Người 'mẹ' đặc biệt mang tình thương bù đắp thiệt thòi cho 20 đứa trẻ khác biệt

Người mẹ đặc biệt Phan Thị Hường coi những đứa trẻ bị tăng động, tự kỷ, khiếm thính... như con. Bà đem tình yêu thương của mình trao đi như một sự bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ "đặc biệt".

Đỗ Thu Nga
09:56 23/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) là "mái nhà" ấm áp của những đứa trẻ bị tăng động, tự kỷ, khiếm khuyết... "Bà mẫu" Phan Thị Hường là người chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho 20 đứa trẻ trong khu nội trú. 

Sáng nào bà Hường cũng dậy từ 5h30 đi gõ cửa từng phòng, gọi bọn trẻ dậy. Nhiều đứa chỉ cần nghe thấy tiếng động là dậy nhưng nhiều em khiếm thính, bà Hường phải đến tận giường để lay mới chịu dậy. Những đứa lớn tự vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, còn có đứa nhỏ mè nheo, "mít ướt", bà Hường phải chạy lại bế lên, dỗ dành mơi chịu. 

Bà Hường tâm sự, mỗi đứa trẻ ở trung tâm đều bị khiếm khuyết song chúng rất yêu thương nhau và thể hiện tình cảm ấy bằng các hành động như xoa đầu, níu tay... rất đặc biệt theo cách của mỗi đứa. Đó cũng là 1 lý do khiến bà thêm gắn bó với nơi này. 

Ngồi lặng một chút, bà Hường bắt đầu kể về cơ duyên với trung tâm này. Bà nói, năm 2017 khi đang làm công nhân tại Đồng Nai thì nghe người ta bảo trên Đắk Nông tuyển người chăm sóc trẻ tiểu học ở nội trú.  Thấy công việc khá phù hợp, lại có thể đưa đón đứa con út đang gửi ở quê lên chăm cùng nên bà đồng ý.

nguoi-me-dac-biet-tan-luc-bu-dap-thiet-thoi-cho-20-dua-tre-khac-biet
Đây là 2 trong số 20 "đứa con" được "mẹ" Hường chăm sóc hằng ngày

Khi gặp hiệu trưởng bà mới hay những đứa trẻ mình cần chăm sóc là trẻ khuyết tật. Khá bất ngờ song bà vẫn chấp nhận làm vì cho rằng đây chính là cơ duyên.

“Lần đầu gặp tôi, các cháu rất háo hức, tuy không thể hiện bằng lời nói nhưng ánh mắt, khuôn mặt đã nói lên tất cả. Nhìn bọn trẻ tôi lại nhớ đến cảnh đứa con trai út của mình phải chịu cảnh xa mẹ từ nhỏ, chính sự khát khao tình thân của các cháu đã đồng điệu với nỗi nhớ con trong tôi, tạo nên mối dây bền chặt”, bà Hường nhớ lại.

Đôi tay gầy guộc của bà Hương chăm sóc đến 20 đứa trẻ khuyết tật với nhiều độ tuổi khác nhau nhưng nhận thức đều như mới lên 2 - 3 tuổi. Mới đầu bà Hường gặp khó khăn trong việc chăm sóc chúng vì chưa quen. Thêm nữa, cùng lúc chăm sóc 20 đứa trẻ quả thực là quá sức. Nhất là những lúc, mấy đứa nhỏ ốm đau.

“Đêm hôm đường xa, gọi gia đình các con không được, mình tôi tự xoay. Vừa chườm nước nóng cho đứa này, tôi lại xoa đầu dỗ dành bé kia. Lúc đó rất mệt nhưng tôi lại thấy thương các cháu nhiều hơn. Lúc hết bệnh, chúng lại sà vào lòng, ôm chặt tôi từ phía sau rồi thỏ thẻ gọi bà mẫu khiến tôi ấm lòng”, bà Hường kể.

Nói vậy, nhưng chỉ một thời gian ngắn làm việc bà Hường đã quen hết. Thậm chí còn thành thạo hơn cả những người làm việc ở đây lâu năm. Làm "mẹ" của 20 đứa trẻ "đặc biệt" song bà Hường thuộc tên, nhớ mặt và nắm rõ hoàn cảnh của từng cháu. Bà Hương kể, hầu hết các em trong khu nội trú đều có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt.

Có cháu bố mẹ ly hôn, có cháu là dân tộc thiểu số, có cháu nửa năm bố mẹ mới lên thăm 1 lần. Lúc này, người thân duy nhất của các cháu chính là "mẹ" Hường.

Tính đến nay, bà Hường đã có thâm niên gần 5 năm làm việc ở trung tâm. Bà có nhiều kỷ niệm với những đứa con "đặc biệt" nhưng ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là với cậu học trò tự kỷ nhưng thông minh.

Bà Hường nhớ lại, cậu bé học giỏi nhưng vì gia đình không phát hiện sớm để để có biện pháp can thiệp nên bệnh trở nặng, trong lớp hay đánh bạn. Ngày đưa vào trung tâm, cậu bé lầm lì, ít nói, không chịu chơi với các bạn. Các thầy cô phải kiên trì, dùng các biện pháp  khác nhau để hỗ trợ. 

Dù bận bịu nhưng sau mỗi giờ học, bà Hường đều dành một chút thời gian ra thủ thỉ bắt chuyện với cậu bé. Dần dần 2 người trở nên thân thiết, cậu bé dần trở nên dễ gần, biết nói chuyện với bạn bè. 

“Bỗng một ngày, tôi đang dọn dẹp thì cháu ôm chặt tôi từ phía sau. Cảm giác lúc đó rất đặc biệt, tôi đã rơi nước mắt. Đó cũng là cái ôm cậu bé dành tặng tôi trước khi chia tay trung tâm về với gia đình. Chỉ từng ấy thôi, tôi đã mãn nguyện lắm rồi”, bà Hường kể. 

Dù đã nhiều năm không gặp nhưng lâu lâu gia đình và cậu bé vẫn gọi điện cho bà hỏi thăm sức khỏe, công việc. Bà vui nhất là khi nghe tin cậu bé đã hòa nhập tốt với môi trường học tập mới, tự tin hơn, bạo dạn hơn và nói chuyện nhiều hơn. 

Trong hành trình làm "mẹ" những đứa trẻ "đặc biệt" ở trung tâm này, nhiều lúc bà Hường đã có suy nghĩ bỏ cuộc. Nhưng nhìn những đứa trẻ tội nghiệp, bà không đành và lại quyết tâm gắn bó với trung tâm, dành tất cả thời gian, tâm sức để chăm sóc chúng. 

Thước đo tình yêu của "mẹ" Hường với lũ trẻ chính là 3 tháng nghỉ hè. Ngày thường rộng ràng tiếng nói cười, thậm chí cả tiếng khóc mè nheo nhưng đến hè thì lại vắng lặng vô cùng. Nhưng sâu trong tâm can, bà chỉ mong các con mạnh khỏe, được gia đình yêu thương để sớm khỏi bệnh, hòa nhập cộng đồng.

“Những khiếm khuyết đều có những tài năng riêng và người lớn phải kiên trì, tạo cho chúng môi trường để khám phá. Thế nhưng quá trình tiếp xúc, tôi thấy vẫn còn nhiều phụ huynh chưa thật sự dành sự quan tâm đặc biệt với con mình. Dù tôi có chăm sóc tốt bao nhiêu, các cháu vẫn cần tình thân mẫu tử để yêu thương, vỗ về, đó chính là liều thuốc tốt nhất để các cháu sớm khỏi bệnh, hòa nhập với cộng đồng”, bà Hường mong muốn.

Ông Trần Thanh Ảnh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đắk Nông cho biết, trung tâm có 37 học viên nhưng có 20 em ở lại khu nội trú.

Ở trung tâm, bà Hường chăm sóc chữa ăn, giấc ngủ và vệ sinh cá nhân cho trẻ. Ngoài ra, bà còn kiêm luôn cả việc giữ trẻ ban đêm. Chăm sóc trẻ bình thường đã vất vả, rẻ khuyết tật, nhất là khuyết tật trí tuệ càng khó khăn hơn.

Tâm sự của nữ bác sĩ đi xuyên 50 quốc gia mổ từ thiện Lâm Hoài Phương: "Mổ xong thấy lòng mình vui, hồn mình đẹp"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận