Kẻ "to gan lớn mật" nhất nhì sử Trung: Từ thân nô lệ đến hoạn quan uy quyền, giết Hoàng hậu, ép chết Hoàng đế

Hoạn quan Lý Phụ Quốc ngoại hình xấu xí, xuất thân thấp hèn nhưng lại có tham vọng lớn. Hắn vô cùng nham hiểm, dám khống chế hoàng đế, điều hành cả bộ máy quân sự nhà Đường.

Đỗ Thu Nga
17:12 26/01/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lý Quốc Phụ (704 – 8 tháng 11, 762) nguyên danh Lý Tính Trung (giai đoạn 757 - 758 lấy tên là Lý Hộ Quốc, thụy hiệu Bác Lục Xú vương). Phụ là hoạn quan phục vụ dưới triều nhà Đường (Trung Quốc).

Sử sách Trung Hoa chép, Lý Phụ Quốc sinh ra vào thời Hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Từ nhỏ gia đình bị tội nên ông bị bắt làm nô lệ, phải tịnh thân và phải lau dọn chuồng ngựa. 

Lý Phụ Quốc sinh ra đã mang ngoại hình xấu xí nên thường bị các thái giám lớn tuổi hơn chê bai. Song ông không cam chịu số phận thấp hèn, cố gắng dành thời gian để học chữ, vì thế có thể đọc và viết. Từ nhỏ, ông đã nuôi mọng trở thành nhân vật có quyền lực.

Những lúc nghỉ ngơi, Lý Phụ Quốc ra sức đọc sách, tìm hiểu cách quản lý, sắp đặt công việc trong cung. Ông cũng tỏ ra là người chăm chỉ, cần mẫn dù công việc bẩn thỉu, vất vả.

Hoan-quan-Ly-Phu-Quoc-va-chuyen-giet-Hoang-hau-ep-chet-vua
Tranh vẽ Lý Phụ Quốc

Đến năm 40 tuổi, Lý Phụ Quốc được Cao Lực Sĩ - hoạn quan quyền lực dưới thời Đường Huyền Tông để mắt, cất nhắc trở thành hoạn quan quản lý sổ sách trong cung đình. Không lâu sau, Lý Phụ Quốc được điều sang hầu thái tử Lý Hanh - người được chỉ định sau này sẽ lên ngôi Hoàng đế.

Nhờ chăm chỉ, cẩn thận và khéo léo sắp xếp công việc, Lý Phụ Quốc nhanh chóng được Lý Hanh tin tưởng, trở thành thân tín của Thái tử. 

Sử sách Trung Hoa chép, ở giai đoạn đầu khi Đường Huyền Tông nắm quyền, nhà Đường thịnh vượng, quốc lực dồi dào. Nếu cảnh thái bình tiếp tục, Lý Phụ Quốc dù tài giỏi đến đâu, cùng lắm cũng chỉ có thể trở thành 1 hoạn quan. Song thời thế đột ngột thay đổi đã tạo ra kẽ hở cho Lý Phụ Quốc chứng tỏ bản thân.

Năm 775, An Lộc Sơn - một viên tướng người Đột Quyết - làm phản, gây ra loạn An Sử nổi tiếng trong sử sách Trung Quốc. Quân An Lộc Sơn người đông, thế mạnh, đánh quân Đường thua chạy tan tác, chiếm  cả Lạc Dương - nơi được xem là kinh đô thứ 2 của nhà Đường. Mỹ nhân Dương Quý phi nổi tiếng cũng bị bức chết trong sự kiện lịch sử này.

Khi Đường Huyền Tông bỏ chạy, hương thân phụ lão đã khuyên nên trấn thủ Trường An, không để giặc chiếm kinh thành. Nhưng Đường Huyền Tông nhát gan, bèn căn dặn Lý Hanh ở lại vỗ về dân chúng. 

Đúng thời khắc nguy khốn, Lý Phụ Quốc khuyên Thái tử đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt, đó là thuận theo ý dân, không bỏ chạy về Thành Đô mà ở lại củng cố lực lượng, chống lại quân An Lộc Sơn. Lý Phụ Quốc cho rằng, nếu Hoàng đế và Thái tử cùng bỏ chạy, lòng dân ắt loạn. Khi đó, quân An Lộc Sơn nuốt trọn cơ nghiệp nhà Đường.

Hoan-quan-Ly-Phu-Quoc-va-chuyen-giet-Hoang-hau-ep-chet-vua-0
Hầu hết hoạn quan lộng quyền đều nhận cái kết thảm

Năm 756, An Lộc Sơn nổi lên chiếm được kinh đô Tràng An, Đường Huyền Tông chạy về Thành Đô, Lý Hanh được các đại thần đưa lên ngôi hoàng đế. Trong sáu năm trị vì, hoạt động chính trị chủ yếu của ông tập trung vào việc đánh dẹp loạn.

Tuy nhiên, do Túc Tông quá tin tưởng hoạn quan Lý Phụ Quốc, nên đến cuối đời ông, Lý Phụ Quốc đã trở thành quyền thân trong triều, mở ra nạn hoạn quan tham chính trong các triều đại tiếp theo.

Đến tháng 4/761, Thượng hoàng Đường Huyền Tông bị bệnh mà chết, Lý Hanh vô cùng đau buồn rồi mắc bệnh, mấy tháng trời không coi việc triều chính được.

Trương hoàng hậu triệu kiến Thái tử Lý Dự vào, nói: “Lý Phụ Quốc nắm cấm vệ quân đã lâu, quyền bính quá lớn, hắn chỉ sợ có ta và con, Nay bệ hạ bệnh nguy, hắn đang cấu kết với đám Trình Nguyên Chấn âm mưu làm loạn, cần phải ra tay giết chúng trước”.

Lý Dự rơi lệ mà rằng: “Phụ hoàng bệnh tình nghiêm trọng, việc này không thể bẩm báo với người. Nếu chúng ta tự ra tay giết Lý Phụ Quốc, phụ hoàng nhất định kinh sợ, không có lợi cho long thể. Con thấy chuyện này khoan hãy tính”.

Sau khi tiễn Thái tử về, Trương hoàng hậu truyền gọi con thư là Việt Vương Lý Hệ vào cung thương nghị. Lý Huệ lập tức lệnh cho hoạn quan Đoàn Hằng Tuấn chọn lựa trong đám thái giám 200 người khỏe mạnh, cấp phát binh khí, chuẩn bị hành động.

Song trong đám thái giám có kẻ báo cho Lý Phụ Quốc. Thế là Lý Phụ Quốc và Trình Nguyên Chấn dẫn theo đồng đảng theo cửa Lăng Tiêu vào thám thính tình hình, gặp đúng lúc Lý Dự cũng định vào cung thăm phụ hoàng.

Lý Phụ Quốc cũng nói dối là trong cung có biến, ngăn chặn Thái tử vào cung rồi lệnh cho đồng đảng cưỡng bức đưa Lý Dự vào điện Phi Long giam lỏng. Sau đó, Lý Phụ Quốc giả truyền mệnh lệnh của Thái tử Lý Dự huy động cấm quân vào cung bắt đám Lý Hệ, Đoàn Hằng Tuấn tống giam.

Trương hoàng hậu nghe tin có biến, vội chạy vào tẩm cung của Đường Túc Tông lẩn trốn. Lý Phụ Quốc dẫn quân đuổi vào tẩm cung, ép hoàng hậu phải ra.

Trương hoàng hậu không nghe theo, cầu cứu hoàng đế cứu mạng. Lúc này Túc Tông sợ quá, nói không thành lời. Lý Phụ Quốc thừa cơ lôi hoàng hậu ra ngoài cung, hoàng đế Túc Tông thấy vậy quá kinh hãi mà chết.

Sau khi Túc Tông chết, Lý Phụ Quốc giết chết cả Trương hoàng hậu lẫn hai hoàng tử Lý Hệ, Lý Giản rồi đưa Lý Dự lên ngôi, tức Đường Đại Tông.

Đường Đại Tông trong lòng tức giận nhưng không dám phản kháng. Lý Phụ Quốc thấy vua sợ mình thì càng kiêu căng, tác oai tác quái hơn. Song hoạn quan họ Lý không nhận ra mối nguy lớn đang nhắm vào tính mạng.

Theo Tư trị thông giám, để lấy lòng Lý Phụ Quốc, Đường Đại Tông ban đầu phong ông làm Trung thư lệnh (tương đương chức Tể tướng). Tuy nhiên, đây thực chất cỉ là chiêu bài để tước dần quyền lực quân sự của Lý Phụ Quốc.

Đến năm 762, Đường Đại Tông dựa vào sự ủng hộ của nhiều đại thần trung thành đã tuyên bố cách chức Hành tư quân mã và Binh bộ thượng thư của Lý Phụ Quốc. Lo hoạn quan này làm loạn, vua còn ép ông ra ở phủ đệ bên ngoài hoàng thành. Liên lạc giữa Lý Phụ Quốc và các quan khác bị kiểm soát gắt gao.

Trúng chiêu, Lý Phụ Quốc lúc này tuổi đã cao không dám phản kháng nên đành dâng sớ xin từ chức. Vua Đường chấp nhận. Nhưng để xoa dịu, Đường Đại Tông phong ông làm Bác Lục vương.

Tháng 11/762, có thích khách đột nhập vào phủ Lý Phụ Quốc, chặt đầu viên hoạn quan này rồi trốn đi. Đường Đại Tông chỉ điều tra qua loa rồi đình chỉ án. Theo các nhà nghiên cứu, người đứng sau không ai khác chính là Đại Tông. 

Song cũng có giả thuyết cho rằng, Đại Tông ra lệnh ám sát Lý Phụ Quốc để trả thù cho 2 vị hoàng đế tiền nhiệm nhưng không muốn kinh động đến thế lực hoạn quan trong triều.

Xem thêm: Hoạn quan duy nhất trong lịch sử Trung Quốc lên ngôi hoàng đế: Hậu duệ là nhân vật lừng lẫy thời Tam Quốc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận