H&M làm ăn thế nào tại thị trường Việt Nam trước khi bị tẩy chay?
Việt Nam là "miếng bánh béo bở" của thương hiệu thời trang H&M, khi mà cứ thu 10 đồng thì họ lãi đến 6 đồng.
H&M là thương hiệu thời trang Thụy Điển do ông Erling Persson thành lập năm 1947 ở Vaesteras. Thương hiệu này chuyên kinh doanh các sản phẩm thời trang cho mọi đối tượng từ đàn ông, phụ nữ, thanh niên cho đến trẻ em.
Nhãn hàng này từng hợp tác với nhiều nhà thiết kế nổi tiếng như Karl Lagerfeld, Stella McCartney, Alexander Wang... Họ cũng hợp tác với các ngôi sao hàng đầu như Madonna, Beyonce...
Sau gần 70 năm thành lập, H&M đã có mặt tại 58 quốc gia với 94.000 nhân viên, 800 nhà máy, 3.500 cửa hàng và là công ty thời trang lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Inditex Tây Ban Nha (công ty mẹ của Zara).
Tại Việt Nam, H&M sở hữu 12 cửa hàng tại Việt Nam, gồm 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 cửa hàng ở TPHCM và 3 cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Hạ Long.. H&M Việt Nam được đánh giá là có tốc độ mở điểm bán thuộc hàng nhanh nhất của H&M toàn cầu.
Cửa hàng đầu tiên của H&M tại Việt nam được mở vào tháng 9/2017 đã thu hút một lượng khách Việt rất lớn. Chỉ sau 2 tháng, H&M tiếp tục mở cửa hàng ở Hà Nội và cũng thu hút rất đông khách hàng trẻ.
Theo dữ liệu có được, dù vào Việt Nam từ tháng 9/2017 nhưng doanh thu của H&M trong năm là 227 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 152 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp lên tới 67%. Song lợi nhuận trước và sau thuế của H&M chỉ là 13 tỷ đồng và 10 tỷ đồng cho thấy chi phí bán hàng và chi phí quản lý chiếm tỷ trọng rất lớn.
Đến năm 2018, doanh thu của H&M tại thị trường Việt nam tăng gấp 3 lần, lên đến 763 tỷ đồng. Sang năm 2019, doanh thu tiếp tục tăng lên 1.116 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của năm 2018 và 2019 tăng hơn nhiều so với năm 2017 nhưng cũng ở mức rất thấp, là 11 tỷ đồng và 57 tỷ đồng trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định ở mức 65-66%.
Mặc dù có lợi thế tại thị trường nhưng H&M lại rơi vào tình cảnh khốn đốn ở thị trường thế giới. Tại Nam Phi, toàn bộ cửa hàng H&M phải đóng cửa vì lỗi quảng cáo phân biệt chủng tộc.
Khi đó, H&M đã tung một quảng cáo có 2 cậu bé da màu mặc chiếc áo nỉ chui đầu có in trước ngực chữ "coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: "chú khỉ ngầu nhất rừng xanh"). Quảng cáo này gây lên làn sóng biểu tình phản đối, tẩy chay H&M dữ dội.
Vào năm 2018, H&M lại khốn khổ khi tình trạng tồn kho đạt kỷ lục lên tới 4,3 tỷ USD do hàng không bán được. Rất nhiều ý kiến cho rằng, các thiết kế của H&M lỗi thời, không có tính cạnh tranh.
Đến năm 2020, H&M tiếp tục khổ sở vì dịch COVID-19 hoành hành. H&M đã phải đóng cửa hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới. Đây là tình trạng chung của H&M và nhiều hãng thời trang khác.
Đến năm 2021, H&M gặp rắc rối nghiêm trọng tại thị trường Trung Quốc. Người tiêu dùng ở quốc gia tỷ dân tẩy chay H&M sau tuyên bố không nhập bông của Tân Cương. Các nền tảng bán hàng trực tuyến như taobao.com hoặc JD.com đã không còn từ khóa H&M hay HM nữa. Các ứng dụng điện thoại như Xiaomi, Huawei và Vivo cũng đã bị xóa trắng H&M. Trong khi đồ Baidu và Dianping.com cũng bị chặn kết quả tìm kiếm sản phẩm của nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển.
Mới đây H&M đăng tải bản đồ Trung Quốc không có đường lưỡi bò và bị cư dân mạng phát hiện. Ngay lập tức, Văn phòng Thông tin Internet Thành phố và Cục Quy hoạch và Tự nhiên Thành phố Thượng Hải đã thông báo cho phía đại diện của H&M và muốn họ sửa lại bản đồ. Và H&M đương nhiên đồng ý.
Phía H&M đã đăng tải lại hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò. Và ngay lập tức CĐM Việt Nam dậy sóng phẫn nộ, đồng lòng tẩy chay thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.
Người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, việc H&M đăng tải đường lưỡi bò chính là một trong những hành vi phi lý, không trung lập. Người Việt đanh thép đáp trả H&M và Trung Quốc: "Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận