Những đoạn văn đáng đọc của học sinh giỏi
Dưới đây, Sống Đẹp xin trích dẫn lại những đoạn văn đáng đọc của học sinh giỏi văn để các bạn cùng tham khảo, thúc đẩy cảm hứng viết văn của mình.
01
"Ai cho tao lương thiện..." - nỗi lòng của Chí Phèo rơi vào lặng thinh không ai đáp lời hắn, người ta im bặt sau cái chết của con quỷ dữ làng Vũ Đại. Ước gì người ta có thể khẳng khái như cái hồi người ta chì chiết cuộc đời Chí thì hay biết mấy. Ngôn ngữ bát nháo của định kiến đã lấn át, chèn ép cái đời sống nhỏ nhoi vừa thành hình trong Chí. Đời ai đó dù làm điều khỉ gió thế nào vẫn khổ lắm và đáng thương lắm... Dường như tiếng nói nội tâm có một phận đời ngắn ngủi quá, không thể trục vớt được phần đời dài lê thê gắn với những mớ ồn ào thế gian của ta. Nhiều khi đứng trong định kiến đời sống và bên lề cuộc đời mình, lắm lúc tôi nghĩ: "Hãy để tâm tới tiếng nói nhỏ bé mà bền vững trong bạn hơn những tiếng ồn ào, náo loạn từ bên ngoài".
02
Trong tiểu thuyết "Vụ án", một tác phẩm gợi ra nhiều suy nghĩ về cái phi lý trong xã hội hiện đại Frank Kafka đã cố tình không đặt tên cho nhân vật của mình, Jo-zep K. Thiếu tên không làm cho số phận nhân vật mờ nhạt đi. Có một điểm hơn thế này: Nếu ngẫm nghĩ kỹ, không tên nghĩa là khác người, sự khác người này sẽ tách ra khỏi bầy đàn. Sự tác bầy trong vô thức sẽ khiến con người cô đơn, nhưng nếu có ý thức thì đó là sự khôn ngoan. Với một nhà văn được mệnh danh là "Dante của thế kỷ XX", sự mới lạ ở "Vụ án" hoàn toàn có chủ đích. Có lẽ, nếu chúng ta biết thức tỉnh, lánh mình khỏi những ồn ào đời sống, những cái "giống" ngờ nghệch như một bầy cừu ngoan (Sheeple), khi đó chúng ta sẽ hạn chế được những điều bất như ý đến với mình. Hơn thế nữa, lắng đọng cũng là dịp để những suy tư, những tiếng nói nội tâm sâu lắng trong ta có dịp lên tiếng.
03
Cơ hồ Đường Tăng đã dừng lại việc thỉnh chân kinh nếu chẳng có sự phò trợ của Ngộ Không, Ngộ Năng và Ngộ Tĩnh. Tôi không phải là kẻ dễ mất niềm tin, nhưng trong tôi, rất vô tình, những trái độc đã làm nên một mùa bội thu. Tôi không dám hoài nghi về sự vĩ đại của loài người đã được Shakespeare khẳng định từ thế kỷ 16, nhưng trong tôi, lại có nỗi trăn trở về giới hạn năng lực của cá nhân. Có lẽ, cuộc sống vốn phức tạp lại luôn biến động, đổi thay với những bất ngờ, những điều xảy ra ngoài dự liệu của con người. nếu chỉ có một mình, cá nhân sẽ khó hoặc không thể ứng phó hết được. Bạn có từng nghĩ, phải bất lực đến đâu Santiago (nhân vật trong tiểu thuyết "Ông già và biển cả" - nhà văn Hemingway) người từng có quan niệm "con người có thể bị hủy diệt chứ không thể khuất phục" phải ao ước có được sự giúp đỡ của cậu bé Manolin... Đó là sự bất lực của một cá nhân trước sự vô thường của cuộc đời. Bao nhiêu năm làm kiếp con người là bấy nhiêu năm chênh vênh trong cói được - mất. Kiếp người là kiếp nạn. Năng lực của một cá nhân là có giới hạn, nhưng sự vô thường của một đời người luôn là một biến số. Ngay cả khi ta đơn giản mọi vấn đề của đời sống thì đời sống cũng sẽ không nhân nhượng mà bỏ qua cho ta vì ta là một người lạc quan tin vào chính mình. Trước những khó khăn những điều bất kỳ như ý của cuộc đời ta cần có một nguồn trợ năng để vin vào, và đó không gì khác hơn là đồng loại của ta. Nếu ta là Đường Huyền Trang, một mình đối diện với 81 kiếp nạn thì e là quá sức...
Xem thêm: Văn học lãng mạn thể hiện trực tiếp và sâu sắc cái tôi trữ tình đầy cảm xúc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận