Phân tích khúc ca ra trận trong "Việt Bắc" của Tố Hữu

Theo dòng hồi tưởng của nhà thơ Tố Hữu trong bài Việt Bắc, bạn đọc lại một lần nữa cảm nhận về cuộc kháng chiến của dân tộc ta với sức mạnh vô song của khối đại đoàn kết của tình quân dân để tạo nên những chiến công lẫy lừng. 

Đỗ Thu Nga
15:00 16/06/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong nền văn học Việt Nam, đề tài kháng chiến đã tạo nên những rung động, nguồn cảm hứng to lớn cho nhiều thi nhân tài hoa. Trong đó phải kể đến nhà thơ Tố Hữu - một hồn thơ dân tộc với phong cách thơ mang tính trữ tình chính trị vô cùng sâu sắc. ‘’Việt Bắc’’ là đỉnh cao của thơ Tố Hữu, thể hiện nỗi nhớ, sự lưu luyến và tấm lòng son sắt của người dân Việt Bắc với chiến sĩ cách  mạng miền xuôi. Với một trái tim nồng nàn yêu nước, nhà thơ đã bồi hồi nhớ lại và phác họa nên bức tranh ra quân hùng tráng, tràn đầy khí thế chiến thắng của quân dân ta:

"Những đường Việt Bắc của ta

...

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên’’ 

Những nẻo đường cách mạng trải rộng thênh thang đã chứng kiến biết bao cuộc chiến tranh khốc liệt giữa ta và địch. Dù đi qua bao con dốc khúc khuỷu, đường mòn hẹp lối thì những chiến sĩ cách mạng vẫn không chùn bước. Câu thơ ‘’Những đường Việt Bắc của ta’’ như một lời khẳng định chủ quyền hùng hồn rằng dù có kinh qua bao cuộc chiến thất bại hay chịu nhiều mất mát hy sinh thì cuối cùng những con đường đã bị chiếm đóng rồi cùng thuộc về chúng ta. Tiếp đến, Tố Hữu đã lắng mình hồi tưởng lại hình ảnh đoàn binh ra trận khí thế rợp trời: 

"Đêm đêm rầm rập như là đất rung

 Quân đi điệp điệp trùng trùng 

 Ánh sao đầu sung bạn cùng mũ nan’’

phan-tich-khuc-ca-ra-tran-trong-viet-bac-cua-to-huu

Tình thần đoàn kết, ý chí chiến đấu của đoàn quân đã thực sự làm nức lòng người đọc. Giữa màn đêm u tối biết bao hiểm nguy, các chiến sĩ vẫn đồng sức đồng lòng tiến về phía trước, chung một khát vọng giành lại độc lập. Nhà thơ đã tài tình khi dung biện pháp so sánh để ví những bước chân dũng cảm của đoàn binh có thể lay chuyển cả đất trời. Hình ảnh đoàn binh ‘’ điệp điệp, trùng trùng’’ bước đi thể hiện một nhịp độ khẩn trương, uy lực mạnh mẽ vô cùng. Câu thơ sống động như một cuộc diễu binh. Ta như có thể hình dung ra được cảnh tượng oanh liệt ấy qua từng con chữ. Khí thế hào hùng được thể hiện  qua hàng loạt phụ âm rung, các từ láy như đêm đêm, rầm rập, điệp điệp trùng trùng. Đoàn quân ra trận trong một hoàn cảnh và khí thế như vậy không phải ngày một ngày hai mà là xuyên suốt cuộc kháng chiến. Không có một khó khăn nào có thể lay chuyển được tinh thần của người chiến sĩ cách mạng. Ta bắt gặp được lý tưởng của họ trong câu thơ ‘’Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan’’ Những vì tinh tú lấp lánh trên bầu trời trong ánh mắt người lính như đang xua đi cái lanh lẽo, u tối của màn đêm. Hơn thế nữa, ánh sao nơi đầu súng tựa như lý tưởng cách mạng trong tim mỗi người chiến sĩ. Không còn là ‘’đầu sung trăng treo trong thơ Chính Hữu hay ‘’súng ngửi trời’’ trong bài thơ Tây Tiến, ánh sao lúc này cũng mang những hy vọng tràn đầy, cũng chứa đựng một về một ngày mai hòa bình lập lại, không còn những mất mát đau thương. Tình đồng chí, động đội một lần nữa được khẳng định. Dù là những người xa lạ chưa từng quen biết nhau thì giờ đây mỗi trái tim hòa chung một nhịp đập, cùng chung một lý tưởng cách mạng thì đều là bạn. Câu thơ chứa đựng hình ảnh giàu chất thơ, đậm chất lãng mạn mà nhà thơ đã khéo léo lồng vào. Giữa những động từ mạnh mẽ như “rầm rập”, “đất rung”, “điệp điệp trùng trùng”, hình ảnh ánh sao hiện lên thật nhẹ nhàng và đẹp đẽ. Thiên nhiên song song cùng con người, soi sáng cho dân tộc vượt bao nguy nan.

Làm nên chiến thắng không chỉ có người lính mà còn là sư góp sức hết lòng nơi hậu phương:

"Dân công đỏ đuốc từng đoàn 

 Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

 Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên’’

Nếu như ở câu thơ trên, nơi các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu có các vì sao soi sán, thì đến đây, những ngọn đuốc vẫn ngày đêm rực lửa cùng lực lượng dân công hỏa tuyến. Hai hình ảnh đoàn quân và đoàn dân công như được đặt song hành với nhau càng khẳng định được lực lượng của ta cũng như tinh thần đoàn kết, hỗ trợ cho nhau trong trận chiến này. Bằng cách cường điệu qua hình ảnh ‘’ bước chân nát đá’’ nhà thơ đã làm nổi bật khí thế hào hùng, sức mạnh phi thường của đoàn dân công. Sức mạnh ấy như đang trỗi dậy đẹ dọa đến giặc Pháp, dù bọn chúng có hung bạo đến đâu rồi thì cũng như những tàn lửa bay trong đêm mà thôi. Cũng như đoàn binh nơi tiền tuyến, dân công ở hậu phương cũng hoạt động tích cực qua nhiều đêm dài:

 ’Nghìn đêm thăm thẳm sương dài

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên’’.

Hai chữ ‘’nghìn đêm’’ thôi cũng đủ cho ta thấy được sự cố gắng bền bỉ, không ngại thử thách của đoàn dân công. Câu thơ bỗng trở nên sâu thẳm, làm hiện lên một cảnh tưởng với sự lạnh lẽo, rét buốt đang bám lấy từng con tim yêu nước. Một lần nữa Tố Hữu lại bộc lộ tại hoa của mình khi đặt hình ảnh đối lập ‘’ đèn pha bật sáng’’ ở câu thơ tiếp theo, làm cho người đọc luôn giữ được một mạch cảm xúc rằng không có một khó khăn nào có thể tồn tại lâu và làm mòn được ý chí của những còn người đang ra sức giành lại độc lập dân tộc. ‘’Ngày mai lên’’- vỏn vẹn ba chữ thôi cũng đủ để  bộc lộ được khát khao cháy bỏng về độc lập tự do, khẳng định hùng hồn lòng tự hào dân tộc. Các chiến sĩ Việt Bắc kiên cường, dũng cảm và giữ vững nhuệ khí dù phải chiến đấu đêm ngày, đó là một tinh thần bất khuất mà nhân dân ta đã gìn giữ tự bao đời. Từ thuở vua Hùng dựng nước, giữ nước, đến những ngày đất nước chìm trong biển lửa chiến tranh, người Việt Nam chưa bao giờ quy phục và đầu hàng. Những người lính vĩ đại ấy sống và chiến đấu vì một mục tiêu chung, mục tiêu đó hiện lên sôi sục mỗi phút giây với hình hài của non sông, với ước mơ độc lập chưa bao giờ nguôi ngoai. 

Nhắc đến thơ ca kháng chiến chống Pháp, quả thực không thể không nhắc đến “lá cờ đầu” Tố Hữu – Nguyễn Kim Thành, tên tuổi của ông, những vần thơ sục sôi khí thế của ông như tiếp thêm sức mạnh cho nghìn trùng quân vẫn ngày đêm nơi mặt trận sương mờ. Từ “Ta đi tới”, từ "Sáng tháng Năm", đến "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", rồi đỉnh điểm là Việt Bắc. Tất cả đã thổi vào hồn thơ cách mạng dân tộc một làn gió mát lành và trung hậu, làm sâu sắc thêm thơ ca nước nhà. Từ đó, người đọc hôm nay có thể hiểu và cảm nhận, biết ơn với một thời máu lửa anh hùng của cha ông ta. Nếu không có nhà thơ của dân tộc Tố Hữu, thì nền văn học kháng chiến đã khuyết mất những niềm riêng đáng trân trọng. Vẫn còn vang vọng đâu đây như tiếng của non sông:

“Kháng chiến ba nghìn ngày

Không đêm nào vui bằng đêm nay

Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực

Trên đất nước, như

Huân chương trên ngực

Dân tộc ta dân tộc anh hùng!”

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Khép lại đoạn thơ khúc ca ra trận của Việt Bắc với bao cảm xúc, ta nhận thấy được rằng để giành lại được hòa bình thì chiến sĩ nơi tiền tuyến cũng như dân công nơi hậu phương ai nấy cũng đều đồng sức chung một lòng hướng về Tổ quốc thân yêu, sẵn sàng đương đầu với bao thử thách. Tố Hữu quả thực xuất sắc trong cách sử dụng ngôn từ, biện pháp nghệ thuật cùng với thể thơ đã làm nổi bật được hiện thực khó khăn cũng như ngợi ca những con người đã góp công vì đất nước thân yêu, như Chế Lan Viên từng nhận xét: “Nhà thơ này sử dụng đôi mắt tinh tường, nhà thơ khác sử dụng bộ óc kì ảo, còn Tố Hữu, anh chỉ sử dụng tình cảm và trái tim trần”. Là một học sinh, một công dân đang được sống những tháng ngày hòa bình, em tự nhận thấy mình phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với những gì mà ông cha ta ngày trước đã phải vất vả thế nào mới có được. 

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ không trộn lẫn

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận