Thiếu nữ mang biệt danh "càng cua" và ước mơ đậu đại học, giúp đỡ học sinh nghèo

"Càng cua" là biệt danh mà các bạn đặt cho nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Tươi (18 tuổi) - cô gái mang khiếm khuyết trên cơ thể nhưng không bao giờ ngừng nỗ lực vươn lên, phấn đấu vì ngày mai tươi đẹp.

Đỗ Thu Nga
08:00 29/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi

Em Nguyễn Thị Hồng Tươi là học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (phường Lái Hiếu, TP Ngã Bảy, Hậu Giang). Các bạn học cùng gọi Tươi là "càng cua" bởi đôi tay của em biến dạng, chỉ có ngón tay phát triển bình thường, những ngón còn lại dính vào nhau như một. Khi cần phải nắm thứ gì đó, "hai ngón" kẹp chặt vào nhau. Hình hài đó khiến nhiều người liên tưởng đến chiếc càng cua.

Theo Thanh Niên, "càng cua" không phải là khiếm khuyết duy nhất trên cơ thể của Tươi. Ngày mới lọt lòng mẹ, Tươi đã chịu nhiều bất hạnh như hở hàm ếch, chân dị tật, tay biến dạng. Cứ tưởng sự thiệt thòi đến thế là cùng, nhưng nỗi đau bồi thêm khi Tươi sớm thiếu thốn tình thương trọn vẹn của gia đình.

Nghi-luc-phi-thuong-cua-thieu-nu-mang-biet-danh-cang-cua
Dù mang trên mình khiếm khuyết nhưng Tươi luôn sống đầy tự tin, hướng về tương lai

Bà Nguyễn Thị Mười (69 tuổi, cô ruột của Tươi) tâm sự, cha và mẹ cô bé đều có tâm lý không ổn định, thương con nhưng không làm chủ được bản thân. Thấy hoàn cảnh của cha mẹ Tươi ngặt nghèo, khó chăm sóc được con nên bà Mười nhận Tươi về nuôi, yêu thương như con ruột. Cha mẹ Tươi ở cách đó không xa, thỉnh thoảng cũng đến thăm con khi "chợt" nhớ ra.

Hồi các bạn vào trường mẫu giáo học thì Tươi phải đi bệnh viện chuẩn bị cho những cuộc phẫu thuật quan trọng nhất: Khâu hàm ếch, định hình đôi chân. 

“Đó là chương trình phẫu thuật miễn phí chứ gia đình đâu có điều kiện. Tôi mừng rớt nước mắt khi biết cháu sẽ được cải thiện về đôi chân, gương mặt. Còn đôi tay thì bác sĩ báo quá khó, can thiệp sẽ không thể cầm máu, tỷ lệ thành công rất thấp”, bà Mười kể tiếp.

Nghi-luc-phi-thuong-cua-thieu-nu-mang-biet-danh-cang-cua-5
Cô bé Tươi với tuổi thơ nhiều thiệt thòi

Năm này qua tháng khác, Tươi theo bà Mười mưu sinh ở nông trường Thới Lai (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Hai người dựng chòi giữa đồng. Tươi giữa chòi còn bà Mười đi mót lúa sau mùa gặt. 

Cũng nhờ phụ giúp công việc gia đình mà đôi tay của Tươi dần trở nên linh hoạt hơn. Không ai biết được, bằng một cách nào đó, em còn đi bắt được cá, hái rau phụ bà Mười trong những bữa cơm thường ngày. Hiện hai cô cháu sống cùng nhau trong căn nhà "trống hoác", không có vách che chắn, phải nhờ vào hàng xóm.

“Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng Tươi khoái đến trường, ham học lắm. Phần cháu đã quá thiệt thòi rồi, dù nhịn ăn nhịn mặc, còn khả năng tôi sẽ ủng hộ cháu học hành đến nơi đến chốn”, bà Mười trải lòng.

Giấc mơ vào đại học, giúp đỡ học sinh nghèo của"càng cua"

Năm nay Tươi đang học lớp 12 của trường THPT Lê Quý Đôn. Trước đây chẳng mấy ai nghĩ rằng Tươi có thể đi xa trong con đường học vấn. Bất ngờ hơn khi nhiều năm qua, Tươi luôn đạt thành tích học tập ở mức khá giỏi.

Thế nhưng Tươi lại hay quên trước quên sau. Theo bà Mười, có thể do bị ảnh hưởng từ cha mẹ. Có lần thay vì đi đoạn đường thân quen về nhà khoảng 4km, Tươi đã mất kiểm soát, đi lạc gần 40km, may mắn được "ân nhân' chỉ đường về nhà.

Nghi-luc-phi-thuong-cua-thieu-nu-mang-biet-danh-cang-cua-9
Tươi có thành tích học tập khá, giỏi

Mặc dù trên người mang nhiều khiếm khuyết nhưng Tươi luôn cố gắng cải thiện, biến mình trở thành 1 người bình thường như bao người khác. Bước chân yếu ớt, giọng nói ngọng nghịu chưa rõ ràng. Tươi đã nỗ lực rất nhiều để học môn thể dục, tiếng Anh.

“Việc phát âm tiếng Anh đối với em vô cùng khó khăn. Em phải tập đọc, đánh vần ở nhà rất nhiều. Vì giọng của em tếu tếu, khó nghe, nhiều người hàng xóm chưa hiểu hoàn cảnh đã dùng những lời lẽ không hay để trêu chọc làm em buồn lắm. Từ đó về sau em ít dám tự học tiếng Anh ở nhà. Đợi tan trường, bạn bè thầy cô đã về, em nán lại để tự ôn luyện”, Tươi chia sẻ.

Năm học 2021 - 2022 bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các trường chuyển sang học online. Vì khó khăn nên Tươi được hỗ trợ 1 chiếc điện thoại thông minh để phục vụ việc học. Lúc đầu "càng cua" thực sự lúng túng vì đôi tay khiếm khuyết không thể gõ chữ. Nhưng Tươi không nản lòng, em cố gắng tìm cách để thích ứng.

Nghi-luc-phi-thuong-cua-thieu-nu-mang-biet-danh-cang-cua-8
Em mong sẽ trở thành sinh viên đại học và giúp đỡ được các học sinh nghèo

Với Tươi, việc học có lúc tưởng đã dở dang nếu như không có sự giúp đỡ của một cô giáo luôn sát cánh động viên, thường xuyên hỗ trợ kinh phí học tập. Chính người cô mà Tươi gọi bằng "mẹ" đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều.

“Ước mơ lớn nhất của em hiện giờ là đậu đại học để sau này có thu nhập ổn định. Bởi lẽ em không muốn mình là gánh nặng của gia đình. Nếu mai này có điều kiện tốt, em sẽ thành lập quỹ để tiếp sức học sinh nghèo đến trường. Từng được giúp đỡ nên em hiểu món quà này thiết thực, ý nghĩa lắm”, Tươi bộc bạch.

Thầy Đặng Phước Vinh, giáo viên chủ nhiệm của Tươi, cho biết: “Mặc dù khiếm khuyết về cơ thể, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng nghị lực học tập của nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Tươi rất tốt. Học kỳ 1 vừa qua, tuy điều kiện học online thiếu thốn nhưng em đã phấn đấu đạt danh hiệu học sinh giỏi”.

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Nghị lực vượt lên nghịch cảnh của cô gái khuyết tật tốt nghiệp cử nhân Dược

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận