NLXH: Khát vọng và tham vọng của con người trong cuộc sống

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về khát vọng và tham vọng của con người trong cuộc sống.

Đỗ Thu Nga
13:00 08/07/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

GỢI Ý LÀM BÀI:

I. Mở bài

Dẫn dắt để giới thiệu vấn đề: Những ước mơ, mong muốn của con người là điều cần có và nó thể hiện tầm vóc con người. Nhắc đến ước vọng của con người, người ta cũng hay nhắc đến hai từ “khát vọng” và “tham vọng”. Vậy “khát vọng” và “tham vọng" giống, khác nhau như thế nào, chúng mang lại điều gì cho cuộc sống và chúng ta nên làm gì?

II. Thân bài

1. Giải thích “khát vọng” và “tham vọng"

- Khát vọng là mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng. Như Zig Zilag có câu: Khát vọng là điểm khởi đầu của mọi thành công.

- Tham vọng là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế của bản thân, chưa có cơ sở đạt được. Tham vọng thường gắn với sự ích kỉ, gắn với những dục vọng cá nhân.

- Trong cuộc đời, mỗi con người đều mang trong mình những khát vọng hoặc tham vọng hướng tới những điều lớn lao hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, khát vọng và tham vọng có những điểm khác nhau, con người thực hiện chúng vì những điều khác nhau và kết quả chúng mang lại càng không giống nhau. Hiểu rõ về khát vọng và tham vọng, con người mới làm chủ được bản thân và đạt được những điều mình mong ước.

nlxh-khat-vong-va-tham-vong-cua-con-nguoi-trong-cuoc-song-0

2. Phân tích, bàn bạc

a) Khát vọng và tham vọng có những điểm chung:

- Thứ nhất, cả khát vọng và tham vọng đều là những hiện tượng tâm lí của con người, là khi con người mong ước có được những điều lớn lao hơn, tốt đẹp hơn mà trong cuộc sống hiện tại mình chưa có được.

- Thứ hai, chúng đều là những động lực làm nên sức mạnh để con người hành động. Cả khát vọng và tham vọng đều là yếu tố có khả năng thúc đẩy, kích thích, giúp cuộc sống của con người thay đổi, phát triển.

b) Khát vọng và tham vọng cũng có những điểm khác nhau và chính những điểm khác nhau ấy đặt con người trước yêu cầu cần phải có sự lựa chọn phù hợp cho mình.

- Đối với khát vọng:

+ Khát vọng là một biểu hiện tâm lí mang tính tích cực, tốt đẹp của con người trong đời sống. Khát vọng xuất phát từ những mong ước làm nên một cuộc đời hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn không chỉ cho bản thân mình mà còn cho cả những người xung quanh trong tương lai. Khát vọng của mỗi cá nhân không chỉ thực sự có ý nghĩa đối với bản thân mà còn có giá trị đối với sự phát triển của xã hội, đất nước.

+ Người có khát vọng là người nhận thức đúng đắn bản thân mình là ai, mình đến từ đâu, mình có thể làm gì cho mình và cho mọi người. Bên cạnh một trái tim say mê lí tưởng, họ còn có đầu óc tỉnh táo, nhận thức được lẽ đúng - sai, điều lợi – hại và quan trọng là họ biết những giới hạn, phạm vi của mình. Thông thường, khát vọng gắn với những hoài bão và cả khát vọng lẫn hoài bão đều dựa trên sự tự nhận thức về những khả năng, ưu thế của con người. Ví dụ: khát vọng sáng tạo nghệ thuật, khát vọng muốn thay đổi cuộc sống lạc hậu, nghèo khó hiện tại...

+ Khát vọng có thể trở thành hiện thực, có thể không. Nhưng dù cho có thể không trở thành hiện thực thì con người trong quá trình thực hiện khát vọng cũng đã được sống trong một niềm tin, trong niềm lạc quan trong trẻo và mãnh liệt. Cuộc đời của mỗi cá nhân, do đó trở nên hạnh phúc và ý nghĩa hơn bởi những khát vọng.

nlxh-khat-vong-va-tham-vong-cua-con-nguoi-trong-cuoc-song

- Đối với tham vọng:

+ Tham vọng là một hiện tượng tâm lí ít nhiều mang sắc thái tiêu cực của con người, đó là khi con người quá ham hố đạt được một điều gì đó lớn lao. Tham vọng xuất phát từ sự tham lam, hiếu thắng và vị kỉ của con người. Người có tham vọng thường chỉ mong muốn làm lợi cho bản thân mình mà đôi khi không quan tâm đến lợi ích của người khác. Khi bị tham vọng làm mờ mắt, con người ta thậm chí có thể làm hại người khác để có thể đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ: tham vọng chính trị, tham vọng bành trướng...

+ Tham vọng xuất hiện khi con người không còn nhận thức đúng đắn về bản thân, mong ước những điều quá xa tầm với, nằm ngoài khả năng của chính mình. Những người quá tham vọng sẽ bất chấp tất cả, bất chấp đạo đức, luật pháp, tình người để thực hiện bằng được mục đích của chính mình. Nếu quá tham vọng và ráo riết thực hiện tham vọng, con người có thể sẽ phải nhận lấy nhiều hậu quả khôn lường.

+ Khi không đạt được tham vọng, con người dễ rơi vào trạng thái tâm lí xấu, bi quan, chán nản, cay cú, thậm chí hận thù. Mang tham vọng trong lòng, con người cũng không có được sự thanh thản, bình an, thoải mái về tâm hồn.

(Ở mỗi luận điểm cần lựa chọn và nêu các dẫn chứng thực tế, thuyết phục)

c) Phê phán những hiện tượng tiêu cực liên quan đến khát vọng và tham vọng:

Trong thực tế cuộc sống, nhiều người sống không có khát vọng, song lại có không ít kẻ bị tham vọng làm cho mờ mắt. Sống thiếu khát vọng sẽ dẫn đến sống nhàn nhạt, vô nghĩa. Ngược lại, bị tham vọng làm cho mù quáng, con người cũng dễ rơi vào con đường tội lỗi, có những hành động trái luật pháp và đạo đức. Thiếu khát vọng hay quá nhiều tham vọng, con người đều không thể vươn tới những điều tốt đẹp.

III. Kết bài

- Mở rộng: Khát vọng là điều cần có ở mỗi người. Cần nhận thức bản thân để xây đắp những khát vọng chính đáng. Có khát vọng cao đẹp, con người cũng cần phải có ý thức nỗ lực để vươn tới thực hiện khát vọng đó. Ngược lại, tham vọng cần được tiết chế, con người không nên kết bạn với tham vọng. Khi nhận ra tham vọng, con người phải tỉnh táo điều chỉnh bản thân, biến tham vọng vị kỉ trở thành khát vọng cao đẹp và kiên trì, bền bỉ, thực hiện nó.

Liên hệ bản thân: Từ khát vọng muôn thuở của con người là khát vọng yêu thương, khát vọng hoà bình, khát vọng hạnh phúc..., người viết tự nhìn nhận lại bản thân để xác định cần có khát vọng như thế nào sao cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa.

Xem thêm: NLXH: Sức mạnh của yêu thương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận