Thông điệp của tác giả từ cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích

"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là tác phẩm quan trọng trong chương trình 12. Các bạn đừng bỏ qua đề thi về cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích.

Đỗ Thu Nga
10:00 21/06/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích sau:

Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

(Trích cảnh VII, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 149)

Từ đó nêu bật ý nghĩa thông điệp được tác giả gửi gắm qua đoạn trích vở kịch.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận

– Lưu Quang Vũ được đánh giá là một trong những kịch gia tài năng nhất, là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường nước nhà những năm 80 của thế kỷ XX. Kịch ông thường sắc sảo dữ dội, đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự và ẩn chứa sau đó là những triết lí nhân sinh sâu sắc, thấm đượm chất nhân văn.

– Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt được viết năm 1981, có nguồn gốc từ một truyện cổ dân gian được công diễn vào năm 1998, là một trong những tác phẩm kịch xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch đặt ra nhiều vấn đề có tính triết lí sâu sắc từ chuyện Hồn Trương Ba sống lại và trú ngụ trong xác Hàng Thịt.

– Đoạn trích thuộc đoạn giữa phần 3 cảnh VII, gần màn kết vở kịch, tái hiện lại cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích, tô đậm bi kịch và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật chính. Qua trích đoạn này, tác giả Lưu Quang gửi gắm tới độc giả nhiều tư tưởng mang tính triết lí sâu sắc.

– Hoàn cảnh dẫn đến màn đối thoại: Trương Ba là một người làm vườn lương thiện, có tài đánh cờ giỏi. Song, không may bị chết oan vì sự tắc trách của quan trời. Đế Thích là một ông tiên cao cờ, vì yêu quý và mến tài đánh cờ của Trương Ba nên đã giúp Hồn Trương Ba sống lại trong thể xác của anh hàng thịt. Tuy nhiên hành động này vô tình đẩy Hồn Trương Ba vào một bi kịch đau đớn nghiệt ngã: Hồn bị tha hoá, bị thể xác sai khiến trở nên tầm thường, bị người thân hắt hủi xa lánh. Trương Ba rất lấy làm đau khổ, tuyệt vọng và quyết định tìm một cuộc sống đích thực dù phải đánh đổi bằng cái chết. Quyết định ấy thúc đẩy hồn Trương Ba lấy hương thắp gọi Đế Thích để nhờ ông tiên này giúp đỡ.

– Nội dung: Trong trích đoạn hồn Trương Ba đã bày tỏ tình cảnh bất hạnh của mình khi phải sống trong thân xác của anh hàng thịt. Qua đó toát lên thân phận bi kịch và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.

* Cảm nhận hình tượng nhân vật Hồn Trương Ba

– Bi kịch:

+ Bi kịch là những xung đột, những mâu thuẫn đối lập giữa cái thiện và cái ác, giữa cái cao cả và thấp hèn dẫn đến một kết thúc buồn. Nhân vật chính thường kết thúc bằng cái chết bi thảm, để lại cho người đọc nỗi xót thương vô hạn. Mặc dù vậy, kết thúc truyện cái chân, thiện, mĩ luôn chiến thắng cái ác, cái xấu, cái giả dối,…

+ Biểu hiện bi kịch của hồn Trương Ba:

Việc mang thân anh hàng thịt khiến hồn Trương Ba rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán chường cùng cực; đau khổ, tuyệt vọng, bế tắc, cảm thấy sống không bằng chết. Điều này vượt ngoài sức chịu đựng của hồn Trương Ba: điệp ngữ “không thể được” thể hiện rõ điều này.

Hồn Trương Ba đau khổ khi phải sống cuộc sống trái tự nhiên, “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” không được là chính mình. (Lấy dẫn chứng ở màn đối thoại với thể xác để phân tích chứng minh).

Phải đấu tranh với Đế Thích, phải tìm đến cái chết, tự thủ tiêu cuộc sống, sự sống để được là “tôi toàn vẹn”; để không còn vật quái gở mang tên “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

thong-diep-tu-cuoc-doi-thoai-giua-hon-truong-ba-va-de-thich-98
Hình ảnh được lấy từ vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

– Vẻ đẹp tâm hồn:

+ Hồn Trương Ba đau khổ, quyết định lựa chọn cái chết để giải phóng cho mình một mặt xuất phát từ nhu cầu nội tại của bản thân, mặt khác xuất phát từ tấm lòng vị tha, trái tim nhân hậu, cao thượng: mong muốn giải thoát nỗi khổ đau cho những người thân yêu; muốn ngăn chặn nguy cơ gia đình “tan hoang” do tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ chính mình; muốn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người xung quanh, như cu Tị, chị Lụa, vợ anh hàng thịt, anh hàng thịt.

+ Là người rất ngay thẳng, dũng cảm: Ông ý thức được cảnh ngộ tha hóa của bản thân, dám nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng đó; kiên quyết không thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, dám chống lại phần thấp hèn, ti tiện trong con người mình. Ông dám chỉ trích sai lầm của quan trời: Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

+ Có quan niệm sống đúng đắn sâu sắc:

“Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”: Cuộc sống thực sự phải có sự hòa hợp giữa thể chất và tâm hồn, bên trong và bên ngoài.

“Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác là chuyện không nên”, càng không nên sống nhờ vả vào thể xác của người khác.

Sự sống là quan trọng, song “sống như thế nào” còn quan trọng hơn.

* Ý nghĩa thông điệp được tác giả gửi gắm qua đoạn trích vở kịch

– Được sống là một điều may mắn, nhưng sống như thế nào mới quan trọng

– Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống là chính mình, có được sự hoà hợp giữa thể xác và linh hồn, giữa bên trong và bên ngoài, giữa nội dung và hình thức trong một thể thống nhất toàn vẹn chứ không phải là cuộc sống chắp vá, bất nhất: “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

– Trong cuộc sống chúng ta phải biết đấu tranh với sự dung tục tầm thường và chiến thắng nghịch cảnh để hoàn thiện nhân cách của bản thân. Có như vậy chúng ta mới được là chính mình toàn vẹn.

– Đánh giá:

+ Giá trị nội dung: Đoạn trích đã thể hiện được cảnh ngộ đáng thương cũng như những nét đẹp đáng trân trọng, đáng quí trong tâm hồn nhân vật Trương Ba. Qua đó, kịch gia gửi gắm nhiều tư tưởng mang tính triết lí sâu sắc, ý nghĩa.

+ Giá trị nghệ thuật:

Tác giả tạo ra xung đột kịch căng thẳng do khác nhau về quan niệm sống.

Ngôn ngữ kịch giàu tính cá thể.

Giọng điệu đa thanh, phức điệu, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, vừa giàu triết lý. Những triết lý có tính gợi mở, lột mặt nạ giải thiêng thần thánh mà mục đích cũng là tôn vinh con người với những ước mơ, những khát vọng đời thường.

Với cuộc đối thoại này, tác giả đã cởi nút cho xung đột của tác phẩm. 

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: Những lối khiến thi sinh dễ bị trừ điểm thi tốt nghiệp THPT

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận