Hành trình tìm lại đôi chân diệu kỳ của cậu bé dân tộc Nùng được báo Úc gọi là "Lucky boy"
Nhờ lòng tốt của chị Mai Vy mà cậu bé Lù Văn Chiến (dân tộc Nùng) đã có một cuộc sống hoàn toàn mới...
Cách đây 4 năm, câu chuyện về cậu bé Lù Văn Chiến (dân tộc Nùng) có đôi chân còi cọc, chỉ có thể di chuyển bằng cách bò lết nửa người đã từng lấy đi nước mắt của rất nhiều người. Những tưởng cuộc sống của em sẽ mãi là bóng đen u tối, nhưng nhờ tấm lòng của các mạnh thường quân, em đã có một cuộc đời tươi sáng hơn, một gia đình đầy đủ và hơn hết là đôi chân lành lặn.
VTV đăng tải câu chuyện của Lù Văn Chiến (sinh năm 2012), ở vùng núi cao heo hút thuộc xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Em cùng bà nội sống trong căn nhà lụp xụp ở huyện vùng sâu vùng xa Hoàng Su Phì. Bà Ly Thị Chích – bà nội của Chiến kể lại những ngày tháng mới chào đời của đứa cháu kém may mắn: “Chiến của bà mới sinh ra đã mang dị tật ở chân. Hai bàn chân nó nhỏ xíu. Mẹ nó thấy vậy lẳng lặng bỏ đi biệt tích. Bố nó thì không quan tâm, bảo vứt nó đi. Nhưng bà vẫn quyết tâm giữ lại nuôi”.
Với đôi chân teo tóp, cậu bé Lù Văn Chiến vẫn vượt bao khó khăn để đến lớp cùng chúng bạn. Cho đến một ngày vào 4 năm trước, bức hình của Chiến được một thầy giáo đăng tải lên mạng xã hội. Hình ảnh cậu bé gầy gò có đôi chân bị teo nhỏ, đang lê lết nửa người dưới đất, nhọc nhằn bò theo các bạn, áo quần lúc nào cũng bê bết bùn đất đã khiến biết bao người thương cảm.
Kể từ đó, rất nhiều những mạnh thường quân đã kết nối với nhau, mong muốn được giúp cậu bé kém may mắn này. Chị Trần Mai Vy – một giáo viên dạy tiếng Anh ở thành phố Kon Tum, dù chưa một lần đặt chân đến Hà Giang nhưng vì quá đồng cảm với cậu bé này nên đã lặn lội đến tận nơi để kết nối với vị bác sĩ ở Úc, giúp Chiến chữa lành đôi chân.
Đến ngày 25/11/2019, Chiến được chị Mai Vy đưa sang Úc để tiến hành phẫu thuật. Bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật của Chiến chia sẻ với VTV: “Ca mổ của bé rất là phức tạp. Thời gian trong phòng mổ cả 2 chân là 6 tiếng”.
May mắn nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, ca phẫu thuật của Chiến đã thành công ngoài mong đợi. Khi ấy, chị Mai Vy như thở phào nhẹ nhõm. Được chị Mai Vy chăm sóc, đồng hành trong suốt khoảng thời gian ấy, Chiến trở nên thân thiết và gọi người phụ nữ tốt bụng này là mẹ. Trở về Việt Nam, chị Mai Vy quyết định nhận Chiến làm con nuôi, để em có điều kiện tốt nhất tập phục hồi chức năng cho đôi chân.
Khi ấy, chồng chị Mai Vy dù cũng rất yêu thương Chiến nhưng anh còn đắn đo bởi gia đình cũng có một người con bị bệnh, sợ vợ không đủ sức cáng đáng, quán xuyến hết. Thế nhưng trước sự quyết tâm của vợ, cuối cùng người chồng cũng đồng ý.
Sau 4 năm, nhờ sự cố gắng, nỗ lực của hai mẹ con, Chiến đã tìm lại được đôi chân lành lặn và hơn hết là sống hạnh phúc bên người mẹ nuôi đã mang lại cuộc đời thứ 2 cho em. Chiến hạnh phúc kể với VTV: “Bây giờ con đã có thể đá bóng, chơi xe đạp cùng các anh. Điều ước của con đã trở thành hiện thực”.
Còn nhớ ngày Chiến đứng vững trên đôi chân, chập chững những bước đầu tiên ở tuổi lên 7, cả nhà lặng đi vì hạnh phúc. 7 tuổi, lần đầu tiên được đi giày, Chiến vui quá nên đi cả giày lên giường ngủ, gương mặt sáng ngời, quấn quýt mọi người. Chị Mai Vy bảo, dù cuộc sống có khó khăn thế nào, chị cũng sẽ cố gắng vì các con.
Sống tại thành phố Kon Tum cùng mẹ Vy, em được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác, cậu bé không còn phải lết đôi chân đi tìm con chữ nữa. Hơn thế, em tiếp thu bài nhanh, sáng dạ vô cùng.
Vào kỳ nghỉ hè, mẹ Mai Vy lại đưa Chiến trở về quê nhà ở Hà Giang, thăm bà nội, họ hàng và những người bạn đã từng cõng em đến trường. Ai cũng xúc động khi nhìn thấy Chiến giờ đây đã có thể chạy nhảy, nô đùa trên chính đôi chân của mình.
Cậu bé có đôi mắt sáng kể về ước mơ của mình trong tương lại khi đã có một đôi chân khỏe mạnh: “Con mong sẽ trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho mọi người đặc biệt là những người bị khiếm khuyết giống như con”.
Thực sự câu chuyện của Lù Văn Chiến là một hành trình kỳ diệu của lòng nhân ái, là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Mong rằng ước mơ của cậu bé dân tộc Nùng sẽ thành hiện thực để em có thể là cầu nối, lan tỏa lòng tốt, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
(Theo Thể thao & Văn hóa)
Xem thêm: Nữ sinh "không chân" và hành trình bước vào giảng đường đại học đầy diệu kỳ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận