Ôn thi tốt nghiệp THPT: Top những kết bài "Vợ chồng A Phủ" siêu hay

"Vợ chồng A Phủ" là một trong những tác phẩm trọng tâm trong ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Vì thế, các bạn học sinh đừng bỏ qua những kết bài này nhé. 

Đỗ Thu Nga
11:00 28/04/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Kết bài Vợ chồng A Phủ trong đêm tình mùa xuân

Kết bài mẫu 1

Khen thay cho tài năng xây dựng nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân chúng ta càng thấy rõ hơn điều đó. Việc miêu tả chi tiết, đặc tả diễn biến tâm trạng và hành động của Mị cho thấy nhà văn đã thực sự nhập tâm vào nhân vật. Ông đã biến chính mình thành Mị đã suy nghĩ, để hành động và cảm nhận. Nhờ thế, mà nhân vật của nhà văn vô cùng sinh động, chân thực và có chiều sâu hơn về tâm lý. Sự thay đổi tâm lý, tâm trạng của Mị trong đêm tình ấy đã nung nấu trong lòng cô ngọn lửa đấu tranh, khát khao sống tự do. Nó mang tới cho bạn đọc thông điệp, tận sâu trong tim mỗi người luôn có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Vì thế hãy sống sao cho ý nghĩa, đừng sống hoài sống phí.

Kết bài mẫu 2

Một làn sóng tình cảm đã tan đi, không làm thay đổi mảy may đời Mị. Những cái gì Tô Hoài đã viết về đêm hôm ấy vẫn đầy ý nghĩa. Nó cho thấy sức sống của con người dù bị giẫm đạp, đè nén đến đâu cũng vẫn không bị mất đi. Ý nghĩa ấy khiến ta thêm tin, thêm yêu mến con người. Thứ hai chế độ phong kiến là chế độ buộc trói, giam hãm chống lại con người và sư sống. Chế độ ấy đáng căm thù, lên án cả từ phía nhân danh quyền sống của con người. Một tình tiết nghệ thuật giàu chất nhân đạo và chất thơ.

Kết bài mẫu 3

Tóm lại, trong khung cảnh tăm tối, ngột ngạt, tù túng, tàn bạo, chúng ta thấy có bản năng sống đầy chất thơ của nhân vật Mị bừng sáng lên. Sức sống tiềm tàng, trẻ trung không dập tắt được của Mị là một bài ca hùng hồn về sự sống. Đồng thời cũng là một bản cáo trạng đanh thép về tội ác của bọn phong kiến, thần quyền cùng núi cao Tây Bắc.

Kết bài mẫu 4

Với diễn biến tâm trạng vừa phức tạp, vừa hợp lí, Mị đã thực hiện cuộc nổi loạn đầu tiên, thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ. Mặc dù chưa thành công, ty khát vọng hạnh phúc chưa thành hiện thực, nhưng cuộc vượt thoát trong đêm tình mùa xuân vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó cho thấy ẩn đằng sau người phụ nữ bị nô lệ hóa, tưởng như chai sạn vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt. Đồng thời khát vọng hạnh phúc bị chặn đứng cũng mang giá trị tố cáo, phê phán sâu sắc.

Kết bài mẫu 5

Mùa xuân rồi cũng qua đi nhưng sức sống tiềm tàng trong Mị đã được khơi dậy và chờ dịp bùng lên. Với nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật tinh tế Tô Hoài đã đem đến cho nhân vật một hướng đi, một cuộc đời mới. Đó cũng chính là giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm. Đồng thời cũng cho thấy tài năng của Tô Hoài cùng những đóng góp của ông cho văn học Việt Nam.

Kết bài phân tích Vợ chồng A Phủ

Kết bài mẫu 1

Bằng tấm lòng gắn bó cùng vốn am hiểu sâu sắc về đời sống, văn hóa của vùng đất Tây Bắc, trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài không chỉ dựng lên bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, khoáng đạt mà còn giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa, về cuộc sống, thân phận những người nông dân Tây Bắc trước cách mạng. Đó là những con người khốn khổ bị vây hãm, chà đạp bởi cường quyền, thần quyền: Mị, A Phủ, thế nhưng dù bị áp bức đến tận cùng thì họ vẫn mang theo niềm tin, sự sống mãnh liệt để vươn lên khỏi cái bạo tàn để giải phóng bản thân.

Kết bài mẫu 2

"Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài là truyện ngắn có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc khi lên án thế lực cường quyền, thần quyền lạc hậu, bạo tàn ở vùng núi Tây Bắc đã đẩy con người vô tội vào tận cùng của đau khổ, đọa đầy. Đồng thời, "Vợ chồng A Phủ" cũng là tiếng nói cảm thông, trân trọng của nhà văn Tô Hoài đối với những người nông dân nghèo, bất hạnh như Mị, A Phủ. Nhà văn đồng cảm với số phận đau khổ, bị tước đoạt đi tự do, hạnh phúc đồng thời ca ngợi, trân trọng sức sống tiềm tàng bên trong những con người khốn khổ ấy.

Kết bài mẫu 3

Thông qua những miêu tả chi tiết về thái độ cũng như những chuyển biến tâm lí của nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng bên trong Mị hay cũng chính là sức sống của những người nông dân nghèo vùng núi Tây Bắc. Giá trị nhân văn sâu sắc của truyện ngắn này còn thể hiện ở chỗ Tô Hoài không chỉ hướng đến phản ánh cuộc sống khổ đau của người nông dân mà còn hướng họ đến con đường "sáng" - đi theo cách mạng để giải phóng bản thân, giải phóng quê hương, đất nước.

Kết bài mẫu 4

Qua việc khắc họa cuộc sống và số phận của những người nông dân cùng khổ: Mị, A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã mở ra bức tranh hiện thực tăm tối, ngột ngạt của người dân miền núi Tây Bắc dưới chế độ phong kiến đen tối, nơi giai cấp thống trị có thể tự do áp bức, tước đoạt đi tự do, hạnh phúc và cả quyền sống của những người dân nghèo vô tội. Quá trình vượt qua nghịch cảnh, giải phóng bản thân, đi theo cách mạng của Mị và A Phủ cũng chính là quá trình giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc miền núi. Truyện ngắn không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo của Tô Hoài khi bênh vực, đồng cảm với số phận con người mà còn thể hiện niềm tin của tác giả vào cách mạng, khẳng định chỉ có đi theo cách mạng con người mới có thể thực sự tìm thấy tự do, phá bỏ xiềng xích áp bức để hướng đến cuộc sống hạnh phúc.

Kết bài mẫu 5

Đọc Vợ chồng A Phủ, ta mới thấy được tài năng của Tô Hoài trong việc khắc hoạ tâm lí nhân vật. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ đều gắn với những tính cách, những chuyển biến tâm lí đầy tinh vi của nhân vật được thể hiện rõ nét. Truyện đã vạch trần được những tội ác, sự bất công ngang trái của xã hội xưa, nói lên tiếng nói thương cảm của nhà văn với những người dân miền núi chịu nhiều khổ cực. Ngoài ra, Tô Hoài còn đưa đến một thông điệp về giá trị sống: Trong cực khổ, bần hàn vẫn cần cố gắng, sống và quyết tâm vươn tới những chân trời tự do, tin tưởng ở tương lai tươi đẹp.

Kết bài phân tích nhân vật Mị

Kết bài mẫu 1

Sự đổi đời của Mị đã tô đậm giá trị nhân đạo của truyện "Vợ chồng A Phủ". Từ tủi nhục cay đắng của kiếp con dâu gạt nợ, Mị đã vùng dậy giành được tự do, hạnh phúc. Cái hương vị cuộc đời ấy thật đáng quý và sáng giá biết bao! Tô Hoài đã dành cho nhân vật Mị sự cảm thương sâu sắc đầy tình người.

Kết bài mẫu 2

Chân dung ngoại hiện đến những bước ngoặt tâm lý đã đủ thấy Tô Hoài từng sống sâu sắc với nơi đây biết bao. Mị chính là một mảnh Tây Bắc sống mãi trong làng văn, sống mãi trong đời văn của người nghệ sĩ mà ta vẫn gọi là “pho từ điển sống” này.

Kết bài mẫu 3

Thông qua nhân vật Mị nhà văn đã thay toàn dân tố cáo cái thế lực phong kiến đã áp bức, bóc lột và chà đạp nên quyền sống cơ bản của con người. Cũng qua nhân vật ấy Tô Hoài đã ca ngợi khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng tự do hạnh phúc của những con người nghèo khổ ấy, đồng thời thể hiện sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tình giai cấp của dân tộc Việt trong những khó khăn gian khổ.

on-thi-tot-nghiep-thpt-top-nhung-ket-bai-vo-chong-a-phu-sieu-hay

Kết bài mẫu 4

Có thể nói, Mị là linh hồn của phần một trong truyện “Vợ chồng A Phủ”. Nhân vật này được Tô Hoài khắc họa bằng bút pháp cá thể hóa và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế. Qua nhân vật Mị, nhà văn đã thể hiện những tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần quan trọng làm nên sự thành công của tác phẩm.

Kết bài mẫu 5

Sức sống tiềm tàng ấy giúp nhà văn khẳng định được sức mạnh của tâm hồn con người Việt Nam và chân lý muôn đời: ở đâu có áp bức bất công thì ở đó có sự đấu tranh để chống lại nó dù đó là sự vùng lên một cách tự phát như Mị. Đây chính là cuộc đấu tranh đi lên từ tự phát đến tự giác theo ánh sáng của cách mạng. Đó là giá trị nhân văn ngời sáng của tác phẩm.

Kết bài cảm nhận về nhân vật Mị

Kết bài mẫu 1

Tô Hoài đã rất tài tình trong nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Mị. Chính ngòi bút tinh tường ấy đã dẫn lối người đọc len lỏi vào trong tâm hồn, cảm xúc của Mị, nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của cô gái này.

Kết bài mẫu 2

Qua hình tượng nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả thực trạng cuộc sống bị áp bức, đè nén, chà đạp đến cùng cực, nhàu nát của số phận những con người nhỏ bé nơi miền núi cao Tây Bắc, tố cáo, vạch trần tội ác của bọn phong kiến nơi ấy đồng thời phát hiện nhiều phẩm chất tốt đẹp của con người tập trung ngòi bút ngợi ca sức sống tiềm tàng của họ. Đó cũng chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo toát lên từ nhân vật trung tâm của thiên truyện hấp dẫn này.

Kết bài mẫu 3

Thông qua hình tượng nhân vật Mị, Tô Hoài đã khắc họa rất thành công hình ảnh người phụ nữ vùng cao. Hiền lành, chất phác, yêu lao động và đặc biệt cũng rất mạnh mẽ biết vùng lên chống lại ách áp bức bóc lột tìm lại cuộc sống tự do của chính mình.

Kết bài phân tích nhân vật A Phủ

Kết bài mẫu 1

Bằng khả năng khắc họa nhân vật tài tình, Tô Hoài đã xây dựng được một nhân vật hết sức tiêu biểu cho những chàng trai miền Tây Bắc – A Phủ. Một chàng trai khỏe mạnh, có tài năng và cá tính mạnh mẽ. A Phủ là một biểu tượng của chàng trai núi rừng mộc mạc, chân chất. Đồng thời, xây dựng nhân vật A Phủ cũng góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện ngắn này.

Kết bài mẫu 2

Nhân vật A Phủ đã được khắc họa thành công, sở trường quan sát nhạy bén và khả năng thiên phú trong việc nắm bắt cá tính con người là hai yếu tố giúp nhà văn dựng được một hình tượng đặc sắc chỉ bằng mấy nét đơn sơ. Thông qua nhân vật A Phủ, giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm càng đậm nét.

Kết bài mẫu 3

Qua tác phẩm, tác giả Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật A Phủ với hình tượng người lao động khao khát tự do và tình yêu cuộc sống. Từ đó càng cho thấy tài năng và niềm đồng cảm sâu sắc mà tác giả dành cho những con người lao động nghèo khổ, bất hạnh.

Kết bài mẫu 4

Bằng ngòi bút tài năng và miêu tả tinh tế của mình, Tô Hoài đã làm nổi bật được hình tượng và khí phách của A Phủ - nhân vật điển hình trong truyện. Cùng với A Phủ là Mị, dù bị áp bức nhưng họ đã phải luôn đấu tranh giành lại hạnh phúc, họ đã phải trải qua bao tủi cực, cay đắng để tự giải phóng bằng sức mạnh quật khởi của chính mình.

Kết bài mẫu 5

Khi miêu tả nhân vật A Phủ, nhà văn miêu tả qua những hành động khi bị đánh đập, để thấy được sức sống kiên cường của anh. Số phận của nhân vật A Phủ cũng giống như số phận của bao người dân miền núi khác, như Mị. Họ đã phải luôn đấu tranh giành lại hạnh phúc, họ đã phải trải qua bao tủi cực, cay đắng. Nhưng họ đã đấu tranh để tự giải phóng bằng sức mạnh quật khởi của chính mình.

Kết bài giá trị nhân đạo tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Kết bài mẫu 1

Với những cảnh đời éo le, với những nỗi khổ đau đến cùng cực, tưởng như mãi mãi phải chìm trong u tối, thì các nhân vật đã tỉnh ngộ, vùng dậy một cách bất ngờ và cương quyết, đó chính là thành công lớn nhất của tác phẩm và lá giá trị cao đẹp của tác phẩm. Tác giả đã có sự cảm thông sâu sắc trước nỗi đau của Mị và A Phủ, trân trọng ý thức nhân phẩm, khát vọng giải phóng và tin ở khả năng tự làm chủ trước cuộc đời của hai con người đau khổ này.

Kết bài mẫu 2

Tóm lại "Vợ chồng A phủ" mang ý nghĩa tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng cho con người tiêu biểu là số phận của Mị và A Phủ.

Kết bài mẫu 3

Nhà văn đã miêu tả quá trình diễn biến nội tâm và hành động nhân vật tự nhiên và sống động. Đó cũng là quy luật tự nhiên tất yếu của sự sống. Với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã phải đi, phải nhìn, phải nghe, phải suy ngẫm, phải đào bởi bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử. Đó là tấm lòng của một nhà văn lớn luôn đứng về phía người cùng khổ để sống và viết.

Kết bài mẫu 4

Rõ ràng “Vợ chồng A Phủ” mãi mãi là hành trang để chúng ta bước vào cuộc sống. Mỗi 1 tác phẩm văn học chân chính là 1 lời đề nghị về cách sống, có khả năng nhân đạo hóa con người. “Vợ chồng A Phủ” là 1 tác phẩm như vậy. Nó là 1 minh chứng cho lời nhận định của nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hy sinh. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”

Kết bài sức sống tiềm tàng của Mị

Kết bài mẫu 1

Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về những người dân lao động ở vùng cao Tây Bắc. Họ hiện lên không chỉ là những con người cần cù, chịu thương chịu khó mà Tô Hoài đã phát hiện ở họ một vẻ đẹp của sức sống. Chính vì vậy vậy, ta vừa thấy ở nhân vật Mị những nét kham khổ, chịu đựng quen thuộc khi nói về người phụ nữ, nhưng ta còn bắt gặp ở Mị cả một sức sống mạnh mẽ. Và sức sống đã đã giúp Mị phá tan xiềng xích nô lệ thần quyền, phá tan xiềng xích của bọn cường hào ác bá. Có thể nói, tác phẩm là khúc ca khải hoàn về sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người.

Kết bài mẫu 2

Bằng ngòi bút tinh vi, miêu tả những biến chuyển tâm lí nhân vật đã cho nghệ thuật thuật miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy của Tô Hoài. Đồng thời hai lần trỗi dậy đó cũng cho thấy sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Qua đó còn cho thấy nét mới trong chủ nghĩa nhân đạo của Tô Hoài, ông phát hiện, trân trọng vẻ đẹp sức mạnh tiềm tàng, mãnh liệt trong những con người khốn khổ. Đồng thời thể hiện niềm tin, sự lạc quan vào tương lai tươi sáng cho những con người có số phận bất hạnh.

Kết bài mẫu 3

Nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài miêu tả và khám phá trong chiều sâu tâm hồn, trong những biến thái “thăng trầm, gấp khúc” của tâm trạng. Miêu tả thành công sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, ngòi bút nghệ thuật của Tô Hoài đã làm cho truyện ngắn Vợ chồng A Phủ sáng bừng giá trị nhân đạo. Người đọc mãi mãi thấm thía về cái giá của tình yêu tuổi trẻ và hạnh phúc, tự do.

Kết bài mẫu 4

Đọc Vợ chồng A Phủ ta thấy Mị là bức chân dung tĩnh lặng. Hầu như trong thời gian nhà thống lí Mị chỉ nói có vài ba câu. Nhưng ẩn chứa trong tâm hồn câm lặng ấy là một sức sống mãnh liệt, một khát vọng lớn lao như mạch suối ngầm trong mắt. Tiếp xúc với Vợ chồng A Phủ ta nhớ, ta yêu một cô Mị ở Hồng Ngài càng bị đọa đày, đau khổ càng khao khát muốn vươn lên một cuộc sống tốt lành. Một cô Mị tiềm tàng sức sống mãnh liệt để có thể hiểu hơn một cô Mị du kích Phiềng Sa sau này.

Kết bài mẫu 5

Tóm lại, với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, chân thực và tinh tế cùng những tình huống đặc sắc, "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Đồng thời, qua đó đã thể hiện rõ nét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

Kết bài phân tích tâm trạng của Mị trong đêm cứu A Phủ

Kết bài mẫu 1

Tô Hoài đã miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị rất tự nhiên, hợp lý và chân thực. Không thấy diễn biến tâm trạng của nhân vật sẽ không hiểu được hành động của nhân vật đó. Hành động cuối cùng của Mị – cởi trói cho A Phủ – có vẻ bất ngờ nhưng lại hợp với quy luật tâm lý con người, quy luật của cuộc sống. Nhà văn không chỉ đem đến cho bạn đọc những nhân vật biết hành động mà quan trọng hơn là vì sao có hành động ấy. Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng một nhân vật có sức sống bên trong mãnh liệt đằng sau khuôn mặt vô hồn, vô cảm của Mị. Bởi vậy, có người đã xem đây là “một nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi cách mạng đương đại Việt Nam”

Kết bài mẫu 2

Truyện “Vợ chồng A Phủ” giúp độc giả cảm thông sâu sắc trước nỗi khổ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến miền núi, từ đó giúp chúng ta ngày càng trân trọng khát vọng của họ hơn. Đây quả là một tác phẩm văn chương đích thực bởi nó đã góp phần nhân đạo hóa tâm hồn bạn đọc như Nam Cao đã quan niệm trong truyện ngắn “Đời thừa”.

Kết bài mẫu 3

Ở đoạn văn này, tác giả miêu tả hành động của Mị rất ít, nhưng người đọc vẫn bị cuốn hút bởi một con người đang từ cõi âm u mơ hồ trỗi dậy, có một sức sống tiềm tàng mà không một thế lực tàn ác nào vùi dập được. Không gian, thời gian, giọng kể chuyện của tác giả đều phù hợp với diễn biến phức tạp của tâm trạng Mị. Tô Hoài đã dẫn dắt người đọc dõi theo tâm trạng ấy, khi thiết tha bồi hồi, khi nghẹn ngào xót xa! Đoạn văn miêu tả tâm trạng Mị trong đêm xuân thấm đẫm tính nhân văn, góp phần tô đậm tính cách nhân vật Mị; thể hiện một cách chân thật và cảm động giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

Kết bài mẫu 4

Đối với riêng em, truyện "Vợ chồng A Phủ" giúp em cảm thông sâu sắc trước nỗi khổ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến miền núi, từ đó giúp em ngày càng trân trọng khát vọng của họ hơn. Đây quả là một tác phẩm văn chương đích thực bởi nó đã góp phần nhân đạo hoá tâm hồn bạn đọc như Nam Cao đã quan niệm trong truyện ngắn "Đời thừa".

Kết bài mẫu 5

Tóm lại, diễn biến tâm trạng trong đêm cởi trói cho A Phủ mang tính chuyển biến mạnh mẽ, đánh dấu một cuộc lội ngược dòng táo bạo. Qua đó, ta thấy được con đường giải thoát, niềm tin và lí tưởng của các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài nói riêng và các nhà văn sau cách mạng nói chung.

Kết bài phân tích hành động cởi trói của Mị cứu A Phủ

Kết bài mẫu 1

Như vậy, tùng bước, theo sự phát triển của mạch truyện và diễn biến tâm lí nhân vật, hành động cởi trói của Mị là một lựa chọn nghệ thuật đích đáng. Trong sự khắc họa tính cách nhân vật, có thể xâu chuỗi những biểu hiện nhất quán: dự định ăn lá ngón tự tử đến dự định đi chơi trong đêm mùa xuân và cuối cùng là cởi trói. Điều đó nói lên, sự sống, ý thức và niềm khao khát về hạnh phúc chưa hề lụi tàn trong con người Mị, có khi nó được bộc lộ ra, có khi tiềm tàng sống đó là một sức sống mãnh liệt. Khẳng định điều này, Tô Hoài đã bộc lộ một cách nổi bật tư tưởng nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Kết bài mẫu 2

Như vậy, qua hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ của Mị, chúng ta có thể thấy được sức sống tiềm tàng mãnh liệt luôn tồn tại trong tâm thức của cô gái ham sống và yêu tự do mà không một "gông xiêng", sợi dây nào có thể trói buộc và dập tắt. Đó cũng chính là một trong những yếu tố làm nên giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ".

Kết bài mẫu 3

Tóm lại, diễn biến tâm trạng trong đêm cởi trói cho A Phủ mang tính chuyển biến mạnh mẽ, đánh dấu một cuộc lội ngược dòng táo bạo. Qua đó, ta thấy được con đường giải thoát, niềm tin và lý tưởng của các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài nói riêng và các nhà văn sau cách mạng nói chung.

Kết bài giá trị hiện thực trong Vợ chồng A Phủ

Kết bài mẫu 1

Nhân vật Mị và A Phủ chính là hiện thân của kiếp đời nô lệ dưới chế độ phong kiến được nhà văn Tô Hoài xây dựng từ những chất liệu hiện thực gần gũi nhất, thẳng thắn nhất. Qua hai nhân vật, tác giả gián tiếp khắc họa cuộc sống và số phận của người dân lao động trước Cách mạng, là tiếng nói mang tính tố cáo, lên án những kẻ lợi dụng chức quyền đã vùi dập con người, đứng trên lập trường của nhân dân, bảo vệ người dân lao động, tố cáo tội ác của quân thù và bọn bất lương. Qua tác phẩm, Tô Hoài cũng gửi gắm sự nâng niu, trân trọng đến nhân vật của mình hay chính là những người dân vùng núi phía Bắc, tìm kiếm sự lay động trong lòng độc giả khi chứng kiến những khó khăn, gian khổ mà nhân vật phải trải qua.

Kết bài mẫu 2

Giá trị hiện thực của “Vợ chồng A Phủ” là hiện thực cuộc sống của những người dân Tây Bắc, cần cù, chăm chỉ, chân phương nhưng bất hạnh, khổ cực. Qua hai hình tượng nhân vật điển hình, tác giả đã khái quát toàn bộ không gian xã hội thực dân nửa phong kiến nơi vùng cao, đồng thời lên án mạnh mẽ, phơi bày bộ mặt tàn bạo và các thế lực đen tối đã tồn tại và chèn ép con người đến bước đường cùng. Qua tác phẩm, Tô Hoài cũng gửi gắm sự nâng niu, trân trọng đến nhân vật của mình hay chính là những người dân vùng núi phía Bắc, tìm kiếm sự lay động trong lòng độc giả khi chứng kiến những khó khăn, gian khổ mà nhân vật phải trải qua.

Kết bài mẫu 3

Qua tác phẩm, người đọc thấy được giá trị hiện thực sâu sắc được thể hiện qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, càng thêm hiểu rõ cuộc sống cùng khổ của người dân lao động miền núi trước Cách mạng tháng 8 do sự thống trị tàn ác của giai cấp cầm quyền.

Kết bài phân tích hành động Mị chạy theo A Phủ

Kết bài mẫu 1

Mị là nhân vật số phận, và nhờ số phận hành động của Mị đã kể cho ta nghe về một ngòi bút đầy nhân đạo, và một trái tim đầy cảm thông của Tô Hoài. Nhà Văn đã góp một tiếng nói chung vào dòng chảy của văn học dân tộc, để ca ngợi những phẩm chất cao quý của người phụ nữ, và khẳng định niềm tin tưởng, hi vọng vào cuộc sống luôn hướng về cái đẹp, cái thiện.

Kết bài mẫu 2

Hành động Mị chạy theo A Phủ đã khép lại những tháng ngày quẩn quanh, bế tắc của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài. Tô Hoài bằng tài năng của mình đã xây dựng tác phẩm thành công trên nhiều phương diện: đề tài, kết cấu, nhân vật. Do đó, “Vợ chồng A Phủ” trở thành một tác phẩm tiêu biểu viết về sự trỗi dậy của thân phận con người, cụ thể ở đây là người dân vùng cao dưới ách thống trị của bọn thực dân nửa phong kiến.

Kết bài mẫu 3

Hành động của chạy theo A Phủ của Mị là một hành động mang tính bước ngoặt lớn, minh chứng rằng một con người chỉ cần có tấm lòng khao khát tự do, sự vùng dậy mạnh mẽ, sức sống tiềm tàng mãnh liệt thì họ có thể tự giải thoát cho mình bất cứ lúc nào. Đánh dấu một bước chuyển biến mới trong tư duy của những con người ở miền núi, cường quyền và thần quyền phong kiến đã đến ngày tận thế, suy tàn, không còn phù hợp trong thời đại mới, không còn đủ sức để đàn áp con người thấp cổ bé họng nữa. Mà có thể một mai đây chính nó sẽ bị những con người này lật đổ, để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn công bằng hơn.

Kết bài phân tích ý nghĩa tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ

Kết bài mẫu 1

Hình tượng tiếng sáo được xây dựng sống động bởi ngôn từ mang đậm hơi thở cuộc sống, hình ảnh giàu sức gợi, cách dẫn truyện tự nhiên, khiến chữ chữ đứng trên trang giấy. Hình tượng đậm tô vẻ đẹp của con người lao động trong cơ cực vẫn mang tâm hồn trong sáng, giàu khát vọng, đồng thời giúp ta cảm nhận nét phong phú của văn hóa vùng cao và kết tinh tài năng tả cảnh, khắc họa tâm lý nhân vật tài tình. Truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ” quả thực vượt lên sự băng hoại của thời gian bởi những ý nghĩa hình tượng tiếng sáo mang lại.

Kết bài mẫu 2

Trong chuyện “Vợ chồng A Phủ”, tiếng sáo của nhà văn Tô Hoài như chúng ta vừa cảm nhận cũng đã được chau chuốt bằng sắc màu, âm thanh đẹp đẽ, uyển chuyển, không thua kém bất cứ một áng thơ nào. Dường như với tài năng và tấm lòng yêu thương con người của ông, ngòi bút văn xuôi trở nên mềm mại, trữ tình. Hình tượng “tiếng sáo” trong thiên truyện đặc sắc này phong phú độc đáo và sâu lắng hơn. Đọc tác phẩm, suy ngẫm về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, chúng ta không thể lướt qua hình tượng thẩm mỹ tiếng sáo. Bởi vì đấy là một điểm sáng nghệ thuật vừa hiện thực, vừa lãng mạn, đẫm chất dân tộc và chất thơ. Bởi vì, đấy cũng là một cung bậc tinh tế trong cảm hứng nhân đạo, nhân văn rất đáng trân trọng của ngòi bút Tô Hoài.

Kết bài mẫu 3

Nay nhà văn Tô Hoài đã đi xa nhưng chắc chắn tiếng sáo đêm tình mùa xuân của bản Mèo xa lắc vẫn vi vút, vẫn lửng lơ ám ảnh trong tâm trí bao thế hệ người đọc mọi miền đất nước. Có thể nó còn vọng mãi sang thế giới bên kia ru Người giấc ngủ ngàn năm; và biết đâu trong cõi âm cũng lóe lên tia sáng ấm mùa xuân.

Kết bài mẫu 4

Có thể thấy rằng, chi tiết tiếng sáo mặc dù là chi tiết nhỏ trong tác phẩm thôi nhưng cũng có vai trò tạo nên sự thành công khi xây dựng truyện ngắn “Vợ chồng A phủ” của nhà văn Tô Hoài. Nếu thiếu đi âm thanh này, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” có thể sẽ mất đi khá nhiều sức lôi cuốn và tư tưởng của tác phẩm cũng đôi phần kém sâu sắc hơn.

Kết bài mẫu 5

Chi tiết tiếng sáo đã giúp nhà văn Tô Hoài khám phá ra vẻ đẹp tâm hồn Mị, khẳng định được sức sống bất diệt của con người. Có thể xem, tiếng sáo là chi tiết nghệ thuật đẹp, giàu sức gợi, ám ảnh người đọc. Nhân vật Mị trong hoàn cảnh này làm ta liên tưởng đến quá trình thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Những nhà văn lớn vẫn thường là những nhà nhân đạo chủ nghĩa. Cả Nam Cao và Tô Hoài đều là những nhà văn như thế.

Kết bài phân tích hình ảnh nắm lá ngón

Kết bài mẫu 1

Như vậy hình ảnh nắm lá ngón trở đi trở lại ba lần trong tác phẩm với những tầng ý nghĩa khác nhau không chỉ bộc lộ những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Mị mà còn mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc khi ngầm nói về cái sự độc hại của nền phong kiến thần quyền cường quyền đang thống trị vùng núi Tây Bắc. Mà ở đấy những con người như Mị đang phải hàng ngày chịu sự áp bức và những bi kịch không hồi kết, họ không thể nào tự thoát ra khỏi cái độc hại ghê gớm ấy, mà chỉ có thể bị động phản kháng bằng một nắm lá ngón, thế nhưng cuối cùng quyền quyết định có được ăn nó hay không cũng không nằm trong bàn tay của họ. Càng nghĩ lại càng đau đớn xót xa.

Kết bài mẫu 2

Xuất sắc chấm màu xanh lá ngón vào bức tranh xô bồ của thời cuộc, Tô Hoài đã đưa “lá ngón” từ chỗ độc dược ngàn đời của núi rừng, là cái chết từ thiên nhiên, nay bỗng nhiên lại là sự giải thoát. Lá ngón xuất hiện ba lần với ba tầng ý nghĩa ngày càng sâu sắc hơn, dữ dội hơn. Cái độc của lá ngón vậy ra vẫn còn thua cái độc của xã hội. Lá càng độc là đớn đau đồng bào chịu càng nhiều. Lá ngón trở thành dấu hiệu báo động cho sự khẩn thiết, cầu cứu của đồng bào miền cao đối với Cách mạng còn quá xa và cũng chính là tư tưởng nhân đạo cao đẹp mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta qua hồn thiêng gió núi của đại ngàn Tây Bắc xa xăm!

Kết bài mẫu 3

Vậy là nắm lá ngón đã là một chi tiết quan trọng, nhấn mạnh nỗi khổ ngày càng sâu sắc và thấm thía của Mị. Một thứ độc dược của núi rừng còn là sự giải thoát, vậy mà cũng không thể độc bằng chính xã hội lúc bấy giờ. Qua đó nắm lá ngón cũng chính là sự khẩn thiết, cầu cứu của đồng bào miền cao hướng đến cách mạng. Và cũng là một trái tim nhân đạo sâu sắc của Tô Hoài. Nắm lá ngón là chi tiết quan trọng, nổi bật lên câu chuyện của những người lao động nghèo khổ vùng Tây Bắc.

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp THPT: 7 tác phẩm trọng tâm ôn thi ôn Văn 2024

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận