Sự đối chọi và hòa điệu trong "Tây Tiến"

Nói đến Quang dũng là nói đến một trang tài hoa của xứ Đoài. Ông thuộc tuýp nghệ sĩ đa tài. Làm thơ, viết văn, làm nhạc, vẽ tranh,... mỗi loại đều ít nhiều thành tựu...

Đỗ Thu Nga
10:00 06/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhìn chi li, có thể thấy ngôn từ trong thi phẩm này có nhiều lớp kết hợp với nhau: lớp động từ mạnh, lớp tính từ gợi tả, lớp thán từ, lớp địa danh,...Nhưng xét tổng thể, Tây Tiến được đan dệt bởi hai hệ thống chất liệu ngôn từ nổi bật, tạm gọi là "rắn đanh" (cương) mà ngữ nghĩa thường gắn với nhưng gì mạnh, thô, sắc, gắt, dữ dằn,... và "mềm mượt" (nhu) mà ngữ nghĩa nghiêng về nhẹ, êm, dịu, ảo mộng, mờ nhòe,...Nếu "rắn đanh" là chất liệu chủ lực trong việc thể hiện nét dữ dằn, kiêu hùng, thì "mềm mượt" lại có vai trò chính trong việc thể hiện vẻ thơ mộng, nét hào hoa, Song song với những "thác gầm thét", "cọp trêu ngươi", "dữ oai hùm", "oai linh", "mắt trừng", "gầm lên", "bừng lên", "gục lên súng mũ", "bỏ quên đời", "áo bào thay chiếu", "về đất", "một chia phôi", "dãi dầu", "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "ngàn thước lên", "ngàn thước xuống", "đoàn quân mỏi", "đoàn binh", "chiến trường", "mồ viễn xứ", "khúc độc hành",...là những "nhớ chơi vơi", "chiều sương ấy", "đêm hơi", "đêm mơ", "cơm lên khói", "thơm nếp xôi", ""mưa xa khơi", "hoa về", "nhạc về", "hồn về", "nàng e ấp", "dáng kiều thơm",... Như hai gam màu nóng lạnh dưới bàn tay phá phách, vờn phối điệu nghệ của Quang Dũng, chúng kết hợp với nhau để làm sống dậy một bức tranh tây tiến độc đáo: vứa tương phản vừa hòa điệu. Cảnh trí hoang sơ bí hiểm mà thơ mộng trữ tình, con người ngang tàng kiêu dũng mà mà tình tứ hào hoa. Thực ra, ngôn ngữ trong thi phẩm nào mà chẳng có "cương" có "nhu"! Nhưng , trong Tây Tiến, sự đối chọi và hòa điệu này là một nguyên tắc thi pháp thống nhất, chi phối từ hình tượng đến chất liệu.

Âm điệu của Tây Tiến cũng gây một ấn tượng khá độc đáo. Một khí vị rất cổ mà lại tân kì. Có phải dạng lai tạp, cổ kim lẫn lộn không? Không. Nghe kĩ, thấy âm điệu chủ là hiện đại nhưng có pha sắc điệu xưa. Ấy là sắc điệu cổ phong của thể hành cườm vào giọng điệu đây ba động củ "cái thuở ban đâu dân quốc ấy". Một nét riêng trong nhạc của thể hành là nhiều đối chọi gay gắt về thanh điệu, vần điệu. Khi qua tay Quang Dũng, nhạc hành nhập cuộc được với thời thế. Bên cạnh ít nhiều những câu dày đặc thanh trắc:"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" là rất nhiều câu giàu thanh bằng:"Mường Lát hoa về trong đêm hơi", "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", "Nhạc về Viêng Chăng xây hồn thơ", thậm chí thuần thanh bằng như "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Liều lượng ấy đã đem đến cho Tây Tiến một nhạc điệu tân kì hơn. Tựa vào nhạc điệu nhiều du dương hoa mỹ đó, nỗi nhớ chơi vơi càng chơi vơi hơn. Hai nét nhạc "cương-nhu" đối chọi mà hòa đồng này chẳng phải là sự song hành độc đáo trong hình thức Tây Tiến hay sao?

su-doi-choi-va-hoa-dieu-trong-tay-tien-9

Nhạc bao giờ cũng phải ăn với giọng thì mới nổi. Hồi bấy giờ, không biết do ấu trĩ hay do ác ý, người ta từng gọi giọng điệu Tây Tiến là giọng "yêng hùng", "buồn rớt". Thực ra đó chính là chất giọng bi tráng khá hấp dẫn. Mà bi khí trong đó không hế lấn át hào khí. Trái lại, bi khí càng làm cho hào khí thêm chân thực và thấm thía. Đọc Tây Tiến, ít ai không cảm nhận được giọng điệu ấy. Song, khi chỉ ra, người ta thường lẫn với nội dung. Toàn đi tìm những cảnh mất mát hi sinh với hành động quyết liệt, quả cảm như người Tây Tiến được khắc họa trong nội dung(!)Giọng điệu thì trước hết phải tìm trong ngôn ngữ và hình thái tổ chức của nó chứ. Ví dụ, để tạo được điệu buồn (bi), không thể thiếu sắc điệu thương tiếc, nhớ nhung, hoài niệm được thể hiện đậmở những nốt nhấn dọc theo điệu thơ: "xa rồi Tây Tiến ơi", "nhớ về...nhớ chơi vơi", "nhớ ôi", "có thấy", "có nhớ", ở những tính từ trĩu nặng cảm kích xót xa: "dãi dầu", "rải rác", "thăm thẳm",...Còn tạo nên hào khí (tráng), không thể thiếu một chất giọng ngạo nghễ của người đứng cao hơn thử thách, khinh thường gian truân. Trong đó, điêm nhấn ngữ điệu thường rơi vào những từ chỉ động thái mạnh, hoặc sắc thái gắt như "gầm thét", "mắt trừng", "dốc lên", "khuc khuyu", "thăm thẳm", "ngàn thước", "một chia phôi",...Và làm sao thiếu được vai trò của những cụm từ có tính phủ định đậm đặc trong toàn bài: "không bước nữa", "bỏ quên đời", "không mọc tóc", "chẳng tiếc đời xanh", "không hẹn ước", "chẳng về xuôi",...chúng làm nên ngữ khí ngang tàng, bất cần, những nét không thể thiếu của chất giọng kiêu hùng Tây Tiến. Bởi vậy, Tây Tiến tràn đầy hào khí chứ không bi lụy.

Nói đến Quang Dũng là nói đến một trang tài hoa của xứ Đoài. Ông thuộc tuýp nghệ sĩ đa tài. Làm thơ, viết văn, làm nhạc, vẽ tranh,... mỗi loại đều ít nhiều thành tựu. Và sáng tác của ông bao giờ cũng thấy nhạc họa giao duyên. Có thể nói sự kết hơp nhạc họa là nét tài hoa nổi bật trong ngôn ngữ và bút pháp Quang Dũng. Bất cứ đoạn nào trong Tây Tiến cũng có thể làm minh chứng. Ví như: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Ở đây, cả nhạc và họa đầu đồng thanh cất tiếng. tiếng nói của chúng chuyển hóa sang nhau. Đến nỗi, có thể xem Quang Dũng đang vẽ tranh bằng nhạc. Âm thanh và nhịp điệu đã tiếp ứng cho ngữ nghĩa để thi sĩ vẽ nên một hình thể núi non và qua đó là tâm thế quân Tây Tiến thật sống động và sắc nét. Câu đầu chia làm hai vế nhịp 4/3, mỗi vế bắc đầu bằng một chữ "dốc" đanh sắc, gợi ra những con dốc tiếp nối nhau. Câu thơ bảy tiếng có tới năm thanh trắc gợi ra sự gồ ghề, gân guốc, góc cạnh, từ láy "khúc khuỷu" lại được phụ họa bằng từ láy "thăm thẳm" gợi được hình thể gập ghềnh, quanh co của núi đèo. Tất cả như hè nhau hòng làm nản chí kẻ leo dốc. Câu thứ hai với hình ảnh "súng ngửi trời", lời thơ không cần nói đỉnh núi mà vẫn gợi ra được đỉnh núi, gợi được thế đứng của kẻ đã chinh phục được đỉnh cao nhất của núi rừng miền Tây. Câu thứ ba, tạo hình bằng nhịp điệu và số từ. Do nhịp 4/3, câu thơ như bẻ đôi thành hai vế tự hồ hai vách núi dựng đứng, với ngàn thước lên và ngàn thước xuống. Một câu thơ mạnh mẽ đây khí lực. Đoạn thơ kết bằng một điệu nhạc mà cũng là một bức tranh: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Chuỗi thanh bằng như nét nhạc du dương mang trong nó sự sảng khoái của người đã trút lại sau lưng bao cực nhọc khi vượt dốc, hay như nét vẽ mềm mượt, mờ nhọe gợi không gian mênh mông của màn mưa giăng từ biên cương tới tận xa khơi, trong đó mờ tỏ những nếp nhà sơn dã? Thật khó mà tách bạch, bởi cả hai đã nhập hẳn vào nhau.

Sự kết hợp táo bạo mà nhuần nhị như thể là bí quyết cuối cùng thuộc cá tính sáng tạo đã giúp Quang Dũng hòa điệu được các đối cực trong mỗi tác phẩm để chúng trở thành những cái đẹp sống động, những sinh thể nghệ thuật độc đáo.

(TS Chu Văn Sơn)

Xem thêm: Phân tích "sự hi sinh" trong Tây Tiến

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận