Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 5/5 ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam khác nhau thế nào?
Mặc dù chung sống trong dải đất hình chữ S, song phong tục ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam cũng có một số nét riêng biệt. Điển hình nhất chính là mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.
Theo TS Trần Long, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), người Việt xưa ăn Tết vào tháng 11 âm lịch(gọi là tháng Tí). Vậy nên, tháng 5 chính là thời điểm giữa năm cũng là lúc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa. Thời điểm này, người dân sẽ làm lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng mùa vụ bội thu.
TS Long phân tích, Đoan có nghĩa là bắt đầu, Ngọ dùng để chỉ giờ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ đến 13 giờ chiều). Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”.
Do tính chất nghề trồng lúa nước buộc người dân ta phải quan sát thời tiết và có hướng trồng trọt phù hợp, do đó phong tục tết Đoan Ngọ ở Việt Nam được hình thành.
Có một điểm mà ai cũng cần lưu ý, Tết Đoan Ngọ ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam) của nước ta có những điểm khác biệt nhất định. PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Ở đồng bằng Bắc Bộ sử dụng cơm rượu nếp để diệt sâu bọ. Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại cho cơ thể.
Ở khu vực Trung Bộ, nơi đây thời tiết khắc nghiệt nên vào Tết Đoan Ngọ, người dân thường cúng lớn để cầu mong bình an, mùa màng bội thu. Đây cũng là ngày mà các gia đình mở tiệc linh đình.
Đối với mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của người dân miền Trung, họ sử dụng cơm rượu như một “công cụ” để diệt sâu bọ. Ngoài ra còn có thêm bánh tráng, chè kê và không thể thiếu bánh tro.
Cơm rượu là món ăn đặc trưng trong Tết Đoan Ngọ ở miền Nam. Chúng được vo thành từng viên tròn, ăn kèm xôi vò. Theo truyền thống của người miền Nam, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này.
Thông thường, vào dịp Tết Đoan Ngọ 5/5 âm, người Việt sẽ làm một mâm cúng gồm rượu nếp, bánh trái, chè xôi, trà... để dâng ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, ở các vùng miền thì việc sắm sửa lễ cúng cũng có những điểm khác biệt nhất định.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 5/5 âm của miền Bắc
Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả theo mùa (mận, vải, đào...), bánh tro, xôi, chè... Ngoài ra, người Nùng ở Mường Khương - Lào Cai còn làm bánh khúc để dâng cúng tổ tiên, thần thánh trong dịp Tết giết sâu bọ.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 5/5 âm ở miền Trung
Lễ cúng của người miền Trung cũng tương tự như người miền Bắc. Tuy nhiên, món cơm rượu nếp trong lễ cúng chỉ sử dụng nếp trắng bình thường và cơm rượu được nén thành từng khối chứ không rời như miền Bắc. Ngoài ra, người miền Trung còn hay cúng vịt (vịt nướng, tiết canh vịt...) trong dịp Tết Đoan Ngọ. Riêng người Huế còn cúng cả chè kê, một món đặc sản của vùng này trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 5/5 âm ở miền Nam
Ngoài những thứ không thể thiếu như hương, hoa, vàng mã, người miền Nam cũng cúng cơm rượu nếp nhưng cơm rượu nếp trắng sẽ được viên thành những khối tròn thay vì để rời như miền Bắc hay ép thành khối như miền Trung. Bên cạnh đó, vào Tết Đoan Ngọ, người miền Nam còn ăn cả chè trôi nước và bánh ú (một món bánh tương tự bánh tro của miền Bắc). Miền Nam được coi là vựa trái cây lớn nhất cả nước nên trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân Nam bộ không chỉ chuẩn bị lễ cúng với hoa quả tươi mà còn kết hợp tổ chức nhiều lễ hội trái cây miệt vườn đặc sắc.
Đặc biệt, trong buổi cúng Tết Đoan Ngọ 5/5 năm 2022 không thể thiếu bài văn khấn. Văn khấn giống như cầu nối, giúp gia chủ bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên... Điểm cốt yếu của lời khấn là thành tâm chứ không phải ở những lời văn hoa mỹ, cầu kỳ, cũng không cần cố cầu cho nhiều.
Xem thêm: Trọn bộ văn khấn Tết Đoan Ngọ 5/5 âm năm 2022 chuẩn nhất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận