NLXH: Hiện tượng "chảy máu chất xám"
“Hiền tài thời nào cũng có”, thế nhưng đáng buồn thay, xã hội hiện đại đã có rất nhiều người tài từ chối làm việc ở Việt Nam để cống hiến cho một đất nước hiện đại, phát triển hơn....
ĐỀ BÀI:
Chúng ta biết rằng, bất cứ ngành, nghề nào cũng cần phải có những trí thức giỏi thì mới góp phần đưa đất nước phát triển. Thế nhưng, hiện nay, hiện tượng “chảy máu chất xám” đang báo động ở nước ta. Anh.chị hãy viết một bài văn nghị luận bàn về hiện tượng này.
BÀI LÀM:
Thân Nhân Trung - một danh sĩ nổi tiếng dưới thời nhà Trần đã từng khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp”. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí. Thời đại ngày nay, hiện tượng “chảy máu chất xám” đang “báo động” ở nước ta, trở thành vấn đề thách thức với sự phát triển và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Hiện tượng “chảy máu chất xám” là cách gọi ẩn dụ để chỉ tình trạng mất đi nguồn lực nhân tài, trí thức, có năng lực, trình độ khi họ quyết định làm việc và định cư ở nước ngoài. Chảy máu chất xám khiến các quốc gia, ngành công nghiệp và tổ chức mất đi một phần cốt lõi là những cá nhân có giá trị của quốc gia mình. Một bộ phận nhân lực, trí thức tài giỏi, có năng lực của Việt Nam đang dần có xu hướng định cư và làm việc, phục vụ cho lợi ích của nước ngoài thay vì cống hiến cho dân tộc. Ngày nay có một lực lượng đông đảo người lao động Việt Nam có học thức, có trình độ đang làm việc, cống hiến ở nước ngoài thay vì về nước. Tình trạng “thất thoát” nhân tài làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân tài trầm trọng, từ đó ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hằng năm đất nước ta phải chi một loạt số tiền khủng để mời các chuyên gia từ nước ngoài về
làm việc. Việt Nam là quốc gia có nhiều nhân tài nhưng luôn phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, phải mời từ những nơi khác.
“Hiền tài thời nào cũng có”, thế nhưng đáng buồn thay, xã hội hiện đại đã có rất nhiều người tài từ chối làm việc ở Việt Nam để cống hiến cho một đất nước hiện đại, phát triển hơn. Nguyên nhân của tình trạng “chảy máu chất xám” cần được nhìn nhận dựa trên hai mặt chủ quan và khách quan. Về mặt chủ quan, xuất phát từ mong muốn được sống được làm việc môi trường tốt, thu nhập cao để lo cho gia đình của mình. Họ muốn bản thân mình phát triển hơn về nhiều mặt, được phát huy tối đa năng lực bản thân mình. Hiện nay quá trình hội nhập quốc tế và tham gia vào các tổ chức như WTO, ASEAN đã mở cửa cơ hội cho việc chuyển dịch lao động giữa các quốc gia. Thế nhưng, người Việt Nam có xu hướng ra nước ngoài làm việc và không có ý định trở về quê hương. Đối diện với thực trạng ấy, nhà nước đã có những chính sách thu hút nhân tài song thực tế lại không đáp ứng được mong đợi. Quá trình học tập và phát triển ở nước ngoài giúp họ đạt được nhiều thành tựu nhưng khi về nước lại không tìm được vị trí phù hợp. Về mặt khách quan, chế độ đãi ngộ của nước ta cũng là một trong những lí do quan trọng ảnh hưởng đến sự lựa chọn nơi làm việc của mọi người. Mức lương tối thiểu tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thường không hấp dẫn đối với những người trí thức trẻ, không đủ để đảm bảo cuộc sống tốt cho họ. Ngoài ra, sự phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam so với các quốc gia khác vẫn còn hạn chế, cản trở việc nghiên cứu và phát triển của các trí thức trẻ. Hệ thống giáo dục, cơ sở vật chất chưa được đầu tư, chưa thể đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên. Do đó, họ buộc phải đến những quốc gia phát triển để dễ dàng tiếp cận thành tựu khoa học kĩ thuật hơn.
Hiện tượng “chảy máu chất xám” tại các quốc gia nghèo là một nguyên nhân quan trọng khiến khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng rõ rệt và gây ra những hậu quả khó lường đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Tình trạng thiếu hụt nhân tài cứ kéo dài từ năm này sang năm khác mà không thể nào tận dụng được tối đa nguồn lực của đất nước. Theo dữ liệu từ Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT cho thấy có khoảng 190.000 học sinh Việt đang du học ở nước ngoài. các quốc gia phổ biến bao gồm Úc (30.000), du học Mỹ (29.000), du học Canada (21.000), du học Anh (12.000), Trung Quốc (11.000). Mặc dù số lượng du học sinh giảm so với các năm trước, Việt Nam vẫn nằm trong top đầu về số lượng du học sinh tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Canada. Tình trạng học xong không trở về Việt nam sau khi du học ngày càng tăng, khoảng 70% du học sinh không muốn trở về. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực chất lượng của Việt Nam. Nguồn chất xám bị chảy máu khiến kinh phí đào tạo của quốc gia không ngừng thất thoát. Hiện tượng này còn gây ra sự gián đoạn phát triển và thiệt hại lớn về kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học không có nhân lực thực hiện, thành tựu khoa học kĩ thuật không được phổ biến và ứng dụng. Việc các nhà khoa học sang làm việc cho nước ngoài cũng tác động xấu đến người dân và các giới tri thức khác trong nước. Đây là một sự lãng phí lớn về tài sản quốc gia, làm chậm tốc độ phát triển nền kinh tế.
Song, hiện tượng “chảy máu chất xám” không phải diễn ra với toàn bộ nguồn lực
nhân tài, trí thức, có năng lực, trình độ ở Việt Nam. Chúng ta vẫn có những người trẻ tuổi sẵn sàng từ bỏ cơ hội ở nước ngoài để cống hiến sức lực và trí lực cho Tổ quốc. Trần Thế Trung, cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) được biết đến không chỉ là Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2019 mà còn là học sinh đầu tiên mang về vòng nguyệt quế trận chung kết năm cho trường chuyên này, anh cũng được biết đến là quán quân đầu tiên của Olympia không đi du học Úc. Trong bài phỏng vấn với đài truyền hình, Trung đã phát biểu rất ấn tượng: “Học ở trong nước cũng không phải điều gì đó không tốt, thậm chí cơ hội thành công vẫn mở ra nếu mình cố gắng. Ở đâu cũng sẽ có cơ hội, quan trọng là mình có chủ động nắm lấy hay không”. Vì thế, có thể thấy rằng vẫn có rất nhiều những người tài giỏi, có năng lực, trí thức và trình độ ở Việt Nam đang ngày ngày
cống hiến cho Tổ quốc. Thậm chí ngay cả những người Việt đang làm việc và định cư ở nước ngoài, họ vẫn một lòng hướng về Tổ quốc, lan tỏa nét văn hoá, trí tuệ Việt ra khắp thế giới. Họ là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những thành tựu quan trọng mà đất nước ta đạt được ngày hôm nay có sự đóng góp vô cùng quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Là bộ phận không tách rời, là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, kiều bào ta đồng thuận, ủng hộ sự nghiệp đổi mới và sẵn sàng chung tay, đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước.
Để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, để những nhân tài nước Việt có điều kiện để phát huy tài năng thì nhà nước cần có những biện pháp để chiêu mộ hiền tài phù hợp, tạo được điều kiện làm việc để thu hút họ. Đất nước cần có những chính sách để khai thác tối đa nguồn lực của đất nước mình. Mặt khác mỗi người cũng cần phát huy tình yêu nước, tinh thần dân tộc để làm theo lời Bác, sẵn sàng cống hiến tài năng, sức lực để đưa đất nước đi lên. Có thể thấy, mặc dù các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp,... là môi trường vô cùng tốt để học tập và làm việc, thế nhưng đất nước ta mới chính là quê hương, là nơi đã nuôi dưỡng ta trưởng thành. Con đường học tập của tôi sau này còn rất dài và nhiều chông gai, tôi hiểu rằng mình cần nỗ lực trau dồi học tập, tu dưỡng đạo đức để ngày càng hoàn thiện bản thân. Đất nước mình đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, mỗi người cần tự ý thức tình hình đất nước, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tôi hiểu rằng, quê hương mình đang cần những người trẻ như chúng ta, cần sức trẻ để cống hiến và phục vụ cho đất nước. Hãy lấy khát vọng cống hiến cho Tổ quốc làm lẽ sống của thanh niên. Hãy tận dụng tất cả những sức mạnh về thể lực cũng như trí lực để giúp quê hương mình ngày càng giàu mạnh, phát triển hơn.
Đất nước ta đã trải qua ngàn năm lịch sử, như Nguyễn Trãi cũng từng nói: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”, ông cha ta đã biết dựa vào thế mạnh đó để xây dựng đất nước vững mạnh, trường tồn. Vậy nên, chúng ta cần có những biện pháp thiết thực, hiệu quả để giảm thiểu hiện tượng “chảy máu chất xám”, phát huy mạnh mẽ truyền thống trọng người hiền tài để đưa đất nước tiến lên, ngày càng phát triển và tiến bộ.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: "Hạnh phúc như bầu trời, không chỉ dành cho một riêng ai"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận