Ôn thi tốt nghiệp: Phân tích "Vợ chồng A Phủ" đạt 9+

Nếu bạn còn nhiều vướng mắc trong việc phân tích tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!

Đỗ Thu Nga
13:00 13/06/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Viết về những số phận bất hạnh, tình cảnh đáng thương của con người đều không phải là điều mới mẻ ở bất cứ nền văn học nào. Đặc biệt, trong văn học Việt Nam, thân phận người phụ nữ đã trở thành một đề tài quen thuộc từ xưa tới nay. Với Tô Hoài và tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, lần đầu tiên văn học Việt Nam được chứng kiến số phận thương đau của người phụ nữ miền núi.

Vợ chồng A Phủ” được in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Đây là kết quả của tác giả khi được cử đi viết về đời sống nhân dân ở những vùng mới giải phóng. Đằng sau cái hùng vĩ, nên thơ của núi rừng vùng cao là biết bao tiếng khóc nỉ non của những cô gái, những người đàn bà có kiếp sống như “con rùa nuôi lùi lũi trong xó cửa”.

Nhân vật Mị xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm: “Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.” Mị xuất hiện trong sự tương phản với thế giới xung quanh. Một bên là cô gái trẻ trung xinh đẹp, một bên là những đồ vật vô hồn. Một cô gái đương tuổi xuân thì sao lại gắn mình với những điều buồn tẻ đến thế? Vẻ mặt “buồn rười rượi” của người con gái ấy cũng đến từ sự đối lập trong cuộc sống của cô với nhà thống lý. Dẫu “nhà Pá Tra làm thống lý, ăn của dân nhiều , đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó có bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn” nhưng ở đây, Mị lại là vợ A Sử - con trai thống lý. Chân dung của Mị - một thiếu phụ buồn được Tô Hoài khắc họa rất ấn tượng, mở đầu bằng những lời kể xa xăm như bước ra từ trang cổ tích. Nhà văn đưa người đọc đến với miền sơn cước xa xôi bằng giọng kể nhẹ nhàng, tha thiết nhưng lại ngầm đặt ra một tình huống có vấn đề. Tại sao nhà Pá Tra giàu như thế mà Mị lại sầu muộn thế kia? Vì đâu mà cô câm lặng sống cạnh những đồ vật im lìm, tách mình khỏi những âm vang vui tươi của đời sống như thể?

Cuộc đời và số phận của Mị dần dần được hé lộ. Trước khi về làm dâu nhà thống lý, Mị là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Nàng như bông hoa ban thanh khiết, trong trẻo, tràn đầy nhựa sống của núi rừng Tây Bắc. Có bao trai làng vì say mê bông hoa ấy mà “đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Nàng còn rất tài năng, thường cuốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Là người con của miền đất trập trùng núi đá, bạt ngàn gió và hoa nên Mị cũng mang trong mình một trái tim rạo rực, nóng ấm cùng một tâm hồn khoáng đạt. Mị khao khát yêu và được yêu, nhiều lần rung động trước những âm thanh hò hẹn của tình yêu khi xuân đến. Điều đáng quý nhất ở Mị chính là sự chăm chỉ, tấm lòng hiếu thảo, yêu thương gia đình. Nàng van lơn cha: “Con đã biết cuốc nương làm ngô, con làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.” Mị thà làm lụng cực nhọc còn hơn bước chân vào cuộc hôn nhân không có tình yêu, trở thành nô lệ cho nhà thống lý. Khi bị nhà thống lý Pá Tra bắt về, Mị đau khổ và muốn tìm tới cái chết bằng lá ngón. Chi tiết này cho thấy lòng tự trọng cao cả của Mị. Cuối cùng, vì lời nói của cha: “Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt trả nợ. Mày chết rồi, không lấy ai làm nương ngô trả được nợ, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi!” mà Mị đã từ bỏ cái chết. Cô biết rằng mình chết thì cha mình còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nên Mỵ lại trở lại nhà thống lý, chấp nhận kiếp sống làm thân trâu ngựa.

on-thi-tot-nghiep-phan-tich-vo-chong-a-phu-dat-9

Như vậy, ta có thể thấy ở Mị hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp của một người con gái vùng cao Tây Bắc. Với những phẩm chất đáng trọng ấy, nàng xứng đáng có một tương lai tươi sáng, cuộc đời hạnh phúc. Thế nhưng, số phận của Mị càng về sau lại càng chìm vào tăm tối. Mị hay bà Ảng (Cứu đất cứu mường), Mát (Mường Giơn) xuất hiện trong văn Tô Hoài đều không phải là một hình ảnh cá biệt mà là tiêu biểu cho rất nhiều người phụ nữ vùng cao khi ấy.

Sức sống, tuổi xuân, nhan sắc của Mị tàn úa từ khi về nhà thống lí. Pá Tra là hiện thân của thần quyền và cường quyền, tước đi hạnh phúc của Mị ngay từ khi cô chưa chào đời. Tất cả bắt đầu từ ngày bố Mị lấy mẹ Mị nhưng không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lý. Hai vợ chồng lao động vất cả đời mà về già mà cũng chưa xong nợ. Người vợ chết cũng chưa trả hết nợ. Món nợ tổ tông ấy cứ thế truyền đến đời Mị. Chi tiết này cho thấy sự tàn ác, tham lam của bọn phong kiến chúa đất miền núi, chúng bóc lột người dân từ đời này qua đời khác. Nỗi đau đớn của Mị càng nhân lên gấp bội khi bị A Sử bắt về làm vợ, bị tước đoạt quyền tự do và hạnh phúc. Khi ngồi trong buồng, Mị nghe thấy tiếng nhạc sinh tiền cúng ma rập rờn nhảy múa. m thanh ghê rợn, quái đản ấy đã chấm dứt thanh xuân của Mị. Trong suốt thời gian ở nhà thống lý, đêm nào Mị cũng khóc. Bao nhiêu công việc nặng nhọc dồn hết lên đôi vai nhỏ bé, vất vả hơn cả trâu cả ngựa. Còn muốn chết để thoát khỏi sự kìm hãm của thống lý tức là vẫn còn khao khát sống. Thế nhưng, sau một thời gian, Mị đã bị bóc lột đến mức chẳng còn hi vọng, hóa thành con rối vô hồn, “lúc nào cũng nhớ lại những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cách tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế.” Cô quen với nếp sống tù túng, quẩn quanh, chẳng còn thiết tha tự do. Có thể thấy nhà thống lý đày đọa Mị cả về tâm hồn lẫn thể xác. Căn buồng bị nằm tăm tối, u ám hệt như nơi giam giữ một tù nhân. Nỗi ám ảnh về “cúng trình ma” cũng kìm kẹp tinh thần Mị, khiến cô trở thành một nạn nhân của cường quyền và thần quyền.

Với cương vị là người “nâng giấc cho những kẻ cùng đường tuyệt lộ”, Tô Hoài không để Mị rơi vào bi kịch của sự tuyệt vọng. Nhà văn đã phát hiện ở Mị sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Điều này được thể hiện ở tâm trạng, hành động của Mị trong mùa xuân. Bức tranh thiên nhiên ở Hồng Ngài năm ấy thật đẹp. Nhà văn miêu tả thiên nhiên miền núi đầy sức sống, rực rỡ sắc màu. Hồng Ngài được tô điểm bởi màu vàng ửng của cỏ gianh, cái sặc sỡ của những chiếc váy hoa trên mỏm đá, xoè như con bướm. Các sắc đỏ hau, đỏ thậm, tím man mát hòa vào nhau. Con người cũng vui tươi hơn bởi có tiếng đám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Mị nghe tiếng sáo rủ bạn đi chơi mà thiết tha bồi hồi. Những đêm tình mùa xuân đã tới. Trong đêm tình mùa xuân, khi người người nô nức, Mị cũng lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Lòng Mỵ đang sống về ngày trước, âm vang tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Thế nhưng Mị không bước ra đường mà lại từ từ vào buồng. Lòng Mị vâng lên tiếng nói: “Mỵ trẻ, Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mỵ không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau.” Lúc ấy, tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

" Anh ném pao

Em không bắt

Em không yêu

Quả pao rơi rồi..."

Thế nhưng, lúc ấy A Sử vừa ở đâu về, lại sửa soạn đi chơi. Bao lâu nay, nó vẫn đương rình bắt nhiều người con gái nữa về làm vợ. Cuộc đời Mị đã không còn hy vọng nên Mị cũng không màng tới Sử. Sức sống bất giác bùng lên mãnh liệt, Mỵ quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách. A Sử liền bước lại, lấy thắt lưng trói tay Mị và xách cả một thúng sợi đay ra trới đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mỹ xoã xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột. Điều bất ngờ là Mị khao khát hạnh phúc, mong muốn được tự do đến mức dường như không biết mình đang bị trói. Mị còn vùng bước đi nhưng chân đau không cựa được.Trở về với thực tại, Mị chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách và đau lòng nghĩ mình không bằng con ngựa. Sáng hôm sau, Mị bàng hoàng tỉnh và trong nỗi đau đớn tột cùng, Mị cố cựa xem mình còn sống hay chết.

Như vậy, Tô Hoài đã miêu tả rất kĩ càng quá trình diễn biến tâm lí, sự vận động trong nhận thức của nhân vật Mị. Mị từ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp đã trở thành một thiếu phụ bất hạnh và rồi sức sống lại bùng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, sợi dây trói của A Sử, nỗi ám ảnh về thần quyền vẫn chưa buông tha mị. Chính vì vậy, chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ chính là một bước ngoặt thay đổi cuộc đời Mị.

A Phủ là một chàng trai không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc nên không thể lấy nổi vợ. Trong ngày tết đến, A Phủ chẳng có quần áo mới như nhiều trai khác. Vì thế sinh sự đánh nhau ở Hồng Ngài. Khi bị Pá Tra bắt, A Phủ lẳng lặng ra vác chiếc cọc gỗ và cuộn dây mây trên gác bếp xuống. Tự tay A Phủ đóng cọc xuống bên cột, Pá Tra đẩy A Phủ vào chân cột, hai tay bắt ôm quặt lên, chỉ còn cổ và đầu lúc lắc được. Mỗi ngày, mặc cho mọi người ra vào ăn uống tấp nập thì A Phủ vẫn chỉ đứng nhắm mắt cho tới đêm khuya. Trong những ngày ấy, Mị chẳng hay biết đến sự xuất hiện của A Phủ. Đêm nào cũng thế, Mỵ dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần. Thậm chí, khi ngọn lửa bùng lên, Mị nhìn sang và thấy mắt A Phủ trừng trừng mà Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Mị trở nên cằn cỗi, chỉ biết đến mỗi ngọn lửa.

“Nước mắt là giọt châu của loài người.” Điều này rất đúng với Tô Hoài. Nhà văn đã xây dựng một chi tiết đặc sắc để đánh thức tâm hồn Mị, mở lối thoát cho số phận hai con người. Khi thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hóm má đã xám đen của A Phủ, Mỵ chợt nhớ đến khi A Sử trói Mỵ “Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người ta chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết.” Suy nghĩ ấy cho thấy sự căm phẫn bùng lên trong tâm hồn Mị Mị thấy thương xót và oan uổng thay cho A Phủ và tưởng tượng ra cảnh bản thân chết trên cái cọc ấy nếu dám cứu A Phủ. Ấy thế mà Mị cũng không thấy sợ. Mị rón rén bước lại và rút con dao nhỏ cắt nút dây mây. Đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng chỉ thì thào được vài tiếng. Trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ đành quật sức vung lên và chạy.

A Phủ chạy đi rồi mà Mị vẫn đứng lặng trong bóng tối. Đây là lúc nội tâm nhân vật diễn ra sự đấu tranh gay gắt. Cuối cùng, với tinh thần phản kháng mạnh mẽ, Mị đã chọn rời khỏi nhà thống lý và đuổi kịp A Phủ. Câu nói: “Ở đây chết mất” cho thấy sự thức tỉnh hoàn toàn trong nhận thức của nhân vật. Mị cứu A Phủ cũng đồng nghĩa cứu lấy chính mình.

Với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã khắc họa chân thực cuộc sống của đồng bào vùng cao và đặc biệt là người phụ nữ. Nhà văn đã phát hiện và trân trọng, ngợi ca những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, nâng niu khát vọng sống, tự do, hạnh phúc cùng tinh thần phản kháng của họ. Từ đó, tác giả còn lên tiếng tố cáo những thế lực thần quyền và cường quyền, bọn phong kiến chúa đất miền núi cướp đi hạnh phúc con người.

Về mặt nghệ thuật, nhà văn đã vận dụng vốn sống phong phú của mình để miêu tả chân xác về thiên nhiên, phong tục tập quán của con người vùng cao. Không chỉ vậy, ngôn ngữ sinh động, nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc cùng giọng trần thuật nhẹ nhàng mà sâu lắng cùng bút pháp kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

“Vợ chồng A Phủ” chính là một tác phẩm được tạo nên từ tài năng và tâm huyết của nhà văn. Với tác phẩm này, Tô Hoài không chỉ là một nhà văn của phong tục mà còn thực sự là “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. 

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: Vận dụng Hiệu ứng cá mòi, cá sấu, cá tuế cho bài văn NLXH

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận