“Hồn” và “xác” hay tính đa trị trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Hồn Trương Ba phải day dứt, khốn cùng trong cái xác của anh hàng thịt. Cần lưu ý thêm rằng cái xác của anh hàng thịt cũng bất hạnh hệt như hồn Trương Ba...

Đỗ Thu Nga
12:00 01/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Khi Lưu Quang Vũ bắt đầu nổi tiếng trên kịch trường cũng là lúc nhân loại đã chuyển hẳn sang thời kì hậu hiện đại. Lúc này, yếu tố cá nhân vẫn được xem xét nhưng không còn là những nhân vị hoàn hảo, có thể phán xét và trở thành biểu tượng đơn nhất, độc tôn về thân phận con người. Cá nhân bây giờ là những mảnh vỡ. Họ không thể đại diện cho bất kì ai và ngay chính bản thân họ. Loài người vẫn đang mãi loay hoay tìm kiếm trong vô vọng lời đáp cho ba câu hỏi lớn: Ta là ai? Ta đến từ đâu? và Ta sẽ về đâu?

Những câu hỏi này xem ra rất dễ trả lời nhưng hễ trả lời mà không lập tức tự thoả mãn thì con người lại rơi ngay vào chính cái bẫy câu trả lời ấy đưa ra. Nói tóm lại, trong kỉ nguyên hậu hiện đại, sau khi không tìm được câu trả lời cuối cùng về bản thể, con người chấp nhận một cuộc sống nội tại với chính sự chắp vá và không thể nào thấu triệt nó.

Xem ra Lưu Quang Vũ đã bắt được cái mạch này. Giống nhà văn hậu hiện đại nổi tiếng người Italia Italo Calvino, Lưu Quang Vũ cũng viết lại cổ tích. Một thể loại bao giờ cũng viên mãn với những cái kết có hậu. Trong khi đó, thực tế cuộc đời thì luôn khác. Các nhà văn hậu hiện đại muốn đối thoại lại với cổ tích bằng cách tái hiện cuộc đời theo đúng cái cách hiện tồn của nó. Họ giữ lại phần đầu của cốt truyện, nối thêm phần đuôi hoặc đan xen thêm các chi tiết, sự kiện vào cốt truyện, và thế là mọi chuyện được nhìn dưới ánh sáng khác, cái ánh sáng đa trị, thật chói chang dưới nắng mặt trời với tất cả những ưu tư phiền toái bất tận của nó. Đây cũng là cách Lưu Quang Vũ làm với vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Trương Ba giỏi đánh cờ nên quen thân với Đế Thích. Nam Tào bắt chết nhầm Trương Ba, Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại bằng cách cho hồn nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Truyện cổ tích kết thúc tại đây và Trương Ba hạnh phúc với vợ con, làng xóm.

hon-va-xac-hay-tinh-da-tri-trong-hon-truong-ba-da-hang-thit-7
Ảnh: Thế giới cổ tích

Nhưng kịch hậu hiện đại thì không có cái kết có hậu theo kiểu ấy. Hồn Trương Ba phải day dứt, khốn cùng trong cái xác của anh hàng thịt. Cần lưu ý thêm rằng cái xác của anh hàng thịt cũng bất hạnh hệt như hồn Trương Ba. Bởi lẽ anh ta cũng rất muốn làm bao điều mà hồn không cho phép. Nhưng Lưu Quang Vũ đã đứng về phía hồn, dù cho yếu tố hậu hiện đại đang tập trung dày đặc trong vở kịch, bởi cơ bản, ông vẫn chưa dứt hẳn ra được cái vị trí của một nhà soạn kịch hiện đại – những người luôn bày tỏ chính kiến và bảo vệ cái mà họ cho là chính nghĩa, công lí.

Cốt truyện của Lưu Quang Vũ tập trung khai thác bi kịch của hồn Trương Ba trong thể xác anh hàng thịt. Bi kịch là hồn chẳng thể nào tìm được sự bình yên trong chính cái xác ấy, trong chính gia đình mình hay gia đình của anh hàng thịt. Sự vong thân được diễn ra ngay trong chính thân thể của một người. Hồn ý thức được sự nhầm lẫn không thể nào cứu chữa của Đế Thích. Cuối cùng hồn chọn giải pháp giải thoát là chấp nhận được chết để trả xác anh hàng thịt về cho anh hàng thịt. Sự sống chỉ có ý nghĩa khi hồn được sống trong chính thân xác đích thực của mình. Ngay cả khi hồn Trương Ba được Đế Thích gợi ý sống lại trong xác cu Tị hoặc xác của chính tiên ông Đế Thích, hồn vẫn kiên quyết chối từ. Cổ tích đã bị nhại ngay ở chính cốt truyện của nó.

Xung đột kịch diễn ra đồng thời ở cả hai lớp: giữa văn hoá và bản năng, giữa sự thống nhất cá thể và sự khập khễnh cá thể – sự vay mượn hình hài. Ở góc độ nào kịch cũng cho thấy kiểu tranh đấu: cố vượt thoát sự cám dỗ thoả hiệp để vươn đến một cuộc sống lí tưởng của nhân tính, nhân sinh cho mỗi một cá thể. Con người đã bị phân thành hai mảnh. Mỗi mảnh lại có khả năng phân chia thành nhiều mảnh khác. Lí thuyết thậm phồn (hyper) của chủ nghĩa hậu hiện đại được ghi nhận ở đặc tính phân mảnh này.

Bi kịch xảy ra khi hồn Trương Ba được sống lại. Ở đây không hề có xung đột giữa sự sống và cái chết. Trong tư duy của Đế Thích và tiên thánh nói chung, được sống lại là hạnh phúc, nhưng thực tế cho thấy điều khác hẳn: sống như thế nào mới quyết định đến hạnh phúc của con người. Nếu cứ để Trương Ba chết đi thì giá trị tố cáo chỉ dừng ở sự cẩu thả của Nam Tào và tiên bị lên án ở thái độ vô trách nhiệm. Nhưng để hồn Trương Ba sống lại, thì cả Đế Thích cũng bị lên án, nhưng lại bị lên án ở chỗ... có trách nhiệm trước sự vô trách nhiệm của đồng cấp. Mới hay làm điều tốt cho con người đâu phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc cho họ. Tư tưởng này là sản phẩm mà chủ nghĩa hậu hiện đại luôn khai thác. Đề xuất tính đa diện, đa nghĩa trong hành động kịch là cách nhà soạn kịch đưa người đọc xâm nhập sâu hơn vào những vấn đề phiền toái không dễ gì tháo gỡ của nhân sinh.

Xung đột - bi kịch tiếp theo của hồn Trương Ba là việc sống lại trong cái xác của anh hàng thịt mà không chịu sống theo ước muốn của cái xác đó. Đây chính là bi kịch chính, bi kịch nội tại của nhân vật: bi kịch của sự cám dỗ bất phân thắng bại. Trong thể xác thô phàm đầy bản năng nhục dục của anh hàng thịt, hồn Trương Ba vốn trước đây nhân hậu, bản tính ngay thẳng, dần dần đổi khác: ham uống rượu, thích tiết canh, không còn đam mê cờ, thú chơi thanh cao, trí tuệ nữa. Nước cờ giờ không còn sự cao tay, linh diệu, đến mức bạn cờ Trương Hoạt phải cay đắng thốt lên: “Bác Trương ạ, tôi không hiểu nổi. Lối đánh của bác khác hẳn ngày xưa…. Cách tiến, cách thủ của bác bây giờ vụn vặt, tủn mủn, thô phũ. Mà cái nước ăn vừa rồi, nói xin lỗi bác, nó bần tiện làm sao!”.

Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba đau khổ, và càng khổ sở hơn nữa khi hồn không thể giải quyết được mâu thuẫn. Đây chính là thước đo bản chất bi kịch của hồn Trương Ba. Người ta chỉ thực sự bi kịch khi ý thức được bi kịch của mình. Hồn Trương Ba càng cố gắng bao nhiêu thì kết quả dường như càng tai hại bấy nhiêu. Nghịch cảnh đó được đẩy đến cao trào qua các lớp đối thoại – vốn là nền tảng của kịch giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt, với người thân và Đế Thích.

Tâm trạng của hồn Trương Ba đầy đau khổ. Hồn tìm cách chống lại cám dỗ của xác bằng cách muốn rời khỏi cái xác ấy: “Không, không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! – Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!”. Xác hàng thịt đâu dễ chịu lép vế trước hồn Trương Ba. Nó mạnh mẽ tấn công vào vô vàn điểm yếu của hồn: “Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục! Đâu phải lỗi tại tôi... Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cũng đáng được quý trọng chứ! Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới... Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi... Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác... Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ!”.

Vốn là người nhân hậu, sống đầy ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình, cũng như với những người xung quanh, nên hồn Trương Ba tỏ ra lung lạc trước những lập luận không phải không có lí nhưng rất quái gở của xác. Xác đồ tể nhận thấy điều đó, biết những cố gắng của hồn Trương Ba là không thể nên tiếp tục ép hồn thoả hiệp với mình và hài lòng sống cùng thân xác ấy. Lí lẽ mà xác đưa ra là cả hai đã hoà vào một rồi, không thể nào khác được: “Ông đừng nên tự dằn vặt làm gì! Tôi đâu muốn làm khổ ông, bởi tôi cũng rất cần đến ông. Thôi, đừng cãi cọ nhau nữa! Chẳng còn cách nào khác đâu! Phải sống hòa thuận với nhau thôi! Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!” Hồn Trương Ba nổi giận, khinh bỉ lập luận của xác hàng thịt nhưng cuối cùng cũng đành phải ngậm ngùi trở lại xác trong nỗi tuyệt vọng vô bờ.

Như vậy tuy được trả lại cuộc sống nhưng Trương Ba phải sống một cuộc sống bất như ý vì nó đang dần xấu đi, bị huỷ hoại bởi chính cái xác mà hồn mình trú ngụ. Một triết lí được trình xuất, khi con người chỉ sống trong môi trường thô phàm của cái thế giới vật chất ngự trị, thì tất sẽ bị nó chi phối. Làm thế nào để bảo toàn, hoàn thiện nhân cách, bảo toàn những giá trị văn hoá mà con người dốc sức vun đắp hàng ngàn năm nay là một vấn đề lớn.

Quay lại vào thể xác, hồn Trương Ba phải đối đầu với một xung đột khác. Bi kịch của hồn Trương Ba lúc này là bi kịch của sự không được thừa nhận. Hồn Trương Ba là người xa lạ trên cõi đời, xa lạ ngay trong chính gia đình mình. Trong hình hài anh hàng thịt và sự biến đổi ít nhiều tâm tính, hành động của hồn Trương Ba đã đưa đến những bất ổn giữa hồn và những người thân trong gia đình. Người vợ ngoan hiền của hồn do ghen tuông, không chịu cảnh hồn suốt ngày ở bên và chịu sự ỡm ờ của vợ xác hàng thịt nên muốn bỏ đi để hồn “thảnh thơi” với cô ta, bé Gái – cháu nội không nhận ông, thậm chí nó còn xua đuổi ông vì không chấp nhận hình dáng kẻ đồ tể ở ông… Cô con dâu, người vốn rất yêu quý, cảm thông với ông trước đây cũng cảm thấy bố chồng ngày một khác đi theo chiều hướng xấu, nhưng cũng không thể nào làm điều gì giúp ông được và dần dần cũng xa lánh nốt. Bi kịch gia đình là nút nhấn cuối cùng trong chuỗi xung đột kịch. Mất gia đình, ý nghĩa sống của hồn Trương Ba đâu còn nữa. Đỉnh điểm xung đột của trường đoạn kịch là hồn Trương Ba quyết không thể khuất phục trước xác nữa. Giải pháp của hồn là không cần cuộc sống do cái xác hàng thịt kia mang lại: “Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? Chẳng còn cách nào khác!, mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”.

Đối thoại với Đế Thích là lớp xung đột cuối cùng của kịch. Hồn Trương Ba kiên quyết chối từ, không chấp nhận cảnh sống như hiện tại. Đế Thích vô cùng ngạc nhiên khi hồn Trương Ba lại cứ đòi chết. Đế Thích cố khuyên hồn Trương Ba thoả hiệp với cuộc sống theo cách xác hàng thịt đã làm rằng cái thế giới người này vốn không trọn vẹn. Tuy nhiên, không những từ chối, hồn Trương Ba còn thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích. Lí lẽ của hồn là không thể nào chấp nhận được cuộc sống giả tạo. Ý nghĩa của sự sống là lòng trung thực với con người với vạn vật và cả với chính bản thân mình.

Lẽ ra vở kịch nên kết thúc ở chỗ hồn Trương Ba chết, anh hàng thịt chết, cu Tị chết, nhưng Lưu Quang Vũ rốt cuộc cũng không thể nào thoát ra được cái bóng cổ tích, bằng cách để hồn Trương Ba thuyết phục Đế Thích cho cu Tị, anh hàng thịt sống lại. Với hồn Trương Ba đấy là việc làm đúng. Và Đế Thích vốn dĩ và luôn là một ông tiên sống trên trời, xa rời thực tiễn trần gian nên đã làm theo lời hồn Trương Ba, trả hồn lại cho cu Tị. Hồn Trương Ba trong hành động này đã trở thành tiên Đế Thích. Không biết liệu cu Tị có rơi vào bi kịch như cách của hồn Trương Ba hay không?

Ngôn ngữ kịch luôn có xu hướng đi vào chiều sâu của triết lí. Những triết lí có tính gợi mở, tính hạ bệ, lột mặt nạ, giải thiêng thần thánh mà mục đích cuối cùng của nó là nhằm tôn vinh con người với những khát vọng, mơ ước rất đời thường. Tính chất giải thiêng này là sản phẩm của tư duy hậu hiện đại. Có thể Lưu Quang Vũ chưa tiếp cận với lí thuyết hậu hiện đại, nhưng bằng trực cảm thiên tài của một nhà văn, ông đã đi đúng con đường văn chương nhân loại lựa chọn.

Trong truyện dân gian, cốt truyện hồn Trương Ba còn hàm chứa tiếng cười sảng khoái và lạc quan trước việc người chết bỗng sống lại. Trong kịch Lưu Quang Vũ, tiếng cười đó dường như biến mất, hoặc nếu có thì cũng đã bị đổi sắc thái, chuyển thành tiếng cười của cái bi hài trái khoáy, hài hước đen. Cái tiếng cười đa trị được đặt trên nền của sự đổ vỡ, hỗn độn. Màn đối thoại mở đầu vở kịch giữa Nam và Bắc Đẩu trên thiên đình chất chứa tiếng cười bi đát về sự đổ vỡ. Diễn ngôn hậu hiện đại đâu còn chỉ một sự trang nghiêm để diễn tả khung cảnh trang nghiêm, mà đã sử dụng lối nói suồng sã của đời sống chen vào diễn ngôn mang tính văn chương thuần túy. Cách nói của các nhân vật trong kịch, tự nó đã cho thấy sự rối ren của thời đại, sự khốn đốn của con người trong sự lẫn lộn, tù mù trắng đen của xác và hồn.

Tính chất nước đôi trong lối nói của nhân vật cũng được vận dụng. Sau khi nghe hồn Trương Ba đòi được chết, lập luận về mục đích đánh cờ và tuyên bố không đánh cờ với mình, Đế Thích thốt lên: “Con người hạ giới các ông thật kì lạ”. Câu nói này không chỉ cười Đế Thích mê cờ đến mức xem đánh cờ là lẽ sống tối thượng của đời mình mà còn cười lũ người hạ giới không dám dâng hiến hết đời mình cho một mục đích, một môn nghệ thuật mình hằng yêu thích. Đây là dạng tiếng cười đa trị. Có thể cười bất kì đối tượng nào miễn kẻ đó có khả năng tư duy để nhận thức mọi sự cực đoan, mọi sự suy tôn hay hạ bệ, mọi chuẩn mực, chân lí,... rốt cuộc cũng chỉ là tương đối.

Khát vọng của hồn Trương Ba là khát vọng vươn đến cái chân thực, cái toàn vẹn tuyệt đối và sẵn sàng chấp nhận cái chết để bảo toàn, để vươn đến cái tuyệt đối đó. Ở góc độ này, hồn Trương Ba đứng cao hơn cả Đế Thích bởi đã dũng cảm nói lên tiếng nói bảo vệ chân lí cao quý của con người: sự trung thực, bảo vệ sự trọn vẹn nhân cách, trọn vẹn giá trị nhân sinh. Bằng cái chết của mình, hồn Trương Ba trở nên bất tử. Đấy là một nghịch lí, nhưng đấy cũng chính là con đường phục hưng của những giá trị nhân văn.

(Nguồn: Khoa văn học)

Xem thêm: Chuyện ít biết về 3 người đẹp lưu dấu trong trang thơ Lưu Quang Vũ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận