Chuyện bà mẹ hiếm muộn ở Hưng Yên "cân não" đưa ra lựa chọn sinh tử khi mang tam thai

Bà mẹ hiếm muộn Nguyễn Thị Tỉnh cùng chồng là anh Trần Văn Đoàn đã phải "cân não" đưa ra lựa chọn sinh tử giữ lại tam thai hay bỏ bớt khi nhận được kết quả siêu âm của bác sĩ.

Đỗ Thu Nga
16:37 05/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chị Nguyễn Thị Tỉnh (25 tuổi) và anh Trần Văn Đoàn (32 tuổi) kết hôn từ năm 2016 nhưng mãi không có tin vui. Sau đó, anh chị dắt nhau lên Hà Nội thăm khám thì phát hiện chồng bị tinh trùng yếu không thể mang thai tự nhiên.

Chị Tỉnh cho biết, vì kết hôn mãi không có con nên bị nhiều người nói ra nói vào. Họ nói "tôi là câu độc không trái", "không biết đẻ". Chồng lại là con trưởng nên lúc nào cũng mong ngóng, sốt ruột. Vợ chồng không ít lần to tiếng vì chuyện con cái.

Đầu năm 2020, vợ chồng chị Tỉnh quyết định lên bệnh viện Bưu Điện Hà Nội để thăm khám và làm thụ tinh ống nghiệm. Khi đó cả hai không dám kỳ vọng gì nhiều nên tinh thần khá thoải mái. Thật may mắn, chị Tỉnh có thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên. 

Tháng 8/2020, ở hành lang bệnh viện, chị Tỉnh đưa tờ kết quả siêu âm tam thai cho chồng, giọng run run hỏi " giữ cả hay bớt"? Lúc này, vợ chồng chị chỉ có 2 lựa chọn, một là giữ tất, hai là bỏ bớt. 

Hơn ai hết, anh Đoàn hiểu lựa chọn lúc này hoặc bảo vệ được các con nhưng nếu không may cũng sẽ mất tất cả. Giây phút "cân não" ấy cho đến nay đã gần một năm, anh chị vẫn nhớ như in, bởi 5 năm mong móng 1 mụn con, họ có tin vui song cũng là nỗi lo bởi mang thai một lúc 3 đứa trẻ.

lua-chon-can-nao-cua-ba-me-hiem-muon-mang-tam-thai-0
Bỏ qua mọi lời khuyên, vợ chồng chị Tỉnh quyết giữ lại cả 3 bào thai

Chị kể: "21 ngày sau chuyển phôi thì phát hiện mang tam thai". Bác sĩ tư vấn giảm số thai, vì mang thai ba dễ gặp các biến chứng.  Anh Đoàn kể, khi ấy đắn đo một hồi, hai vợ chồng quyết định giữ lại ba thai. 

Anh Đoàn cho biết: "Thiên chức làm bố mẹ không cho phép chúng tôi từ bỏ con, nhưng nguy cơ mất cả ba cũng không thể loại trừ". Anh tự nhủ "phải chăm chỉ làm việc hơn" để có tiền gánh vác đại gia đình. 

Khi đó bác sĩ cũng nói, nếu quyết giữ cả 3 thì mẹ phải có tinh thần thép. Ban đầu vợ chồng cũng sợ nhưng khi nghe thấy tim thai của con, biết mầm sống đang hiện hữu thì chị Tỉnh tự tin hơn hẳn. 

Biết chồng sẽ vất vả hơn khi có 3 đưa con, chị Tỉnh chỉ biết động viên, cố gắng bồi bổ cho mình thật khỏe và các con cũng thế. 

Hành trình mang thai của chị Tỉnh vô cùng gian nan. Khi thai được 11 tuần, vợ chồng chị đi siêu âm thì phát hiện một bé có khoảng sáng sau gáy cao, nguy cơ thai nhi dị tật Down lớn.

Thời gian đó, chị Tỉnh xác định tư tưởng "nếu có bất thường và bắt buộc phải bỏ thì chúng tôi cam lòng bởi không muốn con sinh ra bị dị tật, khổ cả đời".

Đến khi thai được 19 tuần, chị bị ra máu phải cấp cứu do tử cung mở, bác sĩ yêu cầu nhập viện, nằm dưỡng thai. Lại một nữa, cả gia đình đứng trước ranh giới sinh tử. Song lần này nguy hiểm hơn khi nguy cơ không chỉ đổ dồn lên ba đứa con mà còn cả tính mạng của người mẹ.

"Tự nhiên, lúc đó mình thấy hối hận, không biết mình có sai lầm rồi làm mất cơ hội của các con không", chị chậc lưỡi, kể.

Thế nhưng thật may mắn vì 5 tuần sau tình trạng ổn định, cổ tử cung đóng. Chị tiếp tục nằm theo dõi ở viện cùng mẹ còn chồng đi làm để lấy tiền chi trả viện phí.

Tết năm 2021 là cái Tết xa nhà đầu tiên không bị mọi người dòm ngó chuyện con cái nhưng chị lại không được ở cạnh chồng. Khi đó, khu vực nhà chị bị phong tỏa do liên quan đến ca COVID-19 khiến 2 vợ chồng bị ngăn cách. Hoàn cảnh bắt buộc, chị không biết làm gì ngoài tự động viên mình.

lua-chon-can-nao-cua-ba-me-hiem-muon-mang-tam-thai-5
Và đây là trái ngọt cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mẹ Nguyễn Thị Tỉnh

Kể từ tuần thứ 33, chị Tỉnh bắt đầu phù chân. Cả thai kỳ chị tăng từ 75 kg lên 105 kg, huyết áp tăng, có nguy cơ tiền sản giật. Mỗi thai nhi khi đó ước chừng nặng khoảng 2kg, có thể phải mổ gấp nhưng chị vẫn cố kiên trì để các con an toàn trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, 1 tuần sau bác sĩ chỉ định mổ bắt con. Khi đó, vợ chồng chị vừa mừng vừa lo. Đêm trước ngày mổ cả hai vợ chồng không chợp mắt nổi. Đến rạng sáng hôm sau, bác sĩ đưa chị lên bàn mổ và 3 thiên thần lần lượt ra đời.

Khi ca mổ thành công, bác sĩ còn đùa bố mẹ đặt tên cho con là rau, củ, quả để dễ nuôi. Đến thời điểm được ôm ấp các con trong lòng chị Tỉnh mới thật sự tin, mình đã vượt cạn thành công.

Ngày 11/3, chị Tỉnh chuyển dạ, 3 đứa trẻ chào đời khỏe mạnh. Hai anh được đặt tên là Minh Khôi và Minh Tuần (đều nặng 2,2kg). Còn em út được bố mẹ đặt tên là Minh Ngọc nặng 2,3 kg.

Sau sinh, 3 bé khỏe mạnh không phải nằm phòng sơ sinh nhưng mẹ phải nằm ở phòng hậu phẫu theo dõi sức khỏe do huyết áp cao. Đến cuối tháng 3 vừa rồi, chị xuất viện đưa 3 con thơ về nhà.

Từ đó bắt đầu chuỗi ngày tất bật trong guồng quay bỉm sữa. Ba người lớn gồm chị, mẹ và chồng thay nhau chăm sóc con. Những ngày tháng phập phồng lo lắng cho sức khỏe của mẹ và bé đã qua đi, giờ chỉ còn lại những "đêm không ngủ" để chăm lo cho các con.

Từ ngày vợ sinh con, anh Đoàn bỏ hẳn lối sống "thời son rỗi", thay vào đó là hành trình thức khuya dậy sớm phụ vợ chăm con. Tuy có vất vả nhưng hạnh phúc vô cùng, anh Đoàn nói.

Hiện giờ, nỗi lo duy nhất của vợ chồng chị Tỉnh là cơm áo gạo tiền vì gia đình có thêm 3 thành viên. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng các con chắc chắn vất vả và tốn kém hơn các gia đình khác. 

Tuy vậy, "trộm vía" cu Bi, Bon, và bé Bông rất ngoan, không khóc đêm. Nhìn các con ngủ say, vợ chồng anh Đoàn cũng thấy ấm lòng. "Tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời và cảm ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc", chị Tỉnh nói.

Cuộc đời thần kỳ của cô gái cao 0,6m và hành trình "hiện thực hóa" ước mơ trở thành minh tinh nổi tiếng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận