Người lính chán ghét chiến tranh từng 'bẻ tên cởi giáp', trở thành danh y lỗi lạc của Đại Việt là ai?

Ở buổi loạn lạc Trịnh - Nguyễn phân tranh, có một người con của đất Việt sớm nhận rõ bản chất phi nghĩa của chiến tranh nên đã quyết định "bẻ tên cởi giáp" trở về theo đuổi nghiệp y học cứu người. Sau này ông được nhân dân ca tụng là bậc thần y.

Đỗ Thu Nga
09:00 23/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chuyện "bẻ tên cởi giáp" của bậc thần y

Lê Hữu Trác (tên hiệu Hải Thượng Lãn Ông, 12 tháng 11,1720 - 8 tháng 3,1791) có tên cúng cơm là Huân, biểu tự Cận Như, bút hiệu Quế Hiên, Thảo Am, Lãn Ông, biệt hiệu cậu Chiêu Bảy. Ông là người xóm Văn Xá, hương Liễu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Phần lớn cuộc đời ông sống và thành danh tại quê mẹ thuộc xứ Bầu Thượng (xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Sử chép, dòng tộc nhà ông có truyền thống khoa bảng, ông nội, bác, chú (Lê Hữu Kiều), anh và em họ đều là Tiến sĩ và làm quan to. Thân phụ của ông là Lê Hữu Mưu từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư (năm Kỷ Mùi 1739). 

Năm 20 tuổi, Lê Hữu Trác rời kinh về quê nhà, vừa trông nom chuyện gia đình vừa chăm chỉ đèn sách mong nối nghiệp gia đình, lấy đường khoa cử để tiến thân. Nhưng xã hội bấy giờ rơi vào cảnh rối ren, các phong trào nông dân nổi lên.

hai-thuong-lan-ong-la-biet-hieu-cua-vi-than-y-nao-0

Chỉ sau 1 năm (1740), ông bắt đầu nghiên cứu binh thư và võ nghệ, gác chuyện đèn sách văn thơ. "Nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình" (tựa "Tâm lĩnh"). Ông đem gươm tòng quân và được tướng nhà Trịnh nhiều lần đề bạt khen thưởng. 

Tuy vậy, khi tận mắt chứng kiến chiến tranh gây ra đau thương chết chóc, ông chán nản nên đã nhiều lần từ chối đề bạt. Chẳng bao lâu sau, ông nhận ra xã hội thối nát, chiến tranh chỉ tàn phá và mang bao đau thương, làm ông chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên đã nhiều lần từ chối sự đề bạt. 

Đến năm 1746, nhân khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội, thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng mới.

Trong thời gian này, ông vô tình mắc căn bệnh quái ác bị lây nhiễm trong quân ngũ mà không hề hay biết. Đến khi phát hiện ra thì bệnh tình đã trở nặng, chạy chữa khắp nơi mà bệnh chẳng dứt.

Mãi sau này, khi gặp lương y Trần Độc - người nổi tiếng cả vùng Hoan Châu (Nghệ An bây giờ) đồng thời là bậc lão nho, học rộng biết nhiều về y học nhiệt tình chữa trị nên đã khỏi bệnh. Không chỉ vậy, vị lương y tâm tốt này còn đem hết cái hiểu thấu về y học truyền cho Lê Hữu Trác và mối lương duyên với y học cũng xuất phát từ đấy.

40 năm "ở ẩn" nghiên cứu y học cứu người

Trong thời gian hơn 1 năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi Lê Hữu Trác thường xem "Phùng thị cẩm nang", hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh học rộng, ông nhanh chóng hiểu sâu ý lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ có lợi cho mình mà hữu ích với đời. Vì lẽ đó mà ông quyết chí học y.

Ở quê mẹ Hương Sơn, Lê Hữu Trác dựng một căn nhà ở cạnh rừng, đặt tên là "Hải Thượng Lãn ông". Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xứ Bầu Thượng quê mẹ. "Lãn ông" nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó.

hai-thuong-lan-ong-la-biet-hieu-cua-vi-than-y-nao-7

Hơn 40 năm ở ẩn, mặc dù tự nhận mình là "Lãn Ông" - ông già lười nhưng thật sự đó là những năm tháng lao động, làm việc cần cù nhất, tâm huyết nhất và cũng đầy sáng tạo nhất của Lê Hữu Trác. Cùng với chữa bệnh cứu người, ông đã miệt mài đọc sách, nghiên cứu về y thuật, y lý, tìm kiếm, khảo cứu, điều chế các loại dược liệu trong vùng, tổng hợp, sáng tạo ra nhiều bài thuốc dân gian, nhiều cách chữa bệnh đơn giản, hiệu quả.

Vào ngày 12 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782), chúa Trịnh triệu ông về kinh chữa bệnh. Gắng xong bổn phận, ông cáo xin về quê ngoại để tiếp tục sự nghiệp cứu người; bổ sung bộ 'Y tông tâm lĩnh', viết thêm tác phẩm 'Thượng kinh ký sự'... Ông thanh thản ra đi đúng vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi - 1791. 

Tương truyền, trước khi lâm chung, ông dặn con cháu thả một cánh diều ông thường chơi và buộc ở góc nhà, diều rơi ở đâu thì táng ông ở đấy. Có lẽ vì vậy nên núi Minh Tự nơi có ngôi mộ ông ở xã Sơn Trung, Hương Sơn từ lâu nay  được nhân dân trong vùng gọi là núi Cánh Diều.

Cuộc đời và sự nghiệp của "Hải Thượng Lãn Ông" Lê Hữu Trách giống như một viên ngọc quý, càng mài càng sáng. Trước hết đó là một đại danh y với học vấn uyên thâm, am tường thiên văn, địa lý, hiểu sâu thời vận, không ngại gian khổ, cần cù, độc lập, sáng tạo nghiên cứu y học. Suốt cuộc đời làm thuốc, ông đã cất công sưu tầm, phát hiện, bổ sung 300 vị thuốc nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian. Sau hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu và tận tụy chữa bệnh cứu người, ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản quý giá, đặc biệt là bộ sách 'Y tông tâm lĩnh' được khắc in vào năm 1885, gồm 28 tập, 66 quyển. 

Những tác phẩm đồ sộ ấy đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền Phương Ðông và y học cổ truyền Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của bản thân, xây dựng thành hệ thống toàn bộ Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học nước nhà. Những trước tác mà đại danh y để lại chính là bộ giáo khoa kinh điển mẫu mực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau.

hai-thuong-lan-ong-la-biet-hieu-cua-vi-than-y-nao-9

Chín điều 'Y huấn cách ngôn' chính là khuôn phép, nguyên tắc của người hành nghề y dược; tám chữ: Nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn và cần cù mãi là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính. Cùng với thời gian, những lời di huấn đó ngày càng tỏa sáng trong tâm hồn các thế hệ thầy thuốc: 'Ðạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công'.

Cuộc đời 70 mùa xuân của Hải Thượng Lãn Ông, với 44 năm sống, làm thuốc, chữa bệnh cứu người trên quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh, với tài cao, đức rộng, cốt cách thanh tao, Lê Hữu Trác đã trở thành một danh nhân văn hóa, một thiên tài kiệt xuất của nền y học cổ truyền Việt Nam...

Xem thêm: Truyền thuyết thần tướng hiển linh cho danh tướng mượn thuyền đánh giặc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận