Người trẻ nhân ái: Khi Gen Z say mê phụng sự cộng đồng

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng đóng góp tâm huyết, thời gian cho các hoạt động xã hội, đem lợi ích thiết thực cho cộng đồng

Người trẻ nhân ái: Khi Gen Z say mê phụng sự cộng đồng

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng đóng góp tâm huyết, thời gian cho các hoạt động xã hội, đem lợi ích thiết thực cho cộng đồng

Không chỉ có tấm lòng nhân ái và mong muốn giúp đỡ mọi người, nhiều bạn gen Z còn chịu khó học hỏi, tìm tòi để các dự án thiện nguyện của mình hoạt động khoa học, hiệu quả.

Những cột mốc đáng nhớ

Nguyễn Phúc Thiên Khoa (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM) là người sáng lập dự án SOM - Stories of Miracles với mục tiêu hỗ trợ vật chất, nâng đỡ tinh thần cho trẻ em thiếu may mắn và các bệnh nhi.

SOM được vận hành với sự phối hợp chặt chẽ của các ban chuyên môn: Chủ nhiệm, Đối ngoại, Truyền thông, Thiết kế, Chương trình, Hậu cần, Nhân sự. Cột mốc đáng nhớ của các cô cậu học trò là ngày tổng kết mùa hoạt động đầu tiên. Hơn 30 triệu đồng quyên góp được và lợi nhuận từ việc bán hàng gây quỹ chưa phải là số tiền quá lớn nhưng chứa đựng bao yêu thương mà SOM san sẻ đến 3 trung tâm nuôi dạy trẻ cơ nhỡ và 2 bé mắc bệnh hiểm nghèo.

Không chỉ hỗ trợ vật chất, SOM còn mang đến những kiến thức bổ ích và niềm vui cho các bạn nhỏ qua các hoạt động đa dạng

Thiên Khoa cho biết thách thức lớn nhất là có lòng tin từ nhà hảo tâm cho các chương trình gây quỹ. Giải pháp là tìm đến các tổ chức đã có tư cách pháp nhân và được nhà nước cấp phép gây quỹ để đề xuất bảo trợ cho dự án mà mình ấp ủ.

Lê Văn Phúc (sinh viên chuyên ngành địa lý dân số và xã hội - chương trình song ngữ Việt Pháp, Khoa Địa lý Trường ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP HCM) bén duyên làm tình nguyện từ khi còn học phổ thông. Cảm thương các hoàn cảnh bi đát, chàng trai sinh năm 2002 này sớm khao khát cống hiến cho cộng đồng. Mong muốn tạo môi trường cho giới trẻ tham gia hoạt động tình nguyện bền vững, chuyên nghiệp, dài hạn ngay tại quê nhà Gia Lai, Phúc lập nhóm từ thiện Fly To Sky vào tháng 9-2018 khi mới 16 tuổi.

Nhắc đến Lê Văn Phúc - người sáng lập, Tổng Chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky, Ủy viên kiêm Thư ký Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực miền Nam - là nhắc đến hàng loạt dự án hành động vì một Việt Nam tương lai "5 không": không thiếu nước sạch - vệ sinh, không thiếu chăm sóc y tế cơ bản, không thiếu sinh kế, không thiếu giáo dục phổ thông, không thiếu sự hành động mỗi ngày để bảo vệ môi trường.

Trong đó, "Đổi sách lấy cây" là cột mốc quan trọng khi là chương trình đầu tiên được Trung tâm Tình nguyện quốc gia bảo trợ vào tháng 6-2019. Đầu năm 2020, nhóm từ thiện Fly To Sky chính thức trực thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

Nhân rộng giá trị sống đẹp

Lê Văn Phúc cho biết: "Nếu buổi đầu chỉ tập hợp vài chục bạn trẻ thì nay, Fly To Sky đã có hơn 200 thành viên và hơn 1.000 tình nguyện viên khắp cả nước, chủ yếu là học sinh - sinh viên với 2 chi nhánh Gia Lai và TP HCM, triển khai nhiều dự án tại 20 tỉnh, thành. Việc triển khai các dự án, chiến dịch, chương trình vì cộng đồng của người trẻ có sự sáng tạo. Sáng tạo để có thể tiếp cận nhiều đối tượng, tác động và hỗ trợ, lan tỏa đến nhiều người hơn. Việc triển khai các dự án qua mạng xã hội cũng là ưu thế của bạn trẻ".

Theo Phúc, để hoạt động xã hội được lâu dài, bền vững, hiệu quả thì cần pháp lý vững vàng, có sự phối hợp và định hướng từ cơ quan chức năng, tổ chức Đoàn - hội.

"Bước chân vào hành trình phụng sự cộng đồng thì niềm tin rất quan trọng. Với bạn trẻ, tiếng nói và sự tín nhiệm chưa có thì cần phải hành động để chứng minh. Chúng tôi đã và đang nỗ lực chứng minh tuổi tác không phải là rào cản của người trẻ và người trẻ làm được. Quản trị thời gian rất quan trọng, làm sao để việc tham gia tình nguyện là thường xuyên, quanh năm, trở thành thói quen của bạn trẻ chứ không phải là phong trào, nhất thời" - anh bộc bạch.

Lê Văn Phúc đã được trao Giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 2022, Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức cùng nhiều sự ghi nhận, vinh danh khác từ các tổ chức, địa phương.

Thiên Khoa mong muốn truyền tải hình ảnh một học sinh vì cộng đồng qua việc cạo trọc của mình

Trong khi đó, Nguyễn Phúc Thiên Khoa cho rằng tham gia hoạt động cộng đồng giúp bạn trẻ vun bồi giá trị bản thân. Khoa phân tích: "Thứ nhất, được tiếp cận các môi trường làm việc chuyên nghiệp từ sớm là cơ hội trau dồi kỹ năng mềm làm hành trang cho tương lai. Thứ hai, được học hỏi và giao lưu với người cùng niềm đam mê hướng tới cộng đồng, tạo nền móng cho sự hợp tác phát triển. Điều quan trọng là bạn trẻ ngày càng hoàn thiện nhân cách, lối sống".

Với Khoa, mỗi chuyến đi đều có ý nghĩa riêng nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là sự kiện Giai điệu Trung thu diễn ra gần đây do SOM phối hợp với NGỌT LAB Project tổ chức tại Trường Khiếm thính Hy Vọng (quận Bình Thạnh, TP HCM). "Chúng em dốc sức xây dựng chương trình sao cho phù hợp với các bạn nhỏ đặc biệt. Em nhớ mãi những đêm thức trắng dựng kịch bản, mướt mồ hôi tập luyện lẫn nước mắt rơi khi gây quỹ khó khăn" - Khoa nhớ lại. Dù vất vả song Khoa và các bạn luôn hạnh phúc vì "phần thưởng" vô giá là những nụ cười, những cái ôm từ các em nhỏ.

Thiên Khoa cũng đang tích cực đóng góp công sức và thời gian cho Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam với vai trò tình nguyện viên. Đồng hành hơn 400 ngày cùng các bệnh nhân K trong các hoạt động nâng cao nhận thức về Ung thư, bản thân Khoa đã được họ truyền cảm hứng sâu sắc trong cuộc sống. Chính vì lý do đó, Khoa quyết định chọn cạo trọc đầu và thực hiện một bộ ảnh để tái hiện những giá trị đẹp đẽ nhất của các bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị bệnh, với mục đích tri ân những cố gắng không ngừng nghỉ, những ý nghĩa tươi đẹp, những giá trị nhân văn mà họ đã cống hiến cho cộng đồng.

Ấp ủ dự định này đã lâu, song, là một học sinh cấp 3, Khoa biết rằng việc mang chiếc đầu trọc đến trường - một môi trường giáo dục, sẽ gây ra một số ảnh hưởng đến hình ảnh của trường nếu việc truyền tải mục đích không rõ ràng với mọi người xung quanh. Do đó, ban đầu Khoa định chỉ cắt đầu đinh và dự định đội mũ len để hoàn thành bộ ảnh. Nhưng sau đó, vào một buổi trò chuyện với các chị ở thư viện tóc, Khoa nghe được một câu chuyện từ một cô bệnh nhân K. Cô ấy muốn được sử dụng tóc giả sau khi hoá trị, nhưng có lẽ cô sẽ không phải dùng đến nó nữa vì ở một cuộc đời khác, cô sẽ lại có một mái tóc thật đẹp của riêng mình. Cô ấy bị sốc phản vệ trong lần hoá trị đó và qua đời… Điều đó thôi thúc Khoa thay cô ấy cạo trọc đầu và cho mọi người thấy được sự kiên cường và lạc quan mà cô ấy và các bệnh nhân ung thư đã làm được trong thời gian qua. Khoa tin chắc rằng ở nơi không còn đau đớn, cô ấy ủng hộ Khoa trong quyết định lần này.

Gia đình và nhà trường đã dành sự chỉ bảo, động viên, gợi mở những kiến thức, góc nhìn mới cho Nguyễn Phúc Thiên Khoa và Lê Văn Phúc.

Phúc tiết lộ: "Gia đình tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện trao quà nhỏ, truyền cảm hứng sống tích cực cho tôi. Nhiều người đã đăng ký hiến tạng và tôi cũng đăng ký ngay sinh nhật tuổi 18. Tôi và Fly To Sky xác định sẽ tiếp tục duy trì các dự án tình nguyện. Tùy tình hình thực tế mỗi thời điểm, nhóm sẽ điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm các hoạt động bền vững, thiết thực, hiệu quả, góp phần giải quyết một số vấn đề tại địa phương".

Thiên Khoa thì ngày càng trưởng thành, tự tin hơn và đang hoạt động trong Nhóm Tư vấn Thanh niên (YAG) - Liên Hiệp Quốc với vai trò Trưởng Ban Đối ngoại.

(Theo Người lao động)

Xem thêm: Người trẻ nhân ái: Chàng trai làm từ thiện để lan tỏa yêu thương