Ôn thi tốt nghiệp: Vận dụng thơ Chế Lan Viên vào Việt Bắc và Đất nước
Nếu muốn đạt được điểm thi văn cao, các bạn học sinh đừng quên vận dụng lý luận văn học từ thơ của Chế Lan Viên vào phân tích tác phẩm Viết Bắc và Đất Nước nhé.
“Thật kỳ lạ, khó hiểu, nếu chỉ dừng lại ở lớp vỏ ngoài của ngôn ngữ thơ, có thể chắn một cơn lũ dữ, xẻ một ngọn núi, đào một con sông, nhưng không ai có thể làm cái việc phi lý, trái quy luật là “chắn nẻo xuân sang” bằng những xác lá vàng, những cánh hoa tàn úa của mùa thu trước góp lại. Đừng nói là trong đời thực, ngay cả những câu chuyện cổ tích giàu trí tưởng tượng nhất cũng chưa nghe kể bao giờ. Nhưng phải chăng cũng chính cái tưởng chừng phi lý, nghịch lý này đã góp phần tạo nên sức ám ảnh thi vị của thơ Chế Lan Viên?” (Nguyễn Văn Thức - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ). Từ “sức ám ảnh thi vị” ấy của thơ Chế Lan Viên, các bạn hãy sử dụng để mở rộng bài văn của mình:
VIỆT BẮC
Trong “Tuyển tập thơ Chế Lan Viên” của nhà xuất bản Hội nhà văn, tác giả đã ghi dấu lại một hành trình độc đáo và độc sáng thật miệt mài trên con đường sáng tạo thi ca của nhà thơ. Rằng từ thời Điêu tàn, cũng như nhiều nhà thơ cùng thời, Chế Lan Viên mải mê sống trong ngôi tháp ngà thơ, mặc thế sự nhân tình mưa nắng: “Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết/ Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày” (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi); rồi như có phép lạ, hồn thơ Chế Lan Viên ngập tràn “ánh sáng và phù sa”, với những vần thơ tuyệt tác chứa chan tình tự dân tộc, tự hào đất nước có những anh hùng thao lược toàn tài, danh nhân văn hóa kiệt xuất, tay gươm tay bút, vừa làm thơ vừa đánh giặc: “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?). Đó là một quá trình “tự hào về những trang sử, trang văn sáng ngời của Tổ quốc”, một quá trình “tự hào hơn về những ngày mình đang sống hôm nay” - những ngày của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc: “Những ngày tôi đang sống đây là ngày đẹp hơn tất cả/ Dù mai sau đời trăm vạn lần hơn”.
Sự biến chuyển trong nhận thức, thiên hướng thơ ca của Chế Lan Viên khiến ta nhớ về những vần thơ của Tố Hữu trong “Xiềng xích”, trong “những trưa hiu quạnh”, trong những “xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi”, “Giữa dòng ngày tháng âm u đó/ Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi…” mà nhà thơ đã gợi về khi viết “Nhớ đồng” vào tháng 7 năm 1939:
“Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vơ vẩn theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời”.
Từ “những ngày xưa” ấy, Tố Hữu đã từng quanh quẩn tìm kiếm lối đi mở đường cho tương lai, từng u uất và phẫn nộ với những bất công mà dân tộc phải gánh chịu. Khi bước vào thời kì cách mạng Dân tộc dân chủ 1936 - 1939, Đảng Cộng sản ra đời, lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Tố Hữu tìm thấy ánh sáng soi đường và thể hiện nó đầy phấn khởi trong bài thơ “Từ ấy”. Tố Hữu thuộc lớp thanh niên sớm được giác ngộ cách mạng, đến với cách mạng bằng niềm phấn khởi của người vừa tìm thấy con đường lí tưởng của đời mình. Nhà thơ đã ý thức rất rõ mối quan hệ tình cảm của mình với nhân dân:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.
Cái Tôi ấy không còn tách rời mà hòa trong cái Ta chung của cả dân tộc để tạo nên khối đại đoàn kết, làm nên sức mạnh dân tộc. Là con, là em, là anh của những người cùng khổ, Tố Hữu khi ấy đã tự nguyện gắn mình vào mối quan hệ máu thịt với họ, những người đã và đang chịu cảnh nô lệ lầm than.
Đến “Việt Bắc”, Tố Hữu đã dùng ngòi bút tài hoa của mình để tái hiện một bức tranh thơ với thiên nhiên lộng lẫy và con người cần mẫn, siêng năng, toả sáng nơi núi rừng sương khói. Hình ảnh con người chiến khu với tầm vóc ung dung, kiêu hãnh “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”; hình ảnh những san sẻ, nghĩa tình khi cán bộ và nhân dân “Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” - tất cả đã hoá thành nỗi nhớ với “tiếng hát ân tình thuỷ chung” vọng vang sông núi, hoà nhịp vào chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc.
Trong chặng đường thơ ca ấy, ta như cùng thấy “thói ích kỷ, thu vén cá nhân, vụn vặt bị đẩy lùi vào bóng tối, nhường chỗ cho sự đồng tâm nhất trí, chung sức chung lòng, người người đều muốn vượt lên chính mình để được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chung” trong thơ Tố Hữu và Chế Lan Viên: “Không ai có thể ngủ yên trong đời chật/ Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng/ Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều” (Chế Lan Viên). Và ta nhận ra, cuộc sống luôn là chất liệu tuyệt vời của thơ ca, khi người cầm bút luôn hướng ánh mắt chân thành để dõi theo đời, khi tài năng của họ cho phép ngòi bút được nảy nở trên từng luống đất cằn khô đến tươi mới qua từng giai đoạn, thì thơ ca của họ vẫn luôn còn mãi với hành trình của thời gian, như phong thư của kí ức chưa bao giờ thôi giá trị: “Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng/ Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi/ Tâm hồn anh là của đời một nửa/ Một nửa kia lại cũng của đời (Nghĩ về thơ II, Chế Lan Viên). Mỗi nhà thơ đều gửi gắm tình cảm, lòng yêu quê hương đất nước và ngọn lửa sục sôi cống hiến qua từng thời kì, họ hướng về cuộc kháng chiến, hướng về nhân dân với một tâm hồn rộng mở quyết liệt:
“Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,
Rắn như thép, vững như đồng.
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông”.
(Ta đi tới, Tố Hữu)
ĐẤT NƯỚC
Hơn năm mươi năm qua, thơ ca chống Mỹ vẫn “tồn tại như một vầng sáng, như một tầm cao trong thơ Việt Nam hiện đại”. Đó là bước đi vững chắc của dàn đồng ca, dàn hợp xướng lớn sinh thành trong một bối cảnh tinh thần đặc biệt, “cùng xương thịt với nhân dân”, cùng ghi khắc trong tim bao người như một phần máu thịt của đời mình: “Ôi cái ngày xưa thương mến quá/ Cái ngày xưa không biết cũ bao giờ” (Lê Thành Nghị). Trong nền thơ ca đặc biệt này, nhà thơ không còn nêu cao cái tôi cá nhân với chất giọng riêng lạc lõng giữa cuộc đời, mà mỗi thi sĩ, mỗi nhà văn lại góp sức đồng lòng thành một khối đại đoàn kết, thành một thể thống nhất tuyệt đối với cả dân tộc “để trở thành cái ta cộng đồng phát ngôn nhân danh Dân tộc và thời đại”. “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt” (Chế Lan Viên) đi vào thơ ca không “đơn lẻ”, hợp thành bản “đồng ca” (Phạm Tiến Duật) và mang theo bao cảm hứng lớn về đất nước và nhân dân anh hùng trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Cái tôi trữ tình, sử thi hoà vào chặng đường của dân tộc, từ cảm hứng hiện thực thời đại mà hình thành những cảm quan lịch sử, văn hoá sống độc, sâu sắc và thấm đượm nghĩa tình. Vì thế, người đọc thấm nhuần bài học yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần hăng hái chiến đấu và căm thù giặc mạnh mẽ, tinh thần không khuất phục và sẵn sàng hiến dâng của nhân dân anh hùng trong đoạn trích “Đất Nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng”.
Nhà thơ bộc bạch tấm lòng yêu nước bằng những vần thơ sâu sắc hào hùng, gợi lại những kỉ niệm giản đơn mà thấm thía trong cuộc đời mỗi con người. Câu chuyện mẹ kể, miếng trầu bà ăn, sự tích cái kèo, cái cột thành tên, bài học dựng nước và giữ nước, cách trân quý những hạt ngọc trời thơm thảo từ giọt mồ hôi của người nông dân… đều in hằn trong lịch sử hơn bốn nghìn năm hào hùng của dân tộc và được thể hiện thật sinh động trong đoạn trích. Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân đã trở thành tư tưởng cốt lõi, chi phối từng tác phẩm của Nguyễn Khoa Điềm viết trong thời kì này . Đó là “sự đồng hiện của những gì gần gũi nhất, thân thương nhất của mỗi con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, trong thời gian và không gian, trong lịch sử và truyền thống văn hoá…”; đó còn là quá trình “tìm đường” và “nhận đường” của tuổi trẻ đô thị miền Nam về với con đường cách mạng của dân tộc, nhân dân. Thơ ca trong quan niệm của tác giả lúc bấy giờ đã trở thành sứ mệnh cao cả, giúp nhà thơ hoà mình vào cuộc sống nhân dân, đi đến “Trăm miền đất nước” bằng chất liệu văn hoá dân gian lắng đọng, giàu tính liên tưởng, bằng giọng điệu trữ tình giàu chất chính luận… để “lắng nghe và rung động với âm thanh ríu rít, tràn đầy sức sống của cuộc đời”. “Đất Nước” ra đời trong bối cảnh ác liệt của chiến tranh chống Mỹ, trong niềm hi vọng vào tuổi trẻ quật khởi kiên cường. “Đất Nước” gợi cho mỗi người về truyền thống văn hoá, lịch sử và địa lí của Tổ quốc thân yêu, nung trong ta ngọn than lửa âm ỉ cháy, nhiệt huyết lạ thường. Như Chế Lan Viên từng viết:
“Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy.
Lặng vào đời rồi lại ngoi lên”.
(Nghĩ về đời, nghĩ về thơ, nghĩ ...)
Lặng vào lòng độc giả bao yêu thương quen thuộc của quê hương đất nước, tác phẩm chính là tài năng, tấm lòng và tâm huyết của người nghệ sĩ Nguyễn Khoa Điềm. Ông đã “Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình/ Cơn nắng, cơn mưa làm điều suy nghĩ/ Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe” (Chế Lan Viên) để tạo nên chất thơ tinh lọc, kết tinh từ đại dương bao la của hiện thực, trở thành “người trong cuộc” - người dám sống hết mình với thời đại của mình giữa những năm tháng thử thách khốc liệt như thế.
(Theo Thưởng thức sách)
Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: Tặng 2k6 bộ đề cương 9+ các tác phẩm thơ trọng tâm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận