Ẩn sau cuộc đời nghịch lý của "thần đồng thất bại" Kim Ung Yong là triết lý sâu sắc: Hạnh phúc là 1 cuộc sống bình thường!
"Là người đặc biệt không quan trọng bằng việc sống một cuộc đời bình thường" - câu nói nổi tiếng một thời của "thần đồng thất bại" Kim Ung Yong.
Ông Kim Ung Yong (58 tuổi) là thần đồng người Hàn Quốc có chỉ số IQ 210 từng được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness như người thông minh nhất thế giới. Ông biết nói khi mới vài tháng tuổi. Lên 2 tuổi có thể đọc lưu loát tiếng Hàn, Nhật, Đức và tiếng Anh. Ông trở thành nhà nghiên cứu nhí của NASA, diễn giả và giáo sư đại học khi còn rất trẻ... Song cuối cùng, Kim Ung Yong quyết định bỏ lại "ánh hào quang" để được sống một "cuộc sống bình thường".,
Tuổi thơ "dữ dội" của thần đồng có IQ vượt cả Albert Einstein
Kim Ung Yong sinh ngày 8/3/1962 ở thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon, Đông Bắc Hàn Quốc. Với chỉ số IQ 210, ông hiện được coi là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới.
Gia đình phát hiện Kim Ung Yong thông minh hơn người sau vài tháng ra đời. Khi chưa đầy 1 tuổi, cậu bé thuộc lòng bảng chữ cái Hàn Quốc và 1.000 Hán tự. Lên 3 tuổi, cậu biết tiếng Anh, Đức và Nhật. Đó cũng là lúc cậu được đưa vào theo học ngành Vật lý ở Đại học Hanyang (Hàn Quốc).
Vừa tròn 4 tuổi, Kim thi đạt 210 điểm trong bài kiểm tra IQ dành cho trẻ 7 tuổi. Nhờ đó mà cậu được sách Kỷ lục Guinness công nhận là 1 trong những người thông minh nhất thế giới.
5 tuổi, Kim giải thành công phương trình vi phân trên show truyền hình thực tế của đài Fuji Nhật Bản. Từ đó tên tuổi của cậu nổi danh khắp thế giới.
Cũng trong chương trình của truyền hình Nhật Bản, Kim đã thể hiện trình độ siêu đẳng khi nói tiếng Trung, Tây Ban Nha, Đức, Anh Nhật... một cách thuần thục như tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, cậu còn có tài năng thiên phú về thơ ca, mỹ thuật và toán học.
Vào năm 7 tuổi, Kim kết thúc khóa học 4 năm tại Đại học Hanyang và được Tổ chức hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mời đến nước Mỹ. Tại Mỹ, Kim hoàn thành chương trình học đại học và thậm chí lấy được cả bằng tiến sĩ Vật lý của Đại học bang Colorado trước khi tròn 15 tuổi, độ tuổi mà những cậu bé như Kim thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học.
Với chỉ số IQ cao ngất ngưởng cùng con đường học hành bài bản, khi đó nhiều người tin rằng thế giới sắp đón chào một nhà khoa học vĩ đại. Còn người dân Hàn Quốc thì xem Kim Ung Yong như một bảo vật quốc gia.
Sự cô độc của thần đồng Kim Ung Yong
Kim Ung Yong từng chia sẻ, trong 10 năm học tập và nghiên cứu ở Mỹ là khoảng thời gian cô độc và đáng buồn nhất trong đời. "Thời điểm đó, tôi sống chẳng khác gì một cỗ máy. Tôi thức dậy, giải quyết những việc được giao hằng ngày, ăn, ngủ và cứ thế, thời gian trôi đi. Tôi thực sự không biết tôi đang làm gì. Tôi vô cùng đơn độc và không có lấy một người bạn", ông kể.
Trong thời gian được cả thế giới tôn vinh, Kim Ung Yong nhận được không ít lời mời phỏng vấn của truyền thông. Trong mọi bài phỏng vấn người ta luôn hỏi những câu hỏi về khoa học về những điều rất đại chúng. Song tuyệt nhiên không ai hỏi Kim Ung Yong rằng "mong muốn của em là gì" hay "em muốn trở thành người thế nào". Có lẽ khi đó dư luận tin rằng, với chỉ số IQ như vậy, Kim muốn trở thành ai hoặc muốn làm gì cũng được. Hoặc đúng hơn, chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là trở thành nhà khoa học vĩ đại.
Với NASA, Kim giống như một công cụ, một siêu máy tính chạy bằng cơm giúp họ thực hiện các nghiên cứu về vũ trụ. "Sứ mệnh của Kim" chẳng khác nào là ngục tù mà những người lớn giam cầm ông suốt những năm tháng tuổi thơ. Không bạn bè, không gia đình, không tuổi thơ.
Sau nhiều ngày tháng đấu tranh, Kim Ung Yong quyết định rời Mỹ về Hàn Quốc vào năm 1978, khi đó ông mới 16 tuổi. Mọi người đều rất sốc trước quyết định của thần đồng. Ông mong muốn trở về Hàn Quốc, sống một cuộc sống bình thường cùng bố mẹ.
Khi đó, báo chí Hàn Quốc kết luận cuộc sống bình dị của Kim Ung Yong là "thần đồng thất bại". Kim Ung Yong từng hé lộ, ông phát ốm và mệt mỏi khi trở thành tâm điểm. Ông cảm thấy mình như một con khỉ nuôi trong vườn thú. Khi ấy, chưa có Twitter hay phần mềm chat Yahoo nên báo giấy vẫn quyền lực hơn cả. "Tôi đoán một số người thậm chí còn bắt đầu bảo tôi là tâm thần phân liệt. Tôi không muốn ai chú ý đến mình cả".
"Là người đặc biệt không quan trọng bằng việc sống một cuộc đời bình thường"
Những ngày tháng mới trở về Hàn Quốc với Kim không hề dễ dàng. Để có một công việc ổn định, ông buộc phải có bằng cấp. Vậy là thần đồng bắt đầu học lại từ tiểu học, THCS, THPT và có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trong thời gian chưa đầy 1 năm. Ông từng cho biết, đã học đại học tại một ngôi trường ở ngoại ô thành phố Seoul để tránh bị chú ý.
Đến năm 1981 (khi đó 19 tuổi), Kim Ung Yong đăng ký vào ngành kỹ thuật dân dụng ở Đại học quốc gia Chungbuk. Sau khi tốt nghiệp, ông đi làm với vị trí là một nhân viên bình thường như bao người khác. Nhưng đây lại là quãng thời gian ông cảm thấy hạnh phúc nhất trong suốt nhiều năm qua, ngoại trừ việc thường xuyên bị truyền thông soi mói.
Dù bị gọi là "thiên tài thất bại" nhưng ông cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Ông nói, cuộc sống đó diễn ra theo đúng chuẩn mực cá nhân ông thì đó là thành công. “Mọi người hy vọng tôi trở thành chính trị gia xuất sắc hay nhà kinh tế đại tài. Nhưng tôi không nghĩ quyết định của mình là sự thất bại. Tôi thành công và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại”, Kim kể thêm.
Năm 2014, Kim Ung Yong đã chính thức trở thành giáo sư ở tuổi 52. Công ty bất động sản ở Chungbuk nơi ông Kim từng làm việc, khẳng định thần đồng một thời của Hàn Quốc đã nghỉ việc để trở thành giáo sư của đại học Shinhan ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.
Từ năm 2007 đến nay, ông làm việc tại phòng phát triển kinh doanh của Đại học Chungbuk (Hàn Quốc). Hơn 90 bài nghiên cứu của ông đã được phát hành trên nhiều tờ báo khoa học chuyên ngành.
Hiện nay ông còn là diễn giả cho một số chương trình giáo dục trẻ em. Ông đưa ra nhiều lời khuyên dành cho cha mẹ về việc giáo dục con cái.
Ông chia sẻ: "Mọi đứa trẻ sinh ra cần được học từng bước một. Mục tiêu đầu tiên của chúng ta không phải là bắt ép con cái mình đạt điểm tối đa hay tuân theo những quy định ngặt nghèo của xã hội. Người lớn hãy quan sát và hướng cho các con tự tìm ra ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc của riêng mình. Trở thành thiên tài không quan trọng bằng có một cuộc sống bình thường”.
Với ông, có chỉ số IQ cao cũng giống tài năng khác như thể thao hay âm nhạc. "Xã hội đừng đánh giá con người dựa trên những tiêu chí chủ quan. Mỗi người có một khả năng khác nhau và tất cả chúng ta nên tôn trọng điều đó”.
Hiện nay ở Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao trên thế giới do sức ép học tập và rèn luyện từ nhỏ. Vậy nên, ông đang nỗ lực thay đổi quan điểm sai lầm trong giáo dục của đất nước này. Nhiều bạn trẻ đã ủng hộ tư tưởng này của ông.
Còn Kim Ung Yong thì cảm thấy bản thân mình thành công hơn bao giờ hết khi tìm được cuộc sống hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc, chính là một cuộc sống bình thường!
Bi kịch cuộc đời thần đồng Trung Quốc: Xuống tóc đi tu, từ bỏ học thuật vì nghẹt thở trong áp lực
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận