Những vị quan "lạc lối" vì ham ăn [Kỳ 2]: Mạng người bằng cái thủ lợn

Nguyễn Văn Giai là vị tể tướng thời Lê Trung Hưng, nổi tiếng thanh liêm, đến cả chúa cũng chẳng kiêng nể. Ấy vậy mà ông lại "lạc lối" vì tham ăn.

Đỗ Thu Nga
10:00 02/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Văn Giai (1555 - 1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần "khai quốc" thời Lê Trung hưng. Ông nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình. Ông được nhà Lê xét công đánh nhà Mạc. Bên cạnh đó, ông còn là một nhà thơ.

Sử chép, ông là người thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ông xuất thân trong gia đình có tổ tiên từng đỗ đạt nhưng đến đời cha ông là Nguyễn Văn Củng thì chỉ còn là một anh khóa nghèo. 

Cũng vì đời cha bần hàn nên Nguyễn Văn Giai chịu nhiều vất vả. Để có tiền dầu đèn ăn học, sẵn có sức khỏe, ông hay gánh thuê cho thiên hạ. Là người chí lực nên sức ăn của ông Giai cũng lớn, gấp vài lần người thường.

Trải qua bao năm miệt mài đèn sách, đến năm Canh Thìn (1580), đời vua Lê Thế Tông, khi tham dự kỳ thi Đình, ông được vinh hiển, trở thành bạn đồng khoa với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. 

Nguyen-Van-Giai-va-chuyen-vi-bua-an-no-ma-lam-song-1-mang-nguoi-9
Biển chỉ dẫn vào di tích LSVH cấp Quốc gia đền thờ Nguyễn Văn Giai tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà

Sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép: "Canh Thìn, năm thứ ba (1580). Tháng 8, mùa thu. Lại mở khoa thi hội. Từ niên hiệu Nguyên Hòa (niên hiệu của vua Lê Trang Tông – người dẫn chú) trở đi, đã lâu không có khoa thi hội, đến đây mới lại mở. Nhà vua sai chia làm tam giáp, ban cho bọn Nguyễn Văn Giai và Phùng Khắc Khoan sáu người được đỗ tiến sĩ xuất thân và tiến sĩ đồng xuất thân có khác nhau".

Vào làm quan trong triều, Nguyễn Văn Giai vốn tính ngay thẳng, cứng rắn nên đến bọn thân sơ của vua Lê hay chúa Trịnh cũng đều ngại tiếng ông. Thậm chí, chúa Trịnh thời này quyền to là tế cũng phải kiêng dè ông.

Là vị quan thanh liêm nức tiếng, ấy vậy mà cũng có lúc Nguyễn Văn Giai "lạc lối". Mà nguyên nhân ấy là vì miếng ăn.

Sử chép, cũng vì sức ăn hơn người mà có lúc Nguyễn Văn Giai phải làm trái với lương tâm của mình một cách vô tình. Trong "Tang thương ngẫu lục" còn chép: Dạo ông làm chưởng quản Lục bộ, có vị Quận mã là con rể chúa Trịnh Tùng ((1570 - 1623) khi ra trận đánh giặc thua chạy, bị ông bắt bỏ ngục, rồi chiểu theo luật khép tội tử hình. Chúa Trịnh thương con rể, muốn tha lắm nhưng không biết phải ăn nói thế nào với ông. 

Lúc này, Nguyễn Văn Giai có đến mấy bà vợ, duy có bà Ba được ông cưng chiều nhất. Bà Quận chúa bèn đem châu ngọc tới thăm bà Ba và kể việc Quận mã. Bà Ba nghe xong, từ chối mà nói:

- Tướng công nhà tôi là người thanh liêm, ngay thẳng. Việc lớn của triều đình, tôi đâu dám can dự vào.

Quận chúa nghe thế thì cố nài nỉ. Đàn bà nghe mãi cũng dễ xiêu lòng, bà Ba bèn bảo:

- Nếu vậy sáng mai, Quận chúa cho đem một con lợn nhỏ luộc chín, một mâm xôi nếp cái, kèm cả tương giấm, dao thớt nữa, lựa lúc tướng công tôi đi vắng thì đưa vào. 

Được lời như cởi tấm lòng, bà Quận chúa rối rít cảm ơn. Lại nói, trong các món ăn ông chưởng quản khoái nhất là món thịt lợn chấm với tương, ăn mãi mà không chán. Bà Ba dặn Quận chúa đem thịt lợn cùng tương giấm là vì thế.

Nguyen-Van-Giai-va-chuyen-vi-bua-an-no-ma-lam-song-1-mang-nguoi
Phủ chúa Trịnh ở thế kỷ 17

Đến sáng hôm sau, khi sắp sửa vào triều, ông Giai bảo người hầu dọn cơm sáng ăn. Bà Ba liền nói:

- Trong triều bây giờ các quan đến đủ cả, tướng công hãy vào rồi về xơi cơm kẻo muộn.

Nghe vợ, ông lên kiệu vào triều. Lúc về, do đói bụng từ sáng, thấy chiếc lồng bàn đậy cơm, bèn mở ra, lại sẵn có dao thớt bên cạnh, ông tiện tay thái thịt nhúng tương ăn với xôi. Chỉ một lèo hết sạch. Đến khi ăn xong, ông mới nhớ, hỏi vợ:

- À, những thứ này ở đâu ra thế nhỉ?

Bà Ba lúc bấy giờ mới kể nguồn cơn. Nghe xong, ông bực lắm, cau mày, bóp trán mãi không thôi. Một hồi lâu mới nói:

- Ta lỗi lầm rồi! Ta lỗi lầm rồi! Nhưng vì một bữa no mà làm sống một mạng người, chẳng cũng vì trời đó sao!

Nói xong, ông vội vã lên kiệu vào phủ, xin tha cho Quận mã đang nằm trong đề lao. Chúa Trịnh nghe xong, mừng lắm, cho thi hành lệnh ngay. Nhờ đó mà vị Quận mã mới thoát khỏi nạn rơi đầu. 

Còn ông Giai dù cứu một mạng người, nhưng cũng lấy làm áy náy vì món lợn chấm tương lắm, nên từ đó theo tương truyền, ông cạch hẳn món ăn ruột ấy. 

Xem thêm: Vị tể tướng bỏ món ăn ưa thích để chống tham nhũng và chuyện lấy được vợ nhờ đi tắm mất quần áo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận