Lễ Phật đản 2021 là ngày nào?
Lễ Phật đản là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo nhân kỷ niệm ngày Đức Phật thích ca đản sinh. Vậy lễ Phật đản 2021 là ngày nào?
Lễ Phật đản 2021 là ngày nào?
Phật Đản (ngày sinh của Đức Phật) là Vesak (tiếng Phạn: Vaiśākha, Devanagari: वैशाख, Sinhala: වෙසක් පෝය). Đây là ngày kỷ niệm Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì năm 624 TCN. Theo lịch vạn niên, đó là ngày 8/4 âm lịch hoặc ngày 15/4 Âm lịch hàng năm.
Theo truyền thống của Phật giáo Bắc tông và ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca. Song theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng, ngày này còn là ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn). Ngày Phật Đản hay lễ Vesak hay Tam Hiệp được tổ chức kỷ niệm vào các ngày khác nhau tùy theo từng quốc gia.
Được biết, các quốc gia mà đa số phật tử theo Bắc tông như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản thì thường tổ chức lễ Phật Đản vào ngày 8/4 Âm lịch hàng năm. Còn các nước có đa số phật tử theo Nam tông thì tổ chức vào ngày 15/4 Âm lịch hàng năm hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch. Có những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch thì có nơi tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên cũng có nơi tổ chức vào ngày trăng tròn thứ 2, tùy theo cách tính của từng nơi.
Nói về nguồn gốc ngày Phật Đản, theo Kinh thư nhà Phật, Phật Thích Ca xuất thân là Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada thuộc dòng họ Cồ Đàm (vương tộc Thích Ca). Ngài được sinh vào ngày rằm tháng 4 âm lịch năm 624 (tức ngày 8/4 Âm lịch) tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Tiền thân của ngài là bồ tát Hộ Minh - vị Bồ tát Nhất sinh Bổ xử tại cung trời Đâu Suất, nghĩa là chỉ còn một kiếp cuối cùng ở nhân gian, ngài sẽ chứng đạo trở thành một vị Phật Toàn Giác.
Hằng năm, để thể hiện lòng kính thành, tri ấn đến đáng Cha lành - người khai sáng ra đạo Phật, các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới lại hân hoan tổ chức lễ Phật đản sinh, kỷ niệm ngày đấng Toàn Giác ra đời.
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Đại hội Phật giáo quốc tế năm 1950 thì thống nhất lấy ngày Rằm tháng Tư Âm lịch là ngày chính thức kỷ niệm Phật đản. Thế nhưng Phật giáo Bắc Tông thì thường vẫn lấy mùng 8 tháng 4. Cho nên bây giờ, chúng ta có cả tuần lễ Phật đản. Có thể từ mùng 8 tháng 4 cho đến tận Rằm tháng Tư làm Phật đản. Có nhiều nơi thì làm từ mùng 1 tháng 4 cho đến hết cả tháng Tư vẫn làm Phật đản được”. Tuy còn có sự dị biệt về ngày Đức Phật đản sinh tại 2 truyền thống Phật giáo, nhưng tựu chung lại chúng ta chắc chắn rằng, Đức Phật hoàn toàn có thật. Ngài là một con người bằng xương bằng thịt, hiện hữu trên cuộc đời này!
Ngày nay, Lễ Phật Đản còn là ngày để vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.
Lễ Phật đản tại Việt Nam diễn ra thế nào?
Tại Việt Nam, lễ Phật đản từ lâu đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Nhiều người gọi ngày này là "mùa Phật đản" để hòa chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hóa Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của đảng và Nhà nước nên được tổ chức long trọng, thu hút nhiều Phật tử và những người không có tín ngưỡng Phật giáo.
Lễ Phật đản tại Việt Nam năm 2021 sẽ rơi vào Thứ Tư ngày 26 tháng 5 năm 2021 (26/5/2021). Ngoài tổ chức buổi lễ đúng vào rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức.
Vào ngày Phật Đản, các phật tử không sát sinh, mọi người ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa, trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các phật tử có thể đến chùa phụ giúp công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn thanh tịnh.
Ở các chùa, phật tử dựng các lễ đài lớn, trang trí xe hoa. Song những việc này làm tiết kiệm, không phung phí để thiện lòng thành theo đúng giáo lý nhà Phật.
Một trong những nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu chính là: Tắm Phật. Theo Sư thầy Thích Đàm Cúc (trụ trì chùa Khánh Ly, thôn Vỹ Khách, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam):
"Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc".
Khi làm lễ Tắm Phật, tăng ni Phật tử nếu có điều kiện nên đọc bài chú Tắm Phật sau:
Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh tịnh ly cấu
Đồng chứng Như Lai tịnh Pháp thân
Tỳ Gia thành lý vị tằng sanh
Sa La thọ gian vị tằng diệt
Bất sanh bất diệt lão Cồ Đàm
Nhãn trung khán kiến trùng thiên tiết
Kim triêu chính thị tứ ngoạt bát
Tịnh Phạn vương cung sanh Tất Đạt
Cửu long phúng thủy thiên ngoại lai
Bỗng túc Liên Hoa tùng địa phát
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát phạ ha.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận