Khi đau thương hóa thành những con chữ

Tác phẩm văn chương, chúng không chỉ được cất lên như một tiếng hoan ca mà còn là thanh âm nức nở, u uất giữa đời...

Đỗ Thu Nga
15:00 10/02/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Có những nhà văn đã dùng cả đớn đau, dằn vặt và đày đọa của kiếp người mà viết nên trang văn, trang thơ. Cũng vì lẽ đó mà Lâm Ngữ Đường từng viết rằng: "Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ".

Dưới đây là một số câu chuyện minh chứng cho luận điểm trên:

ERNEST HEMINGWAY

Hemingway đã tham gia vào cả hai cuộc Thế Chiến với nhiều vị trí khác nhau: phóng viên mặt trận, quân y, tài xế. Ông đã dấn thân vào thời cuộc, xông xáo và chính nghĩa. 

Khi-dau-thuong-hoa-thanh-nhung-con-chu-0

Hemingway đã tận mắt chứng kiến cảnh chết chóc, tàn bạo, chứng kiến toàn bộ bộ mặt của chiến tranh. Chính ông cũng mang trong mình những vết thương chằng chịt trên thân xác và cả tâm hồn. 

Có lần, ông đã bị 227 mảnh đạn găm vào người, đầu gối bị băm nát đến mức suýt phải chặt chân.

Bằng những trải nghiệm đau thương từ hai cuộc chiến, ông đã viết nên nhiều tác phẩm lớn cho văn học thế giới, có thể kể đến như: Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Mặt trời vẫn mọc,... Ông đã viết cho một "thế hệ bỏ đi".

KAWABATA YASUNARI

Ông lớn lên với một tuổi thơ bất hạnh, mồ côi từ năm 2 tuổi và phải về sống với ông bà. Bà ngoại ông mất năm ông 7 tuổi, và hai năm sau, chị ông cũng qua đời. Năm 14 tuổi, người thân duy nhất khi ấy của Kawabata là ông ngoại cũng rời bỏ ông về cõi vĩnh hằng.

Khi-dau-thuong-hoa-thanh-nhung-con-chu-9

Nỗi đau mất đi tất cả những người thân yêu đã hình thành trong ông một sự trầm mặc, ưu buồn từ cốt tủy. Và khi 20 tuổi, ông lại bị khước từ hôn ước với người con gái ông rất mực yêu thương.

Sự cô đơn, lạc lõng, ưu sầu và ám ảnh về cái chết đã trở thành mạch nguồn cảm xúc thường trực trong văn chương của Kawabata. Cái đẹp trong Xứ tuyết, Những người đẹp say ngủ, Ngàn cánh hạc... luôn là cái đẹp mang chứa nỗi u hoài.

DAZAI OSAMU

Năm Dazai Osamu 18 tuổi, thần tượng của ông là Akutagawa Ryunosuke qua đời vì tự vẫn. Cú sốc tinh thần ấy đã khiến ông chìm đắm trong nghiện ngập và quyết định kết liễu cuộc đời bằng thuốc ngủ nhưng bất thành.

Khi học tại Đại học Tokyo, ông tham gia hoạt động chính trị và bị bắt giam vì liên quan đến Đảng Cộng Sản. Sau đó, ông lại nhiều lần tìm cách tự tử vì tình yêu bị ngăn ấm và những thất bại triền miên trong sự nghiệp.

Khi-dau-thuong-hoa-thanh-nhung-con-chu-8

Những tưởng cuộc đời đã thôi tàn khốc thì chiến tranh ập đến, cướp đi người vợ và hai đứa con của ông. Kiếp người bất hạnh ấy đã chấm dứt bằng cái chết ở một hồ nước ngọt vào mùa xuân năm 1948.

Từ sự sụp đổ từ kiếp sống, ông đã cho ra đời những tác phẩm văn chương mang một màu sắc sầu bi, nhức nhối, và bất mãn với thời cuộc. Tác phẩm tiêu biểu: Tà dương, Thất lạc cõi người, Nữ sinh...

VICTOR HUGO

Victor Hugo từ nhỏ đã không nhận được tình thương của cha. Ông có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và liên tục trải qua những nỗi đau mất con. Đứa con đầu lòng của ông sống không được lâu, người con gái lớn ra đi trong một vụ lật thuyền ở sông Seine cùng chồng và hai người con trai của ông cũng đều mất khi còn trẻ. Đến cuối cùng, ông chỉ còn lại hai đứa cháu và người con út bị bệnh tâm thần sống trong bệnh viện.

Khi-dau-thuong-hoa-thanh-nhung-con-chu-4

Mái ấm không trọn vẹn cùng những tổn thương thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc đến những sáng tác của ông. Nỗi đau riêng đã hòa cùng nỗi đau chung, để ông viết ra với ước mong xoa dịu, cứu vớt nhân loại khỏi định mệnh tàn ác, khỏi tối tăm và thù hằn. Tác phẩm tiêu biểu: Nhà thờ đức bà Paris, Những người khốn khổ...

Xem thêm: "Tao không thể là người lương thiện nữa…”

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận