Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: Đàn ngọt hát hay, bên ngoài đẹp trai bên trong có tiền, ấy vậy vẫn bị từ chối hôn nhân

Người ta bàn ra tán vào rằng, Dương Thiệu Tước đàn ngọt hát hay vì quá điển trai, bằng cấp khiêm tốn so với nhà họ Vi, nên bị trả lại đồ lễ... 

Đỗ Thu Nga
11:42 01/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhạc sĩ tiên phong thúc đẩy sự phát triển của tân nhạc

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (SN 1915, quê ở Vân Đình, Ứng Hòa - Hà Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội). Ông xuất thân gia đình Nho học, có người ông nội là Dương Khuê từng làm đốc học ở Nam Định và là bạn rất thân của nhà thơ Nguyễn Khuyến. (Khi Dương Khuê qua đời, nhà thơ họ Nguyễn đã làm bài thơ “Khóc Dương Khuê” rất nổi tiếng, ai đọc cũng ngậm ngùi “Bác Dương nay đã thôi rồi. Cỏ cây man mác ngậm ngùi lòng ta…”).

Từ nhỏ, nhạc sĩ Tước đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Lên 7 tuổi, ông đã học rồi đánh thành thạo đàn nguyệt và đàn tranh. 14 tuổi học piano và 16 tuổi học thêm đàn ghita.

Cậu bé Tước sớm nổi tiếng ở quê nhà do còn nhỏ đã chơi thành thạo được nhiều loại đàn cả dân tộc lẫn hiện đại. Năm 1940, gia đình ông có cửa hàng bán và sửa chữa đàn ở 57 phố Hàng Gai (Hà Nội). Do ông chơi đàn rất hay mà cửa hàng luôn đông khách.

Nhac-si-Duong-Thieu-Tuoc-va-chuyen-bi-tu-choi-hon-nhan
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Năm 1954 (39 tuổi), nhạc sĩ Tước cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Ông làm chủ sự phòng Văn nghệ Đài phát thanh và dạy đàn ở Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. 

Dương Thiệu Tước nổi tiếng với dòng nhạc "tiền chiến". Tên tuổi của ông xuất hiện cùng thời với nhạc sĩ Phạm Duy, Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên, Lê Thương, Doãn Mẫn, Nguyễn Xuân Khoát… Ông là một trong những nhạc sĩ đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của tân nhạc Việt Nam.

Ông cũng là người chủ trương học nhạc Tây nhưng khi sáng tác thì phải dựa trên nền tảng âm nhạc dân tộc, thấm đẫm hồn dân tộc. Thế nên, tất cả những ca khúc của ông đều rất ít bị ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây mà hồi đó nhiều nhạc sĩ khó tránh khỏi.

Tên tuổi của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gắn liền với những ca khúc vang bóng 1 thời như: “Đêm tàn bến Ngự”, “Ngọc Lan”, “Áng mây chiều”, “Bóng chiều xưa”, “Dòng sông xanh”, “Bến xuân xanh”, “Tiếng xưa”, “Khúc nhạc dưới trăng”, “Kiếp hoa”… và hai bài phổ thơ “Thề non nước” của Tản Đà và “Chiều” của Hồ Dếnh.

Các ca khúc của ông phần nhiều xoay quanh chủ đề tình cảm đôi lứa, hoài niệm về quê hương, đất nước với những nỗi niềm tâm sự của một nghệ sĩ lãng mạn, có trái tim đa cảm, nhạy cảm. 

Nhạc sĩ bị từ chối hôn nhân vì đẹp trai

Theo báo Văn nghệ Công an Online, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có mối tình đầu đẹp như mơ nhưng dang dở. Số là khi 18 tuổi, ông tình cờ gặp và nhanh chóng yêu say đắm một cô gái tên Vi Kim Ngọc (kém 1 tuổi). Cô gái này có nhan sắc vô cùng kiều diễm, đã hút hồn ông ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Nàng Ngọc cũng không thể cưỡng lại lòng mình trước anh chàng cực kỳ điển trai, lại có giọng hát hay và giỏi nhiều loại đài. Quan trọng hơn, hai gia đình cũng thuộc hàng "môn đăng hậu đối".

Cha của Tước là một viên quan trong bộ máy hành chính của Hà Nội lúc bấy giờ. Kinh Ngọc là con gái của ông Vi Văn Định, khi ấy là Tổng đốc Hưng Yên. 

Bên nhà nhạc sĩ Tước nhanh chóng lo làm lễ đem sang nhà Ngọc cầu hôn. Nhưng về sau nhà gái phát hiện Tước chỉ đỗ bằng Điplôme, trượt Tú tài rồi vào học trường nhạc, nhưng trường này khi ấy cũng đóng cửa vì khủng hoảng kinh tế.

Mọi người bàn ra tán vào, cho rằng anh chàng đàn ngọt, hát hay này quá điển trai sẽ là hiểm họa cho con gái họ, bằng cấp lại quá khiêm tốn so với gia thế nhà họ Vi. Thế là họ đã trả lại đồ lễ.

Cuộc hôn nhân không thành. Giữa lúc đó, một chàng đậu bằng tiến sĩ ở Pháp về nước tên là Nguyễn Văn Huyên đã lọt vào mắt của gia đình họ Vi. Và Vi Kim Ngọc đã nên duyên với chàng tiến sĩ trẻ này. Về sau, dưới chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nguyễn Văn Huyên nhiều năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, có nhiều đóng góp lớn cho ngành này mà không một bộ trưởng hậu nhiệm nào sánh kịp.

Nhac-si-Duong-Thieu-Tuoc-va-chuyen-bi-tu-choi-hon-nhan-0
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và bà vợ thứ 2 - Minh Trang

Quá đau lòng trước cuộc tình không thành, liền sau đó, Dương Thiệu Tước lấy vợ là cô Lương Thị Thuần, sinh liền 5 người con. Cuộc sống của ông phẳng lặng bên người vợ hiền nhưng không từ tình yêu lãng mạn giống như yêu cô Kim Ngọc, ông ít sáng tác và nếu có cũng không mấy đặc biệt.

Đến năm 1949, một "tiếng sát ái tình" lần thứ 2 nổ ra với Dương Thiệu Tước khi có sự xuất hiện của cô ca sĩ nổi tiếng Minh Trang. Lúc này, giọng hát của Trang là chủ chốt trên Đài Pháp - Á (tiền thân của Đài Phát thanh Sài Gòn). Cô được mời ra dự Hội chợ đấu xảo ở Hà Nội để hát với dàn nhạc đệm do Dương Thiệu Tước phụ trách.

Nhạc sĩ Tước mê nhan sắc và giọng hát tuyệt vời của Minh Trang. Cô ca sĩ sắc nước hương trời cũng biết tiếng tăm của nhạc sĩ Tước nên vô cùng ngưỡng mộ. Và điều gì đến cũng phải đến.

Vào năm 1951, hai người nên duyên. Nhưng mãi 3 năm sau (1954), ông mới vào Sài Gòn để chung sống với Minh Trang. Đây cũng là thời kỳ, ông cho ra đời nhiều sáng tác hay nhất. Cũng thật thuận tiện khi sáng tác bài nào Minh Trang cũng là người hát đầu tiên, giới thiệu ra công chúng nên nhanh chóng được nhiều người biết đến.

Sau ngày 30/4/1975, Minh Trang cùng các con cư trú ở nước ngoài. Dương Thiệu Tước do đau yếu không đi được. Ông lại sống những tháng ngày cô đơn.

Rồi một ngày kia, có một nơi do hâm mộ mà mời Dương Thiệu Tước đến nói chuyện về âm nhạc. Tại đây, ông tình cờ gặp người phụ nữ tên Nguyễn Thị Nga, trước là học trò của mình. 

Nga ngày xưa yêu thầm nhạc sĩ nhưng thấy ông đã có vợ con nên giấu kín tình cảm trong lòng. Nay thương ông sống đơn lẻ nên sẵn sàng nâng khăn sửa túi. Đây là cuộc tình cuối của người nhạc sĩ tài hoa. Hai người sống ở quận Bình Thạnh cho đến lúc ông qua đời vào năm 1995.

(Theo Văn nghệ Công an Online)

Xem thêm: Giai thoại vui về Nguyễn Công Hoan: Nhà văn lão làng và tên lừa đảo "trẻ không tha, già không thương"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận