Thơ là kinh thánh của tâm hồn

"Thơ khác kinh cầu. Nó không tạo ra những cơn mê tập thể. Nó không ru rín" mà nó mê hoặc con người bằng "sự thức tỉnh". "Thơ chỉ dành cho từng người một. Và khi một người đọc thơ cho mình, là người ấy đã đồng hiện với một giáo đường.

Đỗ Thu Nga
08:58 04/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thanh Thảo sinh năm 1946, tên khai sinh là Hồ Thành Công, là một nhà thơ Hiện đại Việt Nam. Ngoài sáng tác, hơn mười năm trở lại đây, Thanh Thảo còn xuất hiện với tư cách là một người viết tiểu luận - phê bình được bạn đọc rất chú ý bởi giọng văn sắc sảo với những phát hiện độc đáo, mới mẻ. Thanh Thảo với tiểu luận- phê bình khá nhất quán nhằm mục đích tìm ra cái hay cái độc đáo của tác phẩm văn học mà không ồn ào tranh luận, không nặng nề về lý thuyết nhưng có độ bền về tính triết lý.

Charles Henry Ford đã từng phát biểu về thơ: "Thơ cũng huyền diệu như Trời", và  chính Thanh Thảo cùng nhận định, bằng kinh nghiệm sáng tác của mình, rằng: " Thơ là tiếng nói của tâm linh, tiếng nói của sự chiêm nghiệm nhiều khi là cả đời người, của nhiều đời người". Những tập thơ có giá trị thực sự, chúng có thể là "Kinh thánh của tâm hồn", là thứ "không thể mua và không thể bán, nhưng lại không thể thiếu cho con người". Kinh Thánh là gì? Đó là một thứ vô cùng thiêng liêng, nơi kết tinh những tinh hoa trí tuệ, nơi hội tụ những triết lý, nơi con người có thể tìm thấy ánh sáng dẫn lối thoát khỏi những tăm tối, giông bão của cuộc đời. Có thể thấy, thơ là một trong những thể loại văn học có lịch sử ra đời lâu nhất, chính vì vậy mà nguồn gốc của nó bí ẩn nhất, không ai thực sự lý giải được thơ đến từ đâu, bởi từ lâu người ta đã tin rằng thơ là “ tiếng nói của tâm linh”- thứ không dễ để cắt nghĩa rõ ràng. Thơ có thể bất chợt, rất nhẹ nhàng, chạm tới những tầng sâu, những nơi âm thầm nhất của phận người. Cho nên Thanh Thảo rất đề cao thiên chức của thơ, khi cho rằng: "thơ cao hơn bản năng. Đó là tiếng gọi từ một thiên năng." Giá trị vĩnh hằng của thơ vẫn là những giá trị mang tính nhân văn, những vấn đề thuộc về con người, về nhân loại. Và cái làm nên giá trị ấy chính là ở sự thanh lọc tâm hồn. Chính vì vậy trong quan niệm của Thanh Thảo, thơ không phải là thứ vật chất bình thường mà là tiếng gọi của tâm linh, hơn thế nữa còn là một thứ tôn giáo mà người làm thơ, người đọc thơ nhiều khi phải chấp nhận bi kịch để vác cây thập giá thơ bước qua những khổ nạn của cuộc đời, mới mong chạm đến bản thể thơ. Vậy còn những người sáng tạo ra thơ, thứ Kinh Thánh của tâm hồn ấy? Trái ngược với sự đề cao thiên chức thơ ca, Thanh Thảo lại quan niệm "Nhà thơ là con người không phải thiên thần". 

tho-la-kinh-thanh-cua-tam-hon-9
Nhà thơ Thanh Thảo

Song, như thế không có nghĩa là hạ thấp giá trị của những chủ thể sáng tạo, ông chỉ không thần thánh hóa họ, vì thần thánh hóa một người sẽ khiến người đó trở nên không thực. Mà, nhà thơ lại rất thực, là người bạn đường của người đọc trên hành trình chiếm lĩnh thơ ca, tìm đến chân, thiện, mỹ, vậy nên dẫu họ không phải thần linh thì thơ của họ cũng là lời của thiên thần; tức là nó đẹp, thánh thiện và thanh cao. Thơ phải là tiếng gọi từ tâm thức và thiên lương của nhà thơ. Vì vậy quá trình sáng tạo thơ bao giờ cũng thể hiện thiên năng của nhà thơ. Đây cũng là vấn đề được quan tâm bàn đến trong quan niệm thơ của Thanh Thảo.

Tuy nhiên, thơ có thể là tất cả, cũng có thể không là gì cả! Đề cao thiên chức của thơ, và dĩ nhiên bằng quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình, thi sĩ hoàn toàn có thể xác tín vào giá trị cao đẹp ấy. Song, coi trọng không có nghĩa là tuyệt đối hóa, "Thơ khác kinh cầu. Nó không tạo ra những cơn mê tập thể. Nó không ru rín" mà nó mê hoặc con người bằng "sự thức tỉnh". "Thơ chỉ dành cho từng người một. Và khi một người đọc thơ cho mình, là người ấy đã đồng hiện với một giáo đường. Vì vậy, có thể coi một người đọc thơ như nghìn người đọc kinh". Thanh Thảo không quá coi trọng chức năng giáo dục của thơ, bởi lẽ thơ mà chỉ nhắm tới giáo dục, cải tạo là thơ không đích thực. Vì "Thơ đích thực không nhằm giáo dục cải tạo ai, nhưng nó lại giúp thanh lọc tâm hồn con người". Nhà thơ Lê Đạt cũng từng cho rằng: " Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn...". Thơ không lớn tiếng rao giảng bất kỳ một bài học nào, thế nhưng vẫn lặng lẽ, từ từ thực hiện thiên chức của mình bằng cách tự nhiên như thế… Và có lẽ, đó mới là con đường chân chính của thi ca trong hành trình trở thành Kinh Thánh của tâm hồn con người chăng? 

Xem thêm: Bàn về "cái tôi" trong bài NLXH: "Tôi chính là chất liệu cho sách của tôi"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận