Phật dạy: Muôn vàn khổ đau, bất hạnh ở đời người đều sinh ra từ "tảng băng" mang tên cố chấp

Thật bất hạnh và khổ đau cho những ai đang ôm trong lòng quá nhiều tham lam, cố chấp và phẫn nộ!

Đỗ Thu Nga
06:00 08/02/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đức Phật dạy, một trong những tâm lý tiêu cực cần chuyển hóa càng sớm càng tốt đó là tâm lý cố chấp. Một thành viên "cứng đầu" tạo lực cản không nhỏ làm trì trệ, bế tắc và thậm chí, đưa đến sự nản lòng cho chúng ta trên con đường tu tập và chuyển hóa. 

Người nào thiên nặng về tâm lý cố chấp được Đức Phật gọi là người "cố chấp", "chấp trước", "khó nói" và là đối tượng để Ngài giáo hóa và nhắc nhở.

Người cố chấp như tằm kéo kén

Người cố chấp giống như con tằm kéo kén, cứ kéo mãi để rồi ràng buộc mình trong tổ kén bịt bùng chật chội. Nói đến việc này, trong phần Sám hối lục căn của Khóa hư lục, vua Trần Thái Tông đã diễn tả như sau:

Mắc mứu tình trần,

Lấp tâm chấp tướng.

Như tằm kéo kén,

Càng buộc càng bền.

Loi-Phat-day-ve-co-chap
Người cố chấp giống như tằm kéo kén

Đức Phật cũng từng nói rằng "cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả" thì sở tri kiến sẽ được đoạn giảm dần (Kinh Đoạn giảm, Trung bộ kinh số 8) và dĩ nhiên, đau khổ cũng theo đó giảm dần. Trong bài kinh này, Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng "con người tự mình bị rơi vào bùn lầy thì không thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy”. 

Một người cố chấp tư kiến, tự ràng buộc mình, không tự giải thoát thì không thể nào giúp người khác từ bỏ cố chấp tư kiến được. Người tự buộc mình trong ổ kén cố chấp thì không thể tiếp cận được Tam bảo, như ở trong "vùng mù" của bóng đêm thì không thể tiếp cận được ánh sáng mặt trời.

Người cố chấp tự mình ngăn chặn cơ hội tiếp cận, học hỏi từ Đức Phật

Đức Phật dạy "người cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Đạo sư, không cung kính, không tôn trọng Pháp, không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, không viên mãn sự học tập” (kinh Trường trảo, Trung bộ kinh số 74).

Người có tính cố chấp không lường được tai hại thế này. Nhưng, bình tâm suy nghĩ một chút, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận lời dạy của Đức Phật. Người cố chấp cứ khư khư ôm giữ cách nhận thức, cách hiểu của mình, vì cho đó là đúng, sẽ không tôn trọng và không chấp nhận quan điểm của người khác. Nói theo thuật ngữ nhà Phật thì đó là “chấp trước tà kiến”. Do đó, vì khó thuyết phục nên họ sẽ không thể viên mãn sự học tập từ Ba ngôi báu.

Loi-Phat-day-ve-co-chap-0
Sống ở đời đừng nên cố chấp

Ở một bài kinh khác, Đức Phật nói rằng, người cố chấp tự ngăn mình có cơ hội tiếp cận và học hỏi từ Đức Phật (bậc Đạo sư), giáo pháp, chư Tăng và các học pháp (giới) và đây là gốc rễ đưa đến sự tranh đấu vì họ sống trong vô minh, mê mờ của dục vọng và cố chấp.

Những phẩm chất đặc trưng của người cố chấp được ghi nhận trong kinh là “Người chấp trước sở kiến, kiên trì gìn giữ, rất khó rời bỏ. Vị ấy sống không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo sư, không cung kính, không tùy thuận Pháp, không cung kính, không tùy thuận Tăng, không thành tựu đầy đủ các học pháp” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm IV, kinh số 36: Gốc rễ của đấu tranh).

Người cố chấp đẩy nhận thức 1 chiều lên cao

Ở Tiểu kinh sư tử hống (Trung bộ kinh số 11), Đức Phật nói rằng, người cố chấp vào “pháp có” sẽ bị chướng ngại với các “pháp không”, và người cố chấp vào “pháp không” sẽ bị chướng ngại với các “pháp có”.

Loi-Phat-day-ve-co-chap-2

Nói cách khác, người cố chấp không thể hiểu và chấp nhận những gì khác với suy nghĩ, nhận thức và niềm tin của mình! Một khi nhận thức và suy nghĩ của của người chấp nhận trước bị đóng khung thì giống nư tảng băng đông cứng sẽ không thấy được điều gì khác, không cảm nhận được những tốt đẹp ở xung quanh.

Với tính cách trên, nếu người cố chấp không ưa 1 điều hoặc 1 điểm gì đó, thì trong mắt họ, người ấy sẽ mãi như thế, không bao giờ thay đổi. Họ chỉ khư khư giữ nhận thức 1 chiều của mình, tự làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai mà không tự biết. Thậm chí với cái nhìn tà kiến thái quá, bất cập, người cố chấp có thể làm khổ ngay cả những người mà họ quý trọng thương yêu mà họ coi là “thần tượng”.

Người cố chấp mắc bệnh "thần tượng"?

Người cố chấp thường muốn áp đặt suy nghĩ, khuôn khổ mà tự người ấy lên ni tấc cho những người mà họ thương yêu, quý mến. Nếu những người thân yêu làm những việc trái ngược với suy nghĩ và ý thích của mình, họ sẽ không thể chịu nổi. 

Người cố chấp một khi thần tượng ai một cách thái quá sẽ rơi vào tà kiếm mà không biết. Trong một bài kinh, Đức Phật gọi người tà kiến là người chấp trước “Đây là thường. Đây là thường hằng. Đây là thường trú. Đây là viên mãn” (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VI, phẩm I, phần IV: Phạm Thiên Baka). 

Khi thần tượng ai đó, trong mắt họ, là viên mãn, hoàn hảo và mãi không thay đổi. Nhưng khi vỡ lẽ ra thì họ trở nên hụt hẫng, đau khổ và tham sân si bắt đầu hiện nguyên hình.

Người cố chấp thì tham, sân, si nặng

Trong kinh Ví dụ con rắn (Trung bộ kinh số 22) thì Đức Phật nói người cố chấp là người còn nặng về tâm tham. Chúng ta có thể quên đi rằng tâm tham hiện hành trong nhiều phương diện, không thể diệt trừ một cách đơn giản qua việc bố thí tài vật.

Với người cố chấp, họ cứ giữ khư khư như vậy, cố tin vào cái hiểu biết, nhận thức của mình như hình ảnh tằm kéo kén ở trên đã diễn tả đầy đủ, là do động cơ tham chấp (tham vào ý kiến, quan điểm riêng của mình) điều động và chi phối. 

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy rằng “chấp vào sân hận là sự cố chấp bền chặt nhất” (câu 151). Lại ở một bài kinh khác, Đức Phật dạy rằng nhiều người phẫn nộ, lại cố chấp sự phẫn nộ của mình, trở thành người khó nói. Khi những người thiện tri thức nhắc nhở, khuyên người ấy không nên trở thành “người khó nói” thì người ấy “tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn của mình” (Trung bộ kinh số 15: kinh Tư lượng).

Đức Phật kết luận trong bài kinh này, người như thế đó, dù nhiệt tâm, nhiệt tình thì những người sống chung, sống gần vẫn không ưa thích và cảm thấy không thoải mái. Người cố chấp rất bảo thủ và cứ kiên trì ôm lấy kiến chấp của mình, không dễ hành xả. Chính vì vậy, Đức Phật dạy: là đệ tử Phật, cần phải phát tâm như sau: “Ta sẽ không chấp trước thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả” (Trung bộ kinh số 15: kinh Tư lượng).

Cố chấp chỉ đem lại bất hạnh và đau khổ

Đức Phật gọi những người cố chấp như vậy là khó có thể mở lòng để tiếp thu, học hỏi thêm điều gì từ người khác. Như ly nước đầy thì không thể chứa thêm nước được nữa. Người như vậy không bao giờ kham nhẫn để có đủ thời gian và sự nhu nhuyến cần thiết để phân định đúng-sai, hay-dở, chỉ lo bảo thủ những gì thuộc về mình, và đẩy ra những gì mình không ưa thích. Đây là lý do Đức Phật nói người cố chấp góp phần làm cho Chánh pháp băng hoại.

Loi-Phat-day-ve-co-chap-3
Xả hết cố chấp sẽ hết đau khổ

Ngài dạy, “Này các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo nào là những người khó nói, đầy đủ những tánh khiến họ trở thành khó nói, khó kham nhẫn, không cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp khiến diệu pháp hỗn loạn và biết mất” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm XVI, kinh số 156: Diệu pháp hỗn loạn). Người như vậy chỉ biết sống theo bản năng để xuôi theo dòng chảy về sông mê biển khổ, không tiếp cận được với giáo pháp để ngược dòng về bến giác an vui.

Hiểu được những lời Phật dạy và khuyến cáo, chúng ta nên tháo gỡ dần những sợi dây cố chấp, bảo thủ đang tự ràng buộc lấy mình vào trong hệ lụy khổ đau do chính mình tạo ra. 

Đức Phật cũng dạy, chỉ có  trí tuệ phát khởi từ công phu tu tập các pháp, điển hình là Thất bồ-đề phần mới có thể giúp hành giả phá vỡ thành trì cố chấp, giải thoát sự ràng buộc vào các nhận thức, quan điểm sai lầm vậy.

Xem thêm: Liệu Đức Phật có tha thứ cho những tội lỗi chúng ta gây ra không?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận