Lý luận văn học: "...tôi nguyện suốt đời trung thực sống với thơ..."

Thơ sinh ra ta từ tâm hồn con người nhưng lại luôn làm con người phải ngạc nhiên vì nó. Thơ đẹp quá, song cũng giản dị, gần gũi với chúng ta.

Đỗ Thu Nga
10:00 20/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI: 

Anh, chị hãy bình luận quan niệm về thơ dưới đây:

"Thơ ca

Có công việc làm, hẳn có lúc ngừng tay,

Có cuộc hành trình, phải có mươi phút nghỉ.

Thơ vừa là nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực,

Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình.

Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé,

Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công

Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện,

Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng.

Khi tôi nhỏ thơ gióng như bà mẹ,

Tôi lớn lên, thơ lại giống người yêu

Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ là con gái,

Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu

Có lúc thơ như trái núi cao không thể tới,

Có lúc thành cánh chim sà đậu xuống lòng tay.

Thơ như đôi cánh nâng tôi bay

Thơ là vũ khí trong trận đánh

Là tất cả, thơ ơi, chỉ trừ không chịu là yên tĩnh!

Tôi nguyện suốt đời trung thực sống cho thơ…

Là công việc tận cùng? Là rảnh rỗi bắt đầu?

Là cuộc hành trình ư? Hay chỉ là chỗ nghỉ?

Tôi chỉ biết về tôi, thơ vẫn là hai vế:

Rảnh rỗi và việc làm; chỗ nghỉ với hành trình…"

(Raxun Gamzatôp, Đaghextan của tôi, quyển I, NXB Cầu vồng, Matxcơva, 1984, trang 149. Bản dịch của Phan Hồng Giang và bằng Việt).

BÀI LÀM:

Con người, tạo vật toàn mĩ của tự nhiên, lại luôn luôn không bằng lòng với chính mình, luôn luôn sống trong mâu thuẫn. Một trong những mâu thuẫn lớn lao nhất và cũng là khát vọng cao cả nhất của con người là: Cuộc sống của đời người là hữu hạn vô cùng của cuộc sống? Thơ ca - một trong những “niềm vui cao cả nhất mà loài người tạo ra cho mình” (C. Mac) – đã sinh để giải quyết mọt phần mâu thuẫn đó. Đã có biết bao quan niệm về “thể loại nữ hoàng” này. Có người cho đó là “thần hứng” (Platôn), là “ngọn lửa thần” (Đecgiavin), thậm chí còn là “những cơn điên loạn thần thánh”,…Còn đối với chúng ta, thơ gần gũi xiết bao, là cái cao cả mà không xa lạ, đẹp bình dị mà không bình thường, quen thuộc mà vẫn tha thiết,…Đúng như Raxun Gamzatôp từng quan niệm:

"Có công việc làm, hẳn có lúc ngừng tay,

…Rảnh rỗi và việc làm; chỗ nghỉ với hành trình…"

(Đaghextan của tôi)

Nhà thơ, đó là danh hiệu cao quý mà không phải ai cũng có được, dù cho “bản chất của con người là nghệ sĩ” (M. Gorki), dù cho mỗi người trong chúng ta đều có một nhà thơ trong tâm hồn mình. Làm thơ, hai tiếng ấy đơn giản biết bao nhiêu thì cũng khó khăn gần ấy. Ai trong cuộc đời chẳng đã một lần làm thơ. Song làm thơ để làm gì? Giải trí ư? Hay là một công việc thần bí thiêng liêng? Cả hai đều không phải, không phù hợp với đặc trưng cơ bản của thơ ca. Chế Lan Viên xưa từng cho rằng: “Thi sĩ không phải là người, nó là người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Yêu, là Ma, là Qủy,…”. Trong lúc đó Phan Kế Bính chủ trương: “Văn chương (nghĩa là cả thơ) chỉ là một thứ nghề chơi…”. Tất cả đều nhầm, thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn, do đó không giản đơn mà cũng không thần bí, linh thiêng. Raxun Gamzatôp cho rằng:

"Có công việc làm, hẳn có lúc ngừng tay,

Có cuộc hành trình, phải có mươi phút nghỉ.

Thơ vừa là nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực,

Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình.

…Là công việc tận cùng? Là rảnh rỗi bắt đầu?

Là cuộc hành trình ư? Hay chỉ là chỗ nghỉ?

Tôi chỉ biết với tôi, thơ vẫn là hai vế:

Rảnh rỗi và việc làm; chỗ nghỉ với hành trình…"

ly-luan-van-hoc-toi-nguyen-suot-doi-trung-thuc-song-voi-tho-9

Thơ ca – tiếng gọi tha thiết ấy gắn liền với những gì thân thiết, cao cả nhất. tuổi thơ của chúng ta lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, của bà. Nằm trong phương thức biểu hiện trữ tình, thơ ca được xác lập nhờ mối rung cảm thầm kín giữa con người với cuộc sống. Sống trong dòng chảy ngọt ngào của thơ ca, con người tắm mình trong tình cảm của nhà thơ và của chính mình. Thơ ca thấm vào lòng người đọc bởi những cảm xúc trực tiếp và nhiều mối liên tưởng kín đáo, bằng ý tứ sâu xa và sức quyến rũ của thanh điệu, tiết tấu,…Tất cả cùng một lúc ùa vào, tràn ngập trong lòng người đọc, xoá sạch đi hay khắc sâu thêm những tình cảm con người: những tình cảm nhỏ nhen, ích kỉ sẽ bị loại bỏ, những tình cảm cao quý, đẹp đẽ sẽ được tôn lên cao. Tâm hồn con người sống với thơ sẽ được “thanh  lọc” (Arixtôt),trở nên trong sáng hơn, đẹp đẽ lên. Sống với thơ, con người sẽ tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn, sẽ được nghỉ ngơi. Nhưng cũng trong lúc đó, tâm hồn con người sẽ tiếp tục cuộc hành trình trên đường đời, để lớn lên, khôn hơn,…Những lúc con người có mươi phút nghỉ ngơi như vậy sẽ không phải là trống rỗng; ngược lại, sự im lặng của nó có một ý nghĩa rất sâu xa trong cuộc đời của một con người, là khoảnh khắc con người sống với chính bản thân mình, sống với cuộc sống nội tâm. Nhưng cũng chính vì “thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp) nhưng nó không dễ khơi nguồn, nắm bắt. cảm xúc của chúng ta trào dâng mãnh liệt, cuộc sống cứ cuộn xoáy lên, từng mảng tràn đầy trong tâm hồn, song diễn tả cảm xúc đó lên trang thơ thì không phải là điều dễ dàng.Maiacôpxki đã phải kêu lên:

"Nhà thơ trả chữ

Với giá cắt cổ

Như khai thác

Chất hiếm “rađiom”

Lấy một gam

Phải mất hàng năm lao lực

Lấy một chữ

Phải mất hàng tấn quặng ngôn từ"

Làm thơ là một việc đầy lao lực song cũng là một niềm hạnh phúc vô biên. Bởi vậy, thơ đối với Raxun Gamzatôp và cũng là đối với chúng ta là “hai mặt” của một vấn đề: "Rảnh rỗi và việc làm; chỗ nghỉ với hành trình…"

Phải sống hết mình cho thơ, phải có một sự nhìn nhận đúng đắn mới có thể có được quan điểm như vậy. Cuộc sống cho thơ hay thơ cho cuộc sống? Thơ thiếu cuộc sống sẽ lụi tàn, cuộc sống thiếu thơ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.

Maiacôpxki đã nói: “Có những điều chỉ nói được bằng thơ”. Thơ nói vậy ai cũng hiểu, song thơ là gì thì đã có hàng ngàn cách định nghĩa. Thơ ở bên cạnh con người song định hình về nó thì thật là khó. Phải chăng Raxun Gamzatôp đã có lí khi coi “thơ là tất cả”:

"Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé,

Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công

Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện,

Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng.

Khi tôi nhỏ, thơ giống như bà mẹ,

Tôi lớn lên, thơ dại giống người yêu,

Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ làm con gái,

Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hoá thơ lưu"

Thơ – tiếng gọi tha thiết ấy gắn liền với những gì thân thiết, cao cả nhất. tuổi thơ của chúng ta lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, của bà. Tiếng hát ru làm ngây ngất đầu giường thơ bé là những câu thơ đi từ trái tim tha thiết yêu thương của mẹ, tìm đến lòng chúng ta với nguyên vẹn trong sáng, tuyệt đẹp của tình mẹ dịu dàng. Phải chăng cũng vì thế mà Tố Hữu khi nhớ về quê mẹ cũng nhớ rất lâu giọng hát ru:

"Hà ơi, tiếng mẹ ru nhè nhẹ

Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường"

(Quê mẹ)

Thơ đến với chúng ta bằng sự đồng điệu của những tấm lòng, bằng mối giao cảm của những tiếng nói “tri âm tri kỉ”, bởi vì “thơ là chuyện đồng điệu”, “thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình”. Âm điệu những câu thơ trải dài theo không gian, tạo nên bề sâu của thời gian. Chúng ta tìm thấy trong thơ những gì cần thiết nhất cho tuổi trẻ: cuộc sống, tình yêu, mơ ước. Thơ gắn liền với cái thực, song còn gắn chặt với cái đẹp. Trong thơ, không thể chấp nhận những tình cảm nhỏ bé, bởi vì “thơ là cái nhuỵ của cuộc sống”, và “thơ chỉ bật ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy” (Tố Hữu). Cả cuộc đời, mỗi lúc thơ ca mang đến cho ta một dáng vẻ riêng biệt. Đó là dáng vẻ của những người thân nhất, những người mà chúng ta có thể gửi gắm tâm sự. Khi còn nhỏ đó là mẹ, lớn lên – người yêu, lúc về già – con gái,…Thơ thân thiết biết bao, cao đẹp biết bao đối với lòng người. Trong thơ chúng ta có thể tìm thấy những tiếng nói mặn mà, đằm thắm, tha thiết, yêu thương, có thể cảm nhận được những tiếng thét hừng hực lửa căm thù. Bởi vậy, thơ là cuộc sống được tinh lọc, là “những viên kim cương sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời…”(Sóng Hồng). Tiếng nói của thơ có lúc như những lời tâm tình, làm sống dậy trong lòng ta những kỉ niệm vui buồn của quá khứ xa xôi. Thơ nói với ta có lúc bằng giọng nói ngọt ngào của người con gái đối với cha già; có lúc lại bằng giọng nói thủ thỉ, tin cậy của người yêu. Tất cả thấm sâu vào lòng ta, thức dậy những tình cảm cao quý. Và lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu-con người đã chiến thắng được thời gian, đã để lại cho cuộc sống mật mảnh tâm hồn mình.

Tất cả rồi sẽ dần trôi, nhưng tình cảm của con người đối với thơ là vĩnh viễn. Con người sống được là nhờ tình người (dĩ nhiên không phải là cái “nhân tính” chung chung). Bởi vậy, thơ chỉ có thể đến với ta bằng tình người:

"Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện,

Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng.

…Có lúc thơ như trái núi cao không thể tới,

Có lúc thành cánh chim sà đậu xuống lòng tay"

Tôi yêu thơ, tiếng nói đó nghe mới đơn giản làm sao, yêu thơ có nghĩa là yêu cuộc sống, bởi vì thơ cũng chính là cuộc sống. Chỉ có yêu cuộc sống, tha thiết với nó, thơ mới bật ra những lời chân thành…Và khi thơ đã sinh ra là lúc con người ấy đã nặng tình với cuộc sống, đã yêu đất nước, con người,…Cũng chính vì “thơ khởi phát trong lòng người ta” mà:

"Có lúc thơ như trái núi cao không thể tới,

Có lúc thành cánh chim sà đậu xuống lòng tay"

Chỉ khi có tình cảm chân thực mới có thơ, nếu như gò ép thì chỉ “đánh lừa được một người, một thời là may mắn lắm” (Diệp Tiếp). Nhưng điều quan trọng nhất của thơ ca là:

"Thơ như đôi cánh nâng tôi bay

Thơ là vũ khí trong trận đánh"

Bằng những cảm xúc mạnh mẽ của riêng mình, thơ làm cho mọi người khát khao vươn tới cái đẹp, vươn tới cái đẹp, vươn tới cái cao cả. Trong cuộc sống, thơ làm cho ta tin hơn vào cuộc đời, bởi vì “dù người ta có nói với bạn điều gì đi nữa, bạn cũng hãy tin rằng cuộc sống là kì diệu và đẹp đẽ” (Pauxtôpxki). Thơ ca mang lại cho ta niềm tin ấy. Yêu tha thiết cái đẹp, con người sẽ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cái đẹp và căm thù những kẻ phá hoại cái đẹp.Thơ ca mang đến cho người đọc ngọn lửa căm thù và tình cảm yêu thương, tình nhân đạo,…Tất cả những cái đó làm cho thơ là vũ khí trong trận đánh, vũ khí của lòng người, mà đã có lúc “một câu thơ đánh giá một sư đoàn”.

Quan niệm của Raxun Gamztôp được khái quát, chốt lại ở những câu thơ:

"Là tất cả, thơ ơi, chỉ trừ không chịu là yên tĩnh!

Tôi nguyện suốt đời trung thực sống cho thơ…"

“Cái đẹp là cuộc sống” (Secnưsepxki), sự sống luôn luôn sôi động, luôn luôn biến chuyển. Thơ –đó là cái đẹp, là cuộc sống, không thể không sôi động…Thơ là tiếng nói thúc giục chúng ta hành động, và vì vậy, thơ không chịu yên tĩnh, nó phải sống động, phải bốc men rượu nồng thắm của cuộc đời.Trong cuộc sống, không phải cái gì đưa ra cũng liền được chấp nhận. Quan niệm về thơ của chúng ta đã bao lần thay đổi. Thời phong kiến, họ cho thơ ca là “con thuyền chở gió trăng”:

"Gió trăng chất một thuyền đầy

Của kho vô tận biết ngày nào vơi"

Sau đó, biết bao nhiêu nhà thơ khác đã suy tôn thơ lên tới địa hạt thần thánh. Thơ ca, đối với họ, quả thật không phải là chốn nghỉ ngơi. Họ thừa nhận vấn đề tình cảm trong thơ, nhưng tình cảm trong thơ phải như thế nào? “Giọng ca buồn là thích hợp nhất với thơ ca” (EtgaPô). Thơ của họ chứa chất sầu tủi, oán trách, hờn giận:

"Anh sẽ viết những dòng đầy nước mắt

Anh sẽ than sẽ khóc mối tình sầu."

(Tế Hanh)

Nỗi buồn trong thơ của họ thường xuất phát từ những xúc cảm ngao ngán, mơ hồ:

"Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"

(Xuân Diệu)

Chúng ta không phản đối giọng buồn của thơ,nhưng đó là nỗi buồn nâng bước chúng ta lên chứ không thể là:

"Tiếng gà gáy nghe buồn như máu ứa

Chết không gian khô héo cả hồn cao"

(Huy Cận)

Những vần thơ như thế không thể làm người đọc sống trong giọng điệu ngọt ngào của tiếng hát ru, không thể giống với những khát vọng chiến công…Nó không thể là đôi cánh nâng tôi bay. Và vì thế, đó không phải là những vần thơ chân chính. Thơ ca chân chính phải là nguồn thức ăn tinh thần nuôi tâm hồn phát triển, nó không được là thứ thuốc phiện tinh thần êm ái, mà nhỏ nhen, độc hại. Gần mười thế kỉ, thơ ca Việt Nam luôn luôn hoà trong mình hai âm hưởng chủ đạo là tiếng hát hùng tráng và tiếng nói trữ tình. Những vần thơ đó hằng ngày nuôi dưỡng chúng ta bằng tiếng nói của riêng mình. Một vùng cỏ hoang nơi mộ địa đi vào tâm hồn chúng ta nhờ hai câu thơ rợn ngợp của Nguyễn Du:

"Một vùng cỏ áy bóng tà

Gió hiu hiu thổi một và bông lau.."

Chúng ta như đang sống cùng với tâm hông nhà thơ…Bãi cỏ xanh non khi trước nay đã héo tàn, vài ngọn lau xám hắt hiu gió lạnh…Ôi đời người…Nguyễn Du đã nghĩ thế chăng? Cũng là nỗi buồn kín đáo nhưng nó làm chúng ta hiểu tâm hồn một con người yêu tha thiết sự sống, đất nước, quê hương; và nhìn lại tâm hồn mình, chúng ta như vượt khỏi những nhỏ nhen thường ngày; lớn lên vì cuộc đời bằng con mắt khác. Thơ ca chân chính phải như vậy, cũng một nỗi nhớ tha thiết, bồi hồi, song nó có thể khác nhau rất xa về tình cảm. Ca dao xưa cũng:

"Cầm lược thì nhớ đến gương

Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhau.

Anh bộ đội nay cũng “nhớ”:

Cái vết thương xoàng mà đi viện

Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo

Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo"

(Phạm Tiến Duật)

Nỗi nhớ công việc, nhớ nhiệm vụ cồn cào của người lái xe đã làm bao người xúc động, đã khiến bao người có trách nhiệm hơn với cuộc sống.

Là tất cả, thơ ơi, chỉ trừ không chịu là yên tĩnh, Raxun Gamzatôp hoàn toàn có lí khi nói như vậy. Đối diện với thơ ca, ta đối diện với một đại dương mênh mông cảm xúc…Biển sống động bồi hồi, có lúc tưởng phẳng lặng mà cuộn trào bao đợt sóng ngầm, có lúc trào dâng sôi nổi. Biển thơ nâng con – thuyền-tâm – hồn lên bằng từng cánh sóng, đưa thuyền tới một bến bờ rực rỡ tưng bừng ánh sáng. Thơ cho ta vị ngọt của đời, giúp cho ta thấy rõ rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” (H.Anđecxen). Thơ-đó là tất cả.

Thơ sinh ra ta từ tâm hồn con người nhưng lại luôn làm con người phải ngạc nhiên vì nó. Thơ đẹp quá, song cũng giản dị, gần gũi với chúng ta. Nhà thơ, thơ và cuộc sống gắn bó hữu cơ với nhau, không thể có cái này mà lại thiếu cái kia. Phải trả cho thơ vào cuộc sống sau khi đã chắt lọc thơ từ cuộc sống, phải nâng thơ lên thành sự sống để cho thơ thật là thơ. Phôntan đã nói:

"Bạn ơi hãy học suy nghĩ bằng trái tim

Và hãy học cảm xúc bằng lí trí"

Thơ ca  là thế, không chỉ là “sự im lặng giữa các từ”, là tiếng lòng, mà còn là sự tỉnh táo trong cảm xúc, giàu chất trữ tình trong suy tưởng, để rồi trở thành người bạn trung thành của chúng ta trên đường đời, giúp chúng ta thêm lớn về tâm hồn, có tình cảm trong sáng và lành mạnh.

(Nguyễn Thanh Sơn Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội)

Xem thêm: Lý luận văn học: "Văn chương cũng có lửa..."

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận