Những con số kinh hoàng về nạn đói năm Ất Dậu ở Thái Bình: Đó là cơn ác mộng, là nỗi đau nhức nhối, khó quên

Nạn đói năm Ất Dậu (1945) diễn ra trên diện rộng từ Quảng Trị trở ra Bắc ở 32 tỉnh, thành (cũ) với hơn 2 triệu người chết đói. Trong đó, Thái Bình là nơi diễn ra trầm trọng nhất với 28 vạn người chết đói.

Đỗ Thu Nga
07:00 24/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Những con số kinh hoàng

Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945. Trong ký ức của người Việt Nam, nạn đói năm 1945 vẫn luôn là cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên. 

Theo nghiên cứu của Giáo sư Văn Tạo - nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và GS Furuta Moto (người Nhật) chỉ rõ: chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên.

Nguyên nhân của nạn đói này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước quốc dân vào ngày 2/9/1945: "Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Ðông Dương để mở thêm căn cứ đánh Ðồng minh thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.

ky-uc-kinh-hoang-ve-nan-doi-nam-at-dau-o-thai-binh-9
Nạn đói năm Ất Dậu 1945 là cơn ác mộng, là nỗi đau nhức nhối, khó quên

Mục sư Lê Văn Thái, nguyên Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam thời kỳ 1942-1960 viết lại: "Tôi thường nghe tiếng rên xiết của những người sắp chết, thấy những đống thịt quằn quại gần những xác chết, nơi này 5-3 xác chết, chỗ khác từng đống người sống nằm lẫn với người chết. Trên những đoàn xe bò đầy những xác chết, mỗi xe chỉ phủ một chiếc chiếu, trong những cái hầm mấy trăm xác chết mới lấp một lần. Một vài lá cải thối trong đống rác, một vài hột cơm đổ bên cạnh vò nước gạo thì họ kéo nhau từng lũ đến tranh cướp".

"Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy. Ngay cả đến những thiếu nữ tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó", tác giả Vespy viết trong một bức thư vào tháng 4/1945.

Và trong nạn đói ấy, Thái Bình là nơi diễn ra trầm trọng nhất. Cảnh chết đói xảy ra ở khắp mọi ngõ ngách trong tỉnh, nhất là các huyện phía Nam.

ky-uc-kinh-hoang-ve-nan-doi-nam-at-dau-o-thai-binh
Nạn đói ở Thái Bình năm 1945

Hàng ngày, từng đoàn người đói rét dắt díu nhau đi lang thang ăn xin rồi chết ở đầu đường xó chợ. Nhiều gia đình chết không còn một ai. Nhiều làng chết đói từ 50 đến 80% dân số. Chỉ trong vòng 5 tháng, số người chết đói trong toàn tỉnh đã lên đến 28 vạn người, chiếm 1/4 dân số toàn tỉnh.

Theo báo Thái Bình, vào năm 1945, tại xã Tây Lương có khoảng 6.000 dân cư trú ở nhiều thôn, trại, xóm, ngõ, gồm nhiều dòng họ và gia đình. Ðồng thời với việc chia thành 5 đoàn điều tra chung trên địa bàn toàn xã, cuộc điều tra đã triển khai điểm theo 6 cấp độ: thôn, trại, xóm, ngõ, dòng họ, gia đình. 

Kết quả điều tra cho thấy: Vào thời điểm xảy ra nạn đói, Lương Phú là thôn có nhiều nghề phụ như buôn bán, đánh cá nên số người chết đói ít hơn các thôn khác. Qua điều tra ở từng dòng họ tại thôn Lương Phú đã thống kê được: 594 người chết đói/1.379 dân (chiếm 43,07% dân số). Số liệu này cho thấy thôn tương đối khá giả cũng bị chết đói nhiều.

Tại xóm Trại của xã Tây Lương - là xóm có nạn đói khủng khiếp nhất trong xã, vốn đã bị “xóa sổ” sau nạn đói. Kết quả điều tra cho thấy, xóm Trại có 103/130 khẩu chết đói (tỷ lệ 79%). Toàn xóm có 34 hộ thì 30 hộ có người chết đói.

Tại xóm Bối Xuyên (nay thuộc thôn Trung Tiến) có 40/51 hộ có người chết đói, trong đó có 18 hộ chết cả gia đình. Dòng họ Tô và dòng họ Lại ở xóm này gần như bị “xóa sổ”. Một ngõ thuộc xóm Giữa thôn Thượng có 61 nhân khẩu thì chết đói 59 người (tỷ lệ 96,7%). Dòng họ Hoàng có 15 gia đình với 74 người thì bị chết đói 61 người, trong đó có 7 gia đình với 30 người chết đói hết. Trong số các gia đình còn lại chỉ có một gia đình may mắn nhất là chỉ bị chết đói một nửa số người trong gia đình. Gia đình cụ Hoàng Phác vào thời điểm năm 1945 có bốn thế hệ, gồm 31 người thì 26 người chết đói (tỷ lệ gần 90%). Theo thống kê, toàn xã Tây Lương có 3.968 người chết đói, chiếm 2/3 dân số.

ky-uc-kinh-hoang-ve-nan-doi-nam-at-dau-o-thai-binh-5
Chúng ta có thể tự hào về những trang sử hào hùng nhưng không thể quên được ký ức đau thương về nạn đói Ất Dậu 1945

Sau khi có kết quả điều tra, phía Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu, thẩm định và chấp nhận kết quả của cuộc điều tra. Giáo sư Furuta Moto đã viết bản báo cáo về cuộc phối hợp điều tra giữa Việt Nam và Nhật Bản ở thôn Lương Phú, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải với tiêu đề: Những hậu quả của nạn đói ở một thôn Việt Nam. 

Tác giả của bản báo cáo đã kết luận: “Ðối với xã Tây Lương, có lẽ nạn đói là một sự kiện tồi tệ nhất đã được biết đến trong thế kỷ này... Những con số đạt được trong cuộc điều tra ở xã Tây Lương và thôn Lương Phú đã chỉ ra rằng, tổng số người chết đói là 280.000 trên toàn tỉnh Thái Bình (hay 25% dân số) và 30.000 chết đói ở huyện Tiền Hải là sự thực...”.

Những nhắc về những con số kinh hoàng trong nạn đói Ất Dậu tại tỉnh Thái Bình, Tạp chí Phổ thông 1951, trang 293, khi đó đã viết: “Giá gạo tăng lên vùn vụt, gạo nhảy từ 150 đồng/1 tạ vào tháng 12 năm 1944 tới 800 đồng vào trước tết, đầu tháng 2 năm 1945”; “Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra trên diện rộng. Từ Quảng Trị trở ra trên toàn miền Bắc có tới 2 triệu người bị chết đói”.

Tạp chí đưa tin tiếp: "Cảnh chết đói diễn ra khắp nơi trong tỉnh, nhất là các huyện phía Nam. Hàng ngày, từng đoàn người đói rét dắt díu nhau đi ăn xin rồi chết ở đầu đường, xó chợ. Nhiều gia đình chết hết không còn một ai”; "nhiều làng chết đói từ 50 – 80% dân số. Làng Sơn Thọ (Thái Thượng – Thái Thụy) có 1.205 người thì chết đói mất 965 người (trên 75% dân số); làng Thanh Nê (Tán Thuật – Kiến Xương) có 4.164 người thì số người chết đói lên tới 1.854 người. Chỉ trong vòng 5 – 7 tháng, số người chết đói trong toàn tỉnh Thái Bình lên tới 28 vạn người, khoảng 25% dân số lúc đó.

Tại xã Hòa Bình (huyện Vũ Thư) có 2 làng là Bình An và Từ Châu có khoảng 2.000 người thì số người bị chết đói chiếm non một nửa. Xã Hiệp Hòa - Vũ Thư có 1.358 người chết đói, trong đó làng Phương Cáp chết tới 479 người, làng An Để chết 690 người, làng Đức Hiệp chết 189 người. Có nhà chết sạch không còn ai cả. Ở xã Đoàn Kết (xóm Rống) có 81 hộ thì có 52 hộ chết cả nhà. Tính chung cả xã Hiệp Hòa lúc đó có 4.418 khẩu thì số người chết đói chiếm trên 30% dân số cả xã.

ky-uc-kinh-hoang-ve-nan-doi-nam-at-dau-o-thai-binh-4
Một điểm chôn tập thể người bị chết đói, đổ xác đến đâu lấp đất đến đấy

Nạn đói năm 1945 làm cho nhân dân xã Trà Giang (Kiến Xương) chết đói trên 1.000 người, chiếm 1/3 dân số trong xã. Ở thôn Lãng Đông, Dục Dương có số người chết đói đến non một nửa. Xã Minh Tân (Kiến Xương) ở 3 làng Dương Liễu, Nguyệt Giám, Tân Ấp có hàng ngàn người chết đói. Chỉ riêng làng Dương Liễu đã có tới 1.050 người chết, nhiều gia đình chết không còn một người.

Ở xã Nam Cao (huyện Kiến Xương) - nơi có nghề dệt truyền thống hàng trăm năm, vốn nổi tiếng là giàu có nhất vùng, vậy mà nhân dân ở địa phương này vào năm Ất Dậu vẫn không thoát khỏi cảnh chết đói. Người chết nằm la liệt khắp nơi trong làng, trong xã. Trận đói cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mệnh của 1.247 người dân xã Nam Cao, trong đó có 108 gia đình chết không còn một người nào sống sót.

Nạn đói kéo dài, người dân phải đào củ chuối, gốc mía, vớt bèo bồng, móc rễ cây khoai nước... để biến thành món ăn khi không có lương thực, có nơi, theo một người, người ta còn ăn cả thịt chết.“Xã Hoàng Diệu” (thuộc TP. Thái Bình bây giờ) – dân chết 1.285 người. Riêng thôn Sa Cát (công giáo) chết gần 500 người. Người dân Hoàng Diệu tận mắt thấy cảnh người sống ăn thịt người chết ở gầm cầu Bo.

Sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã Phú Sơn (Hưng Hà) viết: “Từ giữa năm 1944 đến giữa năm 1945, xã Phú Sơn có trên 400 người chết đói. Có gia đình chết đói cả nhà. Đặc biệt khu vực chợ Hưng Nhân người ăn xin ở thiên hạ về đây, bị chết đói nằm la liệt".

Chuyện ăn thịt người rợn óc trong nạn đói ở Thái Bình

Mảnh đất xóm chợ Huyện xưa thuộc làng Trình Phả (sau có phố, phường, chợ họp sầm uất nên được gọi là Trình Phố) - thuộc  tổng An Bồi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Đây là mảnh đất trù phú, buôn bán thịnh vượng, trên bến dưới thuyền, thuận tiện giao thông thủy bộ, người dân từ mọi nơi đổ về giao thương, lập nghiệp. Ở thế kỷ 18, huyện lỵ Chân Định chọn nơi này làm thủ phủ nên chợ họp ở đây có tên là chợ Huyện. Chợ Huyện làng Trình Nhìn là nơi giao thương của nhân dân các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương, thị xã Thái Bình… cho tới các huyện Xuân Trường, Giao Thủy (Nam Định), Vĩnh Bảo (Tiên Lãng – Hải Phòng).

Cụ Trần Duy Hứa vẫn còn nhớ như in những ký ức kinh hoàng về nạn đói năm Ất Dậu 1945. Cụ nói, năm đó cả nước mất mùa, dân không có gì ăn, lúc đầu có cháo gạo, cháo cám, cháo bỗng... sau đó gạo, cám cũng hết, đến củ chuối, rau sam, rau má, bèo bồng cũng không còn. Người dân quê "năm tấn" phải tha hương cầu thực, xóm làng xác xơ. Người tứ xứ tràn về chợ xin ăn.

ky-uc-kinh-hoang-ve-nan-doi-nam-at-dau-o-thai-binh-3
Cảnh chợ búa tiêu điều năm 1945 ở Thái Bình

Trong chợ nạn trộm cắp hoành hành. Một người bán hàng thường phải có 1 -2 người khác cầm gậy canh. Vì đói nên người dân sinh làm liều, lao vào cướp. Có người bóc tấm bánh chưa kịp cho vào mồm thì đã bị cướp, có người cướp được thì cố đút bánh vào mồm, còn người bị cướp và người bán thì đè xuống giằng lại.  Thế là xảy ra một trận mưa gậy gộc, đấm đá lên thân xác chỉ còn da bọc xương. Máu và đất quyện vào cùng với những mẩu bánh rơi tứ tung. Những cảnh chém, giết nhau, tranh ăn còn tàn bạo hơn cả thời Trung cổ. Cuối cùng, người cướp và người bị cướp cũng đều chết vì đói cả.

Ở thời đó, một số gia đình khá giả trong làng, trong chợ Huyện có nấu cháo phát chẩn cứu đói nhưng không xuể, người chết đói nằm khắp chợ, dọc đường, sát bờ sông. Trẻ em cố mút đầu vú lạnh ngắt của người mẹ đã chết đói từ bao giờ. 

Lúc đầu người ta còn có chiếu để bó thi thể, những người khỏe khiêng thây ra nghĩa địa chôn. Nhưng sau đó vì có nhiều người chết quá, đưa ra nghĩa địa không xuể nên đào hố sát bờ sông, quanh chợ, lấp đất qua loa.

Làng Trình Nhì khi đó có gia đình cụ Nhất Lược, buôn mật mía, mật ong, nổi tiếng đức độ, hay cứu giúp người nghèo. Khi thấy người trong làng bị chết đói, cụ Nhất Lược đã mua chiếu cấp cho gia đình người mới mất. Lúc đầu 1 người chết được bó 2 lá chiếu, nhưng sau chỉ được bó 1 chiếu, nên kín cầu lại hở chân. Ngày ấy có chuyện, người được thuê mua chiếu và đem chôn người chết, nhưng khi đem chôn thì lại tháo chiếu ra bán để kiếm lời.

Trước năm 1945, dân chợ Huyện có gần 2.000 nhân khẩu nhưng khi nạn đói càn quét qua đã cướp đi gần 70% dân số trong xóm. Cả xóm chợ có gần 50 hộ gia đình chết không còn 1 ai. Có gia đình ông Trương Ry chết 8 người, gia đình ông Phan Giá chết 7 người và có gia đình 7 người thì chết cả 7. Gia đình ông Đỗ Thực chết mất 10 người. Gia đình ông Phan Hạnh có 13 người thì cả 13 người đều chết. Gia đình ông Trần Duẩn, ông Đồ Tỵ, ông Đồ Trâm… đều chết hết.

ky-uc-kinh-hoang-ve-nan-doi-nam-at-dau-o-thai-binh
Vận chuyển hài cốt về mộ tập thể (Ảnh tư liệu)

Nhiều người chết được chôn ngay trong vườn nhà vì nghĩa địa hết chỗ, bờ sông qua chợ Huyện vốn thơ mộng mà giờ cũng chật kín mồ mả. Xung quanh ngôi miếu Bách Linh (miếu này nay không còn) la liệt hố chôn người tứ xứ bị chết đói ở chợ. Gia đình ông Ry chết không còn người nào nên thi thể thối rữa ở trong nhà, bốc thối um lên thì dân làng mới biết. Để đưa những thi thể thối rữa này ra ngoài, dân làng phải dùng tro rơm, rạ trải nên nền nhà rồi lăn xác qua tro, sau đó mới bó chiếu đem đi chôn. 

Cũng theo cụ Hứa vì người chết quá nhiều nên cả khu chợ và đường làng bốc mùi thối nồng nặc, ruồi nhặng bâu kín và nhiều vô kể. Xác chết chưa kịp chôn còn bị chuột khoét mắt, gặm cụt tai, mũi, ngón tay, ngón chân. Có ông Chén - người xóm chợ nói rằng, chứng kiến cảnh chuột gặm cơ thể người mà sợ đến mức không dám động đến thịt chuột (đây vốn là món ăn bình dị ở Thái Bình). 

Cụ Trần Duy Hứa còn kể rằng, vào cuối năm 1944 và đầu năm 1945, giữa lúc dân làng đang mất mùa, đói kém thì bão gió, mưa to, đê vỡ, sông nước dâng cao, bào mòn đất cát, làm lộ la hàng trăm xác chết, vì chôn quá nông. Hàng ngàn con quạ về đậu kín ở cây đa, cây gạo, kêu vang tai nhức óc. Nước tràn vào chợ rồi rút đi, bào mòn đất cát, chân tay người chết thò lên mặt đất. Những người sống có việc phải đi qua đường này nhìn cảnh tượng ấy có cảm giác như ma đói đang giơ tay bắt mình. Những người yếu bóng vía thì vắt chân lên cổ mà chạy. 

ky-uc-kinh-hoang-ve-nan-doi-nam-at-dau-o-thai-binh-2
Nơi đây từng là bãi tha ma chôn người chết đói quanh chợ Huyện

"Năm Ất Dậu tôi vừa tròn 18 tuổi. Một hôm mẹ bảo tôi đi cùng ông Mã Phác - lái buôn miền núi về đây bán quế, xuống chợ Đức Cơ để mua muối. Tôi cùng ông đi tắt cánh đồng xã Tây Giang, tránh đi đường chính vì sợ bị cướp và gặp nhiều người chết đói. Khi đi qua miếu âm hồn ở giữa cánh đồng, tôi sững người vì thấy ba mẹ con người ăn mày vẫn thường tới xin ăn ở chợ huyện nằm ôm nhau mà chết ở cửa miếu.

Tới chợ Đức Cơ, tôi thấy người chết đói nằm la liệt từ ngoài cửa chợ cho tới trong chợ. Mua muối xong, tôi quay lại chỗ ông Mã Phác ngồi bán quế. Ông dẫn tôi tới hàng thịt bò, chọn mua một miếng thịt. Thịt bò được thui đốt vàng ươm trông thật hấp dẫn.

Về đến nhà tôi, ông Phác mượn dao thớt, nồi gang để nấu thịt. Khi ông đang thái thịt bò ở bờ ao thì mẹ tôi ra đứng xem. Bà gọi tôi vào trong nhà. Bà thì thào: "Con không biết đấy thôi, họ lừa người mua đấy. Miếng thịt bắp bò mà ông Phác mua về chính là thịt bắp chân của người chết đấy. Nếu thịt bắp bò thì da phải dầy, khó thái. Đằng này thịt mềm dễ thái mà da mỏng dính, không phải thịt bắp chân người chết bị cắt ra đem thui thì còn là thịt gì nữa. Nghe mẹ nói vậy, tôi vội kiếm cớ vào buồng đóng chặt cửa không dám ra nhà ngoài. Khi thịt chín, ông Phác gọi ra ăn, tôi nằm im giả vờ ngủ mà không dám lên tiếng", cụ Hứa kể lại.

ky-uc-kinh-hoang-ve-nan-doi-nam-at-dau-o-thai-binh-1
Cụ Trần Duy Hứa chỉ khu vực bờ sông sát chợ Huyện, nơi chôn nhiều người chết đói

Đến ngày 23/7/1945, mặt trận Việt Minh và Chi bộ Đảng làng Trình Nhì đã tổ chức biểu tình ở chợ Huyện để tuyên truyền chống phát xít Nhật, chuẩn bị tổng khởi nghĩa cướp chính quyền. Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân “cướp” các kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân. Vụ chiêm năm 1945 được mùa. Trong giai đoạn này lại xảy ra những cái chết thương tâm, chết không phải vì đói, mà chết vì ăn no, bội thực và dịch bệnh.

Cụ Trần Duy Hứa kể: “Tuy số người chết vì ăn no không nhiều như chết đói nhưng cũng rất thương tâm. Khi được phát gạo, hoặc gặt lúa về, có những người rang gạo lên ăn, hoặc ăn gạo sống. Ăn xong thì lại uống nước khiến bụng trương phềnh lên rồi chết. Có người vì ăn cơm quá nhiều nên bị bội thực mà chết. Mặt khác, vì môi trường sống bị ô nhiễm quá nặng nề, dịch tả lan truyền dẫn đến nhiều người bị nhiễm bệnh mà chết".

(Theo VnExpress, báo Thái Bình, VTC)

Xem thêm: Ký ức của Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà về những thăng trầm triều Nguyễn ở thế kỷ XX

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận