Nghị luận: Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy
Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Xuân Diệu từng nói: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Quả thực như vậy, cuộc sống này vốn rất quý giá và nó chỉ đến một lần duy nhất. Chính vì thế, ta phải sống thế nào cho xứng đáng, sống sao cho khỏi tiếc nuối vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí. Bàn về ý nghĩa và mục đích sống, nhà thơ Tagore cũng từng đưa ra nhận định thế này trong Bài thơ số 27, tập Người làm vườn: “Thà làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”.
Ai cũng hiểu rằng, cuộc sống có thể kéo dài vô tận nhưng con người lại chẳng thể sống mãi với thời gian. Bằng ngòi bút khéo léo của mình, nhà thơ Tago đã tinh tế lựa chọn cách nói ẩn dụ "Bông sen nở khi thấy mặt trời" để bàn về cách sống, ý chí vươn lên của con người. Theo đó, hoa sen ủ mầm từ chỗ bùn lầy nước đọng nhớp nhúa nhưng vẫn mạnh mẽ vươn lên. Loài hoa này chính là biểu tượng cho cốt cách trong sáng, thuần khiết; đồng thời cũng là khát vọng mạnh mẽ, kiên cường vươn lên, vượt qua mọi nghịch cảnh.
Trong khi đó, "mặt trời" là một thiên thể giữa vũ trụ vốn mang lại sự sống, sinh sôi nảy nở cho vạn vật. Sự rực rỡ, lộng lẫy của mặt trời chính là tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, huy hoàng, vinh quang của mỗi người. Ở đây, “Bông sen nở khi thấy mặt trời” chính là ẩn dụ về lối sống hết mình cho những đam mê, những hoài bão để tự khẳng định giá trị của bản thân nhằm mang đến cho đời, cho người những điều tốt đẹp nhất.
Đó chính là một lối sống tích cực, luôn dùng sự nhiệt huyết, tận tâm của bản thân để tận hiến cho đời những giá trị ý nghĩa. Thà làm một người bất thường đi làm chuyện khác thường mà cao cả còn hơn là một người bình thường nhưng chẳng làm gì có ích cho đời. Chẳng phải vì thế mà Jack London từng thốt lên: “…Tôi thà làm ngôi sao băng tuyệt hảo, từng nguyên tử tỏa sáng rực rỡ còn hơn làm một hành tinh ngái ngủ và vĩnh cửu. Sứ mệnh của con người là sống, không phải chỉ tồn tại” hay sao?
Cái cách sống tận hiến này còn được thể hiện rõ qua hình ảnh ẩn dụ "nụ búp" để nhấn mạnh cho cái e thẹn, non nớt mới lớn còn sợ nắng, sợ gió. Cũng giống như con người chúng ta chẳng thể tránh khỏi những giây phút nhút nhát, e ngại trước bão tố của cuộc sống. Hình ảnh “sương lạnh vĩnh cửu” ở đây còn lột tả chân thức cái lạnh giá, khắc nghiệt của thời thiết. Ở đó, chúng ta phải lùi mình, cúi người, chẳng thể sinh sôi phát triển. Nét gợi nhắc này cũng chính là tượng trưng cho nghịch cảnh, gam màu u ám trong cuộc đời này. Mượn hình ảnh hết sức gần gũi, quen thuộc; nhà văn Tago một lần nữa nhấn mạnh một chân lý trần trụi: Sinh lực của con người là hữu hạn. Đời người cũng chẳng thể nào đuổi kịp dòng thời gian. Chính vì thế, trong những năm tháng còn có thể, chúng ta hãy sống nhiệt tình, sống tận hiến.
Vẫn biết rằng, “cuộc sống là một đường chạy Marathon dài vô tận” nhưng chúng ta vẫn có thể như những bông hoa sen kia “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Con người dù trong bất cứ nghịch cảnh nào cũng cần phải biết nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi rào cản để có thể sống một đời ý nghĩa, không vô vị, tẻ nhạt, không tiếc phí. Đừng quên: "Chúng ta chỉ sống một lần nhưng nếu sống đúng, thì một lần là đủ". (Mae West)
“Giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”! Đương nhiên “chôn” mình trong sương lạnh vĩnh cửu đồng nghĩa đổi lại có một cuộc đời an phận, ít sóng gió. Nhưng một khi chọn “chôn” mình tức đã hoàn toàn “chôn” theo đúng nghĩa. “Nụ búp” kia sẽ không còn phát triển, không còn nở rộ, không còn có thể vươn mình tận hưởng những thời khắc đẹp đẽ nhất của ánh dương.
Cũng giống như chúng ta nếu ngại khó ngại khổ; sống lười biếng, không có lý tưởng; chỉ vừa gặp khó khăn, thử thách đã sớm bỏ cuộc sẽ đánh mất đi cơ hội để bộc lộ tài năng của bản thân. Sự tồn tại của chúng ta dần trở nên mờ nhạt, vô vị, chẳng để lại bất cứ dấu ấn đặc biệt nào cho cuộc đời này. Thái độ sống hời hợt này cần bị phê phán và cần nhận thức, thay đổi lại quan niệm sống của bản thân.
Qua câu nói đầy triết lý của Tago, chúng ta cần hiểu rằng: Cuộc sống này có nhiều cách để sống đồng nghĩa với việc chúng ta có nhiều cơ hội để tỏa sáng. Hãy ước mơ, hãy khát khao, hãy hành động! Hãy sống một cuộc đời có lý tưởng, có khát vọng cao đẹp. Chúng ta hãy học tập, rèn luyện bản thân thật tốt để sẵn sàng vươn lên trước nghịch cảnh, cống hiến tài năng của mình cho xã hội, cho đất nước, trở thành “bông hoa” tỏa ngát hương cho cuộc đời này.
Đừng sống ích kỉ. Đừng sợ những tổn thương. Đừng sợ va chạm. Bởi như vậy, chúng ta sẽ mãi là những nụ búp bé con không bao giờ nở rộ. Khi đứng trước những thử thách, nếu ta run sợ rồi từ bỏ tức là chúng ta đã tự đặt dấu chấm hết cho mục tiêu, lí tưởng của chính mình.
Hơn thế nữa, lối sống an phận, cố thủ còn giam hãm con người trong vỏ bọc hèn nhát, yếu đuối. Sự sống của con người cũng vì vậy dần trở nên thừa thãi, vô dụng, không một ai biết đến. Vì vậy, hãy sống bằng trái tim đầy nhiệt huyết sục sôi, hãy sống như chưa bao giờ được sống. Đừng ngại hi sinh mà hãy kiên định thực hiện những mục tiêu thành quả, “trái ngọt” sẽ đến và khiến chúng ta tự hào.
Giáo sư Văn Tạo từng tâm niệm: “Đừng mượn hơi ai mà thở”. Câu nói của nhà thơ Tagore đã mang đến cho chúng ta một bài học sâu sắc, một triết lý sâu sắc và đầy ý nghĩa về cách sống, lối sống. Cuộc đời này, mỗi người đều có cho mình một con đường riêng và chẳng ai có thể đi thay được cả. Chính vì thế, mỗi chúng ta hãy tự nhận thức, xây dựng bản lĩnh và nghị lực để vươn lên không ngừng. Hãy cứ cháy hết mình đến tận cùng của khát vọng bởi cuộc sống này ngắn ngủi lắm ai ơi!
Xem thêm: Cái nghèo đói dưới bút pháp của một nhà văn lãng mạn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận