Lưu Quang Vũ - nhớ một người thơ đắm đuối đất nước mình
Càng về những năm cuối đời, cảm hứng đất nước, dân tộc càng dạt dào trong những câu thơ của Lưu Quang Vũ.
Ở đó, người ta thấy một dân tộc dặm dài lịch sử, văn hóa; một nhân dân vĩ đại “mở đất bao la”, “làm ra tất cả”; và một Lưu Quang Vũ yêu đất nước mình tha thiết. Bài thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi rõ rệt, đậm nét hơn cả về cảm hứng ấy trong thơ của người thi sĩ tài hoa.
Không phải ngẫu nhiên mà tên bài thơ này được chọn là tên một tập thơ của Lưu Quang Vũ xuất bản mới đây và trở thành chủ đề cho đêm thơ nhạc kịch kỷ niệm 75 năm sinh Lưu Quang Vũ và 35 năm mất cặp vợ chồng Vũ – Quỳnh vào tối 16.8 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trong chương trình này, ban tổ chức lần đầu lựa chọn đọc nhiều các tác phẩm thơ mang cảm hứng dân tộc, tình quê hương, đất nước của Lưu Quang Vũ như các bài Việt Nam ơi, Người cùng tôi. Còn bài Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi được nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến phổ nhạc theo đặt hàng của gia đình, ca sĩ Mỹ Linh hát.
Có thể đa số người yêu nghệ thuật thường biết đến Lưu Quang Vũ qua những vở kịch gây chấn động bởi tính thời đại và thời sự của nó, nhưng nhiều bạn bè thân thiết của ông thì hiểu rằng thơ mới là niềm yêu thích, là cõi lòng sâu xa nhất của Lưu Quang Vũ kể ra với mọi người.
Nhà thơ Vũ Quần Phương từng nói: Lưu Quang Vũ “viết kịch để sống với mọi người, và làm thơ là để sống cho riêng mình”. Thơ là “mây trắng của đời tôi” như chính anh từng lên tiếng.
Sự nghiệp thơ của Lưu Quang Vũ, ngoài mảng thơ lãng mạn thuở ban đầu, hay những vần thơ dằn vặt, đau xót, cô đơn của những năm dông bão đời riêng, trong cơ cực chung của đất nước chiến tranh, thì những năm cuối đời, khi những trải nghiệm, cảm xúc chín đầy, thi sĩ để lại cho đời những bài thơ dạt dào cảm hứng đất nước, dân tộc, nhân dân mà anh suốt đời tôn kính, chịu ơn và tha thiết yêu.
Em – những năm đau xót và hy vọng
Một ngày năm 1972, trong căn gác nhỏ hơn 6m2 ở 96 Phố Huế, không có điện, ba người đàn ông gồm Lưu Quang Vũ, nhà văn Đỗ Chu và Lâm “râu” – người bạn thân, yêu chiều Lưu Quang Vũ nhất – ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nhà.
Bên ngọn đèn dầu và chiếc điếu cày, Lưu Quang Vũ, khi ấy 24 tuổi, ngân lên những vần thơ thổn thức và hào sảng về đất nước nghìn năm mà mình vừa sáng tác – bài Đất nước đàn bầu.
Giữa cuộc vui thì nữ họa sĩ trẻ tài hoa, học trò của bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái (nhóm “tứ trụ” thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam hiện đại Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) là Nguyễn Thị Hiền, ái nữ của nhà văn Kim Lân, ghé qua theo lời mời của nhà văn Đỗ Chu.
Khi người con gái tài hoa mà Lưu Quang Vũ vẫn thầm yêu mến xuất hiện, chàng thi sĩ đang ở thời kỳ “rách rưới, bơ phờ, cô độc”, “thơ hay thời loạn chẳng ai dùng”, đọc lại bài thơ không được xuất bản của mình một lần nữa cho nàng thơ mới đến:
“Đi dọc một triền sông/ Những chiếc trống đồng vùi trong cát/ Những mảnh bình vỡ nát/ Những mũi tên lăn lóc/ Khắp đồi núi hoang vu/ Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ/ Những đống lửa còn tro tàn sót lại…”.
Những vần thơ cuồn cuộn cảm xúc khác lạ với những gì cùng thời về đất nước đã lập tức khiến người con gái “cô đơn như biển lạ lùng” là nàng họa sĩ nổi tiếng tài hoa cũng lập tức trúng tiếng sét ái tình.
Những ngày sau đó là hành trình tình yêu kỳ lạ giữa chàng thi sĩ tài hoa nhưng đang rơi vào vực thẳm đen tối của tuyệt vọng bởi hoàn cảnh riêng cùng những hoang mang về thời cuộc và nàng họa sĩ nổi tiếng.
Hai người gọi đó là một tình yêu “trên cả tình yêu nam nữ”, một “tình yêu không năm tháng“, tưởng đã bắt đầu từ cả trước khi hai người gặp nhau và sống mãi cùng với những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ.
Và cũng là bắt đầu những ngày bất tận câu chuyện nghệ thuật, cuộc sống, đất nước của nhóm bạn văn nghệ sĩ tiên phong mà Lưu Quang Vũ là trung tâm.
Nguyễn Thị Hiền đương nhiên góp mặt như một nghệ sĩ tài năng của hội họa Việt Nam lúc đó, một tâm hồn đồng điệu, một tri kỷ của Lưu Quang Vũ. Trên căn gác của Lâm “râu” ở phố Triệu Việt Vương, Lưu Quang Vũ, Đào Trọng Khánh, Lâm “râu”, Bằng Việt, Đặng Nhật Minh, Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Phục, Lê Minh Khuê, Phạm Tiến Duật… thường tụ họp trò chuyện văn chương.
Lưu Quang Vũ và Nguyễn Thị Hiền chung nhau một cuốn sổ nhỏ, trong đó chàng viết thơ còn nàng vẽ minh họa. Họ hẹn nhau một ngày sẽ cùng xuất bản một tập thơ của chàng với minh họa của nàng. Họ viết, vẽ về nhau, tác phẩm của người này thành nguồn cảm hứng sáng tác của người kia.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền có một bộ tranh những con chữ vẽ từ những câu thơ, nét bút của người yêu. Và rất nhiều những cặp tác phẩm thi – họa kiểu nàng sáng tác từ những câu thơ chàng viết ra đời, giống như bức tranh tự họa Tóc em rối và áo em đỏ thắm mà nàng đã vẽ từ câu thơ của chàng và nàng lấy làm tên của bức tranh.
Hay như cặp thi – họa cùng đặt tên chung là Khâm Thiên của chàng và nàng viết, vẽ sau buổi sáng hoang tàn và đau đớn ngất trời ở phố Khâm Thiên bởi trận bom B52.
Sớm ấy, sau trận mưa bom, Lưu Quang Vũ cùng Lâm “râu” chạy vội đến nhà của Nguyễn Thị Hiền ở phố Hạ Hồi, thảng thốt gọi tìm người yêu.
Nàng họa sĩ vẫn yên lành. Ba người họ ôm nhau khóc, rồi cùng nhào tới Khâm Thiên ngút trời thương hận bởi khung cảnh “những người chết trong đêm thân gãy nát”. Để rồi sau đó, Khâm Thiên thơ và Khâm Thiên họa cùng ra đời.
Đó là những ngày Lưu Quang Vũ – Nguyễn Thị Hiền chia nhau nỗi khổ đau và niềm cay đắng của tuổi trẻ hoang mang, đổ vỡ, chia nhau “gió lốc”, chia nhau những “tối đen thành phố đêm lưu lạc/Máy bay giặc rít ở trên đầu”, chia nhau “những câu thơ tuyệt vọng”.
Họ cùng nhau đi qua “những năm đau xót và hy vọng” ấy, để chàng đủ rộng lớn và trầm tĩnh bước vào một giai đoạn bừng nở sáng tạo của mình, cho những vở kịch ngồn ngộn hiện thực và đặc biệt là những bài thơ lồng lộng cảm hứng dân tộc, nhân dân ra đời.
Để luôn luôn được trở lại với đời
10 năm cuối đời, tưởng như Lưu Quang Vũ dồn hết tâm sức để viết kịch. Nhưng thực tế Lưu Quang Vũ vẫn tâm huyết cho thơ. Đó là thời kỳ hậu chiến 10 năm, kinh tế bao cấp, đời sống xã hội nhiều khó khăn, sự đói nghèo bao trùm lên cả nước.
Bởi trải nghiệm nhiều hơn, anh nhìn thấy rõ ràng hơn bao giờ hết sức mạnh, vai trò của nhân dân trong tất cả thử thách của lịch sử.
Anh đã trải qua những cảnh ngộ của riêng mình, tận mắt chứng kiến những khó khăn, những hào hùng, đổ vỡ của chiến tranh, khó khăn của thời kỳ bao cấp, thơ bắt đầu vượt ra ngoài bản thân, hướng tới tầm vóc cao cả hơn, rộng lớn hơn.
Thơ Lưu Quang Vũ không còn chỉ đắm chìm trong mơ mộng và cái đẹp, lý tưởng lãng mạn ở giai đoạn đầu, hay những cay đắng, bế tắc những năm đầu thập niên 1970, mà rất gần gũi, ấm áp.
Bắt đầu từ bài thơ Đất nước đàn bầu viết năm 1972, sau đó hàng loạt những bài thơ ngợi ca đắm đuối sự hào hùng, vĩ đại của đất nước, của nhân dân ra đời mà mỗi bài thơ dài đều như một sử thi tráng lệ, như: Người cùng tôi, Bài ca bán đảo, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Tiếng Việt…
Đất nước càng gian lao thì người nghệ sĩ càng ý thức hơn về trách nhiệm công dân, sự nhạy cảm của người nghệ sĩ đưa đến những dự báo rất sâu sắc.
Nếu như trong bài Người cùng tôi có cái nhìn rất biện chứng về nhân dân thì bài Tiếng Việt, người đọc xúc động được thấy tình yêu nhân dân của Lưu Quang Vũ bắt đầu từ những cụ thể như lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, từ làn điệu hát chèo, dân ca…
Và đặc biệt là Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi với những câu thơ có niềm yêu đời chảy tràn bất tận:
“Ước chi được hóa thành ngọn gió/ Để được ôm trọn vẹn nước non này/ Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá/ Để mát rượi những mái nhà nắng lửa/ Để luôn luôn được trở lại với đời…/ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…”.
Tập thơ Lưu Quang Vũ đang tự tay làm bản thảo chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc năm 1988, đã định chọn tên Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Nhưng sau đó, anh ưu tiên lựa tên Mây trắng của đời tôi nương theo một câu thơ như là tuyên ngôn thơ của mình: “Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.
Vá lại những dang dở
Tập thơ ấy, Lưu Quang Vũ đã dự định sẽ thực hiện lời hứa năm nào với người yêu “cô đơn, rồ dại” của mình – họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: hai người cùng làm chung một tập thơ, chàng viết thơ, nàng minh họa. Hai tháng trước khi mất trong vụ tai nạn bất ngờ, Lưu Quang Vũ có chuyến đi vào Sài Gòn.
Và như cách anh vẫn lần theo người yêu bé nhỏ mà đã không đi được tới cùng, Lưu Quang Vũ lại đi tìm gặp Nguyễn Thị Hiền. Anh nhắc lại lời hứa làm chung tập thơ năm nào của hai kẻ mộng mơ yêu nhau và mời Hiền vẽ minh họa cho tập thơ của anh sắp ra mắt.
Tất nhiên là nàng thơ không năm tháng của anh đồng ý, nàng chưa bao giờ quên lời hứa năm xưa. Lưu Quang Vũ hẹn hai tháng sau sẽ quay lại gặp, thì đúng thời điểm hẹn trở lại, tai ương ập đến. Tập thơ dở dang cùng lời hứa dang dở.
Mây trắng của đời tôi cuối cùng cũng ra đời một năm sau cái chết của nhà thơ, nhưng lời hứa kia vẫn đứt quãng đau thương. Cho đến một ngày…
Chừng chục năm trước, một sớm mai trong căn nhà chất đầy tranh và hồi ức ở Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bừng tỉnh sau giấc mộng mị thấy Lưu Quang Vũ trở về, áo cộc tay màu trắng và khuôn mặt trẻ như hồi hai người còn bên nhau.
Ngay sau đó, nhà sách gọi cho nữ họa sĩ với lời mời vẽ minh họa cho tuyển tập thơ sắp ra mắt của Lưu Quang Vũ.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền hăm hở bước vào những ngày lại đắm chìm trong những vần thơ của người tình không bao giờ chia lìa, trong đó có rất nhiều bài thơ hay nhất chính là của Lưu Quang Vũ viết cho bà như: Em – tình yêu những năm đau xót và hi vọng, Gửi Hiền mùa đông, Người con giai đến phòng em chiều thu, Không đề 2, Lá thu, Quả dưa vàng, Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên I, II, III…
Cuối cùng thì lời hứa của hai người yêu nhau cũng thực hiện được, nhưng là 32 năm sau khi chàng thi sĩ đã qua đời, bằng tập thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi.
Cũng tập thơ này, trù tính khác của Lưu Quang Vũ đã được em gái Lưu Khánh Thơ thực hiện.
Cái tên Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi mà Lưu Quang Vũ từng muốn đặt cho tập thơ quan trọng của mình nhưng sau đó thi sĩ đã đổi tên khác, 32 năm sau được bà Lưu Khánh Thơ cân nhắc lấy trở lại làm tên cho tuyển tập thơ của anh trai do bà tuyển chọn.
Lý do không chỉ bởi Lưu Quang Vũ từng muốn có tên này cho tập thơ của ông, mà bà Lưu Khánh Thơ cho rằng cảm hứng dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước thực ra luôn là một mạch ngầm xuyên suốt trong trái tim và trong thơ Lưu Quang Vũ.
Nên cái tên Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi cùng cảm xúc trong bài thơ được Lưu Quang Vũ sáng tác năm 1984 này có thể nói, mới bao quát được hết đời thơ của Lưu Quang Vũ.
(THIÊN ĐIỂU/TTO - Viết theo lời kể của PGS.TS Lưu Khánh Thơ và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền)
Xem thêm: Chuyện ít biết về 3 người đẹp lưu dấu trong trang thơ Lưu Quang Vũ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận