NLXH 200 chữ: Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông
Đề bài: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: "Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông".
Mối quan hệ giữa ba cạnh trong một tam giác vuông là một đẳng thức không đổi: "Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông". Nếu một đại lượng tăng hay giảm thì các đại lượng còn lại cũng sẽ tăng hay giảm theo một tỉ lệ tương ứng phù hợp, nếu không thì tam giác sẽ ko còn là tam giác vuông nữa. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, luôn có những đẳng thức không thay đổi như thế. Đó chính là những giá trị không đổi của cuộc sống mà chúng ta hướng tới. Ví dụ như trong Truyện Kiều, có một đẳng thức mà Nguyễn Du đã khẳng định "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Dù ở xã hội nào đi nữa thì cả đức và tài đều cần thiết, nhưng tâm đức phải luôn được đề cao. Và cũng như đẳng thức không đổi được nói đến trong định lý Pitago trong tam giác vuông kia, dù cuộc sống đặt ta vào hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta hãy học cách tự cân bằng cuộc sống để mọi giá trị tốt đẹp không mất đi. Đừng thấy cuộc sống khó khăn mà chúng ta lại dễ dàng buông xuôi. Đừng vì những điều bất công nhìn thấy mà ta để cho mình méo mó theo... Không chỉ có vậy, khi xã hội ngày càng phát triển bản thân mỗi chúng ta để thích nghi và tồn tại trong xã hội cũng cần phải thay đổi chính mình. Chúng ta phải tự hoàn thiện mình để thích nghi và đáp ứng yêu cầu của cuộc sống ngày càng hiện đại. Cũng giống như các cạnh trong tam giác vuông kia nó không thể là một đại lượng bất biến khi chiều dài cạnh khác thay đổi.
Hoặc nếu như 1 cạnh góc vuông cứ giữ mãi là một đại lượng ko đổi, thì những cạnh khác sẽ phải tăng lên với tỉ lệ lớn hơn gấp nhiều lần thì mới duy trì được tam giác ấy là vuông. Trong xã hội chúng ta cũng vậy đó, không phải vì một cá nhân bảo thủ, trì trệ mà chúng ta dừng sự phát triển của xã hội lại. Cuộc sống đẹp hơn khi chúng ta biết cộng tác, chia sẻ và cùng phấn đấu. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?". Chỉ khi bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông thì tam giác ấy mới là tam giác vuông. Mỗi chúng ta sống và làm việc đều tồn tại các mối quan hệ song song, đó là mối quan hệ giữa bản thân mình với mọi người xung quanh và mối quan hệ chung với xã hội. Mặt khác, giá trị của mỗi con người cũng sẽ được khẳng định trong xã hội khi họ là người góp phần tạo nên giá trị cho xã hội... Phải chăng ngày nay, khi con người mải mê theo đuổi những khát vọng của bản thân mà không đặt mình vào trong mối quan hệ với xã hội nên hình hài xã hội mà ta đang thấy đâu đó có phần méo mó, không còn "vuông" nữa?
Mỗi người có một quan điểm, một suy nghĩ khác nhau. Sự phong phú và kì diệu của môn Ngữ văn luôn chờ các em học sinh khám phá và có cách thể hiện riêng của mình.
(Nguyễn Thu Hà - Giáo viên trường THCS Lý Tự Trọng)
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận