Ôn thi tốt nghiệp: "Ánh sao" nơi Việt Bắc của Tố Hữu

Ngôi sao tỏa sáng trên mũ người cán bộ, ngôi sao trở thành “bạn đồng hành” của tiền tuyến và hậu phương...

Đỗ Thu Nga
13:00 14/06/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

01

Những “ánh sao” đã tỏa rạng trên “đầu súng” theo niềm khát vọng rực cháy về một lý tưởng độc lập đang được thành hình, lý tưởng cao đẹp ấy được chắp cánh bởi sự ngoan cường không khoan nhượng, bởi sự kiên gan bền chí không bỏ cuộc của người cán bộ Cách mạng, người chiến sĩ và nhân dân. Họ đã trở thành những vì tinh tú dẫn lối cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, trở thành “ánh sao” của đất nước và quyết chiến quyết thắng trong “ánh sao” rực rỡ mà bầu trời chiếu rọi, giữ vững lập trường trong ánh sao vàng phấp phới giữa ngọn quốc kì của Tổ quốc. Ngôi sao tỏa sáng trên mũ người cán bộ, ngôi sao trở thành “bạn đồng hành” của tiền tuyến và hậu phương như lời nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn từng viết trong ca khúc “Bài ca không quên” năm nào: “Làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya”; như Nguyễn Đình Thi từng có những dòng thơ viết về sự gắn bó giữa ánh sao và lòng người: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây”. Hay như chính liệt sĩ anh hùng Nguyễn Văn Thạc đã xác quyết với lòng mình trong Nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” rằng: “...Trên mũ là ngôi sao. Ta lặng ngắm ngôi sao, như hồi nào ta chỉ cho bạn: Kia là ngôi sao Hôm yêu dấu... Nhưng khác hơn một chút. Bây giờ, ta đọc trong ngôi sao ấy, ánh lửa cầu vồng của trận công đồn, màu đỏ của lửa, của máu… Ta như thấy trong màu kì diệu ấy có cả hồng cầu của trái tim ta”. Có thể nói, trong những ước mơ xanh của cuộc đời mỗi người chiến sĩ giữa cuộc hành quân gian khổ, màu đỏ lửa của ánh sao luôn soi rạng, tỏ tường lý tưởng, dặm đường mà quân và dân ta đã đi qua. Màu rực sáng lấp lánh của sao, màu đỏ của lửa, của máu cứ thế dâng đầy trong tâm trí mỗi người đọc hôm nay, trải rộng trong mảnh hồn người trẻ luôn khát khao dựng xây quê hương, Tổ quốc ngày một vững bền, vươn cao, vươn xa hơn. 

on-thi-tot-nghiep-anh-sao-noi-viet-bac-cua-to-huu-8

02

Đọc “Việt Bắc” của Tố Hữu, ta tưởng như được lạc vào một bản làng đậm vệt khói lam chiều ấm áp, hòa cùng tình cảm đong đầy trong lòng người cán bộ về xuôi về mảnh đất và con người Việt Bắc mà họ từng có mười lăm năm gắn bó. Những kỉ niệm được gợi lại trong từng vần thơ lục bát đậm tính dân tộc ấy khiến ta hồi tưởng về những vần thơ, trang văn về người lính mà ta từng xót lòng đi qua. Bởi những giai điệu kí ức ấy được gảy lên thầm lặng, để cho dù năm tháng có làm vạn vật phai tàn như thế nào, thì kí ức về cuộc chiến mà dân tộc đã đi qua vẫn luôn còn đó, thôi thúc ta hồi tưởng và không bao giờ được phép lãng quên những hi sinh, những điều tốt đẹp được vun đắp để thiết lập một hòa bình trọn vẹn cho ngày sau. Giữa gió sương mưa nắng của cuộc đời, những vần thơ, áng văn ý nghĩa lại khắc sâu trong ta nhiều điều đẹp đẽ đến vậy. Ta nhớ đến một quyển sách của tác giả Nhật Bản Kazumi Yumoto - “Organ mùa xuân” được viết năm 1999, kể về chuyến phiêu lưu của hai chị em Tomomi và Tetsu, để lại trong nhân vật những kỉ niệm đẹp đẽ, đáng nhớ, những suy nghĩ về cuộc đời thăng trầm và phức tạp sau một mùa hè cùng nhau đi quanh thành phố để tìm mèo ốm. Qua đôi mắt của những đứa trẻ, cuộc sống của người lớn tuy phức tạp nhưng cũng đong đầy yêu thương và ấm áp, khiến Totomo chiêm nghiệm nhiều hơn về bản thân mình: “Bên trong tôi, không chỉ có con quái vật. Chắc chắn cũng giống như con thằn lằn vừa đập vỡ vỏ trứng chui ra này, còn nhiều “Tôi” khác mà tôi chưa được gặp gỡ và tôi mong rằng đến một lúc nào đó, mình có thể nắm tay với từng người từng người đó”. Tôi nghĩ mỗi người đọc khi trầm lòng vào những vần thơ trữ tình - chính trị của Tố Hữu cũng đồng thời đã từng bước “đập vỡ vỏ trứng” của mình để gặp gỡ những “Tôi” khác nhau của bản thân mình, để rồi từ những người trẻ chỉ nhìn về một thời đã qua của dân tộc như một bầu trời kí ức đau thương, ta lại thêm trân quý về chặng đường đã qua ấy bằng tấm lòng chân thành và ý thức sâu sắc về trách nhiệm, sứ mệnh của thế hệ trẻ hôm nay. Đó cũng là một “chuyến phiêu lưu” của người đọc trên con đường cảm thấu những tác phẩm văn chương, bừng dậy và thức ngộ những cạn cợt trong lòng mình thành bao suy nghiệm sâu sắc, bao suy tư chín chắn về cuộc đời. Ta “nắm tay” với từng “Tôi” mới mẻ, nhiệt huyết của mình để nhớ về “Organ mùa xuân”, nhớ chiếc đàn organ của mẹ Tomomi tuy hỏng và không còn âm thanh, nhưng những thanh âm từ giai điệu kí ức lại được gảy lên một cách mãnh liệt trong tâm trí của cả hai mẹ con, những kí ức đã nuôi dưỡng tâm hồn Tomomi trưởng thành hơn qua từng ngày. Có lẽ với “Việt Bắc”, tuy những thanh âm trong kỉ niệm của kẻ ở - người đi đã lùi về quá vãng, nhưng giai điệu kí ức ấy vẫn gảy trong độc giả hôm nay, mạnh mẽ và ấm áp, ân tình và thủy chung trên hành trình mỗi người đang bước đi. Nó như chiếc đàn “organ mùa xuân”, luôn nhắc ta không ngừng đập vỡ bản thân khỏi những giới hạn trong tâm tưởng, không ngừng trân trọng những điều đã qua bằng từng phút đời đáng quý. 

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Chinh phục 9+ với bài phân tích Việt Bắc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận