NLVH: Vẻ đẹp của những giọt nước mắt

"Nghệ thuật tạo ra vẻ đẹp cho những giọt nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên", Đặng Tiến.

Đỗ Thu Nga
12:00 12/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Tôi đã từng khổ đau thất vọng

Đã từng biết chết chóc

Nhưng tôi rất sung sướng rằng

Tôi đã ở trong cõi đời to lớn này”

(Tagore)

Theo như Tagore, nếu con người chưa từng bật ra những thanh âm thống thiết tận cùng thì làm sao biết nức nở bồi hồi và trăn trở về hạnh phúc. Nếu con người chưa từng trải qua những khoảnh khắc uất nghẹn nước mắt của đớn đau, đày ải thì làm sao có thể trân quý những thời khắc đẹp đẽ của cuộc đời. Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc. Và đó vốn dĩ là cũng là bản chất, là cốt cách ngàn đời của văn học. Văn học không né tránh, không che lấp nỗi đau mà nó khiến nỗi đau của kiếp người càng đậm nét, càng chân thật và tìm ra những vẻ đẹp bị che đậy sau bức màn của đau khổ. Có lẽ nhìn thấy được giá trị sâu sắc của những nỗi bất hạnh, bi thương trong tác phẩm văn học mà Đặng Tiến đã lên tiếng: “Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên.”

Đặng Tiến đã đưa ra một ý niệm sâu sắc về nghệ thuật. Nghệ thuật là một dạng hình thái ý thức của xã hội, nó phản ánh và diễn đạt sự tồn tại cũng như những tư tưởng, quan niệm của con người trong xã hội. Thực chất, văn học chính là nghệ thuật của ngôn từ. Nó được bộc lộ qua sự đa dạng và khả năng giao tiếp của các con chữ. Và “vẻ đẹp” chính là giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm văn học. Nó là thứ khiến văn học trở nên khác biệt so với các hình thức diễn đạt khác trong thế giới ngôn từ. Giá trị thẩm mỹ tạo cho tác phẩm văn học sức hút nhất định về nội dung mà nó tạo dựng nên. “Dòng nước mắt” là đại diện cho những đau khổ, bất hạnh, những nỗi khốn cùng của kiếp người giữa cuộc đời lắm rối ren, biến chuyển. Nước mắt là hóa thân của những điều làm nặng trĩu lòng. Nhưng nước mắt ở đây không còn giữ được hình thù là từng giọt nữa, nó gom tụ lại trở thành một “dòng”, tức là nỗi đau ở đây phải là nỗi đau vô cùng khắc khoải, nhức nhối đến ám ảnh khi chuyển mình bước vào văn học. Như vậy, “vẻ đẹp” của “những dòng nước mắt” ấy là sự trân trọng và nâng niu giá trị cao đẹp của con người ngay cả khi đặt họ, giam cầm họ trong hoàn cảnh bí bách, khốn cùng đầy thương đau. Và nỗi “thống khổ” ấy đã không còn là của riêng ai, nó không còn là nỗi đau của anh, hay của tôi nữa, nó là nỗi khổ chung của cả “nhân loại”. Tức là một khi văn học viết về những gì đầy thương tích, rỉ máu thì nó phải là “một tác phẩm thật giá trị vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung của cả loài người” (Đời thừa – Nam Cao). “Tiếng hát vô biên” phải chăng là tiếng hát tri âm, trân trọng những giá trị tốt đẹp trường tồn mãi mãi với thời gian mang theo dấu tích của con người thời đại. Tiếng hát tượng trưng cho sự lan tỏa, khả năng tác động, cải tạo hiện thực của tác phẩm văn học. Nó cất cao sự tin tưởng và cải biên đời sống tinh thần của con người. Suy cho cùng, qua quan niệm được gửi gắm, Đặng Tiến đã phần nào khẳng định giá trị chân chính của nghệ thuật. Với Nguyên Ngọc, “nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người, cái lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo”. Đặng Tiến với cùng quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” nhưng nâng lên một bậc, những tình cảm, những nỗi đau khổ của con người trong phận đời phải được khắc họa qua bút pháp đầy thẩm mỹ và nhận được sự đồng cảm, trân trọng từ phía độc giả, là bài ca mãi trường tồn vì giá trị bất diệt của con người, là khúc hát tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho vạn sinh linh.

nlvh-ve-dep-cua-nhung-giot-nuoc-mat

Với tất cả những gì lĩnh hội được, ta có đủ cơ sở để tin tưởng và chắc chắn về tính đúng đắn trong quan niệm của Đặng Tiến. Nazim Hikmet – nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ từng có lời dặn dò: “Con hãy nghe nỗi buồn của rừng cây héo khô, của hành tinh lạnh ngắt, của chim muông què quặt. Nhưng trước nhất, con hãy nghe nỗi buồn của người”. Như vậy, đối tượng phản ánh ngàn đời của văn học chính là con người. “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Xuất hiện trong văn học, con người trong thời đại hiện lên không chỉ mỗi hình tượng hoàn hảo được tô nặn tỉ mỉ, kì công mà còn là những mặt đầy vết nứt khó lòng che đậy. Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Văn học không thể bê nguyên xi hiện thực cuộc sống lên trang văn nhưng cũng không có quyền thay đổi, bóp méo, xáo trộn hay đổi trắng thay đen những gì đã – đang diễn ra hằng ngày ở thế giới thực tại nơi con người đang trải qua và chịu đựng. Và vốn dĩ cuộc đời luôn thay đổi thành những hình thù méo mó khác nhau chứ không tồn tại mãi ở một thể tròn vành vẹn nguyên cho nên con người cũng không thể nào không gặp phải những bất trắc, đớn đau. Lúc này, văn học không thể trưng ra bộ mặt làm ngơ, ngoảnh đi bỏ lại sau lưng những tiếng khóc than, thét gào trong đau đớn ngập ngụa của kiếp người. Nó phải đào sâu, khắc họa và mang những khoảnh khắc đầy thương tật trong hình người lẫn hồn người ấy lên từng con chữ. Nó phải nâng niu và trân quý “những dòng nước mắt” chảy ngược trong tâm can của kẻ khốn cùng. Nỗi đau trong văn học cứ như vậy được ngân nga mãi trong kẽ hở của ngôn từ. Văn là đời, văn vì người, nếu không có sự tồn tại của con người, văn học xem như sáo rỗng, vô nghĩa. Nhà văn chân chính phải là người “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy mọi vang động của đời” (Nam Cao). Những “vang động” ấy là những cảm nhận thực tế của con người ngoài hiện thực xã hội đầy biến động.

Mặt khác, sáng tác văn học là một hoạt động sáng tạo thẩm mỹ có tính chất cá thể. Do đó, bất kì một nhà văn nào cũng có quan niệm thẩm mỹ riêng biệt dựa vào cá tính và cách nhìn của họ. Và việc “tạo vẻ đẹp” ở đây tuyệt đối không phải là sự tô vẽ, hoa mỹ hóa ngôn từ để tạo lớp ngoài bóng bẩy đầy thu hút nhưng lại sáo rỗng về nội dung và chiều sâu tư tưởng. Ở đây, “vẻ đẹp” chính là những giá trị khuất lấp trong hiện thực cuộc sống mà nhà văn phải tự mình khám phá, chắt lọc và đào sâu xuyên qua tầng tầng lớp lớp khổ đau giữa đời. Không nhất thiết phải cần đến ánh sáng của triệu vạt nắng mới thấy được vẻ đẹp của bầu trời, bởi vì ngay lúc bầu trời trở nên u tối, tĩnh mịch vẫn mang một mị lực khác thường. Cũng như vậy, không phải hễ lúc nào cuộc đời tràn đầy hạnh phúc, vui sướng ta mới cảm nhận được vẻ đẹp chân thực của cuộc sống. Ngay cả trong những nỗi thống khổ đến tận cùng, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã và khắc nghiệt nhất, văn học vẫn có “đôi mắt” kì diệu để phát hiện ra vẻ đẹp của niềm tin, vẻ đẹp của tình thương và sự hi vọng cùng khát khao vươn tới những điều tốt đẹp hơn, vẹn toàn hơn. Và có lẽ, văn học không phải là một công cụ diễn đạt đủ thần thông để làm vơi đi “nỗi thống khổ” của những con người bất toàn, nhưng bằng việc khắc họa nó, vẽ nên bức chân dung của những con người bị gán vào bi kịch đầy khốn khổ, văn học phát hiện và nâng niu vẻ đẹp của nhân tính, của phần người cao đẹp trong mỗi chúng ta. Do vậy, “nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt” chính là thứ nghệ thuật cao đẹp trân trọng và đề cao vẻ đẹp khuất lấp, ẩn sâu của con người thông qua những hoàn cảnh éo le, khốn cùng, những khoảnh khắc chìm trong bi kịch, bế tắc. Điều đó tạo nên danh xưng “người cho máu”, “kẻ đa đoan ôm nỗi đau đời tha thiết” đầy cao quý cho các nhà văn. “Nhà văn tồn tại trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc mơ cho người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con nười ta đến chân tường, để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực” (Nguyễn Minh Châu). Nhà văn còn là người “đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã cảm thấy sâu sắc mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người” (Đặng Thai Mai). Chính trong sứ mệnh cao cả và thiêng liêng ấy, bản thân mỗi nhà văn tự tìm thấy sự sáng trong, lấp lánh như hạt ngọc trong tâm hồn, bề sâu tư tưởng của mỗi người, mỗi số phận. Họ tìm thấy vương vãi và đọng lại trên từng kẽ tay những hạt bụi vàng tinh túy lắng sâu trong vỉa trầm tích hiện thực, nó óng ánh và ngời sáng dát lên trái tim tràn đầy sự nhạy cảm, tinh tế và ấm áp của người nghệ sĩ.

Và khi các tác phẩm văn học gắn liền với những thương tổn, những thống khổ tận cùng thì nó trở thành “bài ca bất diệt của đau thương”. Đó là bài ca cất cao giữa thời đại, ru êm những mất mát, đớn đau, gọi thức về những giá trị tốt đẹp của sự công bằng, yêu thương và hi vọng. Nó là “tiếng hát vô biên” tạo nên sự đồng cảm, gắn kết trong tâm hồn giữa những trái tim cháy bỏng với nhau, giữa con người và con người trong cuộc đời. “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn”(M.L. Kalinine). Nó khiến “người gần người hơn” (Nam Cao). Bởi thế, tác phẩm văn học không tồn tại trên cõi đời như một thực thể khép kín mà là một cấu trúc gọi mời, một chiếc cầu kết nối các tâm hồn với nhau. Đi từ một nỗi đau, một số phận, tiếng nức nở, lời tuyệt vọng, tác phẩm văn học mãi ngân nga và tạo âm vang dư đọng trong tâm can đọc giả. Nó “vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn” để gắn kết những cá nhân với nhau tạo nên sự đồng điệu trong quần chúng, nhân dân. “Tiếng hát vô biên” ấy thâm nhập vào đời sống của con người, tiếp thêm cho con người sức lực để hi vọng, để tin tưởng và yêu thương, để kì vọng vào tương lai. Đó là động lực để nghệ thuật biến “nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”.

Nói đến giọt nước mắt của đớn đau, giày vò, không thể nào người ta bỏ quên giọt lệ chua xót, bi uất của Chí Phèo. Ngay thời khắc mà ta tưởng như Nam Cao đã cho Chí cái quyền được với tay tới hạnh phúc thì ngay lập tức cánh cửa ấy khép lại bỏ mặc con người khốn khổ trong tuyệt vọng. Gào thét, phẫn uất, cầu cứu,...dường như đã chẳng còn tác dụng khi tia hi vọng ngay trước mắt lại bị giẫm đạp lụi tàn không thương tiếc.

Chí Phèo yêu Thị Nở, yêu như cách một con người hóa thành quỷ dữ bám víu chút sức lực cuối cùng vào tay thiên sứ, yêu như cách những đám bùn nhơ ước chạm vào làn nước xanh trong không vướng bụi trần. Hắn như đứa trẻ bị vấy bẩn khao khát chạm đến tình thương của Thị Nở. Nhưng tuyệt nhiên không, bà cô Thị Nở - con người đại diện cho làng Vũ Đại, cho những định kiến cay nghiệt trong xã hội - một mực ngăn cách mối tình đầu sớm mai chớm nở của Chí. Sự đau đớn và tuyệt vọng khi bị Thị từ chối cứ len lỏi, ám ảnh vào thần hồn Chí Phèo: “hắn nghĩ ngợi rồi hình như hiểu”, “hắn bỗng nhiên ngẩn người”, “thoáng một cái hắn như hít thấy hơi cháo hành” rồi “ngẩn mặt không nói gì”. Hắn cố gắng níu lấy Thị Nở bằng những sức lực cuối cùng còn sót lại trong cõi đời “khốn nạn” của hắn nhưng vô vọng. Thời khắc nhân tính trở về, thời khắc Chí Phèo được trở lại làm Chí Phèo sau bao năm khoác lên mình bộ mặt của ác ma, quỷ dữ thì cũng là lúc cánh cửa trở lại làm người sập xuống ngỡ ngàng và đau đớn vỡ lòng trước mắt Chí. Túng quẩn cùng cực, tưởng như càng uống càng say triền miên sẽ càng quên, nhưng hắn lại càng rõ mồn một cái tình cảnh thảm thương của bản thân lúc hiện thời, không một đường lui để trốn tránh chính mình. Lúc ấy, hơi cháo hành của Thị Nở hiện về như một ám ảnh về quá khứ bỏ dở, như nhát dao từng chút từng chút cứa sâu vào thâm tâm đang rỉ từng đợt máu lớn đỏ thẫm khiến Chí Phèo bật ra những thanh âm nức nở.

Chí Phèo khóc. Một con quỷ dữ mà người ta cho là không ruột gan, không trái tim đã bật khóc. Cho đến lúc này, tâm hồn tưởng như chai sạn từ bao đời bật ra những tiếng khóc xé lòng, toạc tâm can. Hắn “ôm mặt khóc rưng rức”, không còn bản tính hung hãn thường thấy, không còn là sự ngụy trang che đậy cho linh hồn bị vùi khuất, hắn như đứa trẻ tội nghiệp bị rơi rớt lại giữa dòng chảy xã hội khắc nghiệt vắng bóng tình thương. Chí Phèo khóc thương cho một tình yêu và những tia hi vọng đang dần ban ấm áp cho đời hắn bỗng vỡ tan ngay trước mắt không thể nào cứu vãn được nữa. Hắn khóc vì ngay thời khắc hắn muốn quay lại cõi người thì cánh cửa cơ hội đóng sầm xuống cầm tù một phận đời mãi mãi. Nực cười thay cho Chí Phèo. Khi làm người lương thiện thì những bóng ma thời đại buộc hắn biến hình thành quỷ, khi thành quỷ thì người ta vứt bỏ, ghê sợ, đày đọa đến tận cùng và nghiễm nhiên tước đoạt hình hài con người lẫn quyền được hạnh phúc của Chí. Không ai cho hắn lựa chọn, không ai cho hắn quyền làm “người lương thiện” đúng nghĩa, nhưng mọi xấu xa tội lỗi đều gán lên người hắn tất thảy. Tất cả những lớp bi kịch ấy không ngừng chồng chất lên nhau, cùng lúc ập vào và đánh tan niềm tin của một con người bị xã hội tàn bạo tha hóa. Đó là lần đầu tiên chúng ta bắt gặp giọt nước mắt của Chí Phèo rơi trong tác phẩm, nó đã chực trào nhiều lần nhưng đến tận bây giờ mới vỡ òa. Những giọt nước mắt chực rơi trước đây đều được tình thương của Thị Nở kéo giữ lại. Nhưng khi Thị Nở, người cuối cùng trong cuộc đời này còn có thể yêu thương hắn cũng cự tuyệt, bỏ lại hắn, khi trụ nâng đỡ của tình yêu tan vỡ thành mảnh vụn, khi mọi điểm tựa tinh thần nát tan trong đôi bàn tay hắn, hắn mới òa khóc trong cái thấu tận cùng của bi kịch số phận ngay khi nhân tính trở về.

Khi còn có thể bật khóc, tức là phần người vẫn còn bám trụ lại trong sâu thẳm nội tâm mỗi con người. Với Nam Cao, giọt nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ, là biểu hiện chân thật nhất của nhân tính. Giọt nước mắt là hiện thân của khả năng xúc cảm, mà còn đó những hồi thấu cảm tức là còn đó phần nhân tính trong tâm khảm sâu xa của con người. Nước mắt còn là đại diện tượng trưng cho những tình cảm chân thành nhất trong mỗi bản ngã con người: yêu thương, hạnh phúc, hối hận, đớn đau, nuối tiếc,... Đó là những trạng thái hoàn toàn đối lập với sự triền miên trong cơn say đến mất đi ý thức cảm xúc, đối lập với kiếp sống thú vật đã ám ảnh một đoạn đời dài đằng đẵng của Chí Phèo.

Giọt nước mắt thấm đẫm bi thương ấy không chỉ là nỗi đau của riêng Chí Phèo hay bất kì ai, nó là giọt lệ rơi của thống khổ tận cùng của những người nông dân trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Ấy là đỉnh cao của bi kịch tha hóa, bi kịch bị tước đoạt quyền làm người không thương tiếc. Họ bị chính xã hội mình đang tồn tại tha hóa, kéo lôi xuống bùn nhơ đến mất đi nhân tính. Đến khi ý thức được mọi sự thì đã quá muộn để trở lại làm một con người lương thiện như thuở ban đầu. Nỗi thống khổ ấy dẫn đường những kẻ lạc lối đến cái chết để giải thoát tinh thần khỏi cuộc đời méo mó, chết để bảo vệ các giá trị sống, phần người tốt đẹp còn sót lại trong bản ngã. Nỗi thống khổ ấy hóa thành nỗi khổ nhân loại. Từ thuở đất trời được tạo lập, con người chưa bao giờ được quyền ngơi nghỉ trong cuộc chiến giữa thiện – ác, tốt đẹp – xấu xa, cao cả – thấp hèn, phần người – phần con trong bản tính. Bi kịch đánh mất chính mình chính là sự thua cuộc trước số phận, là nỗi mất mát không thể nào cứu chuộc của mỗi người. Từ đó, Nam Cao cho ta thấy được, có những vẻ đẹp có bị vùi lấp thì cũng không thể nào bị hủy diệt, như vẻ đẹp của tính người trong chúng ta. Khuất lấp, che đậy, vùi dập,...nhưng những giá trị tốt đẹp ấy vẫn chưa bao giờ bị mai một đi mà luôn chờ thời cơ thích hợp để bừng sáng giữa cuộc đời. "Tiếng hát vô biên" cất lên tha thiết: tiếng hát giữa hiện thực đầy đau đớn, bất công đòi hỏi quyền lợi làm người chân chính, bản ca như bản án tố cáo những tội ác và là tiếng con tim của một tâm hồn yêu con người, yêu cuộc đời tha thiết.

Như vậy, qua giọt nước mắt của Chí Phèo ta thấy được nhận định của Đặng Tiến là vô cùng đúng đắn. Nghệ thuật khắc họa và làm sâu sắc những nỗi thống khổ của kiếp con người, của nhân loại chính là loại nghệ thuật lâu bền nhất. Nó phải vì con người mà hình thành, vì con người mà phát triển. Cho nên, "tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó" (Belinxki). Nếu nghệ thuật không thâm nhập vào dòng chảy thời đại, không dính đầy chất nhựa cuộc sống và máu tươi của đầy rẫy đớn đau trong tâm can con người thì đó không còn là nghệ thuật chân chính nữa. Chính cái đào sâu vào mạch máu ngầm của con tim và sự thấu cảm tận cùng mới là tiêu chuẩn vĩnh cửu của một tác phẩm bất hủ cùng thời gian và tấm lòng nhân loại.

Và tuy rằng văn học và nghệ thuật có cho mình cái đặc quyền để viết về những “nỗi thống khổ” thường trực, những lần vẫy vùng của con người trong đau đớn quằn quại, những lần rạn vỡ và nứt toạc tâm hồn thì đích đến của nó vẫn là những giá trị tốt đẹp, quý giá và lâu bền. “Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”. Người đọc chân chính không thể nào chấp nhận nổi một tác phẩm có thể truyền bá và ca ngợi những gì tầm thường, xấu xa đầy ghê tởm. Hướng về cái đẹp là đặc trưng ngàn đời vốn có của văn học. Ngoài ra, một tác phẩm muốn đi sâu vào lòng nhân dân còn cần đến một hình thức nghệ thuật độc đáo, phù hợp với nội dung và tư tưởng mà nhà văn muốn truyền đạt. Bởi lẽ nếu ý tứ sâu xa mà diễn đạt khô cằn, tình cảm tràn đầy mà câu văn nông cạn thì cũng làm mất đi một phần giá trị của văn học nghệ thuật.

Cũng chính vì văn học là hiện thân của cuộc đời con người mà qua mỗi trang văn người đọc như soi bóng thấy chính mình. Đọc văn học, hiểu văn học chính là tự chiêm ngưỡng nét phác họa chân dung của bản thân con người trong mỗi thời đại. Cho nên khi người đọc đi sâu vào đời sống văn học, họ không thể nào chối bỏ những gì thuần túy, chân thật nhất về cuộc đời, kể cả hạnh phúc sướng vui hay đau đớn giày vò. Họ phải đọc và đọc trọn vẹn tất thảy những vấn đề rối rắm trong chính cuộc đời của họ để hiểu về đời sống tinh thần, thế giới nội tâm của bản thân mình. Và đối với một nhà văn chân chính, một người luôn luôn trong trạng thái say mê nghệ thuật của ngôn từ thì không thể nào chối bỏ những nỗi thống khổ thường trực của kiếp người. Cả mơ, cả tỉnh, anh luôn phải đào sâu, tìm tòi và chủ động khám phá ra những vẻ đẹp ẩn khuất phía sau tầng tầng lớp lớp đau đớn, ẩn trong những tiếng nức nở, tiếng thét nghẹn ngào. Viết về nỗi đau, không trốn tránh hiện thực, ấy mới là nhà văn chân chính dám lên tiếng về con người. Tất thảy tạo nên mối liên kết bền chặt giữa những con người thật sự trân trọng và yêu mến nghệ thuật vị nhân sinh.

“Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”( Vũ trụ thơ – Đặng Tiến). Ấy là sứ mệnh chân chính của nghệ thuật. Trong lao khổ, trong đớn đau cùng quẫn, văn học nghệ thuật vẫn tìm ra vẻ đẹp khuất lấp bị chôn vùi như ánh sao xa sáng chói trong đêm tăm tối mịt mù. Nghênh ngang mà đi vào đời sống văn học, những giọt nước mắt xót xa, những vết cắt rỉ máu, những tiếng nỉ non âm vang vẫn được nghệ thuật trao tặng cho vẻ đẹp riêng biệt và trở thành khúc hát muôn đời về quyền được sống hạnh phúc và an yên của con người. Chỉ có như vậy, nghệ thuật mới hoàn thành tròn vai của nó như người mẹ nâng đỡ giấc mơ và tâm hồn con người khi cùng đường tuyệt lối.

(Huỳnh Thị Ngọc Nhi - Lớp 11 chuyên văn trường THTH ĐHSP, năm học 2019 - 2020)

Xem thêm: NLXH 200 chữ: Biển học là mênh mông sách vở chỉ là vùng biển gần bờ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận