NLXH 200 chữ: Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người, trừ chính bạn
“Bạn hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình”, ý kiến của Joubert đã để lại trong ta nhiều điều suy ngẫm.
Hiền dịu bao dung với mọi người là khi nụ cười luôn nở trên môi, ta hòa đồng, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, khoan dung cho những lỗi lầm đã được sửa chữa, thân thiện, chân thành trong các mối quan hệ xã hội. Đó là một lối sống đẹp bởi qua đó ta sẽ dễ dàng tiếp xúc và học hỏi được nhiều điều hay, nhận lại những tình cảm tốt đẹp từ mọi người và trong thâm tâm ta sẽ luôn được thanh thản, an yên. Thật vậy, những câu chuyện thực tế là minh chứng thiết thực cho bài học cuộc sống ấy. Phan Thị Kim Phúc, “em bé Napalm” trong bức ảnh gây chấn động thế giới về chiến tranh VIệt Nam, đã phải chịu những vết thương sâu sắc cả về thể xác lẫn tinh thần. Khi trưởng thành, Kim Phúc đã tha thứ cho những người ở bên kia chiến tuyến, những kẻ đã trực tiếp gây ra những nỗi đau cho cô. Tôi vẫn còn nhớ câu nói đầy bao dung của cô gái này: “Sự tha thứ giải thoát tôi khỏi lòng thù hận. Vẫn còn nhiều vết sẹo trên thân thể tôi, và sự đau đớn vẫn kéo dài trong nhiều ngày, nhưng tâm tôi nay đã được an lành”. Bạn có thể hiền dịu bao dung với người khác nhưng nếu bạn cũng áp dụng thái độ đó với bản thân, sống lối sống buông thả thì đó là con đường nhanh nhất dẫn đến thất bại.
Ở đây Joubert muốn khuyên nhủ mọi người hãy sống nghiêm khắc với bản thân, kiên quyết nói không với những cám dỗ xung quanh, nghiêm túc nhìn nhận những lỗi lầm và không được phép tái phạm. Sống có kỉ luật là sống có trách nhiệm với chính bản thân mình. Nếu không nghiêm túc rèn luyện, nghiêm khắc với chính bản thân thì vận động viên bơi Ánh Viên đã không thể đạt được những thành tích vang dội như hiện nay. Nếu cứ dễ dãi với bản thân, không nghiêm khắc chửa chữa những lỗi lầm thì anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp làm sao có thể liên tiếp xác lập những kỉ lục mới. Cuộc sống này có vô vàn điều tốt đang chờ đón bạn, hãy bao dung và mở lòng đón nhận, sống chan hòa với mọi người. Nhưng cũng không ít cái xấu xa đang rình rập, hãy cố gắng giữ mình và thật nghiêm khắc với bản thân. Với những thông điệp tích cực được truyền tải, tôi đồng ý với quan điểm của Joubert: “Bạn hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình”.
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: Sống như một hạt mầm, dám vươn mình lên cao
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận