Nguồn gốc áo cà sa và giá trị tâm linh của áo cà sa

Áo cà sa là biểu tượng đặc trưng của Phật giáo thể hiện đạo hạnh của người tu hành, biểu tượng cho sự giác ngộ và được tứ chúng đồng tu hết sức tôn kính.

Đỗ Thu Nga
14:02 11/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Áo cà sa là gì?

Không giống pháp phục của những tôn giáo khác, áo Cà Sa của đạo Phật không thuần túy và chỉ là chiếc áo che thân mình mà đã trở thành hình ảnh biểu tượng của Phật giáo. Áo cà sa là biểu tượng của đạo pháp cũng như nhà tu hành, do đó nó cũng tượng trưng cho những điều trân quý, thiêng liêng.

Tên áo cà sa được dịch theo tiếng Phạn là Kasaya, tên đầy đủ là cà sa duệ. Sách chữ Hán dịch Kasaya là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn) hoặc còn dịch chữ này là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn...

Chính vì vậy, áo cà sa không chỉ có ý nghĩa y áo, y phục mà còn có nghĩa là bạc màu. Ý muốn nói rằng, những người khoác tấm áo này có một đời sống khiêm tốn nhất, đơn sơ nhưng nhất mực cao qúy và giá trị. 

gia-tri-tam-linh-cua-ao-ca-sa-trong-phat-giao
Áo cà sa là biểu trưng của Đạo Phật

Hiểu một cách đơn giản, áo cà sa của Phật tử xuất gia tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, giản dị, khiêm nhường nhất. Áo cà sa còn là biểu tượng đức hạnh của người tu hành, biểu tượng cho sự giác ngộ, được tứ chúng đồng tu hết sức tôn kính. Do vậy, một người xuất gia khoác lên mình chiếc áo cà sa chính là khoác lên trọng trách hoằng pháp lợi san, mang sự an lạc cho chúng sinh.

Cao Tăng đương thời, Hoà Thượng Tịnh Không cũng đã có nói trong lúc giảng kinh Vô Lượng Thọ: “Cà-Sa là tiếng Phạn, ý nghĩa là trộn lẫn lại với nhau, Cà-Sa là trộn hỗn hợp lại với nhau.Chúng tôi mặc cái y phục này, y phục này gọi là Cà-Sa, vì sao vậy? Nhuộm rất nhiều màu sắc thành một màu, áo nhuộm màu thì áo gọi là Cà-Sa. Phật bưng cái bát đựng cơm đó cũng gọi là Cà-Sa, cơm và thức ăn đều trộn lại với nhau. Hiện tại ăn cơm đều dọn ra rất nhiều chén dĩa, phước báo của chúng ta còn hơn cả Phật Thích Ca Mâu Ni, hơn cả Tổ sư Đại đức, Tổ sư Đại đức làm gì có được phước báo lớn đến như vậy? Chúng ta ở trong một đời này đem phước báo mà hưởng cho hết, không tu phước thì đời sau sẽ không có phước. Chúng ta có từng nghĩ qua cái vấn đề này hay chưa? Nếu như đã nghĩ qua những vấn đề này rồi thì bạn sẽ không dám ăn cơm. Đây là thật, chứ không phải giả.“Một hạt gạo thí chủ, lớn như núi Tu-Di, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng mà trả”. Bài kệ này của Đại đức xưa, cũng đều là nói lời chân thật, quyết không vọng ngữ, quyết không quá lời, chúng ta phải nghĩ đến".

Nguồn gốc áo cà sa

Hiện trong dân gian vẫn lưu truyền 2 câu chuyện khác về nguồn gốc của áo cà sa, cụ thể:

Câu chuyện 1:

Theo Kinh điển nhà Phật, áo cà sa do chính Đức Phật chế ra, được hình thành do lúc ban đầu Tăng đoàn của Phật áo không khác biệt gì so với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì vậy, khi xưa vua Tần-bà-sa-la của nước Ma-kiệt-đà là một đệ tử của đức Phật đã ngỏ lời đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra.

Khi ấy, Đức Phật và người con thân cận nhất là A nan đà đang du hành phương Nam để thuyết giảng, khi Phật thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật được cắt bởi đoạn bờ thẳng tắp nên đã bảo A nan đà cứ theo mỗi ấy mà may áo cho Tăng đoàn.

Chính vì điều đó mà chiếc áo cà sa mang hình những thửa ruộng và được chắp nối vào nhau bằng những mảnh vải như hình những thửa ruộng được ngăn cách bằng một đoạn bờ. Trong kinh sách tiếng Hán còn viết, áo cà sa được gọi là cả triệt y hay điền tướng y tức áo theo hình thửa rộng.

gia-tri-tam-linh-cua-ao-ca-sa-trong-phat-giao
Áo cà sa do Đức Phật sáng chế ra

Câu chuyện 2:

Ngày xưa, áo của người khất thực được may bằng mảnh vải vụn thừa, có thể là do lửa cháy, bị quào rách hoặc là vải quấn thây người chết... Những mảnh vụn đó được may lại thành một tấm hình vuông hay chữ nhật để quấn thân. Sau đó áo được nhuộm màu từ các loại thảo mộc, tạo nên một loại màu tạp, nhìn không được sạch sẽ.

Khi Đức Phật rời bỏ hoàng cung để tìm đạo, ngài đổi bộ đồ sang quý của mình lấy bộ đồ của người khất thực.  Đó là chiếc áo mà Đức Phật đã mặc trải qua nhiều năm tìm đạo trước khi Ngài chứng quả Phật.

Vì thế mà chiếc áo cà sa mới mang hình các mảnh vải vụn được ráp với nhau. Điều đó cho thấy chiếc áo cà sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và giản dị nhất mà ta có thể tưởng tượng ra. Nhưng đồng thời điều đó cũng toát lên một ý nghĩa hết sức lớn lao của chiếc áo cà sa trong đạo Phật, đó là nhắc nhở các nhà tu hành về tấm thân vô thường trong thế gian này.

Công dụng của áo cà sa

Mặc dù được may khá đơn giản nhưng sâu xa trong trang phục này có nhiều nội hàm tinh túy cần bàn đến, có thể là màu sắc, công dụng... thậm chí cà sa cũng thể hiện cấp độ, trình độ giác ngộ của những người khoác chúng. Hiển nhiên, không thể đánh đồng các bậc thiền sư giàu trí tuệ với những vị mới thụ giới.

Áo cà sa đơn giản là vật dụng che thân nhưng nó còn có công dụng khác như một chiếc chăn đắp  (phu cụ) và vật dụng để ngồi (tọa cụ). Như trong kinh Bát Nhã có thuật chuyện đức Phật cùng các đệ tử sau khi khất thực về, dùng cơm xong, ngài tự lau rửa và xếp Cà sa là tọa cụ để ngồi trên đó thuyết giảng.

Áo cà sa được may theo hình chữ nhật gồm 3 loại cà sa chính: tiểu, trung, đại. Tiểu y hay còn gọi là An đà hội, dùng mặc bên trong, tiểu y chỉ có 5 mảnh nên được gọi là ngũ điều, cả tấm bao gồm 10 miếng, cứ một miếng dài một miếng ngắn ráp lại với nhau là một điều.

Trung y có tên là Uất đa la tăng là y phục ở trên An đà hội, gồm 7 mảnh nên còn được gọi là y thất điều, cả tấm gồm 21 miếng, nhưng 2 miếng dài một miếng ngắn ráp lại mới thành 1 điều. 

gia-tri-tam-linh-cua-ao-ca-sa-trong-phat-giao
Cà sa mang trong mình cả một chặng đường dài của lịch sử Phật giáo

Còn đại y có tên là Tăng già lê là y đắp ngoài, gồm 9 mảnh gọi là cửu điều. Y này gồm 27 miếng và mỗi hàng 2 miếng dài 1 miếng ngắn làm thành một điều.

Hiện nay, tùy theo trường phái phật giáo, điều kiện tự nhiên hay phong tục tập quán mà mỗi nơi, mỗi quốc gia, áo cà sa có màu sắc khác nhau và có cải cách về cách may và cách mặc. Nhưng về nguyên thủy thì cà sa vẫn có 3 màu chính gọi là pháp cà sa sắc tam chủng màu đen (mà bùn, nâu), màu cận xanh, màu cận đỏ.

Chiếc áo cà sa là biểu tượng của đạo Phật, đại biểu cho sự màu nhiệm và giác ngộ của Phật pháp. Cà sa cũng có rất nhiều những công dụng khác nhau. Trong Kinh Tâm địa quán có nêu lên 10 lợi ích của chiếc y cà sa đó là: che thân khỏi thẹn; xa tránh ruồi muỗi, nóng rét; biểu thị các tướng của sa môn; sinh phúc cõi phạm thiên; hiện pháp tướng diệt trừ mọi tội; phục y màu đơn giản giúp tâm không sinh lòng ham muốn; vĩnh viễn đoạn trừ phiền não; tiêu trừ tội lỗi, nảy sinh điều thiện; khởi tâm bồ đề. 

Trong kinh Bi hoa cũng có nói về 5 đức khoác của cà sa là: phàm Tứ chúng phạm những điều sai trái nặng nề biết thành tâm sám hối kính trọng Cà sa thì liền được thụ ký tam thừa; thiên long, nhân, thần, quỷ biết cung kính Cà sa cũng được đắc tam thừa; quỷ thần và nhân loại nếu có một mảnh Cà sa sẽ được no đủ; chúng sinh làm điều ác mà kính trọng Cà sa sẽ khởi tâm từ bi; giữa chiến trận, có được một mảnh cà sa sẽ được thanh tẩy, sinh tâm từ bi thương xót chiến tranh.

Cà sa mang nhiều ý nghĩa trong Đạo phật. Cà sa mang trong mình cả một chặng đường dài của lịch sử Phật giáo, góp phần bồi dưỡng hình ảnh của Phật giáo từ bi, hướng con người đến những điều thiện phước. Những nhà tu hành khoác trên mình áo cà s a được kính ngưỡng, là biểu tượng của sự đức độ, đoạn tuyệt trần tục, tất cả nhằm lợi lạc quần sinh...

Giá trị tâm linh của chiếc áo cà sa

Áo cà mang một ý nghĩa thiêng liêng đối với Phật giáo:

Chiếc áo là biểu tượng của đạo Phật, cho sự màu nhiệm của Phật pháp. Chiếc y cà sa không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà đã chuyên chở các ý nghĩa về tinh thần, trở thành pháp bảo độ trì cho những con Phật tu hành theo đúng chánh pháp. 

Áo có nhiều mảng là biểu trưng cho con đường tu hành tu tập hướng đến giác ngộ có nhiều thứ lớp, giai đoạn. Đức Phật đã trải qua vô lượng kỳ kiếp để đạt đến chứng quả Bồ đề. Mỗi hành giả đời sau phải liên tục tích lũy công đức, tạo phúc, sửa chữa lỗi lầm, làm cho tâm trong sạch, bảo vệ tăng đoàn trước những nghiệp chướng, biết chờ đủ nhân duyên, đúng thời kỳ mới có được thành tựu.

Khi nhìn thấy áp cà sa của mình, các vị tỳ kheo đều biết mình là người xuất gia mà lo tinh tấn với đạo nghiệp. Nếu bỏ qua điều đó sẽ làm uổng phí đời sống xuất gia, uống phí thiện tâm của đàn thí.

gia-tri-tam-linh-cua-ao-ca-sa-trong-phat-giao
Chiếc áo cà sa là biểu tượng của đạo Phật, đại biểu cho sự màu nhiệm và giác ngộ của Phật pháp

Đối với hàng phật tử xuất gia, được khoác trên mình chiếc y cà sa để hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh là một hạnh duyên thù thắng mang lại nhiều hạnh phúc, an lành và thành tựu.

Áo ca sa nhắc nhở nhà tu hành tránh được tham sân si cám dỗ, tác động, làm nảy sinh trong lòng những điều thiện và sự từ bi. Đó cũng chính là những giá trị tinh thần tốt đẹp mà đạo Phật đang vun bồi và hướng tới.

Tăng đoàn mang trên mình bộ y cà sa như một sự nhắc nhở phải luôn nhớ đến công ơn sâu dày của đàn tín. Các nhà tu hành được thụ thí từ sự cúng dường của phật tử để thanh thản, an tâm lo tu học đó là nhờ công lao khó nhọc biết bao người. Vậy mỗi tỳ kheo phải luôn niệm tưởng và làm sao cho xứng đáng với công ơn đó.

Người xuất gia khoác áo cà sa cũng để tự kiểm chứng bản thân mình, giúp họ giữ giới, nhắc nhỏ họ không được tà dâm, sát sinh, trộm cắp, không sân si, bám víu... Áo còn đem đến  an lạc, giúp họ phát lộ lòng từ bi, giúp tăng trưởng trong tâm thức sự can đảm, tinh tấn, sức mạnh và trí tuệ để tu tập.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận