Trắc nghiệm yêu văn học: Nhà thơ nào từng "muốn làm thằng Cuội"?

Ông được xem là người của hai thế kỷ, dấu nối giữa thi ca truyền thống và hiện đại. Bút lực của ông có vị trí quan trọng trong nền văn học đầu thế kỷ 20.

Đỗ Thu Nga
11:23 25/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhà thơ nào từng "muốn làm thằng Cuội"?

A. Phạm Tất Đắc

B. Trần Tế Xương

C. Tản Đà

ĐÁP ÁN: C - TẢN ĐÀ

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi.

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi

Đây là những dòng thơ rất hay trong bài thơ "Muốn làm thằng Cuội" của Tản Đà. Và với câu hỏi trên, đáp án chính xác chính là nhà thơ Tản Đàn - người từng khát khao được làm thằng Cuội trên cung trăng.

Nhà thơ Tản Đà (1889 - 1939) tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông. 

Nha-tho-nao-tung-muon-lam-thang-Cuoi-08
Nhà thơ Tản Đà

Tản Đà thuộc dòng dõi quyền quý, có truyền thống khoa bảng. Tổ tiên ông xưa kia có nhiều đời làm quan dưới triều nhà Lê. Song khi Gia Long lên ngôi, dòng họ này thề không đi thi, không làm quan với tân triều. Đến thời cha ông là Nguyễn Danh Kế, do hoàn cảnh gia đình cực khổ, lại phải nuôi mẹ già, đành lỗi ước với tổ tiên. Nguyễn Danh Kế thi đỗ cử nhân, làm quan cho triều Nguyễn đến chức Ngự sử trong Kinh, giữ việc án lý, nổi tiếng là người có tài văn án trong triều. Ông Kế vốn là người phong lưu tài tử, thường lui tới chốn bình khang và quen với bà Lưu Thị Hiền ở phố.

Bà Lưu Thị Hiền có nghệ danh là Nhữ Thị Nhiêm, là một đào hát tài sắc ở Hàng Thao - Nam Định, bà lấy lẽ ông Nguyễn Danh Kế khi ông làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Bà là người hát hay, có tài làm thơ chữ Nôm. Tản Đà là con trai út của cuộc lương duyên giữa tài tử và giai nhân này.

Tản Đà hấp thụ nền Nho giáo từ nhỏ. Lên 5 tuổi, ông học Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Dương tiết. Lên 6 tuổi, ông học Luận ngữ, kinh, truyện và chữ Quốc ngữ; 10 tuổi biết làm câu đối, thơ văn. Năm 15 tuổi, ông đã nổi tiếng là thần đồng của tỉnh Sơn Tây.

Từ năm 1915 đến 1926, Tản Đà liên tục có những tác phẩm thơ gây được tiếng vang. Bài thơ Muốn làm thằng Cuội được in trong tập Khối tình con (quyển thứ nhất, 1917), được sáng tác theo thể loại thất ngôn bát cú đường luật. Bài thơ là lời nhà thơ nói với chị Hằng trong một đêm thu, xin lên cung trăng để tránh xa cái trần thế.

Nha-tho-nao-tung-muon-lam-thang-Cuoi-0

Mặc dù tác phẩm được làm theo thể thất ngôn bát cú, song người đọc sẽ thấy dưới cái hình thức còn là thơ cổ ấy những dấu hiệu mới mẻ của cảm xúc. Tâm sự của nhà thơ ở một thời đại mới đã khiến cho hình thức thơ cũ có chiều hướng giảm nhẹ đi tính trang trọng, mực thước. Sự giản dị, trong sáng gần với khẩu ngữ tự nhiên làm nên nét duyên của bài thơ.

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong sách Nhà văn hiện đại (quyển II) cho rằng, Tản Đà là thi sĩ đặc Việt Nam, cho nên cái đặc tính thi ca của ông tức là đặc tính văn chương ta đó: Tư tưởng hoài nghi diễn ra ở cái buồn man mác.

Phần nhiều thơ của Tản Đà đều buồn. Thơ tình của ông là thơ của người khao khát tình yêu và thất vọng về tình yêu. Thơ rượu, thơ chơi của ông là thơ của người chán đời, người phải tìm những thú vui để khuây khỏa.

Xem thêm: Trắc nghiệm yêu văn học: Nhà thơ lận đận thi cử, thi 4 lần mới đỗ tú tài là ai?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận