực hiện giao thức an toàn mới tại phòng thí nghiệm của nhà trường.

Nói về lý do chọn ngành vi sinh, chàng tiến sĩ trẻ chia sẻ: "Tôi chọn học ngành vi sinh rồi tới tiến sĩ sinh hóa là vì tôi thấy nếu làm bác sĩ chỉ cứu được từng bệnh nhân khi họ phải phải những vấn đề về sức khỏe. Nhưng với ngành vi sinh, sinh hóa thì những liệu pháp gene, vaccine mà mình nghiên cứu ra có thể giúp đỡ được rất nhiều người".

Trong gần 20 năm học tập và làm việc ở xứ người, Vũ Gia Phong đã ở hữu hơn 20 đề tài nghiên cứu. Trong đó có 16 đề tài được đăng trên thư viện nghiên cứu y khoa của Hoa Kỳ. Tất cả các đề tài của anh đều hướng tới việc chữa bệnh cho con người.

Tien-si-8x-thanh-danh-o-dat-My-ve-Viet-Nam-sau-gan-20-nam-de-cong-hien-9
TS Phong chọn nghiên cứu ngành vi sinh, sinh hóa để có thể giúp đỡ được rất nhiều người

Đặc biệt, đề tài “Cytomegalovirus UL23 ở người ức chế phiên mã các gen kích thích interferon- γ và ngăn chặn các phản ứng interferon-γ của virus bằng cách tương tác với protein tương tác N-myc của người” của anh đã phát hiện ra một loại bệnh tiềm ẩn đối với trẻ em.

Theo Gia Phong, bệnh này thông thường không cần chữa thì trẻ em cũng có thể khỏi trong vòng từ 2 - 3 tuần. Tuy nhiên, ở một số trường hợp thì bệnh dẫn đến bại liệt, viêm màng não, nặng hơn là tử vong.

“Trong nghiên cứu này tôi giúp thiết kế primer (đoạn mồi gồm những chuỗi ADN nhỏ) đến phát hiện ra bệnh cho dù nó tiềm ẩn. Ngoài ra, việc thu thập các mẫu phẩm khác nhau của virus cho tôi biết được tốc độ biến dị của virus cũng như gợi ý cho tôi biết bộ phận nào trên gen của virus không biến đổi để có thể dùng đó làm mục tiêu cho các liệu pháp gen…”, TS Phong cho biết.

Bên cạnh đó, Vũ Gia Phong còn tham gia vào các công trình nghiên cứu của Viện Vệ Sinh Sức Khỏe Hoa Kỳ. Trong đó có nghiên cứu về bệnh mụn rộp sinh dục Herpes Virus trong các trường đại học. Nghiên cứu có tác dụng cảnh báo các bạn học sinh và các đối tượng thành niên trong nhà trường về khả năng lây nhiễm và giáo dục các phương pháp tình dục an toàn.

Trở về quê hương để cống hiến

TS Vũ Gia Phong thật sự có một nền tảng tốt và tương lai rất rộng mở ở xứ cờ hoa. Tuy nhiên, vào năm 2020, anh lại đưa ra một quyết định khiến nhiều người bất ngờ, đó là quay về Việt Nam sinh sống và làm việc. Hiện anh đang làm giảng viên khoa học sức khỏe tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Nói về quyết định này, TS Vũ Gia Phong cho biết: "Có lẽ là do duyên số. Lần về Việt Nam thăm gia đình vừa qua lại ngay lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến tôi không thể trở về Mỹ được. Vậy nên tôi quyết định ở lại, vừa để thử thách bản thân trong môi trường mới vừa có thêm thời gian dành cho gia đình".

Cũng theo TS Vũ Gia Phong, để đi theo con đường nghiên cứu, đòi hỏi phải có đam mê, kiên trì, không ngại khó khăn. "Ở thời của tôi (thế hệ 8X), được đi du học là một sự may mắn vô cùng và may mắn hơn là tôi nhận được học bổng toàn phần từ lúc học đại học cho đến tiến sĩ. Bên cạnh đó, nhờ sự kỳ vọng, tin tưởng của nhiều thầy cô đi trước, nên dù khó khăn tôi luôn cố gắng vượt qua để không phụ lòng mọi người”, anh tâm sự.

Tien-si-8x-thanh-danh-o-dat-My-ve-Viet-Nam-sau-gan-20-nam-de-cong-hien

Vì vậy, sau khi trở thành giảng viên ở HIU, TS Vũ Gia Phong luôn cố gắng xây dựng và tạo ra một số khóa nghiên cứu ngắn cho sinh viên. Anh nói: "Tôi dạy các em việc sử dụng kéo phân tử để cắt một số virus. Cách để chiết xuất hoạt chất, pha thạch nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ…".

Theo TS Vũ Gia Phong, những kiến thức nền tảng trên chính là cầu nối giữa khoa Dược và khoa Y trong các nghiên cứu y sinh cũng như trong khám chữa bệnh.

"Khi ở Mỹ, tôi may mắn khi được học và làm việc, nghiên cứu cùng những giáo sư nổi tiếng, trong đó có hai người từng giành giải Nobel là Giáo sư Sidney Altman (Nobel hóa học năm 1989) và Randy W. Schekman (Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2013). Họ là những người đã truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu đến tôi.

Tôi cũng muốn trở thành người truyền những đam mê nghiên cứu đó lại cho thế hệ sinh viên tiếp theo của mình. Tôi muốn người Việt được vinh danh ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học thế giới”, TS Phong chia sẻ.

Xem thêm: Á quân Olympia "xuất ngoại để trở" về vì tin vào sự phát triển của đất nước

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận