Lệ trong mắt ai - Bài viết đạt giải nhì với chất văn mộc mạc, diễn đạt mượt mà

Đây là bài viết có cảm xúc, văn khá mạch lạc, chất văn giản dị, mộc mạc mà vẫn để lại ấn tượng , diễn đạt khá mượt mà.

Đỗ Thu Nga
12:00 07/11/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn là nơi mà tình cảm bắt đầu mãnh liệt nhất. Cảm nhận từng chút bằng đôi mắt thể hiện buồn, vui, giận hờn cũng xuất phát từ đôi mắt.Và Việt Nam trong mắt xanh là những dòng lệ còn lăn dài trên má, là tia mắt cười của hạnh phúc hôm nay. Là khi nhắc về thời còn chiến tranh máu lửa sẽ bất chợt thấy mình hạnh phúc biết bao nhiêu khi được sinh ra trong thời bình. Không nói về cảnh đẹp của nước non hùng vĩ, không nói về văn hoá đậm đà bao nhiêu, không nói về biển đảo mình gồm bao nhiêu hải lý,…lúc này chỉ muốn nói về ngày xưa nói về chiến tranh thời còn gian khó, về những con người cắt thịt, đổ máu để đất nước mình vinh quang. Những trang sử, những bảo tàng mà đến cả người nước ngoài cũng phải trầm ngâm, rơi nước mắt.

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm,

Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hoà.”

(Dân ta phải biết sử ta - Hồ Chí Minh)

Không ngoa khi nói lịch sử Việt Nam là niềm tự hào dân tộc, muốn kể hết từ độ sơ khai, đi sâu từng câu chuyện một có lẽ phải mất rất nhiều thời gian. “Lịch sử” những câu chuyện từ trong quá khứ, hình ảnh, sự kiện đã kết thúc từ rất lâu và bây giờ nó được kể lại, được tái hiện lại. Lật giở từng trang sử hào hùng về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ oanh liệt của dân tộc ta mới càng hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do, sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc nơi những người con đất Việt.

Tuy nhỏ bé nhưng Việt Nam luôn là tâm điểm của những cuộc chiến tranh xâm lược, để có được cuộc sống màu hồng như hôm nay chúng ta đã đánh đổi quá nhiều, về vật chất lẫn tinh thần về cuộc đời của những em bé hồn nhiên còn chưa đầy một tuổi. Gần năm mươi năm kể từ khi thống nhất đất nước nhưng đâu đó trong mỗi chúng ta hình ảnh ngày đại thắng mùa xuân vẫn còn nguyên dòng cảm xúc, chiến thắng hào hùng, vĩ đại của dân tộc, một chiến thắng vẻ vang trong suốt chặng đường gian nan đi cứu nước. Cảm ơn một Việt Nam mà khi tôi đi đâu, ở bất cứ chỗ nào cũng đều thấy tự hào như ngày độc lập. Không dám nhắc chuyện đã quá xa vì sợ rằng nhiều người đã không còn nhớ nữa, sợ đa số những bạn trẻ bây giờ chỉ thích âm nhạc Kpop, những bộ phim điện ảnh đầu tư hào nhoáng hơn là dành thời gian để xem đoạn phim tài liệu chỉ màu đen và trắng. Không xa đâu khi nhắc về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, một mốc son sáng rực trong lịch sử Việt Nam, thắng lợi mang ý nghĩa và tầm vóc to lớn không chỉ đối với dân tộc ta mà còn đối với thế giới. Một trận quyết chiến giữa ta và Pháp bên cạnh còn có sự can thiệp của Mĩ, năm mươi sáu ngày đêm chiến đấu không ngừng nghỉ bằng sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Đảng và Bác bằng ý chí kiên cường của dân tộc ta, lợi dụng vị thế địa hình mà ta đã tạo nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hình ảnh những người chiến sĩ trong trận chiến năm ấy vô cùng đẹp bởi đó là niềm tin, là sự sống, trong mắt họ không chỉ là đất nước mà còn là chính họ là người thân còn chờ họ về bên bữa cơm gia đình khi chiều buông xuống. Ta chấp nhận đánh bại kẻ thù khi còn trong thế yếu bởi nếu chiến thắng ở trận này sẽ thay đổi toàn bộ cục diện trên chiến trường đem lại nhiều lợi ích. Pháp đinh ninh cho rằng căn cứ địa Điện Biên Phủ là một pháo đài bất khả xâm phạm là nơi tốt nhất để đóng quân và dùng nó làm bàn đạp để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta nhưng nào có thể xem nhẹ ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, dù đạn như mưa, chiến trường như nơi chôn thây, bỏ mạng thì bộ đội Việt Minh luôn sẵn sàng không hối tiếc. Tiêu biểu trong số đó là anh hùng Tô Vĩnh Diện anh trong trận chiến này là hình ảnh cuộc hành quân kéo pháo, dây dứt rồi, pháo tuột dốc rồi nhưng ý chí chiến đấu thì không. Suy nghĩ táo bạo bắt nguồn cho hành động ghì người vào càng pháo phía ngoài, lấy một chân đạp vào gốc cây, cố gắng đẩy hướng càng pháo đâm vào vách núi cứu lấy quả pháo đang dần tuột dốc, pháo cứu được rồi nhưng anh thì không cứu được. Hay Bế Văn Đàn cầm hai khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn, Phan Đình Giót lấy thân minhg lấp lỗ châu mai. Sau năm mươi sáu ngày đêm chiến đấu, chiều ngày mùng 7/5/1954 ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Pháp chịu nhiều tổn thất nặng nề sau cuộc chiến ta cũng đã xoay chuyển được tình tình trên chiến trường Đông Dương, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp với ta hàng thế kỉ. Chiến thắng vang dội này cổ vũ cho dân tộc bị áp bức trên thế giới sẵn sàng vùng lên giành độc lập.

le-trong-mat-ai-bai-viet-dat-giai-nhi

Dấu ấn của chiến tranh không chỉ được nhắc đến trong sách vở mà nó còn là những dấu tích vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay với nhà tù Côn Đảo - chứng tích lịch sử đau thương về một thời quá khứ của dân tộc. Dù chỉ là những mô phỏng nhưng thật xót xa trước hình ảnh những em bé chỉ mới chào đời, những quang cảnh hoang tàn, đồng bào mình chỉ biết nhìn trong tầm mắt “chiến tranh! Tôi chỉ cần một ngày được bình yên để sống” tôi khóc không phải vì sợ, vì thấy mình may mắn hơn rất nhiều người mà khóc vì cuộc đời của những người trong ảnh. Máu và nước mắt lẫn đâu đó trong những tấm hình những trang tập đã cũ mèm nhưng lời văn vẫn vô tư, hồn nhiên, hẹn ước anh lại về nắm tay em khi nước mình đi qua ngày chiến tranh khói lửa “Nếu anh có về khi tan chinh chiến. Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em” – (Tạ từ trong đêm-Trần Thiện Thanh). Nghe như một lời hứa nhưng đó là “Nếu”, nếu anh về mong em đừng khóc, đừng quá vui mừng trong hạnh phúc hai ta còn không may anh chẳng về được nữa mong những lời này thay anh từ biệt em nhé. Đâu đó tôi thấy họ cũng khóc trước tấm hình em bé di chứng bởi chất độc màu da cam, hay tấm ảnh tai nạn bom mìn chưa nổ hết. Chế độ lao tù tàn khốc được tái hiện lại mà tôi sởn óc, hình thức tra tấn tàn nhẫn “nhốt chuồng cọp”, “biệt giam”, “đóng đinh”, “đục răng” còn nhiều, rất nhiều những hình thức mà mức độ đau đớn còn hơn thế. Bây giờ, đất nước đã hoà bình chúng ta chỉ biết về Việt Nam độc lập như thế nào qua những trang lịch sử, những đoạn phim nhưng mong rằng bạn thật sự trân trọng những di tích còn sót lại, bằng tình cảm của người với người, đối đãi một cách thành tâm. “Đồng chí nào nằm đây thay tôi vậy” câu chuyện này khiến người ta đau lòng khi nghe một đồng chí kể ngày đó chiến tranh ác liệt lắm ra trận ai cũng chiến đấu trên tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nên một cái kết không có ngày về là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó còn là hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng mất chồng, mất con cùng nỗi đau không bao giờ chữa lành.

Cảm ơn các cụ đã vì nền hoà bình mà không ngại chịu đòn roi tra tấn, cảm ơn một thế hệ anh hùng đã nằm xuống trên mỗi một tấc đất của quê hương. Cảm ơn ngày giải phóng miền Nam “Mời đồng bào và các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút quân ta tiến vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh độc lập. Bộ tổng tham mưu Ngụy Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh độc lập Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.” Nghe giọng phát thanh của NSƯT Kim Cúc tái hiện lại một lần nữa để biết ơn hơn gấp bội phần hạnh phúc của hôm nay. Đáng trách khi chẳng hiểu vì sao người ta có thể đùa cợt nơi thiêng liêng, đáng buồn làm sao khi một bộ phận giới trẻ bây giờ chẳng biết gì về hào hùng sử sách, hụt hẫng trong lòng khi hỏi về ngày xưa những cái tên vang danh nhưng vẫn hồn nhiên trả lời “em không biết”. Lịch sử không phải là môn để học thuộc, đừng học thuộc lòng bởi lẽ bạn cũng quên đi hãy cảm nhận bằng trái tim, không học lịch sử liệu rằng các bạn có biết rằng mỗi bước chân bạn đi trên đó đều là xương máu của cha ông ta ngày trước. Cái giá phải trả cho hôm nay là hai phần ba thời gian chúng ta phải liên tục đấu tranh giành độc lập bạn. Đáng buồn thay khi tại bảo tàng chứng tích chiến tranh còn có người đặt đầu vào máy chém thời Ngô Đình Diệm rồi chụp hình cười rạng rỡ. Đến những câu hỏi đơn giản nhất về những vị vua Hùng còn trả lời sai, Nguyễn Huệ là anh em là cha con với Quang Trung thì dám kể gì đến những cái tên khác nữa. Từng thước tấc thời gian mà dân tộc ta trải qua là muôn phần gian truân khổ ải mong bạn, mong tôi biết trân trọng, giữ gìn máu lửa của quê hương. Cội nguồn là nơi bắt đầu cũng sẽ là nơi kết thúc, đừng chối bỏ, đừng giẫm đạp lên tín ngưỡng quê ta bởi khi bạn sinh ra ở đây là nơi bắt đầu sự sống.

Giữa ranh giới sự sống và cái chết những người chiến sĩ chiến đấu như một cỗ máy lập trình bằng trái tim yêu nước đã không ngần ngại hy sinh. Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển cõng hòm đạn nặng gấp đôi người mình nhưng trong thời điểm ấy thứ chị cõng không phải là hòm đạn mà đó là cõng cả tổ quốc trên vai, là sự sống của hàng triệu người dân trong khói lửa. Có một Việt Nam hào hùng như vậy, những trang lịch sử đậm tính dân tộc như vậy là một niềm tự hào vô cùng lớn. Đừng để những hình ảnh bỏng rát này chỉ là những dòng chữ hãy biến nó trở thành niềm tin, trở thành một vũ khí khơi dậy sức nóng của hàng triệu trái tim người Việt. Để môn lịch sử không còn là tiết học nhàm chán cứ mở sách ra rồi lại nói qua loa, học bài thì chỉ là diễn biến, nguyên nhân, kết quả, ý nghĩa… Hỏi như vậy học sinh thật sự nhớ được bao nhiêu hay chỉ là “em thấy dài quá, ngày tháng năm thật sự rất nhiều, còn cả mấy cái hiệp định nữa”. Lúc đi học tôi cũng cảm thấy những hiệp định, ngày tháng năm rất khó nhớ, nhiều lúc cũng tự đặt câu hỏi học mấy cái hiệp định làm gì? Nhưng khi thật sự muốn tìm hiểu thì sẽ nhớ rõ thậm chí còn nhớ rất kĩ. Mong rằng khi học lịch sử ở những trận đánh sẽ được coi những đoạn phim hoặc ít nhất các thầy cô cũng thuật lại hấp dẫn một chút. Ngọn lửa yêu nước, yêu những trang sử hào hùng thật sự muốn được các thầy cô hãy truyền cho thế hệ mai sau để khi vô tình gặp nhau ta sẽ thấy rằng một chút hình ảnh rực rỡ của cha ông cũng không hề mai một. Dành mỗi ngày một chút thời gian để xem những đoạn phim tài liệu, hay coi phim phục dựng cho đỡ nhàm chán “Mùi cỏ úa”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”… rất nhiều nữa những bộ phim hay về thời chiến chỉ xem thôi cũng đủ để bạn hiểu một phần nào về ngày oanh liệt ấy. Để mỗi độ xuân về trăm hoa khoe sắc thắm cũng tô màu luôn cho cả bức tranh chỉ đen và trắng đã xa xưa.

“Việt Nam” lệ trong mắt ai? Lệ trong mắt tôi ngày mà máu và nước mắt còn in hoài trên mảnh đất, lệ trong mắt người chiến sĩ mong ngày về với gia đình, trong mắt của những người ở lại lặng lẽ tiễn đưa, lệ trong mắt người nghệ sĩ viết tình thơ, câu hát, lệ trong mắt triệu triệu người dân ngày Bác ngủ yên mãi mãi và là lệ của những con đường quen thuộc khi xa. Lịch sử chiến tranh Việt Nam là cảm nhận là khi khép trang sách lại, kết thúc một thước phim sẽ quy về một cái nhắm mắt, cho lệ tuôn rơi để mở ra một chân trời mới, xin cảm ơn người chiến sĩ của tôi ơi!

Xem thêm: Bài viết tham khảo đề thi chọn HSGQG Lâm đồng 2023 - 2024

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận