Nữ sinh "không chân" và hành trình bước vào giảng đường  đại học đầy diệu kỳ

Gia đình chỉ nghĩ Thùy đi học cho vui, nhưng thật không ngờ, cô bé khuyết tật nơi cửa biển Diêm Phố có thể chiến thắng số phận, thẳng bước tiến vào giảng đường đại học. 

Đỗ Thu Nga
08:00 01/09/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Em sinh ra đã không được như các bạn cùng trang lứa..."

Theo Thanh Niên, gia đình 5 thành viên của nữ sinh Nguyễn Thị Thùy (ngụ tại thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa - học sinh Trường THPT Hậu Lộc 4) đang sinh sống trong căn nhà 50m2 nằm lọt thỏm trong con hẻm rộng chưa đầy sải tay ở xã Ngư Lộc - nơi có mật độ dân số lớn nhất Việt Nam.

Những ngày cuối tháng 8, Thùy đang tất bật chuẩn bị hành trang nhập học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội. Bên cạnh đó, Thùy cũng dành thời gian để giúp đỡ mẹ dọn dẹp nhà cửa, nhặt rau, nấu cơm. 

Chuyen-ve-nghi-luc-phi-thuong-cua-nu-sinh-khuyet-tat-Nguyen-Thi-Thuy
Chứng cứng cơ đa tạng khiến Thùy không di chuyển bằng chân được

Được biết, Thùy bị chứng cứng đa khớp khiến đôi chân co quắp không thể đi lại bình thường được. Hàng ngày, Thùy phải dùng tay để thay chân di chuyển.

Mặc dù mang khiếm khuyết trên cơ thể nhưng Thùy rất hiếu học. Ngày ngày, em được mẹ chở bằng xe đạp đến trường. 

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Thùy đăng ký khối C00 với ước mơ làm cô giáo. Kết quả, em đạt tổng điểm 25,5 (môn văn 8,75 điểm, lịch sử 8,5 điểm và địa lý 8,25 điểm). Tuy nhiên, mới đây Thùy thay đổi nguyện vọng, đăng ký xét tuyển học bạ và trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội.

Chuyen-ve-nghi-luc-phi-thuong-cua-nu-sinh-khuyet-tat-Nguyen-Thi-Thuy-8
Đôi chân "không thể dùng" của Thùy

Thúy chia sẻ: "Em sinh ra đã không được như các bạn cùng trang lứa, không thể đi lại bằng chân được, nhưng càng lớn, em thấy cảnh bố vất vả đi biển triền miên, mẹ nắng mưa đi mổ cá thuê khiến em càng quyết tâm học tốt để có công việc, thu nhập ổn định. Các năm học cấp 2, cấp 3 em đều là học sinh khá và giỏi. Em biết chương trình đại học sẽ khó khăn và vất vả hơn nữa, nhưng em sẽ quyết tâm học thật tốt để không phụ công mọi người”.

Hành trình học tập của Thùy thực sự là một kỳ tích. Thùy không học tiểu học như bạn bè cùng trang lứa mà tham gia lớp học tình thương do một giáo viên ở trong xã dạy. Năm 11 tuổi, em được đặc cách vào lớp 6 ở trường THCS Ngư Lộc. Kể từ đó, Thùy luôn là học sinh khá, giỏi.

Chuyen-ve-nghi-luc-phi-thuong-cua-nu-sinh-khuyet-tat-Nguyen-Thi-Thuy-0
Dù khuyết tật nhưng Thùy vẫn giúp được mẹ việc nhà, rửa rau, nấu cơm

Tâm sự với tờ Thanh Niên, bà Bùi Thị Tới (52 tuổi, mẹ của Thùy) cho biết: Khi con lên 8 tuổi, gia đình chỉ nghĩ cho đi học lớp tình thương cho vui, biết được chữ nào hay chữ đó chứ không nghĩ tới chuyện theo học hết cấp này đến cấp khác.

“Đến bây giờ, sau 10 năm đưa đón, cháu nó đã học xong cấp 3 và sắp đi học đại học rồi. Nghĩ lại như một giấc mơ vậy. Bây giờ vừa mừng lại vừa lo, ra ngoài trường đại học chắc tôi sẽ không theo cháu suốt hành trình học tập được. Tôi cũng dự định mấy hôm nữa đi cùng cháu ra trường, ở cùng cháu thời gian đầu cho quen trường, quen bạn, rồi sau đó nhờ nhà trường hỗ trợ để cháu có thể ở lại học tập một mình”, bà Tới nói.

"Em chỉ mong sao sớm kiếm được tiền để bố mẹ đỡ vất vả thôi”

Được biết, gia đình Thùy thuộc diện hộ cận nghèo của xã.  Trong gia đình, không chỉ Thùy kém may mắn mà người anh cả của em cũng không được như người khác. Anh không thể lao động kiếm tiền dù đã trưởng thành. Còn người anh thứ hai thì đang đi làm thuê làm mướn ở Hà Nội.

Gánh nặng kinh tế trong gia đình bao năm qua đồ hết lên đôi vai gầy của người bố năm nay đã 57 tuổi. Để duy trì gia đình, ngày nào ông tất bật đi biển thuê từ ngày này qua tháng khác. Còn mẹ của Thúy, vừa phải lo cơm nước vừa phải chăm sóc con. Mỗi tháng chỉ tranh thủ được ít thời gian đi mổ cá kiếm thêm được 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Chuyen-ve-nghi-luc-phi-thuong-cua-nu-sinh-khuyet-tat-Nguyen-Thi-Thuy-6
Thùy luôn khát khao học thật nhanh để ra đời kiếm việc, kiếm tiền tự nuôi bản thân nhằm giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Thúy luôn khát khao nhanh học xong đại học để ra đời tìm công việc ổn định, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.  

“Trước em mong muốn làm cô giáo, nhưng em mới quyết định học ngành công nghệ thông tin để sau này có thể làm công việc văn phòng, ít phải di chuyển, phù hợp với em hơn. Em chỉ mong sao sớm kiếm được tiền để bố mẹ đỡ vất vả thôi”, Thùy nói.

Nghị lực vượt qua nghịch cảnh, số phận của nữ sinh Nguyễn Thị Thùy ở huyện đảo Ngư Lộc quả thực là tấm gương sáng để các bạn trẻ noi theo, nhất là những người đang gặp hoàn cảnh như Thùy. 

Biết rằng, hành trình phía trước của Thùy vẫn còn nhiều gian truân nhưng rất mong Thùy vẫn giữ vững phong độ để phấn đấu vươn lên. Cũng rất mong, cộng đồng có thể biết đến hoàn cảnh của Thùy, hỗ trợ để em vững vàng hơn trên giảng đường đại học.

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Nghị lực phi thường ẩn sau cơ thể yếu ớt của nữ sinh xương thủy tinh Nguyễn Thị Thúy Hòa

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận