Đời tàn nhưng không phế của người phụ nữ đi bằng 2 tay: Quyết học nghề bánh tráng để mưu sinh
Trong tâm trí của bà Trần Thị Hoa xưa nay chưa bao giờ có khái niệm "đầu hàng số phận". Tuy liệt hai chân nhưng bà vẫn quyết tâm học nghề tráng bánh để mưu sinh, không biến mình thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Cuộc đời phi thường của người phụ nữ đi bằng 2 tay
Bà Trần Thị Hoa (59 tuổi, trú tại thôn Lĩnh Thành, xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Khi vừa lọt lòng đã không lành lặn, sức khỏe yếu ớt, đôi chân dị tật, co quắp. Mặc dù được gia đình đưa đi nhiều bệnh viện chữa trị nhưng không có kết quả.
Với nghị lực phi thường, vượt lên số phận, bà đã quyết tâm học nghề tráng bánh đa, kiếm thu nhập để không gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ấn tượng đầu tiên về bà Trần Thị Hoa đó là một người nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ. "Tôi bị dị tật bẩm sinh ngay từ trong bụng mẹ. Thời đó không có siêu âm như bây giờ nên bố mẹ không biết tôi bị dị tật nên tôi được sinh ra, giữ lại nuôi.
Lên 3 tuổi, tôi bắt đầu cảm nhận được mình khác biệt, thiệt thòi so với bạn bè, tôi rất buồn và tủi thân. Tôi đã khóc rất nhiều, nhưng được sự động viên bố mẹ, người thân, tôi đã dần lấy lại tự tin, yêu đời hơn".
Bà Hoa chia sẻ thêm: "Lên 6 tuổi, bạn bè được cắp sách tới trường còn tôi thì không. Tôi ngậm ngùi ở nhà, nhiều lúc tôi muốn tìm đến cái chết để bớt gánh nặng cho gia đình. Bố mẹ cần mẫn luyện cho tôi từng con chữ, dần tôi cũng biết đọc, biết viết".
Vì sinh ra trong gia đình đông con, nghèo khó nên bà Hoa luôn ý thức được sự khó khăn, vất vả của gia đình. Thương bố mẹ và các em nên từ nhỏ bà Hoa đã tự lập làm những công việc cá nhân như: Mặc quần áo, đánh răng rửa mặt... Sau này, bà tập làm những công việc trong gia đình để cha mẹ có thời gian nghri ngơi khi đi làm về mệt.
Tuy tàn nhưng không phế
"Làm những công việc trong gia đình đối với mọi người rất dễ, nhưng với tôi không hề đơn giản. Mới đầu tập luyện đi bằng 2 tay, thường xuyên bị ngã gây thương tích. Nhiều lúc thấy đau, muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến bố mẹ đã hy sinh vì con, tôi lại tiếp tục cố gắng", bà Hoa tâm sự.
Chia sẻ về công việc làm bánh đa của mình, bà Hoa kể, trước đây gia đình có nghề làm bánh đa truyền thống. Bà thường phụ giúp bố mẹ làm bánh, công việc này đã gắn bó hơn 40 năm nay. Nhờ có nghề làm bánh mà bà có thể mưu sinh mà không phải dựa dẫm vào gia đình quá nhiều.
Cũng theo bà Hoa, làm bánh đa là công việc vất vả, phải dậy sớm từ lúc 3h sáng để xay bột. Sau đó, đun nước tráng bánh, phơi khô và cuối cùng là nướng bánh. Nướng bánh xong vào buổi chiều cũng là lúc bà đi giao bánh cho khách hàng.
Trước đây, do di chuyển khó khăn nên bánh làm ra chỉ bán trong xóm và chỉ một số khách tìm đến tận nhà đặt mua. Biết được khó khăn của bà Hoa, các mạnh thường quân cùng nhau ủng hộ chiếc xe lăn điện. Từ đó, bà Hoa có xe để chở bánh tới các xã xa hơn như: Xuân An, Xuân Giang...
Mỗi ngày, bà Hoa làm được khoảng 150 chiếc bánh đa, bánh được bà nhập sỉ tại các cửa hàng, quán tạp hóa với giá 3.500 - 4.000 đồng/chiếc và bán lẻ cho người dân với giá 4.000 - 5.000đồng/chiếc. Trừ chi phí, mỗi ngày bà Hoa kiếm được từ 70.00-100.000đồng.
"Bà Trần Thị Hoa bị liệt bẩm sinh, nhưng không vì thế mà bà đầu hàng số phận, ngoài tự làm những việc cá nhân bà còn tráng bánh đa. Bánh đa bà Hoa thơm ngon nên được nhiều người mua ủng hộ. Bên cạnh đó bà Hoa cũng là người năng nổ, tham gia tích cực các hoạt động của địa phương. Bà Hoa là tấm gương sáng về nghị lực phi thường vượt lên trên số phận", bà Nguyễn Thùy Dung - Bí thư Đảng ủy xã Đan Trường chia sẻ.
(Theo Dân Việt)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận