Du lịch trách nhiệm - xu hướng mới của người trẻ: Mang đến niềm vui, mang về kỷ niệm
Đi du lịch nhưng không gây hại cho thiên nhiên, môi trường, thậm chí còn mang đến những tác động tích cực... Đó là xu hướng du lịch trách nhiệm của người trẻ hiện nay.
Mang đến niềm vui, mang về kỷ niệm
Phan Quốc (31 tuổi) là một blogger du lịch có hàng trăm nghìn người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Năm 2018, anh có dịp đi đến các đảo nhỏ ở Philippines, Indonesia. Khi ngồi trên tàu, các thuyền viên luôn nhắc nhở du khách rằng đến đảo tay không, rời đi cũng bằng tay không. Điều này làm Quốc vô cùng ấn tượng vì cảm nhận được người dân bản địa coi trọng việc bảo tồn thiên nhiên.
10 năm qua, Quốc đã đi du lịch hơn 40 nước trên thế giới và thấy được xu hướng du lịch có trách nhiệm đang dần phát triển hơn. Quốc chia sẻ: "Mình yêu thiên nhiên, có thói quen tiện tay nhặt rác trên đường đi, và luôn cố gắng đến một nơi khi rời đi sẽ để lại nguyên trạng như ban đầu. Đây cũng là cách mà nhiều nơi làm du lịch đang hướng tới".
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết hoạt động du lịch có thể gây ra ô nhiễm, tăng trưởng không kiểm soát và khai thác tài nguyên quá mức. Việc sử dụng quá mức các dịch vụ du lịch, vật liệu nhựa và chất độc hại có thể ảnh hưởng đến sự sống của các loài động vật và thực vật. Việc phá hủy môi trường tự nhiên trong các khu bảo tồn động vật hoang dã cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Theo bà Ánh Hoa, du lịch trách nhiệm nhằm tối thiểu hóa tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường, văn hóa và kinh tế địa phương. Các hoạt động du lịch đi cùng với bảo vệ tài nguyên tự nhiên, tôn trọng văn hóa địa phương, đem lại lợi ích kinh tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Cũng theo bà Ánh Hoa, thời gian qua, TP.HCM ghi nhận có nhiều du khách trẻ đến trồng cây xanh và quan tâm sâu đến việc mang lại lợi ích cộng đồng. Các dịch vụ du lịch tại TP.HCM cũng đang chuyển sang phục vụ du khách theo xu hướng có trách nhiệm, tăng cường sử dụng vật liệu, dụng cụ thân thiện môi trường.
Dùng mạng xã hội để lan tỏa điều tốt đẹp
Đặng Đức Tuấn (30 tuổi) là đồng sáng lập dự án du lịch trách nhiệm A Little Vietnam - du lịch kết hợp phát triển các địa phương. Nhiều năm trước, Tuấn chỉ là người đi du lịch đơn thuần, đến tham quan, tìm hiểu rồi rời đi. Nhưng đến năm 2018, trong một chuyến đi Đắk Lắk, Tuấn thấy những chú voi phải chở 4 - 5 người, thêm một chiếc ghế bành trên lưng, trông rất tội nghiệp.
Từ đó, Tuấn bắt đầu đẩy mạnh những kênh truyền thông cá nhân để nói lên vấn nạn này. "Mình đăng rất nhiều vào các hội nhóm du lịch và cũng có nhiều người hưởng ứng theo. Mãi đến những năm gần đây, nạn cưỡi voi mới chính thức dừng lại. Nhưng nếu không ai lên tiếng, chắc chắn sẽ khó có ngày hôm nay", Tuấn nói.
Để tiếp nối khái niệm du lịch trách nhiệm, trong năm 2022, Tuấn cùng bạn bè đã thực hiện một hành trình du lịch hết 63 tỉnh thành và trồng khoảng 1.500 cây xanh. Đối với Tuấn, du lịch có trách nhiệm không khó, nhưng cũng không dễ dàng. Vì vậy mỗi du khách, đặc biệt là người trẻ, đều nên bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất, như: bỏ rác đúng nơi quy định, có ý thức bảo vệ động vật, tôn trọng di sản và văn hóa địa phương nơi mình đến.
Qua 4 năm làm trong ngành du lịch cộng đồng, anh Trương Xuân Dũng (33 tuổi), ngụ tại TT.Măng Đen, H.Kon Plông (Kon Tum), khẳng định du khách có những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đến du lịch. Hiển nhiên du khách đến Măng Đen nhiều sẽ mang lại nguồn kinh tế cho địa phương, người dân. Tuy nhiên theo anh Dũng, vẫn có một số bạn không có ý thức bảo vệ thiên nhiên, xả rác thải nhiều gây ô nhiễm. Một số bạn lên rừng thấy các loài cây và hoa quý, đẹp là lấy về, không biết giữ gìn vẻ đẹp vốn có của tự nhiên.
Đáng buồn hơn, anh Dũng cho biết một số bạn gặp vài điều không vừa ý, lên mạng xã hội review không tốt, làm ảnh hưởng đến những đơn vị làm ăn khác. "Ngành du lịch tại Măng Đen còn mới và khá khó khăn nên dịch vụ chưa được như các nơi khác. Nhưng chính vì vậy mà giữ được những nét đẹp tự nhiên, cũng như con người hòa đồng, thân thiện", anh Dũng lý giải.
Theo anh Dũng, du lịch trách nhiệm là điều vô cùng quan trọng. Một số địa phương làm du lịch tận thu và không coi trọng thiên nhiên, gây ra hậu quả lớn khó khắc phục. Nếu không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động hỗ trợ địa phương, người trẻ có thể giúp quảng bá địa điểm ăn uống, giải trí, những hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường… cũng là những cách mang đến tinh thần trách nhiệm khi đặt chân đến những vùng đất để du lịch.
Xem thêm: Việt Nam có 3 đại diện lọt top di sản UNESCO ấn tượng nhất Đông Nam Á
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận