NLXH 200 chữ: "Đừng sợ hãi vì con đánh mất đi ai đó"
Đề bài: "Đừng sợ hãi vì con sẽ mất đi một ai đó. Hãy lo sợ chỉ khi con đánh mất bản thân mình để cố chiều lòng người khác", Coco (2017).
John Mason từng khẳng định: “Sinh ra là một bản thể, đừng để chết như một bản sao”. Thông điệp mạnh mẽ về giá trị cá nhân đó làm tôi nhớ đến một câu nói tương tự trong bộ phim Coco (2017): "Đừng sợ hãi vì con sẽ mất đi một ai đó. Hãy lo sợ chỉ khi con đánh mất bản thân mình để cố chiều lòng người khác”. Câu nói ấy đã nhắc nhở mỗi chúng ta cần giữ vững bản ngã hay giá trị cá nhân của mình. Giá trị cá nhân là những niềm tin của bạn về cuộc sống, về con người bạn hiện tại và về con người mà bạn muốn trở thành. Thực tế chắc chắn chúng ta đã từng ít nhất một lần cố làm những điều mình không thích chỉ đề chiều theo ý một ai đó. Mục đích là để níu giữ mối quan hệ. Cố gắng để vun đắp và xây dựng một mối quan hệ là không sai nhưng ta cần phải tỉnh táo trước tất cả để không đánh mất mình. Đừng biến đổi mình để chạy theo người khác bởi có khi chính người khác cũng đang hâm mộ giá trị của cá nhân bạn. Trong cuộc sống hàng ngày, khó khăn luôn thường trực nhiều hơn là sự suôn sẻ. Nếu như không có chính kiến, không giữ vững những niềm tin và giới hạn nhất định, ta cũng sẽ rất dễ bị cuốn theo những điều tiêu cực. Nói cho cùng, giá trị cá nhân là thứ ta đang xây dựng chứ không phải thứ ta đang có, tức là nó sẽ biến đổi. Ta chỉ có một bộ não và một trái tim tiếp nhận những tác động từ bên ngoài, từ đó đắp bồi hoặc biến đổi những niềm tin cá nhân. Những tác động ấy góp phần tạo nên giá trị mỗi cá nhân để cá nhân lại đem giá trị của mình tỏa sáng ở cộng đồng.
Chắc chắn không cộng đồng nào cần những con người bị thao túng tâm lý hay những con rô bốt mà ta cần những bản ngã đa dạng, tạo nên xã hội đã sắc. Nói về việc giữ vững giá trị cá nhân, tôi chợt nhớ tới một mẩu chuyện về Bác Hồ. Khi ấy Bác ở cùng cha và anh trai còn ở Huế. Trong một buổi chiều nhá nhem, Đặng Thái Thân, người hoạt động cho Phan Bội Châu đến tìm Nguyễn Tất Thành, mong muốn người thanh niên tài năng ấy tham gia tổ chức. Tuy nhiên Bác đã thẳng thắn chỉ ra điểm bất cập trong việc dựa vào Nhật chống Pháp và từ chối lời mời. Bác có chính kiến, tin vào niềm tin dân tộc. Với vị lãnh tụ vĩ đại, chúng ta phải là dân tộc tự lực tự cường, không dựa dẫm vào dân tộc khác. Về phần mình, chính tôi đã nhận ra mình là một người cả tin và dễ bị tác động mỗi khi đứng trước những lời nói từ nhiều phía về cùng một một vấn đề. Lâu dần tôi rút kinh nghiệm rằng: chỉ cần lắng nghe tiếng nói sâu nhất trong tâm trí mình và tìm về mục đích khởi nguyên thì mọi sự phân vân đều tan biến. Người ta cần một bông hoa trắng để dùng trong những đám tang, nhưng cũng không ai dùng một bông hoa hồng đỏ nhuộm trắng để làm việc ấy cả. Bông hoa hồng ấy sẽ khoe sắc ở một nơi khác. Hãy là bông hoa mang màu sắc kiêu hãnh của riêng mình.
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: Sự mất mát lớn nhất là gì?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận